Thứ Năm, 7 tháng 2, 2019

TÂY SƠN THƯỢNG ĐẠO, MỘT THUỞ DẤY BINH



           Tôi mới đọc lại một số tài liệu về cuộc khởi nghĩa Tây Sơn nổi tiếng thuở nào, với rất nhiều lời ngợi ca tài quân sự của vua Quang Trung Nguyễn Huệ, thậm chí có ý kiến của học giả còn so sánh Nguyễn Huệ với... Napoleol, và nghe không phải không có lý, bởi trên thế giới hiếm có ông tướng nào đánh đâu thắng đấy, thắng như chẻ tre thế, đa phần là tiến nhanh đánh nhanh, đánh mà chưa hiểu rõ địch, đánh trong thế hành tiến quân mỏi tướng mệt, phải 3 người một cáng, phải “phát minh” ra món bánh tráng để làm lương khô vừa đi vừa ăn trên đường...

           Nhưng tôi lại cũng chú ý đến phần đầu của cuộc khởi nghĩa ấy, cái thuở 3 anh em nhà Tây Sơn, hồi này còn gắn bó, còn nhất cử nhất động theo lời anh cả Nguyễn Nhạc, từ vùng Tây Sơn hạ đạo, lên An Khê lập “chiến khu” dấy binh khởi nghĩa.

           Mới đây nhất, năm ngoái, các nhà khảo cổ Nga đã phát hiện ra một việc chấn động giới khảo cổ quốc tế, ấy là tìm ra ở di chỉ Rộc Tưng, An Khê dấu tích sinh sống của người tối cổ, có niên đại chừng hơn 80 vạn năm, và lập tức nơi đây trở thành nơi xuất hiện sớm nhất dấu tích loài người chứ không phải mấy di chỉ khác như Đông Sơn, Núi Đọ, Sa Huỳnh, và giới khảo cổ quốc tế cũng đã phải “vẽ lại” bản đồ xuất hiện loài người, nó không phải là còn xa tít mù tắp ở đâu nữa, mà ở ngay lưu vực sông Ba, An Khê, Việt Nam.

           Vấn đề là, anh em nhà Nguyễn Nhạc cũng chọn xứ này dấy binh.

           Phải chăng, bằng thiên nhãn của mình, họ cũng như những người tối cổ kia, phát hiện ra An Khê là địa linh, 80 vạn năm trước, cụ kị cu ki của chúng ta chọn đây là nơi sinh sống, và giờ, Tây Sơn tam kiệt chọn đây để luyện quân, mở đầu cuộc khởi nghĩa.

           Thời ấy giao thông chưa có, từ đồng bằng nhìn lên, Trường Sơn bí ẩn trầm mặc với mịt mù những điều chưa ai biết. Thế mà, Nguyễn Nhạc, với tư thế người buôn trầu, đã len hỏi hàng năm trời, nhích từng bước một, để lên tới An Khê. Không chỉ lên tới, mà còn phải bắt bạn với những người dân ở đây, toàn bộ là người Bahnar, trở thành người nhà của họ, rồi dẫn các em mình lên, lập nên vùng chiến khu rộng lớn và hiểm trở, chiêu mộ binh lính, tích lũy lương thực vũ khí, qua mặt chính quyền.

           Nguyễn Nhạc chính là linh hồn của thời kỳ đầu này.

           Sau này người ta gọi đây là cuộc khởi nghĩa nông dân, nhưng thực ra, anh em nhà Nguyễn Nhạc không hẳn là... nông dân.

           Ông Nguyễn Nhạc là nhà kinh doanh, được gọi là ông Hai trầu vì ông làm nghề buôn trầu. Ngoài ra ông còn được chính quyền “tin tưởng” giao giữ thuế, tức là người biết tính toán, biết các con số. Có thông tin là ông còn dùng toàn bộ tiền thuế này chi cho cuộc khởi nghĩa cho đến khi bị phát hiện thì công khai nổi dậy. Nguyễn Lữ là một tăng lữ, thuộc giới có chữ, còn Nguyễn Huệ không nghe nói học gì, nhưng có nhà nghiên cứu cho rằng, với những gì thuộc về văn bản ông để lại cho đến giờ, thì những lập luận của ông vừa sâu sắc vừa vững bền vừa hợp lý, chặt chẽ hơn nhiều... cán bộ ta đầy chữ bây giờ.

           Ông Nguyễn Nhạc đã làm được việc rất lớn mà giờ chúng ta đang cố sức làm là đoàn kết kinh thượng. Ông làm được, rất nhuần nhuyễn, biến cả vùng này thành đất thành vùng của ông, mà việc đầu tiên là ông cưới Yă (bà) Đố, một người phụ nữ Bahnar rất giỏi việc quân lương. Bà này sau đấy vừa chỉ huy luyện voi (là nghe đồn thế chứ hiện nay vẫn chưa tìm ra bãi luyện voi ở An Khê nếu như đúng nơi đây từng là chiến khu của... voi, bởi nếu từng có bãi luyện voi hàng trăm con thì chí ít ngoài cái bãi ấy còn phải có những di tích xương voi chẳng hạn, nhưng đội quân voi trong đội hình chiến đấu của quân Tây Sơn là có thật). Ngoài việc xả thân với họ, anh em cật ruột thật sự với họ, chia ngọt sẻ bùi với họ... Nguyễn Nhạc còn “sáng tác” ra nhiều giai thoại để người dân ở đây hiểu rằng, ông được Yàng cử xuống cùng với họ khởi nghĩa, và rằng là, ông với họ là anh em một nhà, mà anh em thì phải sống chết với nhau. Viết đến đây lại nhớ chi tiết khởi nghĩa Lam Sơn có những cái lá được bôi mật để kiến ăn thành chữ “Lê Lợi vi quân...” khiến dân tình cứ thế nườm nượp theo khởi nghĩa.

           Giờ ở An Khê, tức di tích lịch sử Tây Sơn thượng đạo (ứng với Tây Sơn hạ đạo là nơi phát tích của 3 anh em nhà Tây Sơn, dù gốc nhà này là họ Hồ Nghệ An), vẫn còn những địa danh mang tên riêng gắn với họ như đồng cô Hầu (hầu, có thể là cách gọi người xưa với vợ không chính thất, cách đây hơn chục năm vẫn còn có nơi gọi vợ sau là hầu), như núi ông Nhạc, ông Bình (tên thật của Nguyễn Huệ).

           Và An Khê Tây Sơn thượng đạo không chỉ thế.

           Nó nguyên thủy là một cái làng nằm giữa 2 con đèo An Khê và Mang. Những người Kinh đầu tiên lên đây có thể là anh em Nguyễn Nhạc, rồi đến những người Kinh theo 3 anh em nhà này, cứ thế họ lập làng sinh sống, và cuộc hòa huyết hôn nhân đầu tiên giữa Kinh và Bahnar có thể là giữa Nguyễn Nhạc và Yă Đố. Nhưng không chỉ người Kinh, len lỏi âm thầm giữa rừng già thâm u thuở ấy còn những người Chăm xứ Chà Bàn Bình Định, ngược sang Camphuchia (hay là Campuchia ngược lại?). Giờ người ta đang lần lượt phát hiện những dấu tích Chăm trên con đường bí ẩn một thời này. Ấy là những tháp Chăm, dấu tích Chăm ở Đăk Pơ, Ayun Pa, ở nhiều nơi nữa. Nó chính là dấu tích của con đường Chăm ngày xưa, ngay bên Natarakiri cũng có tháp Chăm, và con đường này kéo tới các Ang Ko bên Camphuchia, hành trình Chăm là như thế. Và các nhà nghiên cứu cho rằng, như vậy, An Khê không phải là vùng đất nghèo, mà nó từng giàu, rất giàu. Có giàu mới có người lên buôn (ông Nguyễn Nhạc lên buôn trầu) và rồi từ đấy chọn làm đất dấy binh. Có giàu thì người Chăm, trong hành trình di chuyển của mình, mới dừng lại xây tháp xây đền. Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, bao giờ bên cạnh trung tâm tôn giáo cũng là trung tâm kinh tế. Từng là trung tâm tôn giáo của người Chăm thì đồng nghĩa nó cũng là trung tâm kinh tế.

           Ơ thế thì An Khê đúng là địa linh, để những nhân kiệt khắp nơi đổ về, mà những nhân kiệt nhất chính là các cụ người tối cổ của chúng tư từng tề tựu ở đây 80 vạn năm trước, rồi đến Tây Sơn tam kiệt, rồi những người Chăm vô danh giờ hữu danh từ những nền phế tháp.

          

            Và trong những “nhân kiệt” ấy ta thấy rõ thêm cái tài của ông vua trầu Nguyễn Nhạc. Chính ông là người đầu tiên của thế hệ người Kinh sau này phát hiện ra vùng đất An Khê, là người có công lớn nhất biến nơi đây thành căn cứ địa, thành chiến khu những ngày đầu dấy binh, là người đặt nền móng cho mối quan hệ Kinh Thượng khắng khít, để rồi sau đấy trong lịch sử nước Nam xuất hiện một thiên tài Quang Trung Nguyễn Huệ, một vị tướng chỉ huy trận nào thắng trận ấy, một vị vua có nhiều cải cách dù mất rất sớm nhưng vẫn lẫy lừng trong sử Việt ở cả tài trị nước và tài thu phục nhân tâm...


              (Báo Quân đội Nhân dân cuối tuần số Tết Kỷ hợi, khi in "được" đổi tít và cắt một ít, bản full ở đây) 


                                                                 

1 nhận xét:

Unknown nói...

Bài viết này rất hay song có hai y . Một là, có địa danh dân sinh sống ở Tủ Thủy gọi là bầu Bà Lâm bầu Voi nằm cách cánh đồng cô hầu_ vườn mít về phía đông bắc chừng vài km. Nên chăn phân tích việc Nguyễn Nhạc cưới hỏi vợ là bà gia Đố trong văn hóa mẫu hệ của người ba na và Nguyễn Nhạc là một người trai thời phong kiến thì phải cưới vợ môn đăng hộ đối chứ sao lại i cưới vợ là người ba na... người bình thường không làm được. Từ đó kết luận Nguyễn Nhạc là một nhà chính trị lớn. Có cơ sở vì Nguyễn Nhạc là con cháu chính tông của Hồ Quý Ly người được sử ghi danh.