Thứ Sáu, 6 tháng 10, 2023

CHUYỆN KHEN THƯỞNG VÀ DANH HIỆU NGHỆ SĨ (bản full)

Có người đã thống kê, rằng cái giải thưởng nhà nước với món nghệ sĩ nhân dân với ưu tú ấy là ta học của Liên Xô cũ. Nhưng suốt bao nhiêu năm cho tới khi tan rã, Liên Xô cũng cũng chỉ trao cho một số lượng rất tượng trưng, trong đó có trao cho ông Brezhnev giải thưởng Lê Nin về văn học với tác phẩm “Đất nhỏ”. Ông Brezhnev là tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô khi nhận giải.

Năm nào đó, khi nghe một đại biểu quốc hội đề xuất nhà nước cần phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú cho các văn nghệ sĩ sáng tác, có các nhà văn, tôi là một trong những nhà văn Việt Nam ngay lập tức phản đối. Và may mắn, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, chủ tịch hội Nhà Văn và ban chấp hành hội đương nhiệm cũng đồng tình với đa số ý kiến của hội viên nên đã chính thức có văn bản tới quốc hội “từ chối” vinh dự này, nếu có.

Sáu hội chính thức từ chối gồm: Hội Nhà Văn, Hội Mỹ thuật, Hội Văn nghệ dân gian, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Điện ảnh Việt Nam.

Năm nay tự nhiên vấn đề lại được xới lên, nghe nói vị đại biểu quốc hội nhưng là lãnh đạo hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh kiên trì với đề nghị này, dù nhiều người sẽ được “hưởng lợi” từ đề nghị này đã từ chối, từ mềm mỏng tới cương quyết.

Mới nhất, PGS TS Nguyễn Thế Kỷ, chủ tịch hội đồng lý luận văn học nghệ thuật Việt Nam cũng phải đăng đàn về việc này. Ông viết trên facebook và các báo đăng lại như sau: “chúng ta có đến 10 loại hình văn học, nghệ thuật. Và cứ theo cái đà ấy, nhiều lĩnh vực khác (là nói đến lĩnh vực sáng tạo) cũng đề nghị (thậm chí là đòi) phải có cho họ những danh hiệu như thế. Có mà loạn! Danh hiệu nghệ sĩ, tôi nghĩ, hiện nay chúng ta đang “lạm phát” ít nhiều đấy, đang có những tiêu cực của căn bệnh thành tích đấy. Muốn đủ tiêu chuẩn, tiêu chí, phải cố mà tham gia các cuộc thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật. Rồi thì chạy cửa sau, cửa trước để "kiếm" lấy cái giải thưởng, cái huy chương. Mất cả đống tiền đấy. Anh em nói với tôi: "lấy vàng thật đi đổi vàng giả"! Làm như thế là làm hư các ban giám khảo - những người "cầm cân nảy mực". Nhưng rồi vẫn phải làm. Không làm thì không có danh hiệu, rồi chậm lên lương, rồi mức cát-xê cũng dựa vào NSND, NSUT và NS thường mà trả! Theo tôi, những người có tài năng, tâm huyết, có nhiều cống hiến đích thực, to lớn, họ lại không đòi hỏi gì đâu. Tác phẩm của họ, tên tuổi của họ là chân giá trị, là giá trị lâu bền. Nhưng cuộc sống vốn nhiều phức tạp, nhiều uẩn khúc. Đã có không ít người, có thể có tài năng một chút, nhưng lại muốn khoác lên người mình một cái áo rộng lớn, lòe loẹt, kệch cỡm. Mà "chiếc áo thì không làm nên thầy tu !". Nhiều hệ giá trị của chúng ta đang bị đảo lộn, đang bị xô đẩy làm nghiêng lệch... Chứ nếu ngành nào cũng đòi tôi cũng nhân dân, tôi cũng ưu tú thì sẽ "hòa cả làng", "vui cả làng" nhưng rồi thì "lụt lút cả làng". Mà thực ra cái gì ít mà tốt thì quý, nhiều quá lại thành bình thường". Tới lúc gặp ai cũng là NSND, NSUT cả thì người ta sẽ cảm thấy danh hiệu này không còn mấy ý nghĩa nữa.

Một nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ, họa sỹ, biên kịch, đạo diễn... đôi khi chỉ cần một tác phẩm thật xuất sắc đã nổi tiếng, đã để đời. Sức sống của một tác phẩm văn học nghệ thuật không nằm ở "danh hiệu" của tác giả gắn với nó, mà do nó đã đi vào lòng mọi người, lay động con tim, khối óc, giục giã hành động, tạo nên sức sống lâu bền, mãi mãi đi cùng năm tháng. Khi sáng tác, cảm xúc của họ gặp được tình cảm chung của nhân dân, nói lên khát vọng của cả dân tộc, của cả thời đại thì nó sẽ sống mãi, quý giá mãi. Đừng để lạm phát danh hiệu, lạm phát và đảo lộn các hệ giá trị. Đất nước còn nhiều gian khó, nhân dân nhiều nơi còn thiếu cơm ăn áo mặc mà một năm có tới mấy chục cuộc thi hoa hậu. Cái đẹp cao cả, trong sáng luôn mê đắm con người nhưng cái đẹp phù hoa, xa xỉ thì chỉ là trò chơi phút chốc. Đây đó, người này, người kia đã "trăm nghìn đổ một trận cười như không" đấy thôi!”.

Tôi đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Thế Kỷ, và nói thêm là, thực sự, các giải thưởng và danh hiệu nhà nước có vẻ như đã bắt đầu đủ. Cái giải thưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước về VHNT ngày càng đuối, có người không hào hứng làm hồ sơ nữa dù đủ tiêu chuẩn. Còn danh hiệu nhân dân với ưu tú thì năm nào cũng có kiện tụng, mà những người được phong nó không còn “chói lọi” như nhân dân ưu tú ngày xưa nữa. Thậm chí gây ra những bất bình, so sánh, những hành động không đẹp như chiếm vai của đàn em (để đủ điểm), rồi chạy huy chương, các hội diễn trở thành các cơn “mưa” huy chương (để tích điểm). Nên các cuộc hội diễn của các ngành nghệ thuật nó mất đi sự thi thố, ganh đua trong sáng.

Có người đã thống kê, rằng cái giải thưởng nhà nước với món nghệ sĩ nhân dân với ưu tú ấy là ta học của Liên Xô cũ. Nhưng suốt bao nhiêu năm cho tới khi tan rã, Liên Xô cũng cũng chỉ trao cho một số lượng rất tượng trưng, trong đó có trao cho ông Brezhnev giải thưởng Lê Nin về văn học với tác phẩm “Đất nhỏ”. Ông Brezhnev là tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô khi nhận giải.

Thời xưa các cụ ta có quan niệm “miếng giữa làng bằng sàng xó bếp”, là cái thời lấy làng làm trung tâm, nhưng nó cũng là một thứ danh hão, nên phải tìm mọi cách mua được cái danh, dẫu chỉ anh nhiêu anh xã cho mở mặt với hàng xóm dù vẫn đóng khố đánh dậm hàng ngày. Giờ thì, các loại danh hiệu như nấm sau mưa, mà nếu đi đâu, lỡ bị giới thiệu thiếu là ấm ức lắm. Ngay các danh hội viên các hội chuyên ngành ấy, cũng rất nhiêu khê. Về các tỉnh, ngồi nghe giới thiệu, bao giờ cũng phải kèm danh hiệu, ví dụ, ông ấy hội viên hội nhà văn đấy, trong khi cái cần giới thiệu là ổng có tác phẩm gì và như thế nào thì không nhắc, và không cần nhắc. Mà mới hội viên đã thế, kèm thêm cái giải thưởng nhà nước hoặc HCM, thêm cái nghệ sĩ ưu tú hoặc nhân dân, chao ơi là chói lòa.

Nên người ta mới hăm hở thế.

Tất nhiên không phải là tất cả, còn rất nhiều văn nghệ sĩ âm thầm sáng tạo, lao động nghệ thuật nghiêm túc, lấy tác phẩm là thước đo giá trị. Tất nhiên nhà nước có quyền khen thưởng, động viên những tác giả, tác phẩm tốt, phục vụ cho mình và nhân dân, nhưng nó phải thực chất, để không hào phóng như huy chương ở các hội diễn và “mâm nào cũng đầy” nếu đề xuất ngành nghệ thuật nào cũng có nghệ sĩ nhân dân và ưu tú thành hiện thực...

Báo Người đưa tin



 

 

 

2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Xã văn hóa, Làng văn hóa,thôn văn hóa,gia đình văn hóa,...

Văn Công Hùng nói...

ahihi vầng.