Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2020

VỀ QUÊ ĐỂ THẤY MÙA XUÂN RÕ NHẤT



          Tết Việt, về đâu chơi là thích nhất?

          Không ít người đặt ra câu hỏi ấy. Ngày xưa thì chỉ một cách trả lời duy nhất: Về quê.

          Giờ, thay đổi nhiều, nhiều người đặt kế hoạch ra nước ngoài, nhưng tuyệt đại bộ phận, vâng, tôi tin chắc thế, vẫn là tuyệt đại bộ phận, khẳng định là, tiếp tục về quê.

          Quê, ngày thường có thể thế này thế kia, có thể lam lũ lạc hậu, có thể nhếch nhác thiếu tiện nghi... dù giờ thay đổi nhiều lắm rồi, có sự thay đổi tích cực và cả thay đổi tiêu cực, thì tết về, nó vẫn là một bức tranh đầy màu sắc, không ở đâu có được. Bức tranh cả vật chất và tinh thần, cả tâm hồn và thực thể, cả hương cả vị cả thế cả tâm... 

          Xin nói ngay điều này, chưa bao giờ mà khoảng cách giữa nông thôn và thành thị lại gần như bây giờ, gần đến như khắng khít. Cư dân thành phố thì cố tạo ra những không gian nông thôn ngay tại nơi mình tồn tại hàng ngày dù đầy bê tông kính thép, ngoài việc cố tạo ra các công viên, sông hồ, cây cối... thì người ta còn nuôi gà, chó, chim, lợn... ở ngay nơi mình sinh sống. Còn nông thôn, tất nhiên là ngược lại. Nhà cao tầng mọc lên, đường làng bê tông hoặc nhựa, máy lạnh bếp ga, tủ lạnh quạt trần... với tiện nghi hiện đại, thậm chí có những phân khúc còn hiện đại hơn ở thành phố.

          Ngày xưa thời tôi còn nhỏ, thì cái khoảng cách này nó lớn vô cùng. Trẻ con nông thôn suốt ngày ru rú sau lũy tre, món giải trí là bóng bưởi, bóng vải thậm chí là bóng đái lợn. Trò chơi thì trốn tìm, thả diều, bơi lội và... đánh nhau. Thi thoảng được lên phố thì nhìn phát phân biệt ra ngay. Trẻ con thành phố chưa sướng như bây giờ nhưng cũng đã hơn hẳn trẻ con nông thôn nhiều thứ. Khoảng cách giàu nghèo thời này chưa rộng như bây giờ nhưng khoảng cách nông thôn thành thị thì cũng cực lớn. Giờ ngược lại, khoảng cách giàu nghèo cực lớn nhưng khoảng cách nông thôn thành thịc hầu như rất nhỏ, nhiều nơi gần như không phân biệt, trừ một việc, nông thôn ngày một vắng người, phố phường ngày một đông. Đến mức, có vẻ như, nông thôn chỉ còn người già và con nít, vắng lặng đến ái ngại.

          Một nông thôn xa vắng, lạnh lẽo và cô đơn đang hiện hữu.

          Trong khi, nói đến Việt Nam, đến văn hóa Việt, là ta hình dung ra một nền văn hóa gắn với nông thôn, sinh ra từ nông thôn, bền vững với nông thôn, chắt lọc và tinh túy, tinh hoa và sang trọng. Sang trọng dân dã và sang trọng thăng hoa.

          Về hưu, tôi được tham gia vài dự án du lịch. Và việc của chúng tôi là, xây dựng và khôi phục một cách nguyên bản nhất, hợp lý nhất... những gì thuộc văn hóa Việt. Mà như đã nói, văn hóa Việt chính là văn hóa nông thôn, một nông thôn ngàn đời của nước Việt. Tham gia giảng dạy mấy khóa bồi dưỡng hướng dẫn viên cho một khu du lịch nổi tiếng dù mình... chả biết gì du lịch, học trò toàn loại có sạn trong đầu về du lịch. Nhưng chúng lại cần mình, chúng bảo, nhờ thầy chúng em biết thêm, du lịch không chỉ là... du lịch. Cái gốc của nó là văn hóa. Ăn cũng là văn hóa, ngủ, mặc, tắm, đi lại, xỉa răng, húp canh, gắp miếng thịt, ngắt cọng hành, bẻ quả ớt... cũng là văn hóa. Tứ khoái là văn hóa, và tất nhiên nó thay đổi theo... thời điểm. Chỉ nguyên việc "nhất quận công" thì yếu tố thời gian, vùng miền, điểm rơi, địa thế, tài chính... cũng can thiệp vào rất nhiều, chỉ để làm một cái việc là, khoan khoái mỗi buổi sáng (cũng chả hiểu sao đa phần người ta lại làm việc này vào buổi sáng).

Và tôi nhận ra, nông thôn không chỉ là trăng sao, là cây đa bến nước, là cỏ may rơm rạ, mà còn một nông thôn khác, dữ dội, khốc liệt, vừa bần cùng vừa khai sáng, vừa hồn nhiên vừa đo đắn...

