Đang có chủ trương lớn sáp nhập các địa phương. Nước ta chỉ nguyên chuyện loay hoay nhập tách là đã đủ mệt rồi, nhưng thôi, nhiều người bàn chuyện này rồi, có người còn bảo giờ 4.0, sắp tới là... 1000.0, thì điều hành có phải theo diện tích theo dân số đâu, mà theo cái click chuột. Nhà cháu cũng... không quan tâm dù thấy rất có lý. Nhà cháu băn khoăn và bàn về những cái tên làng, những địa danh có từ hàng trăm, thậm chí ngàn năm đang bị cơ học hóa, bị vô nghĩa, bị ghép rất lý tính...
Bài đã đăng ở mục Đa chiều báo Người đưa tin
Mấy hôm nay dư luận xôn xao việc thị trấn Diên Khánh lên phường, và dự kiến sẽ được đổi tên thành phường Phú Thành. Trừ số cán bộ đã đồng ý với cái tên này trong một cuộc họp được mô tả là có cả chủ tịch, phó chủ tịch huyện, chủ tịch, phó chủ tịch thị trấn Diên Khánh, còn lại đại bộ phận nhân dân, đặc biệt là các nhà nghiên cứu văn hóa, đều không đồng tình.
Cũng có tin là, hai xã Hàm Tử và Dạ Trạch của huyện Khoái Châu, Hưng Yên sẽ nhập thành xã Phạm Hồng Thái. PGS. TS, nhà văn Phạm Quang Long, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hà Nội bàn về việc này: “Rất không nên nhập như thế. Nguyên tắc đặt tên phố đầu tiên phải là địa danh. Tên danh nhân cũng hay nhưng trong trường hợp này cần cân nhắc. Giữ tên địa danh lại gắn với lịch sử đất nước phải là nguyên tắc số một”.
Chúng ta đều biết, những tên riêng làng xã, có những cái tên tồn tại đã hàng mấy trăm năm, đều có đời sống riêng của nó, đều có nguyên do, đều có yếu tố lịch sử và văn hóa.
Như cụ thể cái thị trấn Diên Khánh ấy, đã có hàng trăm năm nay, người dân ở đây tự hào với cái tên ấy, và nó còn gắn với cái thành Diên Khánh nổi tiếng, vậy hà cớ gì phải họp để đổi tên nó, dẫu cũng có chút lý là đã có thị xã Diên Khánh (tương lai) mà vẫn phường Diên Khánh thì chắc họ sợ trùng. Nhưng điều trùng này là hoàn toàn bình thường. Thì cái tỉnh to vật Thanh Hóa kia vẫn có cái thành phố Thanh Hóa là thủ phủ đấy thôi.
Ở đây chúng tôi bàn đến vấn đề khác, là sự hụt hẫng văn hóa trong ứng xử hiện tại.
Rất nhiều cán bộ trẻ hiện nay nhanh nhẹn, hiện đại... nhưng có vẻ họ thiếu cái phông văn hóa để ứng xử với những quyết định hiện tại của họ, dẫu những quyết định ấy cũng vì dân vì nước cả.
Từ khi hợp tác hóa, người ta xóa tên làng, đưa tên hợp tác xã vào. Một là đặt tên theo số, hai là tên mới... Các lũy tre chỉ còn trong ký ức bởi ý tưởng "ruộng đồng bao la đẹp như gấm hoa". Trước đấy, làng lấy lũy tre làm biên giới. Phép vua thua lệ làng. Phép vua là lớn nhất, nhưng đến lũy tre làng là phải dừng lại, bởi ở đấy là một thế giới khác. Nó vừa tuân thủ phép nước, vừa song song lệ làng tồn tại. Và trong chừng mực nào đấy, lệ làng mới là cái mà người dân phải tuân theo. Chỉ vài ba chức việc trong làng phải theo phép nước, còn tuyệt đại dân làng theo theo lệ làng. Không theo ư, đơn giản là anh sẽ phải sống một mình. Giỗ không ai tới, cưới không ai sang, và kinh nhất là, chết không có người khiêng.
Rất nhiều những cái tên nôm có từ hàng vài trăm năm được đổi thành những con số lạnh lùng hoặc những cái tên rất... cách mạng, kiểu như đội 1, đội 2, đội 8, đội 10 thay cho xóm Hói xóm Chùa, kẻ Mơ kẻ Chợ vân vân. Hay những tên mới như Nông Trường, Quyết Tiến, Thắng Lợi, Thành Công, Thống Nhất, Đoàn Kết... cũng vân vân...
Làng đối với người Việt Nam, cả ở vùng người Việt lẫn dân tộc thiểu số đều rất thiêng liêng máu thịt và đầy ký ức văn hóa, lịch sử, dẫu có thể là cả ký ức đau buồn. Nhưng giờ chúng ta đang ngang bằng sổ thẳng nó, biến nó thành phố. Không ai không ủng hộ sự phát triển, sự hiện đại lên của đời sống, nhưng nếu không tỉnh táo chúng ta sẽ xóa hết ký ức làng, văn hóa làng, chúng ta đồng phục hóa làng, biến làng thành những khu chung cư tập thể...
Tôi từng viết về làng như thế này “Làng Việt nói chung, làng Tây Nguyên nói riêng, đang dần có những thay đổi rất nhiều, có sự chuyển dịch rất lớn, để phù hợp, để thích nghi, và cả để thỏa mãn cái thú bung phá, sự bung phá của ý thức, của phông văn hóa, của tiện ích trước mắt và của cả sự thiếu hiểu biết.
Mẹ tôi, cán bộ về hưu, tức là người cũng từng rất hiện đại, xài các thứ tiện nghi hiện đại, ở thành phố. Nhưng khi về hưu là bà nằng nặc về làng, dù đấy là cái làng quê chồng ở Huế, cách quê bà gần nghìn cây số (Ninh Bình). Điều lạ là, về làng bà vất hết tiện nghi hiện đại, nuôi gà lợn, nấu bếp kiềng rơm... nhưng thú nhất là cách bà sự dụng... đồng hồ.
Sáng sớm, nghe gà gáy bà biết mấy giờ. Rồi tiếng chuông chùa. Ban ngày thì nhìn bóng nắng ngoài sân, và lạ là, hết sức chính xác. Chỉ nhìn bóng nắng là bà nói đúng giờ, có phiên ra từng tháng từng mùa hẳn hoi. Tháng 10 nắng đến đâu là 11 giờ, tháng 5 nắng đến đâu là 3 giờ chiều, cứ thế đều như... đồng hồ, bà trở thành cái đồng hồ chính xác như cái đồng hồ quả lắc treo trên tường nhưng bà không bao giờ ngó tới. Tôi, trong những trang viết của mình, những dòng thích nhất là viết về ký ức, về nông thôn, về những ngày phập phồng gió ở bờ đê nơi tôi sơ tán thuở bắt đầu biết nhớ. Vốn dĩ tôi sinh ra ở thị xã Thanh Hóa, nhưng cả cuộc chiến tranh phá hoại lẽo đẽo đi sơ tán cùng ba mẹ. Ba mẹ tôi đều là người ở quê, người ở Huế người ở Ninh Bình, đi hoạt động cách mạng rồi làm ở thành phố nhưng rồi vẫn đau đáu nhớ quê nên về hưu là vù một phát về quê mua nhà ở. Và tôi, đến giờ, trong ký ức của mình, vẫn coi những tháng ngày ấy là đẹp nhất, dù đấy là những tháng ngày khó khăn gian khổ đến cùng cực, luôn luôn đói, luôn luôn thèm ăn, luôn luôn co ro khép nép trước cái lạnh, cái nóng xứ Thanh...
Ra trường đi làm, lên Tây Nguyên, lại cũng lăn lộn với làng. Làng Tây Nguyên là một thế giới khác đối với tôi, gã trai lớn lên từ đồng bằng, từ nền văn minh lúa nước. Toàn bộ ngôi làng nó gắn quện và ăn khít với đời sống nương rẫy. Từ nhà sàn tới cầu thang, từ bếp lửa giữa sàn tới không có vườn, từ cách đi chân đất trong nhà tới cái chỗ dậm chân cầu thang, cách ngủ cách ăn cách sinh hoạt ứng xử, tới những quan hệ tương hỗ, máu thịt với không gian rừng xung quanh, với suối, với cả những đêm trăng lạnh cọp về đầu làng ngồi... ngắm làng”.
Và những cái tên làng nó gắn với tôi, từ làng Thế Chí Tây (Huế) quê nội, tới làng Đa Giá (Ninh Bình) quê ngoại, làng Tam Đa, làng Phú Điền (Thanh Hóa) tôi sống những ngày thơ ấu... dù bây giờ nó đã rất hiện đại rồi, cũng có làng đã lên phường, nhưng ký ức về nó, kỷ niệm về nó, ấn tượng về nó... mãi cứ sâu đậm trong tôi, khiến cho mình luôn cảm thấy ấm áp, yên tâm mỗi khi nghĩ về, nhớ về nó, như một chỗ dựa vững chắc để mình sống. Chả thế mà người Việt đi đâu ở đâu làm đâu đều luôn luôn hướng về làng, và có dịp là về làng, như các ngày tết, ngày lễ luôn ùn ùn người về làng, nếu không thì mang làng lên nơi mình sống. Và làng, và quê, cái đầu tiên để nhận diện, chính là cái tên làng, tên quê. Và tên làng không chỉ để gọi, để phân biệt, mà nó còn chứa đựng bao điều về lịch sử, văn hóa của vùng đất, của những thế hệ người sinh ra lớn lên ở đó, vun đắp nên vùng đất ấy, để nhắc tới tên làng người ta rưng rưng mà thương mà nhớ.
Và có ai cấm khi lên phố, cứ lấy luôn tên làng thành tên phố, lại chả có lý ư, và nó hợp với quy hoạch sinh thái “làng trong phố” và “phố trong làng”...
Thành phố Kon Tum bây giờ cũng từ tên một làng của người Bahnar là cái làng có hồ, Buôn Ma Thuột là làng của bố ông Thuột... nó gợi lên bao ký ức làng, nguồn gốc làng... dù giờ nó là phố, là thủ phủ của tỉnh.
Đình làng Thế Chí Tây quê nhà cháu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét