Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2019

CHỢ TẾT CHÂU TỬ



           Tôi vừa được mời tham gia góp ý cho một mô hình nhà Bắc bộ ở một khu du lịch. Có nhà ba gian hai chái, có bể nước mưa, có bếp với cối xay cối giã thúng mủng giần sàng, có con đường nhỏ bên đầu hồi nhà dẫn ra ao, có cầu ao với những hòn đá tảng phẳng lì “Có rửa thì rửa chân tay/ Chớ rửa lông mày chết cá ao anh”... Tôi giờ sống ở Pleiku, lại quê Huế, nhưng người mời tôi tham gia đọc được cái nỗi khát khao, nỗi nhung nhớ, nỗi luôn muốn tìm về, nỗi rừng rực một đam mê ký ức. Ấy là một thời tôi sống ở miền Bắc, cái thời neo vào tôi những ký ức sâu đậm nhất, để làm nên tôi bây giờ, để từ cái vùng tưởng như thoảng qua ấy, tưởng như khoảnh khắc, tưởng như vô tình ấy, tôi làm nên hành trình đời mình, xâu lại thành một chuỗi, chuỗi... tôi.

           Là tôi đã reo lên khi trong cái khu Bắc bộ ấy có một con đê, với cái bến đò. Và hiển hiện trong tôi cái bờ đê đầy gió đầy sương mù của cái làng tôi từng sống thời... bé tí. Đê làng Châu Tử, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa.

           Đê sông Mã, tất nhiên. Cơ quan mẹ tôi là nhà máy Diêm Thanh Hóa sơ tán về làng Phú Điền, xã Châu Lộc. Làng trong núi, sơ tán phải vào núi đúng rồi. Vấn đề là, xuôi theo đê về phía Đò Lèn là làng Châu Tử, ở đấy có một cái chợ phiên.

           Chợ họp ngay ở bến đò. Thoải trên sườn đê. Một gốc gạo cô đơn lẻ loi ngay chỗ cột cái đò ngang. Dưới gốc gạo là một cái điếm canh đê. Nơi ấy hàng ngày những đoàn người đi đón củi ngồi chờ. Là dân ở mấy làng dưới, phía biển, cứ 3 giờ sáng là dậy từng đoàn qua sông như đi hội, sang phía núi bên kia lấy củi. Tầm 4 giờ chiều thì gánh về. Những người ở nhà đi đón củi, cứ đến bến đò chờ, bao giờ người nhà qua sông thì đón, đổi vai, người đi lấy củi trao gánh cho người đón, đi không về. Cô giáo tôi sau giờ dạy cũng ra bến đò đón củi ngay. Lúc này cô đã thay quần áo, không tinh ý không nhận ra cô.

           Bến đò ấy, mỗi năm có một phiên chợ tết.

           Hồi ấy, với tôi, chợ tết bến đò Châu Tử là nơi... đông nhất thế giới, nhộn nhịp nhất thế giới, vui nhất thế giới, xanh đỏ tím vàng nhất thế giới.

           Bao giờ trước tết thì lãnh đạo nhà máy (mẹ tôi là phó giám đốc) đều họp và mở lịch xem ngày chợ phiên. Ngày ấy thì nhà máy cũng mổ lợn. Năm nào mà chợ phiên rơi vào tầm từ 27 tới 29 tết và lại đúng chủ nhật là vui nhất. Thường thì mổ lợn, bếp cơ quan sẽ có một bữa tươi, tôi nhớ tươi tức là có những miếng thịt kho tàu to như nắm tay trẻ con, mấy lát lòng luộc mỏng như giấy pơ luya, cái chảo nước xuýt luộc thịt thả xu hào vào làm canh, còn lại mỗi nhà được chia một ít thịt lợn xâu lạt xách về.

           Còn thì nhà nào cũng phải đi chợ để chuẩn bị tết. Hầu như nhà ai cũng trông vào phiên chợ cuối năm, người để bán, người để mua. Đa phần là mang thứ này trong nhà, trong vườn đi bán, mua về thứ mình không có, chưa có.

