Thứ Ba, 30 tháng 4, 2024

NHỚ NINH BÌNH

 

Bài trên báo Ninh Bình quê ngoại, hình như trong số đặc biệt kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới,  bèn sướng mà đăng lại ở đây.

Trong lý lịch cá nhân, mẹ tôi khai: “Năm 1945 tham gia cướp chính quyền ở xã Ninh Mỹ, Gia Khánh, Ninh Bình, sau đó đi thoát ly, làm ở công binh xưởng”. Còn trong câu chuyện, thời cả nhà tôi đang sống ở Thanh Hóa, mẹ tôi hay kể: bà làm việc trong một xưởng quân giới, nhiệm vụ là... hàng ngày đi quét phân dơi về chế tạo thuốc súng. Bà tả cái xưởng quân giới ấy ở trong hang, chế tạo thuốc súng rất đơn sơ, và thử thuốc súng còn đơn sơ hơn nữa, thương vong rất nhiều.

Trước đấy, tôi chỉ biết Ninh Bình có rất nhiều núi đá vôi, ký ức trong tôi là cái núi sẻ sát nhà bà ngoại, có một hòn đá vươn chườm sang bên kia đường, che kín cả một đoạn dài như cái hang, và một cái hang luồn cũng nổi tiếng. Nhà cậu tôi nuôi dê thả ở đấy...

Mãi cách đây mươi năm chi đó, tôi có dịp tham quan Tam Cốc Bích Động, vừa ngẩn ngơ trước vẻ kỳ vĩ của nó, vừa chắp nối câu chuyện mẹ kể, tôi đặt câu hỏi, phải chăng, cái nơi mà mẹ tôi hay kể, cái xưởng quân giới ấy, cái ngày đầu thoát ly của mẹ tôi ấy, là một trong những cái hang của bạt ngàn quần thể này.

Bà kể ăn ở trong hang, động, quét phân dơi làm thuốc súng, rồi làm lựu đạn. Gay go nhất là món thử lựu đạn. Rất thủ công và vì thế thương vong rất nhiều. Sau này bà mất tôi cũng không kịp hỏi là cụ thể cái vùng bà ở ngày ấy là vùng nào. Tôi láng máng hình như là vùng Tam Điệp này. Rồi mới nhất đọc "Đi trốn" của nhà văn Bình Ca, người nguyên là phó chủ tịch tỉnh Ninh Bình, tôi lại đồ chừng bà ở vùng Tam Cốc Bích Động?

Nhưng cả dãy Tam Điệp này lẫn cái vùng hang động Tam Cốc Bích Động ấy nó đẹp vô cùng. Cũng có thể nó liền nhau, vì đã bảo, cả Ninh Bình này là một cái hang động khổng lồ. Năm 1965 khi Mỹ ném bom miền Bắc, trước khi diễn ra vụ mùng 3-4 tháng 4 năm 1965, ba mẹ tôi mang 2 anh em tôi từ thị xã Thanh Hóa ra Ninh Bình gửi các bà dì chăm, chúng tôi cũng ở trong cái hang Luồn của núi Dũng Đương có động Thiên Tôn nổi tiếng. Rồi vào khu đền vua Đinh vua Lê cũng xung quanh toàn núi. Hùng vĩ và đẹp, nhưng quả là ở đây chỉ có yếu tố đẹp, chứ để làm thủ đô thì rất mong manh và bức bối. Nên các cụ dời đô là hết sức chính xác.

Mới nhất, tôi về Ninh Bình, được chú em rể đưa đi thăm một loạt danh thắng, cùng nhà văn Sương Nguyệt Minh vào cả làng đá Ninh Vân... thì mới thấy, quả là danh bất hư truyền, cái sức hút, cái lồ lộ, cái tiềm năng, cái vĩ đại của tự nhiên vùng này.

Vào thăm, thấy họ xử lý đá giống như người Huế xử lý bột mì nhất để làm bánh bột lọc, dễ hơn cả cắt mẹt bánh đúc ra thành từng miếng vuông vức nữa. Nhưng giờ, nghe nói đá Ninh Bình cũng hết, họ phải vào tận Thanh Hóa mua đá núi Nhồi về chế tác. Nghe nói tôi ở Pleiku ra, một "ông trẻ" trong làng reo lên: cháu vừa vào giao hàng trong ấy, một cái cổng đá.

Tôi cũng từng vào thăm làng đá Non Nước Đà Nẵng, và quả là, là nhận xét riêng thôi ạ, dân Ninh Vân này biết cách thổi hồn vào đá tinh tế hơn, sống động hơn.

Ninh Bình giờ là nơi đang có những ưu thế tuyệt vời về du lịch. Thì cái khu Tam Cốc Bích Động mà không kinh à? Ai từng vào đấy, bơi thuyền ở đấy, xuyên qua hết hang này tới núi nọ, có những cái hang như chắn hết lối đi, rạp người trên thuyền chui qua, lại mở ra một mênh mông đồng năn lác, để rồi lại tiếp nối hang. Chả thế mà ông Bình Ca mấy năm về "nằm vùng" làm phó chủ tịch tỉnh này, viết quyển "Đi trốn" để như là trả nghĩa, nó là một câu chuyện, nhưng trên hết là một thiên truyện về phong cảnh hang động Ninh Bình, mê mẩn, mê ly và mê hoặc...

Mà đâu đã hết, còn những là cả một quần thể danh thắng Tràng An, vườn quốc gia Cúc Phương, nhà thờ Phát Diệm vân vân nữa. Cũng lại nhớ cái năm nào đấy, tôi cùng nhà văn nhà báo Xuân Ba, nhà thơ Lê Quang Sinh, trên đường về Thanh Hóa, chả cơn chả cớ gì, bỏ ngang, chui vào rừng Cúc Phương thuê phòng ngủ qua đêm để hưởng cái thú đêm giữa rừng, dù về cơ bản nơi này người ta chỉ đến vào ban ngày. Ngay cái khu cố đô Hoa Lư mà tôi mới chỉ vào thắp hương ở đền thờ vua Đinh vua Lê ấy, đi cho hết cũng đã ngoạn mục rồi. Riêng hệ thống hang động của tỉnh này, nếu chơi cho đã, cũng phải cả tháng. Và đi xong rồi mới ngơ ngẩn thốt lên: Nước non ta đẹp quá, hùng vĩ quá, và chúng ta nhỏ bé xiết bao trước thiên nhiên hùng vĩ này...

Lại nhớ hồi nhỏ khi mẹ gửi về đấy tránh bom, được đâu một tuần thì cả vùng Đa Giá ấy bị một trận bom khủng khiếp, chúng tôi phải chạy vào hang Luồn ở đấy cả tuần. Và tôi biết món rêu đá Ninh Bình từ đận ấy

Mới nhất nhà văn Sương Nguyệt Minh, một Ninh Bình toàn tòng (tôi chỉ có mẹ là Ninh Bình) hớn hở dúi cho tôi một lọ to rêu đá khô. Ông biết tôi nghiện  món này. Ngày xưa bà tôi hay nấu riêu cua, giờ cua hiếm, vào tay tôi, tôi hay làm món nộm đãi bạn bè. Rất đơn giản, xử lý bằng nước nóng cho nó tươi trở lại, chanh ớt tỏi nước mắm lạc, có tí da lợn cũng hay, trộn đều với rêu đã xử lý cho tươi. Trời ơi nó tốn rượu vô cùng.

Ninh Bình trong ấu thơ tôi có mấy “đặc sản”: xỉ than và bụi. Cái bụi có lẫn những vẩy than rất sắc có thể làm chảy máu. Có lần từ Huế (quê nội) tôi ra thăm quê ngoại, mặc cái áo trắng, một lúc đã đen sì. Rồi... đá vôi. Cả làng quê ngoại tôi có nghề chẻ đá. Lớn bùi bé mềm, tất cả thành đá 2X3 hoặc 3X4 hết. Thì cả cái núi Sẻ chả đã bằng lỳ rồi đấy.

Giờ về, một Ninh Bình hết sức khác, lộng lẫy trong mắt tôi.

Là Ninh Bình đã triệt để khai thác hết thế mạnh trời cho, những là thắng cảnh, những là hang động núi non... tất cả là đặc sản, là công nghiệp không khói đúng nghĩa. Nó là sự tương hỗ tuyệt vời giữa con người và cảnh quan.

Nữa là thế mạnh... người cho. Tôi đã được vợ chồng mấy đứa em con cậu mời ăn trưa tại một nhà hàng dựa lưng vào con sông Sào Khê, bữa ăn thấy lộng lẫy hẳn lên vì lịch sử cuồn cuộn đổ về. Ninh Bình tự hào là đất hai vua, và giờ, các di tích liên quan tới các vị đều được chăm chút, bảo quản. Em rể tôi giờ đang phụ trách cái trung tâm bảo tồn di tích lịch sử văn hóa cố đô Hoa Lư, cẩn thận mua hương hoa đưa tôi vào viếng các cụ. Mẹ tôi họ Lê nên tôi vào vừa với tư cách khách lại còn tư cách con cháu chút chít vào viếng tổ.

Một thời, cũng vẫn di tích ấy, thắng cảnh ấy, nhưng lạnh lẽo, hoang vu. Giờ, ý thức được cả về văn hóa, lịch sử và kinh tế, Ninh Bình thay đổi đến chóng mặt, đến không ngờ.

Trở thành một địa chỉ du lịch nổi tiếng, Ninh Bình giờ là một cái tên hay được nhắc, và tôi tự hào về điều ấy. Tự hào và biết ơn các vị tiền nhân đã để lại một di sản đồ sộ cho con cháu, có tôi, một mảnh cháu ngoại rất xa. Trong hệ thống các tạp chí Văn Nghệ địa phương có một liên kết nhóm rất thú vị: Tạp chí Văn nghệ của các kinh đô xưa. Nó có Hà Nội, có Thừa Thiên Huế, có Ninh Bình, có Phú Thọ, Thanh Hóa... Hàng năm có các hội thảo rất thú vị, làm sao để giữ gìn và phát huy, nghiên cứu và khai thác, sáng tác như thế nào trên vùng đất ngồn ngộn lịch sử và văn hóa ấy vân vân.

Nhìn lại mình, té ra tôi có liên quan tới 3 nơi được coi là kinh đô xưa ấy, là Huế quê nội, Ninh Bình quê ngoại, và Thanh Hóa là nơi tôi sinh ra...

Nhớ một câu thơ của tôi về Ninh Bình: “Ninh Bình tuổi thơ tôi nhiều đêm hang Luồn tránh bom/ngửi mùi mưa Thiên Tôn dấm dứt/Ninh Bình cô hàng xóm sang mượn gương/tóc tết bím mắt như là hờ hững/chết sững cái nhìn gã trai dậy thì...”, gã trai ấy giờ đang ngồi ở phương Nam nhớ về Ninh Bình tuổi thơ...

Ảnh: Với  em trai trong khuôn viên nhà ông bà ngoại năm 2023. Nhà này mới được sửa làm nhà thờ năm 2024. Và với mợ, các em gái con cậu ruột.




Nhà thờ ngoại nhà cháu mới tu sửa và khánh thành tháng trước đây ạ, nhà cháu đã kịp về thắp hương:




Không có nhận xét nào: