Thứ Hai, 21 tháng 9, 2015

TRƯỜNG LÀNG MỘT THUỞ


Các cô rất thật lòng, mời 2 anh ngủ lại, 2 anh một giường, 2 em một giường, để nói chuyện cho vui, cho có tiếng người. Sinh viên mới ra trường, trai tân, nhưng quả là, thề có đèn giời, lúc ấy tôi hoàn toàn không nghĩ gì, dẫu chỉ là thoáng qua, cái ý đen tối khi 2 gã trai ngủ lại ở một cái phòng tranh tre nứa lá giữa rừng già Ngok Linh  trắng sương lạnh buốt kia với 2 cô gái, chỉ thấy ái ngại và thương các cô...
--------------



          Chúng tôi đăng bài báo này của tác giả Văn Công Hùng (Trong mạch Thầy làng, trường làng và trò làng) với sự áy náy là tác giả bài báo, dù sống ở Tây Nguyên và đã đặt chân đến rất nhiều buôn làng, song từ sau cái câu chuyện mà anh kể dưới đây thì anh đã chưa có dịp trở lại. Vì thế, rất mong các thầy cô giáo, các bạn đọc ở Kon Tum, đặc biệt là ở Đăck Glei, ai từng biết và còn nhớ ngôi trường này, ai biết manh mối về 2 cô giáo ở đây, hãy thông báo cho chúng tôi. Bằng tất cả ký ức vừa đẹp, buồn và xa xót ấy, chúng tôi sẽ cố gắng tổ chức một chuyến về thăm lại ngôi trường ngày xưa, có một hành động gì đấy với ngôi trường, nơi mà, chắc chắn từ đấy đã có rất nhiều thế hệ học sinh trưởng thành, nơi rất nhiều thầy cô như 2 cô giáo trong bài viết, đã lặng lẽ hy sinh, lặng lẽ dâng hiến, để giờ lại lặng lẽ bình dị ở đâu đấy trong hàng vạn thầy cô đang miệt mài trong sự nghiệp trồng người... Cuộc sống luôn hối hả lao về phía trước, nhưng ký ức thì cứ neo lại, trở thành những hoài niệm đẹp trong hành trang đời người...
                                                                             Khám phá

          Thuở nhỏ tôi đã từng học ở  chái nhà thầy, ở đình làng, ở các lán, ở dưới hầm. Có dạo lại còn phải học ban đêm trong hầm. Những cái hầm chữ A không lồ, cứ mưa là ngập nước, chúng tôi ngồi trên những cái ghế ghép bằng 2 cây luồng (bàn thì ghép 3 cây) thả chân xuống nước khua khoắng. Hồi nào máy bay ném bom nhiều quá thì học ban đêm, mỗi đứa đi học xách theo một cây đèn hoa kỳ được đặt trong những khúc ống luồng được trổ một cái lỗ để ánh sáng lọt ra phía ấy. Trên bảng là một cây đèn bão treo trên góc. Mỗi khi viết thì xoay cái phía ánh sáng đèn dầu về cuốn vở, còn xem trên bảng thì đồng loạt xoay ánh sáng về phía ấy. Những cây đèn con con hướng về bảng phụ họa với ánh sáng cây đèn bão giúp chúng tôi lờ mờ thấy những gì cô viết trên bảng, thế mà cấm đứa nào cận thị...

          Nhưng dù đã trải qua những ngày học, lớp học kinh hoàng thế nhưng đến giờ, cái ấn lớp học ở Đăck Glei mà tôi chỉ gặp một lần trong đời vẫn ám ảnh tôi, nó khiến tôi mỗi lần nghĩ đến giáo dục vùng sâu vùng xa là lập tức nghĩ đến, rồi lấy nó làm điểm để so sánh, liên tưởng và xa xót...

          Dạo ấy tôi mới lên nhận công tác ở tỉnh Gia Lai – Kon Tum. Tôi nhớ ông phó phòng kêu tôi lên căn dặn nguyên một buổi chiều, rằng là không được đi ra cách trụ sở làm việc 2 ki lô mét vì fulro vẫn đang hoạt động rất mạnh. Ban đêm 8 giờ phải tắt đèn đi ngủ dù cơ quan tôi ở ngay trung tâm thị xã Pleiku. 2 tháng sau thì tôi có cuộc đi công tác đầu tiên, là lên huyện Đăck Glei. Lúc ấy là đầu năm dương lịch 1982.

          Từ Pleiku lên Đăck Glei tiếng là trong một tỉnh, hồi ấy chưa chia tỉnh, nhưng phải đi xe Zin 3 cầu mà mất đúng 2 ngày. Chúng tôi đi thành đoàn 7, 8 người và trong đoàn có người có súng. Xong việc thì một anh có máu văn chương, nguyên là lính của đồn biên phòng Đăck Glei rủ tôi... tách đoàn vào đồn biên phòng cũ của anh chơi. Trẻ và hăng và đầy tò mò, tôi hăm hở nhận lời.

          Té ra nó xa và hiểm trở kinh khủng. Giờ thì có khi chỉ tiếng đồng hồ xe chạy là đến nơi, nhưng hồi ấy chúng tôi đi bộ. 2 gã trai lếch thếch cứ xuyên rừng già mà đi. Gần đến đỉnh này lại gặp đỉnh khác, có những đoạn anh bạn kia phải đi trước cầm 1 đầu sợi dây rừng để tôi bám phía sau men theo con đường cheo leo trên miệng vực, bên này là vách núi, con đường mòn chỉ đặt được một bàn chân, bên kia là hun hút miệng vực. Chừng 3 tiếng đồng hồ thì hiện ra một thung lũng. Anh bạn đi cùng hú ầm lên. Dưới thung lũng thấy 2 bóng áo trắng con gái chạy ra vẫy tay và cũng hú loạn xạ. Giờ mới nhìn rõ, có một cái nhà tranh kiểu lán ẩn dưới tán cây rừng.

          Thì ra nó là một cái trường. Trường của xã hẳn hoi nhé chứ không phải điểm trường như sau này. Trường có 4 lớp học từ lớp 1 đến lớp 4, và chỉ có 2 cô giáo dạy. Đến giờ quả thật là tôi đã không còn nhớ tên các cô nữa, cuốn sổ ghi chép thời ấy đã mục nát từ hồi nào, chỉ nhớ một cô quê Nam Hà, một cô quê Nghệ An. Các lớp học mà tôi đã trải qua trên kia, nó gì thì gì, còn có dân ở bên cạnh, khi vắng học trò còn có dân. Đằng này, lớp chơ vơ giữa thung lũng, làng gần nhất đi bằng chân học trò cũng mất 2 tiếng, còn chân các cô thì 3, 4 tiếng. Hỏi kỹ thì biết, là không làng nào chịu làng nào nên trường của xã nhưng không đặt được ở xã, cũng không đặt được ở làng nào, mà phải chia khoảng cách bằng nhau giữa các làng. Người Tây Nguyên là vậy, cái gì cũng phải công bằng. Vậy nên có thời người ta bỏ tiền tấn ra làm các nhà rông văn hóa cho dân, đặt ở trung tâm xã, kết quả là chỉ giải quyết khâu... oai chứ chả có người dân nào lên sử dụng. Họ chỉ lên khi đấy là của làng họ. Vậy nên ở cái trường tôi đang kể ấy, thường thì 9 giờ mới vào học, đến 11 giờ thì xong ca thứ nhất, ca chiều học từ 1 giờ đến 3  giờ thì cho trò về nhà cho kịp tối, nhất là mùa mưa. Thời gian còn lại là của... 2 cô giáo ấy. Dằng dặc cô đơn nên có thể hiểu sự mừng vui tột độ khi các cô gặp... người. Tất cả mọi thứ đều phải ra huyện lĩnh, từ lương cho đến nhu yếu phẩm các loại. Mà chủ nhật thì huyện lại nghỉ. Vậy nên có ngày chỉ còn có 1 cô ở trường, cô kia phải ra huyện. May mà còn có các anh bộ đội biên phòng thi thoảng qua lại, và đấy là lý do anh bạn đi cùng nguyên là bộ đội của đồn hú ấm lên khi thấy trường và các cô cũng vừa hú vừa vẫy loạn xạ.

          Trưa ấy các cô đãi cơm chúng tôi. Cơm thì tất nhiên rồi, thức ăn là rau cải luộc chấm nước muối. Có mấy con cá chuồn khô kho muối. Nhưng các cô vui lắm, cứ tíu ta tíu tít, còn nằn nì chúng tôi... ngủ lại. Cái trường ấy có 3 gian, 2 gian là 2 phòng học cho 4 lớp, gian còn lại là chỗ ngủ cho... 3 thầy cô. Thì ra ở đây còn 1 thầy nữa, nhưng thầy phải vào dạy tận điểm trường trên đỉnh Ngok Linh cao vút quanh năm mờ sương, lâu lâu thầy mới quay lại trường, mỗi lần đi cả ngày, lúc ấy thì 2 cô ngủ ghép 1 giường, thầy 1 giường. Các cô rất thật lòng, mời 2 anh ngủ lại, 2 anh một giường, 2 em một giường, để nói chuyện cho vui, cho có tiếng người. Sinh viên mới ra trường, trai tân, nhưng quả là, thề có đèn giời, lúc ấy tôi hoàn toàn không nghĩ gì, dẫu chỉ là thoáng qua, cái ý đen tối khi 2 gã trai ngủ lại ở một cái phòng tranh tre nứa lá giữa rừng già Ngok Linh  trắng sương lạnh buốt kia với 2 cô gái, chỉ thấy ái ngại và thương các cô. Nhưng anh bạn đã hẹn với đồn là tối ấy tôi sẽ nói chuyện với cán bộ chiến sĩ của đồn (thay vì họ phải sinh hoạt gì đấy thì tôi vừa liều mạng vừa bị đặt vào thế đã rồi, đăng đàn nói chuyện cho bộ đội, về Nguyễn Du, tôi nhớ thế). Vì thế mà chúng tôi cương quyết rũ áo khước từ, hẹn hôm sau quay lại sẽ ghé. Hôm sau quay ra, trên đường đi tôi phát hiện hôm nay đúng là ngày 20/11, bèn hái một bó hoa rừng ôm theo. Cả 2 cô thấy chúng tôi xuất hiện với bó hoa trên tay đã òa khóc. Lại ăn cơm, lại rau cải luộc chấm nước muối và cá chuồn khô, lại mời ngủ lại, nhưng chúng tôi vẫn phải ra huyện cho kịp để sáng hôm sau theo xe Zin 3 cầu về Pleiku, chứ nếu không phải ở lại Đăck Glei cả tuần sau mới có xe.

          Rồi tôi đã không bao giờ trở lại ngôi trường ấy nữa, đồng nghĩa với mù tịt tin về 2 cô giáo dù vẫn luôn ám ảnh cái ánh mắt của các cô khi mời chúng tôi ngủ lại, cái tiếng hú mà trước đó tôi được dạy là chỉ người tiền sử mới dùng vì họ chưa có tiếng nói, cái động tác vẫy tay rối rít khi chúng tôi xuất hiện từ trên đỉnh núi mờ sương, và dáng thẫn thờ khi chúng tôi quay lưng trước khi lẫn vào rừng để ra lại thị trấn...

          Những năm 80 của thế kỷ trước, những trường học như thế, lớp học như thế, những cô giáo như thế, không phải là cá biệt...

          Bức ảnh tôi in kèm ở đây là tôi chụp cách đây 8 năm, ở một ngôi trường sát biên giới Cam Pu Chia thuộc huyện Ia Grai, Gia Lai, phòng ở của các cháu học sinh nội trú...
       
                                                                     

3 nhận xét:

Nặc danh nói...

Có những kẻ suốt đời ngồi trong phòng lạnh hô khẩu hiệu và đề ra những chủ trương bệnh hoạn lại được quyền "đánh giá phẩm chất" của những cô giáo thầy giáo hy sinh cuộc đời như thế...ngẫm mà đau cho thế cuộc này.

Unknown nói...

Năm 1978,tại Trà Đốc thuộc huyện Trà my cũng có hai cô giáo như thế, họ là nữ sinh Trần cao Vân Tam kỳ, sau 1975 họ tham gia khóa đào tạo cấp tốc 12 + 1 và thành giáo viên miền núi.
Cái heo hút thì Bác Hùng đã kể,hơn kém nhau về sự lạnh lẽo chỉ đau lòng thêm.
Cô Hân bị sốt rét, không trạm xá,không thuốc men, không gì cả, cứ thế lã dần...Cô Cúc mới 21 tuổi, không biết gì ngoài việc ngồi khóc, rồi băng rừng tìm ông trưởng thôn người dân tộc.
Có bốn người thanh niên dân tộc tình nguyện khiên cô Hân về Trà My, có thể đi hết một ngày đường. Cô Cúc nấu nước bồ kết gội đầu cho bạn, tóc rụng đến nỗi phải nhắm mắt mà chải...
Cô Hân bỗng hát khe khẽ: Có phải chăng rạn vỡ trong tâm hồn chúng ta...
Cô Cúc đi theo chăm sóc bạn, cáng bằng võng, nếu người khỏe nằm vào võng thì cũng sẽ bịnh vì đường núi quá hiểm nguy.
Đến trưa thì ra đến đường mòn, nay gọi là DT616, nghỉ ngơi ăn cơm nắm, bỗng cả bọn xao xác bỏ chạy về, để 2 cô bơ vơ! Cô Hân đã không qua khỏi, họ không khiêng người chết.Cúc khóc và ngất bên xác bạn,vắng lạnh người, ngày ấy không có xe chạy thường ngày qua đấy.
Sau có chiếc Uoat biên phòng về ngang qua, đưa Hân về quàng ở hội trường Trà my, cô Cũc nhập viện. Phải nhiều ngày sau mới xác định được đó là 2 cô giáo, mới biết quê để mà đưa về. Cô Cúc bị chấn sang tâm lý thời gian dài.
Năm 2004, khi nghe bài "Trên tháng ngày đã qua" tại nhà tôi, cô Cúc thảng thốt và kể lại như trên,giờ chép lại,để nhớ thời đã qua,để phân biệt hy sinh và cái bên cạnh sự hy sinh.

Unknown nói...

Câu chuyện thật cảm động!Cảm ơn nhà thơ Văn Công Hùng đã ghi lại ký ức đẹp một thời.
Cảm ơn các thầy cô giáo đã nâng bước chân bao lứa học trò...để những tốt đẹp vẫn được truyền thừa nơi những dòng chảy âm thầm.