           Tết hồi ấy chỉ nghỉ 3 ngày, là nói người nhà nước, nông thôn còn nghỉ ít hơn, chiều 30 có khi còn cấy ngoài đồng, sáng mùng 2 đã lại làm lễ... ra đồng.

           Mẹ tôi thường đèo tôi đi phiên chợ cuối năm này. Để trông xe, xe đạp hồi ấy là một gia tài.

           Và quan sát chợ tết của tôi chỉ từ cái chỗ mẹ... dựng xe.

           Chợ họp tràn từ mặt đê bên này tới mặt đê bên kia. Cái hợp tác xã mua bán cũng nghìn nghịt người. Dầu và nước mắm đong bằng cái gáo làm bằng cây nứa. Muối đong bằng bò. Quần áo trẻ con may sẵn súng sính thùng thình, đa phần áo là màu xanh sẫm hoặc trứng sáo, còn quần thì nhõn màu xanh. Đã có hướng dẫn, cỡ nào thì cắt ô bao nhiêu trong cái phiếu vải vật bất ly thân cùng với phiếu gạo, phiếu thực phẩm thời ấy. Thời ấy chọn mua quần áo trẻ con bao giờ cũng rộng hơn vài số, để có thế mặc vài năm, chứ chả như giờ chọn vừa khít mặc vài tháng chật là bỏ.

           Nhưng thú vị cứ phải là bên này đê, phía quay ra sông.

           Ở đấy là cả một thế giới quê.

           Rực rỡ nhất là hàng xén. Sau này tôi mới biết có “những cô hàng xén răng đen/ cười như mùa thu tỏa nắng”, chứ thời ấy ai bán hàng xén bị quy là... buôn gian bán lận, nên chỉ có mấy cụ lưng còng không làm hợp tác xã được nữa được phép bán trong sự... không hài lòng của chính quyền chứ các chị các cô đều phải vào hợp tác xã hết. Hàng xén là đại diện cho giai cấp... bóc lột. Nhưng những gì các cụ hàng xén bày ra trong tết thì nó rực rỡ vô cùng. Thì hàng xén mà, gương lược cặp tóc chun quần cúc áo kim chỉ, đặc biệt là chỉ màu phất phơ hết sức quyến rũ các cô thôn nữ. Các cô này thường là tranh thủ mang cái gì của nhà đi bán, rồi lấy tiền ấy mua đồ cá nhân cho mình.

           Đồ mang đi chợ tất nhiên toàn đồ quê, đồ trong vườn, trong ao trong nhà. Trừ các bà hàng xén mua đi bán lại, còn lại tất cả là đồ của nhà.

           Thời bao cấp ấy, chả cứ “người nhà nước” như nhà tôi có tiêu chuẩn tết, mà hầu như nông thôn nhà ai cũng có. Hai món làm nên tết là tát ao, ao của hợp tác, tất nhiên. Và mổ lợn. Lợn đụng. Sau khi làm nghĩa vụ thì các nhà có quyền đụng lợn. Đấy là nguyên liệu chính của tết, còn phụ gia là phải đi chợ.

           Và lá dong là món hầu hết nhà ai cũng phải mua, trừ những nhà gói lá chuối trong vườn hoặc lá dừa của hợp tác. Còn những nhà nền nếp, giữ thuần phong mỹ tục thì bao giờ những món bắt buộc phải mua để cho ra tết là lá dong và lạt giang. Hai thứ này quyết định thần thái của bánh chưng, dù quyết định làm nên sản phẩm bánh chưng cứ phải là cái rổ thịt lợn đụng kia. Bình thường người ta có thể gói bánh chưng nhân đậu không cần thịt, nhưng bánh chưng tết, cúng ông bà tổ tiên thì dứt khoát nhân bánh phải có thịt lợn. Và cái việc đụng lợn trở nên bắt buộc là vì thế.

