Thứ Ba, 2 tháng 4, 2024

VĂN HÓA TÂY NGUYÊN THÁCH THỨC VÀ HY VỌNG

 


Bao giờ và ở đâu cũng thế, thách thức giữa văn hóa và phát triển kinh tế luôn là những vấn đề nóng để xã hội phát triển cân bằng. Trong đó, bản sắc văn hóa, cái làm nên hồn cốt dân tộc, làm nên thương hiệu và cũng là niềm tự hào dân tộc, cái làm nên sự khác biệt giữa dân tộc này và dân tộc khác, nhất là trong thế giới không biên giới trên không gian mạng hiện nay, luôn là điểm nóng, là sự quan tâm rất lớn của các nhà quản lý. Hòa nhập vào thế giới rất dễ, nhưng để giữ những gì là mình, tất nhiên cái “là mình” tinh túy nhất, tiến bộ nhất, nhân văn và bản sắc... thì là vấn đề hoàn toàn không dễ dàng.

Tây Nguyên cũng thế. Một Tây Nguyên đang phát triển, đang hội nhập, đang mở ra với rất nhiều đổi thay, có những đổi thay tới chóng mặt, nhưng cũng đồng nghĩa với việc còn rất nhiều điều giằng xé giữa hiện tại và quá khứ, giữa bề nổi và chiều sâu, giữa tưng bừng và khắc khoải, giữa cái thấy và cái nghĩ, giữa trong và ngoài vân vân...

Tây Nguyên đã khác xưa rất nhiều. Về cơ bản, nó hợp quy luật, ấy là sự phát triển luôn đi kèm đánh đổi, sự tiến lên của văn minh kèm bước lùi của đạo đức. Nhưng có vẻ sự phát triển của chúng ta nó nóng quá, nó vội quá, nó tham quá. Sự phát triển đã không bù đủ cho sự mất đi. Văn hóa Tây nguyên là văn hóa rừng, làng Tây Nguyên luôn gắn với rừng, văn hóa ấy là văn hóa làng rừng. Giờ rừng không còn, làng chơ hơ ra, cô độc và trống vắng, buồn bã và xộc xệch. Giờ làng nó không phải là cái làng từ xưa với tràn đầy ký ức, với lớp lớp trầm tích văn hóa, với dày đặc kỷ niệm, với sự hòa giao, nương tựa con người với tự nhiên nữa. Nó chỉ là nơi tạm trú che mưa nắng nhất thời... là khi xuống những cái làng định cư chơ vơ trên đồi, giữa núi trọc... tôi cảm thấy thế...

Đã từng có những ngôi làng định cư, nhà xây rất nhỏ, lợp tôn, nền đất... nó rất không hợp với cách sống, cách sinh hoạt, truyền thống ăn ở từ xưa của người Tây Nguyên. Cũng như thế đã từng có phong trào “xóa khố” ngay từ hồi còn bao cấp, cán bộ công nhân viên mỗi người một năm chí có 4 mét phiếu vải. 4 mét phiếu tức là chưa chắc đã mua được 4 mét vải. Và giờ, chúng ta lại đang tuyên truyền vận động người dân có khố, coi khố là bản sắc, lễ hội Tây Nguyên  mà đàn ông không đóng khố thì nó không còn là lễ hội. Nhà sàn, váy, khố... là một phần của văn hóa Tây Nguyên.

Mà văn hóa, nó phải là sự tích tụ đời này sang đời khác, thế hệ này sang thế hệ khác... Nó chắt lọc, nó đào thải, nó cô đặc, nó tinh túy...

Tôi học ở đây, mảnh đất Tây Nguyên bao điều mà trước đấy mình chưa biết, hoặc chỉ nghe một chiều, nghe bằng con mắt khác, con mắt ở ngoài vào, ở trên xuống. Ví dụ như nghe nói về nhà mồ, về nối dây, về tục săn đầu người, về khi sinh nếu mẹ chết thì chôn theo con... là lạc hậu, thậm chí là man rợ, nhưng té ra đi sâu tìm hiểu thì nó hết sức có lý, hết sức nhân bản. Ví dụ tục mẹ chết chôn theo con, là bởi ngày xưa ấy, khi sinh con người phụ nữ Tây Nguyên phải vào rừng tự sinh, xong thì bế con về. Phụ nữ nông thôn người Kinh một thời khi sinh có bà mụ vườn, có gia đình, thế mà vẫn “cửa sinh là cửa tử”, huống gì một mình sinh con trong rừng. Và đứa trẻ sơ sinh ấy, nguồn sống duy nhất là sữa mẹ. Vậy nên, nếu mẹ chết thì chôn theo con, còn hơn là nó lăn lóc vài ngày không có sữa mẹ cũng chết. Tất nhiên giờ không còn tục này, dẫu vẫn còn rất nhiều những nơi như cái mái ấm Juse của ông Đinh Minh Nhật ở huyện Chư Sê, Gia Lai, luôn nuôi hơn một trăm đứa trẻ mồ côi, trong đó nhiều đứa ông phải “xin” lại từ cái tục mẹ chết chôn theo con ấy...

Thì nếu văn hóa người Việt là văn hóa đồng bằng với văn minh lúa nước, liên quan sông biển, thì Tây Nguyên là văn hóa rừng, liên quan mật thiết tới rừng, văn minh nương rẫy. Không chỉ mật thiết, nó là sống còn. Giờ rừng hết thì bà con Tây Nguyên “đành” thích nghi với văn hóa mới, văn hóa không rừng, một thứ văn hóa mới, rất mới, tôi cũng chưa hình dung ra...

Rồi “ngoại vi” xuất hiện, ở đây tôi muốn nói đến người Kinh. Các nhà sử học sẽ nghiên cứu cụ thể xem người Kinh xuất hiện ở Tây Nguyên từ khi nào, số lượng bao nhiêu, những ảnh hưởng về chính trị, kinh tế, vân vân, tôi chỉ suy nghĩ về văn hóa.

Như đã nói, người Kinh gắn với nền văn minh lúa nước, họ xuất hiện ở Tây Nguyên ồ ạt vào 3 thời kỳ chính: Một là thời ông Ngô Đình Diệm đưa dân đi lập các đồn điền, các khu trù mật, có một số người Bắc di cư, còn lại là dân miền Trung. Hai là thời chiến tranh chống Mỹ, song song với dân lên lập đồn điền, khu trù mật là các cán bộ người Kinh xuống ba cùng với nhân dân. Và ba là phong trào kinh tế mới sau ngày thống nhất đất nước. Đây là thời kỳ đông nhất, ồ ạt nhất, nó khiến cho cơ cấu xã hội Tây Nguyên có rất nhiều thay đổi. Và có thể nói, số dân kinh tế mới vào Tây Nguyên sau giải phóng tác động dữ dội nhất đến văn hóa bản địa Tây Nguyên.

Văn hóa bản địa Tây Nguyên vừa bảo thủ vừa rất nhanh nhạy hướng ngoại, nhất là trong lớp trẻ. Đấy là quy luật tự nhiên của mọi nền văn hóa, nhưng trong từng trường hợp cụ thể, sự tác động của con người cũng giúp nó rất nhanh biến chuyển theo hướng hòa nhập và thu nhận cái ngoài mình. Một nền văn hóa bản lĩnh là nền văn hóa biết tiếp thu cái gì tốt, phù hợp, tiến bộ và nhân văn, và biết bảo thủ để giữ lại cái gì tốt đẹp của mình. Sự bảo thủ của văn hóa Tây Nguyên không đủ để chống lại sự xâm nhập, bên cạnh đấy là  sự tiếp tay có định hướng của những chủ trương của nhà nước có lúc chưa phù hợp.

Trước hết phải nói luôn, người Kinh lên Tây Nguyên đã mang theo văn minh của họ, nhất là những kiến thức thông thường trong đời sống, giúp người Tây Nguyên bản địa làm quen với đời sống hiện đại. Tôi đã chứng kiến cái cảnh mỗi làng người Tây nguyên đều có 1 hoặc vài gia đình người Kinh ở lẫn để buôn bán. Họ, rất vô tình, đã trở thành những người phổ biến kiến thức, từ chuyện nuôi con nhỏ, sinh đẻ có kế hoạch, vệ sinh phụ nữ, nấu ăn cho đến cách tính toán làm giàu, biết tích lũy chứ không làm gì ăn nấy như lâu nay… Nhưng đồng thời họ cũng vô thức tuyên truyền một nền văn hóa khác cho bà con buôn làng. Mà những điều tiêu cực thì dễ tiếp thu hơn tích cực. Từ chuyện chỉ cần đánh dấu dưới gốc cây có tổ ong mình thấy đầu tiên thì tức là nó là của mình, đến việc thả voi, trâu bò trong rừng không cần giữ, làm rẫy cách nhà ở hàng buổi đi bộ không cần trông… bây giờ điều ấy đã hoàn toàn biến mất. Nói dối là việc vô cùng tồi tệ, xấu xa của người Tây nguyên xưa, giờ nó cũng thành điều bình thường, như người Kinh chúng ta.

Chúng ta đã đầu tư rất nhiều vào Tây nguyên. Có nhiều thứ đầu tư đúng và trúng, nhưng cũng có những sự đầu tư lãng phí, chưa kể nó đụng chạm đến văn hóa. Rất nhiều chủ trương có ý tưởng tốt, có trách nhiệm, nhưng chỉ vì chúng ta chưa hiểu hết phong tục tập quán, những phong cách sống, những sâu xa văn hóa… nên dẫn đến những sai lầm. Chúng ta đã làm thay trong khi lẽ ra chúng ta chỉ là người khích lệ. Không thể làm thay văn hóa cũng như không thể dùng văn hóa này thay thế văn hóa khác, bởi văn hóa nó gắn với những con người và vùng đất cụ thể.

Xã hội chúng ta đang có rất nhiều biến động. Những biến động của quy luật khi mà văn hóa phải chống chọi với văn minh, của sự phát triển và bảo tồn. Nhưng cũng có những biến động rất khốc liệt do chính chúng ta gây ra từ những chủ trương cụ thể, mà phá rừng và làm thủy điện là ví dụ.

Phá rừng chính là cách tự ăn thịt mình. Người Tây Nguyên lâu nay sống chan hòa với rừng, nương tựa vào rừng, thân thiện với nhau mà sống. Tưởng là họ du canh du cư sẽ phá rừng rất ghê, té ra không phải. Họ có những luật tục rất chặt chẽ và cụ thể, có những hình phạt rất nghiêm khắc nếu ai đó phá hoại rừng một cách bừa bãi. Chúng ta bây giờ, sau khi rừng già, rừng nguyên sinh đã… cơ bản phá xong, thì ta xơi sang rừng nghèo. Và có ai mà phân biệt rừng nghèo với rừng giàu khi cưa mâm và xe ben đã vào giữa rừng. Rồi chúng ta quan niệm cao su cũng là… rừng. Cao su là cây công nghiệp, có thể nó tạo sự đổi đời ngay lập tức trong vòng mấy mươi năm, còn rừng, nó là sự kết tinh của đời sống dòng họ hàng ngàn năm, vạn năm, triệu năm, nó có đời sống của nó, có văn hóa của nó, văn hóa rừng. Những con người lấy rừng làm bầu bạn, lấy rừng làm lẽ sống đã sinh ra một thứ văn hóa rừng, họ tồn tại an nhiên với rừng, và ngược lại, rừng tốt tươi sinh sôi hài hòa với con người, bảo vệ nhau, nâng đỡ nhau và cùng tôn nhau trong một đời sống tưởng hoang sơ nhưng đậm triết lý nhân văn và duy mỹ. Cũng y hệt như người Kinh với văn minh lúa nước. Và thực tế đã chứng minh, suốt bao nhiêu năm chiến tranh, bom đạn thế, cán bộ, bộ đội và người dân đã sống với rừng, được rừng che chở, rừng cung cấp nguồn để sống và chiến đấu. Thế mà rừng cứ bạt ngàn xanh. Giờ, cả nước vì Tây Nguyên, nhưng cái để làm nên thương hiệu Tây Nguyên, là rừng, thì đã hết...

Tất nhiên những thách thức là có, và cũng không nhỏ, nhưng nếu quyết tâm, kèm với sự hiểu biết, rất cần sự hiểu biết vì chúng ta đã từng áp đặt sự không hiểu biết vào văn hóa Tây Nguyên, và quan trọng nữa, có tâm, cái tâm thật sự vì văn hóa, vì sự phát triển, tôi tin Tây Nguyên sẽ vẫn là... Tây Nguyên, một Tây Nguyên bản sắc trong lòng nước Việt thống nhất và đa dạng...

Báo Quân đội Nhân dân cuối tuần số 1474, ngày 31/3/2024




 

 

Không có nhận xét nào: