Thứ Ba, 28 tháng 5, 2024

AI CHO SƯ YÊN TĨNH?

 

Bài này tôi viết cách đây hơn 10 ngày, lúc mà câu chuyện về sư Minh Tuệ chưa cao trào như những ngày sau đấy. Trực tiếp TBT Tạp chí Sông Lam đặt, mà tạp chí thì không nhanh như báo mạng, tháng ra 1 số. Nhưng hôm nay đọc lại, thấy vẫn mới và thời sự, có chi mô nơ?

------------


 Mấy hôm nay cư dân mạng bàn nhiều về sư Minh Tuệ, tôi không hiểu sâu lắm về tôn giáo và cũng không có nhu cầu nên không quan tâm. Không quan tâm nhưng cứ đập vào mắt, nên bèn phải quan tâm. Và vì quan tâm nên cuối cùng lại bị ông khuất phục, và giờ thì, rất nể ông này.

Này nhé, rất trẻ, từng học trung cấp lâm nghiệp Gia Lai, hồi đi học làm lớp trưởng, từng đi bộ đội, rồi đi làm cho một doanh nghiệp ở Đăk Lăk , bố mẹ vẫn ở tại huyện Ia Grai. Đùng cái về nhà xin gia đình xuất gia. Và không tuyên ngôn, không rao giảng, không đệ tử, ông lẳng lặng làm điều mình cho là đúng, là ông thực hành 13 Hạnh Đầu Đà.

Mười ba hạnh đầu đà là gì? Tôi bèn tò mò tìm hiểu, thì nó như thế này:

“1. Mặc y phẩn tảo: Đây là loại y được làm từ những miếng vải vụn, rách, không dùng đến được lấy từ nghĩa địa, bệnh viện, ở ngoài đường hay ở rừng,…Sau đó được giặt sạch và vá lại thành y để mặc.

Vị hành giả tu tập không nhận sự cúng dường y áo của thí chủ mà đi nhặt những vải này. Cho nên không bị lệ thuộc vào thí chủ.

2. Chỉ mặc ba y: Vị tu sĩ tu hạnh đầu đà chỉ có ba y, bao gồm: thượng y, trung y và hạ y. Chư Tăng dùng y đó đến khi rách, thậm chí là không còn chỗ vá mới được may mới.

3. Phải khất thực để sống: Ở hạnh này, chư Tăng tu hành hạnh đầu đà mang bình bát đi khất thực để nuôi sống bản thân mình. Chư Tăng không đợi tín chủ mời đến nhà để cúng mà phải mang bình bát khất thực.

4. Khất thực theo thứ lớp: Đây là việc đi khất thực theo từng nhà, không vì chọn gia chủ giàu sang mà bỏ những gia đình nghèo khổ, không tới nơi có nhiều đồ ăn ngon mà phải khất thực tuần tự. Đó là một hạnh của người tu hành Pháp đầu đà.

5. Ngồi ăn một lần: Đó là khi ăn, nếu đã đứng dậy thì vị tu sĩ đó không ăn nữa, có người đến cúng thêm cũng sẽ không ăn.

6. Ăn bằng bình bát.

7. Không để dành đồ ăn: Vị hành giả khi thọ thực không để dành đồ ăn còn dư (hoặc đồ tín chủ cúng dường) cho ngày hôm sau.

8. Sống ở trong rừng.

9. Ở dưới gốc cây.

10. Ở ngoài trời.

11. Ở nghĩa địa.

12. Nghỉ ở đâu cũng được: Tu sĩ tu hành hạnh đầu đà không chọn chỗ nghỉ, mà tùy thuận nghỉ ở đống rơm, gốc cây,...

13. Không nằm ngủ, tức ngủ ngồi”.

Trong phật giáo, chọn đầu đà để theo tức là vị sư ấy chấp nhận một cuộc sống không cố định, không nhà cửa, không tài sản, chỉ mang theo bình bát và một y cà sa. Và đây là nếp sống khổ hạnh nhất trong truyền thống Phật giáo.

Sư Minh Tuệ chọn con đường này để theo, và theo các tài liệu cho biết, ông đã thực hiện được nhiều năm, nhiều lần đi xuyên Việt, cứ lầm lũi một mình thế. Cái bình bát ông thay bằng cái lõi nồi cơm điện.

Nói gì thì nói, hình ảnh một người đàn ông khắc khổ, người như sắt lại, chân đất đầu trần đi giữa những ngày nắng nóng cực điểm như vừa rồi đã khiến hàng vạn người xúc động và kính nể.

Mà không chỉ mấy ngày nắng nóng vừa rồi, mà trước đó, mấy năm trước, ông đã đều đặn đi bộ độc hành xuôi Nam ngược Bắc, nắng mưa chấp hết.

Có bức ảnh hai bàn chân ông, nó như là được đính một lớp nhựa đường, đen xì và dày chai.

Và trên hết là một nụ cười luôn thường trực trên môi, ông chào lại, trả lời hết các câu hỏi, kiên nhẫn với những người gặp trên đường. Mà đường thì dằng dặc như thế. Có cảm giác như đi như thế, chịu khổ hạnh như thế nhưng ông hoàn toàn không có một chút nào mệt nhọc, lúc nào cũng nhẹ nhõm, thanh thoát, như bay lên được. Và chính ông cùng nói rằng, nói là tu khổ hạnh nhưng ông hoàn toàn không thấy khổ hạnh một chút nào, mà ngược lại, ông rất vui. Nhìn khuôn mặt ông trong mọi hoàn cảnh thì biết. Một khuôn mặt trong veo, thánh thiện. Khuôn mặt đắc đạo, không một tì vết phàm tục.

Và té ra để làm được điều mình cho là đúng ấy khó vô cùng.

Trước hết là bị các "thầy có danh" tấn công, có ông thầy khá nổi tiếng tấn công sư Minh Tuệ rất nặng nề, dùng những từ ngữ rất ác đối với một người bình thường chứ đừng nói là vị chân tu. Thậm chí có hẳn một trang web truyền thông của phật giáo sỉ nhục ông rất nặng, dù ông luôn chỉ nhận mình là người đang học tu, nhưng qua cái cách nói chuyện, trả lời của ông thấy nắm rất chắc giáo lý nhà Phật. Trước khi quyết định bộ hành xuyên Việt (đầu đà hóa thân), ông có nhiều năm tu ở một số chùa, ở hang, ở núi, ở nhà hoang tại một số tỉnh như Tây Ninh, Khánh Hòa, Gia Lai... để tịnh tu và trau dồi giới đức. Tất nhiên là ông nghe, không biết những điều ấy, ông vẫn kiên trì con đường của mình một cách hết sức khiêm tốn.

Mới nhất ông bị giáo hội phật giáo Việt Nam làm công văn gửi nhiều nơi, nói ông không phải là tu sĩ phật giáo. Ơ kìa, đã bao giờ ông nhận mình là tu sĩ phật giáo đâu? Không những thế, ông luôn xưng con với tất cả mọi người.

Sau nữa là bị chính các đệ tử làm phiền, dù ông nói rất nhiều lần, ông không nhận ai làm đệ tử, ai đi theo ông là làm bạn ông, thầy ông, chứ ông không làm thầy ai, ông vẫn chỉ là người đang học tu.

Chuyện ông đi trên đường té ra bây giờ là việc hết sức khó khăn khi xung quanh ông luôn có hàng trăm người, hâm mộ có, yêu quý có, phật tử có và tò mò cũng có, ticktoker có, facebooker có vân vân, khiến cho có người lo lắng, rằng các nhu cầu cá nhân của ông sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, ví dụ xử lý... đầu ra.

Có cái clip ông đi bộ qua Vinh, những người yêu và ủng hộ ông phải đi vòng ngoài, nắm tay nhau để bảo vệ ông, để ông không bị quấy rầy bởi những người tò mò, hâm mộ và cả hàng trăm máy quay, điện thoại livestream.

Có chị phụ nữ biếu ông chai nước, ông cám ơn, nói mình có rồi xin phép không nhận, nhưng vẫn lôi ông đứng lại hỏi chuyện, vấn đề là, tay kia lăm lăm cái điện thoại đang quay và hỏi những câu chả ăn nhập gì.

Than ôi, giờ muốn tịnh tâm mà hành đạo cũng khó quá.

Tới tận khi mệt, kiếm được gốc cây ngồi nghỉ, hoặc ngủ qua đêm, ông vẫn bị bao vây bởi các... máy điện thoại và những câu phỏng vấn, có những câu rất ngô nghê, hỏi để mà hỏi, hỏi để mình có mặt trong khuôn hình...

Nhưng nghe ông nói chuyện thì rất thích. Mộc mạc, chân thành, không rao giảng, xưng con chứ không xưng thầy với ai. Khác hẳn một số nhà sư sư khác hay lên tivi và chính facebook của chùa, phật y rất đẹp, đồng hồ đắt tiền, khuôn y hể hả, và rao giảng rất phi thực tế...

Nhiều lúc tôi nghĩ, sẽ là khó cho ông nếu giờ mạng xã hội cứ tiếp tục săn đón ông như săn đón cầu thủ bóng đá hạng sao hay các siêu người mẫu, siêu hot girl như thế. Đúng nghĩa của hạnh đầu đà là có hạnh độc cư, ông cần được tĩnh lặng để đi một mình, hoặc chỉ vài ba bạn bè đi cùng. Nhiều nơi cũng đã có sư khất thực, ngay Việt Nam cũng có, một vài nước lân cận cũng có, nhưng không hiểu sao, tới ông, vào thời điểm này, lại bùng nổ lên thành một hiện tượng, kéo theo hiệu ứng đám đông, có lúc tới hàng ngàn người theo ông hoặc... quan sát ông, nhất là lúc ông dừng nghỉ, ngủ.

Đi cả ngày, lúc dừng ngủ là ông cần ngủ để tái tạo năng lượng. Mà phải ngủ ngồi, ngủ ở nghĩa địa hoặc các nơi hoang vắng, ngủ không chăn chiếu mùng mền. Nhưng giờ nào có được, có cái clip thầy trò ông vào ngủ, phía ngoài được... chăng dây, ngoài ấy là hàng ngàn người chen lấn xem ông... ngủ, máy điện thoại hoạt động hết công suất. Lại có cả clip công an phải bảo vệ giấc ngủ cho ông, nhưng mà nào có được bình tâm mà ngủ.

Ông cần tịnh tâm để thực hiện ước muốn của mình, nhưng rồi, trời lại sinh ra mạng xã hội và nhiều người hiếu kỳ từ mạng xã hội chứ không hẳn thành tâm với ông. Dù ai cũng rất khâm phục việc làm của ông.

Trong số bà con đi theo ông, gặp ông dọc đường thì lạy chào ông, có nhiều người thành tâm với ông, với lý tưởng của ông, nhưng cũng có nhiều người hiếu kỳ, chen vào chụp ảnh hoặc quay clip. Nhiều người rất tốt, như biết ông sẽ đến thì rải hoa, quét chỗ ngủ cho ông... nhưng không biết là như thế vô hình trung lại làm hại ông, biến ông thành một người khác. Ngay chúng ta, cứ thử mà xem, đi đâu cũng bị điện thoại chĩa vào mọi lúc mọi nơi, nó khó chịu đến như thế nào. Có khi vượt qua cái khổ nạn bị hâm mộ, bị quay phim chụp ảnh cũng là một thử thách trên đường của ông. Nói thật, như tôi, tôi không vượt qua được.

Ông xứng đáng là một hiện tượng, khi mà cả đời và đạo bây giờ đều rất... không tĩnh lặng. Và ông cần tĩnh lặng để thực hiện ước nguyện của mình. Ôi có khi rồi ngài lại phải ngửa cổ lên mà than: ai cho tôi tịnh tâm...

Nhưng tất nhiên, tôi cũng không khuyên ai bắt chước ông. Nó là do căn duyên, do sự đốn ngộ của từng cá nhân. Có muốn bắt chước ông cũng chả được, đúng thế, có mấy người có thể chịu đựng được những gì đã trải qua như ông. Mà nghĩ cho cùng, đời sống rất nhiều niềm vui, mỗi người hãy chọn một cách, ông có cách của ông, và người khác có cách của họ.

Và, tôi cũng thế, tôi vẫn chọn cách sống mà mình đã chọn mấy chục năm qua...

 Văn Công Hùng

Bìa Tạp chí Sông Lam số 43, tháng 5- 2024


 

 

5 nhận xét:

Lê Quang Thỉ nói...

Đúng! Mỗi người hãy tự chọn cho mình một cách sống! Như tôi, hãy thật sự là một người chồng tốt, một người cha tốt! He he

Nặc danh nói...

Phải viết vô đây để tỏ ra đã đọc của cụ! Hư hư

Văn Công Hùng nói...

@Lê Quang Thỉ: Vầng he he.
@Nặc danh: vầng, nhưng lại chọn chế độ nặc danh nên chả biết ai

Nặc danh nói...

Em không hiểu biết về đạo, nhưng em bái phục Minh Tuệ về lòng kiên trì, sự nhẫn nại chịu đựng. Sao ông ấy làm được việc đó bao nhiêu năm nay?

Văn Công Hùng nói...

@Nặc Danh: Thế mí tài, mới đáng nói hihi