           Trước tết đã có những gia đình cả nhà đi hái lá dong. Là vào núi, phía đi lấy củi ấy. Và cũng đa phần là những người hay đi lấy củi thì gần tết đi lấy lá dong về bán. Họ biết chỗ nào có lá dong, để dành đấy, đợi ngày vào lấy.

           Và chợ tết trên trời dưới lá dong là vì thế. Nhà ai cũng phải mua.

           Và thời ấy cũng rất nhiều những con gà trống thiến được mang ra chợ bán.

           Giờ thấy ít người xài món này, chứ thời ấy, tết là phải có con gà trống thiến. Tất nhiên có những nhà chuyên thiến gà nuôi bán tết, nhưng cũng có nhà nuôi một hai con để tết bán rồi mua thứ khác cho tết như kiểu trao đổi. Trẻ con cũng nuôi. Tôi nhớ đứa con trai bác chủ nhà tôi ở nuôi hai con, tự thiến, chết một con, còn một con tết nó bán mua được cái áo sơ mi màu xanh rộng như áo giờ người ta mặc chống nắng, nó mặc suốt. Gà trống thiến mà nuôi bán tết bé cũng phải ba cân, to đến bốn năm cân. Năm ấy mẹ tôi mua một con, sai tôi xách ngồi sau xe đạp. Bờ đê gió, lạnh cắt ruột. Mưa phùn lăn phăn trên nền trời xám xịt. Sóng sông Mã ùn lên. Mẹ cắm đầu đạp ngược gió, trên xe treo lủng lẳng đủ thứ lá dong xu hào gạo nếp, câu đối, tranh cá chép Đông Hồ... con ngồi sau loay hoay vừa ôm vừa xách chú gà trống thiến nặng lệch vai với phong pháo tép tí hin bỏ trong túi quần cứ sợ nó rơi hoặc bẹp mất, nhưng thương mẹ đạp xe nên không nói, cho đến lúc con gà... xổ ra chạy lệch phệch trên đê. Gà trống thiến nuôi nhốt béo ú nên không chạy nhanh được. Mẹ vất xe hai mẹ con đuổi. Con gà hướng về phía bụi tre, nó mà vào đấy là xong. Đúng lúc ấy một bác nông dân vác đòn càn xuất hiện, bác lia một nhát, con gà xụm xuống. Nó bị lia gãy chân. Mẹ tôi cám ơn bác rồi nhận lại con gà. Trói chân lại cẩn thận, mẹ không giao cho tôi ôm nữa mà lại chất tiếp nó lên cái ghi đông chĩu chịt đủ thứ trên ấy rồi. Vấn đề là, nó kêu rất to, tiếng kêu đầy đau đớn. Tôi biết nó đau, rất đau. Gãy chân rồi lại bị trói rất chặt, rồi lại treo lên ghi đông xe, cái đau gấp mấy lần. Ngồi sau xe tôi cứ thon thót thương con gà và... trách mình, sao lại để nó sổng để giờ nó chịu đau đớn. Và mẹ tôi nữa, cũng không thể khác. Cả tết đi sắm, có con gà là oách nhất, là xôm nhất. Bao dự định tết trông vào nó dẫu đã có thịt lợn cơ quan phân, nhưng cúng mùng một không thể không có gà, cũng hôm ấy các chú đồng hương Huế sẽ đến, mâm cơm đầu năm cũng không thể không có gà, nó mà xổng mất thì còn nhẽ nào, nên phải giữ nó thật cẩn thận là đúng, dù nó rất đau. Con gà thời ấy, nó không phải gà như bây giờ, nó là một phần của tết, mất nó không sắm lại được, không còn tiền để sắm lại, món nào món nấy tính hết cả rồi, khít khìn khịt rồi, mua gì sắm gì khoản nào chi vào đâu đã được lên kế hoạch chi li cả tháng trước đấy rồi...

           Tết ấy nhạt hẳn trong tôi vì tôi... thương con gà. Và tôi cũng nhạt hẳn đi vì nghĩ mình đã làm đau con gà...




                                                                                   

Không có nhận xét nào: