Tôi thân với cái Gấm bởi nó là con gái bác chủ cho nhà tôi ở nhờ. Nó bao giờ cũng đợi tôi đi học, bảo vệ khi tôi bị bọn khác bắt nạt (hồi ấy tôi rất nhỏ con và nhút nhát, toàn dùng kẹo để mua chuộc khỏi bị bắt nạt), nó dắt tôi đi tắt chui qua các vườn chè để đến nhà thầy cho gần, hái cho tôi những quả mua chín mọng, chia cho tôi con cào cào nướng nó bắt trên những ngọn cây dứa dại rất cao, xúi tôi... đái vào lỗ dế cho nó bò ra rồi bắt và cũng nướng. Hay cho tôi ngô rang nó bỏ trong cái túi áo bà ba, kể cả bày cho tôi cắn đít ốc rồi vừa đi vừa hút. Ốc đinh luộc nó cũng bỏ trong túi áo. Nhớ mùa đông rất lạnh, nó kiếm đâu cái tổ kiến, đốt lên rồi cầm trên tay, hai đứa vừa đi vừa sưởi...
-----------------
Cũng
không nhớ cho thật rõ nó là vào năm bao nhiêu của thế kỷ trước nữa, cái ngày
tôi chính thức trở thành học trò, học những chữ cái đầu tiên “A Bê Xê dắt dê đi
ỉa”...
Mẫu
giáo, tôi học tại cơ quan mẹ. Hồi ấy các cơ quan đều có các nhà trẻ và mẫu giáo
nhỏ. Lớp tôi ở đâu khu gần cổng chợ Vườn Hoa thị xã Thanh Hóa do cô Hào dạy. Cô
Hào cũng là nhân viên văn phòng thôi, nhưng có khiếu múa hát, thế là được điều
qua dạy mẫu giáo. Cho đến tận những năm tám mươi thế kỷ trước thì vẫn còn có
các nhà trẻ cơ quan như thế, các cô công nhân, nhân viên được cử qua làm cô
giáo mầm non, cơ quan có nhà trẻ trả lương. Sau này mới giao hết về cho giáo dục
thì các cô này phải đi học mới trở thành cô giáo chính hiệu được.
Cô
Hào rất xinh, tất nhiên, vừa là trong mắt học trò, vừa là thực tế, bởi các cô
giáo, dẫu là nhà trẻ mẫu giáo, cũng là người không phải lao động chân tay, nên
đẹp và sạch sẽ và ưa nhìn là đương nhiên. Ngay từ khi học cô Hào tôi đã biết đọc
tất cả các mặt chữ tôi gặp, từ khẩu hiệu trên tường đến tít các tờ báo của mẹ
tôi. Nếu giờ, với cách truyền thông hiện tại, có khi tôi cũng được nổi lềnh phềnh,
ít nhất là trên... facebook, còn không thì dăm tờ báo mạng xúm vào phong cho
là... thần đồng.
Đang
học dở cô Hào thì mẹ tôi chuyển công tác, chính xác hơn là nhà máy sơ tán. Tất
cả cán bộ công nhân viên tay xách nách mang, vừa chuyển tài sản của nhà, vừa của
cơ quan. Của nhà thì vô cùng gọn nhẹ. Nhà tôi 2 anh em ngồi trên 2 cái xe đạp của
ba và mẹ. Trên mỗi xe đều có 2 cái ba lô buộc 2 bên foocbaga, anh em tôi dạng
chân ngồi trên ấy. Đến giờ vẫn còn nhớ cảm giác mỏi chân khi 2 cái chân vừa ngắn
vừa mảnh như que kem bị dạng ra theo độ doạng của 2 cái ba lô.
Cái
làng tôi đến rất đẹp, giờ tôi vẫn nhớ như in những rặng chè um tùm quanh nhà và
quanh làng. Đấy là một ngôi làng lưng dựa vào núi mặt hướng ra sông. Chúng tôi ở
nhà một bác lặn rất giỏi. Ngay tối đầu tiên gia đình tôi đến, bác cởi trần ra sông
một lát xách về một con ba ba, nấu chuối chiêu đãi nhà tôi. Ba tôi người Huế, hồi
nhỏ cũng rất khổ sở, phải đi ở, đi bán báo, làm thuê làm mướn rất cực, nhưng
không hiểu sao lại rất khảnh ăn. Chó không ăn đã đành (Ở miền Bắc thời ấy mà
không ăn thịt chó thì quả là một sự vô cùng... thất thu, bởi tất cả các cuộc
liên hoan chè chén người ta chủ yếu ngả chó, mà ông thì vẫn phải nộp tiền để dự,
nhưng chỉ ăn cơm với trứng tráng), mà tất cả những con gì không có vẩy ông cũng
không ăn. Ba ba là loại ông cho là không có vẩy. Tôi còn nhớ bác chủ nhà càng gắp
cho ông thì ông càng co người lại, rồi lợi dụng ngọn đèn dầu tù mù giữa cái sân
gạch to oạch, ông bí mật bỏ sang bát cho tôi...
Hôm
sau thì mẹ dắt tôi sang lớp.
Tôi
hình dung cái lớp giống như lớp mẫu giáo nhỏ tôi học với cô Hào, có những cái
ghế cái bàn be bé, có bảng, và đặc biệt là nó là một phòng độc lập, học trò là
những đứa như tôi, chân đi dép, đầu đội mũ, quấn khăn, quần áo tươm tất...
Té
ra lớp là cái chái nhà thầy. Thầy là một ông già râu ba chòm, tóc dài túm ra đằng
sau như đàn bà, quần nâu buông lá tọa, áo bà ba cũng màu nâu, chân đi guốc, không
phải bằng gỗ mà bằng gốc tre. Và một cây roi...
Học
trò thì mỗi đứa một kiểu, không đồng đều, có đứa bé hơn tôi, đứa cao ngồng hơn
tôi cả khúc. Phần lớn chân đất quần đùi, da đen nhẻm, tóc rễ tre, chân tay rất
bẩn. Mỗi đứa chỉ có một cái bảng như cuốn vở, tự làm, nên mỗi cái mỗi kiểu, và
thay bằng phấn thì là những mẩu gạch non. Tôi trở thành sinh vật lạ trong lớp.
Tôi có vở, bút chì, đi dép, áo quần thơm tho, đầu đội mũ len, và đặc biệt,
trong túi có 2 cái kẹo.
Đến
giờ, lạy thầy, em (con) phải nói thật điều này, là con quên tên thầy mất rồi.
Có thể bởi thời gian tôi ở và học ở cái làng ấy không dài, có thể cái tuổi thơ
non nớt của tôi đã chưa kịp lưu giữ điều mà, sau này lớn lên mới biết, nó
thiêng liêng nhất trong quãng thời gian đi học, hay nói chính xác, kiếm chữ để
thành người. Cũng có thể, chiến tranh loạn lạc, thời ấy tôi thường xuyên di
chuyển theo cơ quan mẹ đi sơ tán nên cứ nhập nhòe ký ức. Và cũng có thể, ở nông
thôn Thanh Hóa thời ấy người ta không gọi tên của người lớn tuổi, mà lấy tên
con trưởng gọi thay, như nhà tôi, cả ba và mẹ mất tên khi chuyển về Thanh Hóa,
mà trở thành Bác Hùng...
Nhưng
tôi vẫn nhớ hình ảnh thầy.
Tôi
không biết là chúng tôi học có phải đóng tiền không. Khi mẹ tôi còn sống cũng
đã có lần tôi nhắc đến lớp học ấy và hỏi nhưng mẹ tôi cũng không còn nhớ. Nhưng
tôi nhớ chắc chắn đấy không phải là lớp học công, tức của nhà nước, mà là lớp
tư, thầy là người biết chữ trong làng, được bà con nhờ, thế là thầy dạy. Thầy rất
già, là giờ tôi láng máng thế chứ tôi cũng còn nhớ hồi ấy ở nông thôn Thanh Hóa
mới 50 tuổi là người ta đã tổ chức khao lên lão rồi. Mẹ tôi gần 40 tuổi mới
sinh tôi thế mà gọi thầy bằng ông xưng con thì chứng tỏ thầy già thật.
Hồi
ấy tôi chưa biết, nhưng sau này thì biết, là thầy dạy chúng tôi theo lối bình
dân học vụ. Tức là học “O tròn như quả trứng gà/ Ô thì có mũ Ơ thời mang râu”.
Đọc thuộc rồi viết. Đọc thì tôi là... siêu nhân, nên sau này lên cấp 1 tôi luôn
được cô giáo sai đọc mẫu cho cả lớp đọc theo. Nhưng viết thì chữ tôi cực xấu. Đấy
là lúc cái roi của thầy phát huy tác dụng. Hầu như đứa nào trong lớp cũng bị
đánh. Nhẹ thì úp bàn tay lên phản, thầy vụt lên đấy, đau méo mặt, tay sưng vù
nhưng không được khóc. Còn nặng thì nằm úp, trật đít ra, con gái cũng thế, trắng
hếu, thầy đánh không có lằn thì chưa dừng tay. Chả thấy phụ huynh nào kiện cáo
thắc mắc gì như bây giờ, kể cả mẹ tôi, xót con hơn xót vàng vì muộn mới có tôi,
và khi ấy là lãnh đạo cái cơ quan sơ tán về đấy. Thế mà cũng im thít, tối về nấu
nước muối nóng chườm tay cho tôi rồi thôi.
Kể
thêm về bàn và ghế.
Bàn
là cái phản, thầy ngồi trên ấy. Học trò lít nhít bâu xung quanh cái phản ấy, đứa
thì có ghế (mang từ nhà đi), đứa thì quỳ, đứa thì đứng, đứa thì nửa nằm nửa bò
trên phản, chân lõng thõng xuống không chạm đất.
Viết,
ban đầu là tập viết bằng gạch trên sân nhà thầy cho thuộc mặt chữ, rồi sau đấy
là viết lên bảng, cũng dùng gạch viết lên bảng. Riêng tôi có vở và bút chì thì
viết lên đấy. Và vì viết lên đấy nên xấu đẹp nó hiện lên rất rõ, và vì thế mà
hay bị roi vút vào tay.
Tôi
thân với cái Gấm bởi nó là con gái bác chủ cho nhà tôi ở nhờ. Nó bao giờ cũng đợi
tôi đi học, bảo vệ khi tôi bị bọn khác bắt nạt (hồi ấy tôi rất nhỏ con và nhút
nhát, toàn dùng kẹo để mua chuộc khỏi bị bắt nạt), nó dắt tôi đi tắt chui qua
các vườn chè để đến nhà thầy cho gần, hái cho tôi những quả mua chín mọng, chia
cho tôi con cào cào nướng nó bắt trên những ngọn cây dứa dại rất cao, xúi
tôi... đái vào lỗ dế cho nó bò ra rồi bắt và cũng nướng. Hay cho tôi ngô rang
nó bỏ trong cái túi áo bà ba, kể cả bày cho tôi cắn đít ốc rồi vừa đi vừa hút. Ốc
đinh luộc nó cũng bỏ trong túi áo. Nhớ mùa đông rất lạnh, nó kiếm đâu cái tổ kiến,
đốt lên rồi cầm trên tay, hai đứa vừa đi vừa sưởi... Ngược lại, tôi là người dạy
nó đọc và viết mỗi khi không có thầy hay là về nhà. Nó rất ham học, cái sân nhà
nó chi chít chữ to như con gà cộ. Mà chả cứ sân, khắp tường, thành giếng, bếp,
nền nhà... đều lòe loạt chữ gạch non...
Những
con chữ đầu đời của tôi như vậy đấy.
Sau
này học hành, rồi đi đây đi đó, nhưng cái dấu ấn của “thuở ban đầu” tôi không
bao giờ quên. Nó giúp tôi có một đời sống tinh thần thú vị hơn. Tôi có rất nhiều
kiến thức về nông thôn là từ cái thời trò làng này. Và, những ký ức ấy theo tôi
đến tận hôm nay, để mỗi khi có dịp về lại, lại như về nhà, về với tuổi thơ của
mình, với những gì trong trẻo vô tư, những ngày hết mình với mình, với thiên
nhiên, với những xốn sang không lý giải. Có một nơi, một khoảng để nhớ về, há
chẳng phải là hạnh phúc của đời một con người ư?
3 nhận xét:
- Hồi nhỏ, ở Ninh Bình, mùa đông, bọn tôi đốt phân trâu khô đi học, chứ không có tổ kiến mà sưởi như nhà thơ VCH.
- Cái câu vận vần cho trẻ dễ nhớ: "O tròn như quả trứng gà/ Ô thời đội mũ, Ơ đà thêm râu", là của cụ Hoàng Xuân Hãn.
Vũ Xuân Tửu
Hình như bác viết nhầm quả "sim" thành quả "mua" chín mọng?
@Nặc danh:
Quả mua bạn ạ. Sim hồi ấy là đồ cao cấp. Học trò chúng tôi toàn hái mua ăn, mua nhiều hơn sim, chát hơn dù cũng chín như sim...
Đăng nhận xét