          Giờ tôi đang sống ở Tây Nguyên, đã gắn bó với nó hơn nửa đời người, coi nó như quê hương thứ 2 của mình, thậm chí còn hơn thế nữa, vì có tờ báo đã gán cho tôi cái tên "Hùng Tây Nguyên" để cái tên ấy giữ một chuyên mục.

"Làng" Tây Nguyên là một khái niệm mới, chứ Tây Nguyên chỉ có Buôn- vùng Ê Đê, Mơ Nông- Pơ Lây, Pơ lơi- vùng Barnah, Jrai… Giờ người ta xây dựng “làng văn hóa” khiến cho tất cả cứ na ná nhau, nếu không tinh rất khó để phân biệt. Mỗi khi về làng, tôi cứ ngơ ngác nhìn, những ngọn đồi trơ trọi, những cánh rừng nham nhở cháy, những người dân đeo gùi lẳng lặng đi hàng một, nhẫn nại và cam chịu. Và những chiếc xe máy chở đủ thứ hàng hóa, những cái chợ lưu động chất ngất nghểu đủ thứ trong khả năng có thể, xe thì một người, xe thì hai, chủ yếu là phụ nữ người Kinh, phóng trong cuồn cuộn bụi đỏ. Đích họ đến là những buôn làng tít trong núi xa kia…

          Ngày xưa làng Tây Nguyên đẹp lắm. Bao giờ cũng ở rìa các con suối, có các “giọt” nước dẫn về làng, và làng thì chênh vênh trên đồi, giữa làng là nhà rông cao vút như lưỡi rìu ngược lên trời, xung quanh là nhà sàn như đàn gà con xúm xít quanh gà mẹ. Rẫy ở xa làng, trong rẫy cũng có nhà để người đi làm rẫy nghỉ lại, có khi cả tuần mới về. Thông thường là sáng đi tối về.

Làng ở Tây Nguyên bây giờ chủ yếu đã được ngang bằng sổ thẳng, gần như của người Kinh. Vệ sinh hơn, sạch sẽ hơn, nhưng vẫn cứ thấy thiếu thiếu 1 thứ gì.

Té ra nó là hơi thở làng.

Nhà rông xây bằng bê tông lợp tôn chói lòa, nhà mồ cũng thế, các ngôi làng được dịch chuyển theo quy hoạch, không còn bám theo các triền suối, đặc biệt là đất đai bị thu hẹp, người dân phải đi làm thuê ngay trên đất của mình. Công cuộc… phá rừng giàu đã xong, giờ chuyển sang rừng nghèo bằng cách trồng cao su lên đấy. Nhưng không phải giao cho dân mà giao cho các doanh nghiệp. Người dân bị dồn dần vào núi xa.

 Tưởng Tây Nguyên thì đất mênh mông, té ra không phải thế. Bình quân đất trên dân của Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung khá lớn nhưng phân bố không hợp lý. Đất bây giờ về cơ bản nằm trong sự quản lý của các nông lâm trường quốc doanh, và gần đây là các đại gia trong “chiến dịch” biến rừng nghèo thành đất trồng cao su. Không gian sinh tồn của dân ngày càng bị thu hẹp, họ phải đi làm thuê dưới nhiều hình thức.

Lại kể chuyện, ở Đảo văn hóa dân gian thuộc Vinpearl Nam Hội An, khi xây dựng không gian văn hóa Bắc Trung Nam, lúc làm cái ao và giếng Bắc bộ, chúng tôi đã phải cố hết sức để làm cái giếng làng nó khác cái giếng nhà, cái ao nó ra cái ao Bắc bộ ra sao dù hết sức vất vả vì vùng này toàn cát, đào ao xong thì lấy bạt trải, rồi dùng bê tông đè bạt xuống bơm nước vào. Thế mà trên ấy cũng có bè rau muống, xung quanh có khoai nước, có cầu ao cá đớp vân vân...

                     Cái nguy nhất là chúng ta ngồi... tưởng tượng ra nông thôn, rồi bắt nó phải thế, phục vụ cho ý muốn chủ quan của chúng ta...

          Nhưng làng ấy, nông thôn ấy, vẫn là chốn đi về cho chúng ta mỗi khi cần chùng lòng mình xuống. Và tết, đi đâu nữa nếu không về làng, dẫu là làng Việt hay làng Tây Nguyên. Và dẫu làng Tây Nguyên không ăn tết nguyên đán như người Kinh, thì mùa này, xuân vẫn tưng bừng trên những ngôi làng miền cao ấy. Nó mời gọi, nó chở che, nó thao thức và cả những quẫy đạp.

          Riêng tôi, muốn lượn một vòng ra xứ Bắc. Ở đây, tôi thấy mùa xuân rõ nhất...

Bài đăng báo Sức khỏe Đời sống số tết Canh Tý 2020
         


                                                                                                                                                                                               

Không có nhận xét nào: