Thứ Ba, 5 tháng 2, 2019

NHỮNG CON ĐƯỜNG, NHỮNG CHUYẾN ĐI...



           Chuyến xuống làng đầu tiên của tôi khi lên Tây Nguyên công tác là chuyến về làng Kông Hoa.

           Hồi ấy nó tên là làng S’tơr, xã Nam, thuộc huyện An Khê, giờ là xã Tơ Tung huyện Kbang.

           Và tôi chứng kiến một người chết vì đòi lẽ công bằng. Ấy là hôm ấy làng săn được con lợn rừng. Phong tục của người Tây Nguyên là chia đều cho tất cả, mọi phần bằng nhau, khách cũng có phần. Anh này, nhà ở rìa suối, khi nhận phần thịt về, cảm thấy phần của mình ít hơn của mọi người. Chả nói chả rằng, anh ra suối treo cổ. Lần đầu tiên thấy người treo cổ đã đành, nhưng khi nghe giải thích lý do anh này chết thì tôi lại càng kinh ngạc hơn nữa. Té ra với người Tây Nguyên, lòng tự trọng và cái lẽ công bằng nó được đề cao đến thế, người ta có thể đánh đổi bằng chính mạng sống của mình để bảo vệ danh dự, lòng tự trọng mà người ta cho rằng bị coi thường, chứ nhiều khi chỉ là do ngẫu nhiên, chia thịt bằng tay và bằng ước lượng, thì cái sự không đều nhau cũng là điều dễ hiểu.

           Sau này, ở Tây Nguyên nhiều người tự tử tới mức phải báo động. Ban tuyên giáo Gia Lai phải có hẳn một đề tài nghiên cứu về nạn tự tử ở các buôn làng, nhất là trong thanh niên. Lý do có nhiều, nhưng cũng loanh quanh ở phạm vi thấy mình thiệt thòi, bị xúc phạm, bị coi thường vân vân...

           Giờ cái ngôi làng Kông Hoa một thời ấy nó như thị trấn. Người ta đã phục dựng một ngôi làng S’tơr thời ông Núp “bắn Pháp chảy máu”, nhưng có vẻ không giống lắm và khách cũng ít ghé.

           Cái buổi chiều xã Nam ấy ám ảnh tôi tới tận bây giờ.

           Còn chuyến đi biên giới đầu tiên của tôi là lên đồn biên phòng Đăk Glây.

           Bây giờ, phóng xe một hơi chừng 3 tiếng là tới, hồi ấy, tôi đi mất 3 ngày.

           Từ Pleiku lên Kon Tum, bắt xe đi Đăk Tô. Từ Đăk Tôi bắt tiếp xe Zin 3 cầu lên Đăk Lây. Và từ thị trấn Đăk Glây thì đi bộ vào đồn.

           Đôi dép Sapo “đặc sản” thời ấy phải ngoắc vào khúc cây tòòn teng trên vai, tôi và một anh bạn xuất phát lúc 6 giờ sáng, cứ hun hút trong rừng, nhiều đoạn thằng sau đội đít thằng trước, nhiều đoạn bám rễ cây đu như khỉ. Gần trưa thì từ đỉnh núi thấy hiện ra một thung lũng, giữa thung lũng có 3 cái nhà. Anh bạn, nguyên là dân biên phòng, hú mấy hồi dài. Hai bóng áo trắng lao từ trong nhà ra, vẫy tay hú hét ỉnh ỏi. Cũng phải tiếng đồng hồ sau chúng tôi mới tới mấy ngôi nhà ấy. Té ra nó là một điểm trường. Có 2 cô giáo ở đấy, chỉ 2 cô với mấy gian lớp, không có dân. Khỏi phải nói các cô mừng đến thế nào, và chúng tôi cũng mừng. Cơm trưa dọn ra. Cơm, rau bí luộc và muối ớt. Hỏi mới biết, 2 cô quê ở Thanh Hóa và Nghệ An, vào dạy ở đây. Có một thầy nữa, nhưng thầy ở điểm trường cách đấy chừng... 5 tiếng đi bộ nữa. Điểm trường này của 3 làng, làng gần nhất đi bộ mất một tiếng, xa là hơn 2 tiếng. Hỏi sao không làm điểm trường ở một làng nào đấy, được giải thích là, như thế thì các làng khác sẽ không tới học. Đặt ở đây thì cả 3 làng mới cho con đi học. Biết thêm một cách ứng xử nữa của người Tây Nguyên. Sau này “công cuộc” nhà rông văn hóa của nhà nước tốn rất nhiều tiền  của nhưng thất bại là bởi không hiểu tập tính này. Người Tây Nguyên chỉ lấy làng làm đơn vị tính. Mỗi làng có một cái nhà rông (tất nhiên trừ những dân tộc không có hoặc có nhưng đã mất, nhà rông), tức nhà rông chỉ có ở làng, do dân làng làm, nhưng nhà rông văn hóa thời ấy toàn làm ở xã, lấy xã làm đơn vị tính. Mà xã thì nhiều làng. Thế là nhà rông để không. Chưa ai tính có bao nhiêu cái nhà rông văn hóa bị bỏ không như thế, nhưng tôi biết là rất nhiều. Các cô giáo mời chúng tôi ở lại, mai hẵng vào đồn, nhưng vì đã có hẹn trước, tối ấy, dù là sinh viên mới ra trường, nhưng tôi đã rất liều mạng nhận lời nói chuyện về Truyện Kiều cho anh em đồn biên phòng, thay vì sinh hoạt đoàn, nên không thể ở lại dù cũng... quyến luyến. Khi trở ra, đúng ngày 20/11, chúng tôi đã hái một bó hoa rừng dọc đường tặng các cô giáo, và các cô đã khóc. Lại cũng như lúc vào, một bữa cơm trưa ấm cúng rồi chia tay. Các cô kể, tháng đôi lần được đón khách người Kinh là bộ đội biên phòng đi công tác ghé qua, và chúng tôi là hãn hữu. Sau này ám ảnh, tôi có viết lại chuyện này, một tờ báo nhờ tôi tổ chức một cuộc về lại ngôi trường ấy, với điều kiện tìm lại được các cô giáo ngày ấy, có nhà tài trợ muốn tặng quà cho các cô và trường. Tôi có nhờ một số bạn bè là nhà báo và giáo viên ở Kon Tum tìm giúp mà rồi không nhận được hồi âm.

           Hôm qua, ngày cuối cùng của năm dương lịch 2018, tôi về Plei Bông (làng Bông).

           Đây là ngôi làng của họa sĩ Xu Man. Ông này người Bahnar, lớn lên ở làng này, từng 2 khóa liền là ủy viên ban chấp hành hội Mỹ thuật Việt Nam. Từng đi du kích, bộ đội rồi ra Hà Nội học vẽ, năm 74 trở lại quê đánh nhau rồi sau 75 lại ra Hà Nội học tiếp ở Đại học Mỹ Thuật, từng  ở Hà Nội, Pleiku, sang cả Nga... nhưng về hưu là về làng ở, dù nhà nước bảo làm cho ông cái nhà ở phố. Ông về thì... nhà nước về theo, chở đồ về làm cho ông cái nhà xây, tưởng như thế là ông vui, là bày tỏ sự quan tâm đối với ông. Té ra ông vẫn làm ngôi nhà sàn phía sau và ở đấy với vợ con. Ngôi nhà xây kia khóa lại làm kho và thi thoảng có khách phố về thăm thì ở. Mà khách của ông thì đông thật. Học trò có, họa sĩ khắp nơi về thực tế để vẽ có, văn nhân tài tử có. Ngôi làng ông rất đẹp. Có cái nhà rông truyền thống của làng, có giọt nước dưới gốc đa cổ thụ, có khu nhà mồ...

           Nhà mồ Tây Nguyên nó không chỉ là... nhà mồ, mà nó là một phức hợp các công trình nghệ thuật. Người Tây Nguyên không thờ cúng ông bà tổ tiên lâu dài như người Kinh, mà sau khi chết được một thời gian nhất định, cũng thường là hai đến ba năm, thì họ bỏ mả. Sau khi bỏ mả thì giữa người sống và người chết chấm dứt mọi quan hệ. Có người cho rằng, nguyên nhân là bởi người Tây Nguyên sống du cư. Để có lễ bỏ mả thì một trong những yêu cầu bắt buộc là phải có nhà mả và tượng mồ. Đấy là những công trình chỉ làm cho ngày bỏ mả, làm xong là bỏ, vĩnh viễn bỏ. Nhưng đến giờ thì người ta phát hiện, đấy chính là những công trình nghệ thuật tuyệt vời. Những cái tượng nhà mồ được đẽo từ gỗ nguyên cây, chỉ bằng con dao rựa và cái rìu mà nó lên hết hồn hết cốt Tây Nguyên, mà nó dồn chứa tháng năm, dồn chứa tình cảm, dồn chứa dằng dặc kiếp người, nó chính là Tây Nguyên, là tài hoa là độc đáo...

           Vậy nên ai về làng Tây Nguyên cũng tìm ra nhà mồ, xem, ngắm, nghiên cứu, sáng tác... tùy “khẩu vị” từng người.

           Ngôi làng của ông Xu Man, Plei Bông ấy cũng từng có một khu nhà mồ đẹp như thế. Nhưng lần này tôi về, toàn bộ khu này đã... lợp tôn, xây xi măng, dù mái vẫn là mái nhà sàn, nhưng hoàn toàn biến mất hình bóng những bức tượng mồ. Nguyên nhân rất dễ giải thích thôi: Không còn gỗ để làm, và khi không được làm thì sẽ lụt nghề. Chả phải ngẫu nhiên mà các tỉnh Tây Nguyên đều mở các lớp dạy đánh chiêng, dạy dệt vải, đan lát, dạy làm tượng nhà mồ. Vấn đề là, gỗ ở đâu để làm tượng thì hình như người ta chưa nghĩ tới. Chưa nghĩ tới nhưng các khu nhà mồ đã và đang hoàn toàn vắng bóng tượng mồ...

           Người Tây Nguyên không ăn tết nguyên đán như người Kinh, họ có hệ thống lễ hội riêng của họ, mà bắt đầu hệ thống lễ hội ấy là chừng sau tết nguyên đán hai tháng. Đấy là mùa khô ở Tây Nguyên, mùa Ning Nơng, ăn năm uống tháng. Các lễ hội lớn nhất diễn ra ở mùa này. Những năm gần đây chính quyền cũng tìm cách tổ chức tết nguyên đán cho bà con bằng cách cấp cho mỗi làng một ít tiền để làng tổ chức một bữa ăn chung của cả làng đúng vào mùng một tết. Và bà con người Kinh ở trong làng cũng hay mời bà con Tây Nguyên vào nhà mình ăn tết. Ngược lại, những lễ hội của bà con thì người Kinh trong làng cũng được mời. Và chả cứ bà con trong làng, khách lang thang như chúng tôi ghé vào cũng được bà con coi như người trong cuộc. Tất nhiên giờ không còn ăn năm uống tháng nữa, mà đã gọn nhẹ đi nhiều. Nhiều lý do, trong đó có sự vận động của nhà nước, còn thêm là điều kiện ngày càng khó khăn. Như chơi chiêng phải có không gian, nhưng không gian ấy giờ đang bị thu hẹp. Nhà rông cũng ngày càng ít, và tượng mồ, như đã nói, cũng đang vắng bóng...

           Tây Nguyên đang có rất nhiều biến đổi, trong đấy có những biến đổi hợp quy luật, nhưng cũng có những biến đổi bất chấp, do con người tạo ra. Tôi đã có 40 năm gắn bó với đất này, kịp thấy cả sự phát triển và mất đi nhiều điều...

Tây Nguyên, sau rất nhiều xáo trộn, do cả chủ quan và khách quan, đã khác khá nhiều. Có cái khác tích cực, có cái khác tiêu cực. Cái tích cực thì lại xa rời đời sống, cái tiêu cực nó cứ ám ngay vào, như một vòng luẩn quẩn. Người ta đã cố làm rất nhiều cho Tây Nguyên, có những chương trình rất lớn cho Tây Nguyên, nhưng có vẻ như, cái mà Tây Nguyên được hưởng lại chưa tương xứng với những gì bỏ ra. Một hệ thống thiết chế văn hóa với những nhà rông gọi là văn hóa khổng lồ đã bỏ không, mục nát rồi... biến mất như nó chưa từng có trên đời này. Các phong trào, như nhà trệt, như xóa khố, như dời làng, định cư, tái định cư... kể cả nông thôn mới bây giờ, nếu không cẩn thận cũng sẽ gây ra những hệ lụy rất lớn, khiến cho làng như phố, làng không bản sắc, không có hồn, những ngôi làng cơ học chứ không phập phồng thức mở với người dân, không ký ức, không tương lai, không mong không nhớ không muốn trở về, không neo trong đời còn người một điều gì hết thì đấy chỉ là chỗ trọ chứ không phải là làng.

Nhưng Tây Nguyên hôm nay vẫn đang chuẩn bị vào mùa lễ hội, như ngàn đời vẫn thế...



                                                              

Không có nhận xét nào: