Sau khi rời Pleiku, cũng lâu lâu rồi, hễ có dịp là Đào Phong Lan lại tìm cách trở về, tôi vài lần được làm tài xế cho cô thi sĩ trẻ này lang thang Gia Lai, lên cả Kon Tum, vài lần làm hướng dẫn viên online khi chị muốn đưa bạn, cả các ông tây ba lô, về Pleiku ngắm dã quỳ.
Nhưng chị vẫn có mặt thường xuyên ở Pleiku, nhất là trong những cuộc vui, liên hoan tập thể, khi một người nào đó cất lên “Đêm trong veo/ nhà rông bập bùng ánh lửa/ cô gái Jrai hát câu gì/ Mà trăng nhô lên” là mọi người tay trong tay vào vòng xoang tập thể, có thể ở làng, có khi trên phố, giữa bãi cỏ rộng, hay trong phòng nhỏ, có thể ở Gia Lai hoặc một tỉnh thành nào đấy... Đào Phong Lan chính là tác giả lời của bài hát “Đêm xoang Tây Nguyên” mà mọi người đang hát ấy.
Giờ, chị lại trở lại với Gia Lai, nơi chị sinh ra, lớn lên rồi từ đó ra Hà Nội học đại học viết văn Nguyễn Du, về Pleiku công tác trong ngành ngân hàng và giờ sống ở TP HCM. Chị trở lại với tư cách thi sĩ, ấy là tập thơ “Em không thể nói lời từ biệt”.
Tôi từng là người được theo dõi Đào Phong Lan từ những bước chập chững đầu tiên của nghiệp viết. Hồi ấy chúng tôi hay tổ chức các cuộc đi thực tế, những trại mini cho thiếu nhi, Đào Phong Lan luôn là cái tên đứng thứ tự đầu tiên trong danh sách được mời.
Thuộc típ người hiện đại và cũng còn trẻ, nhưng thơ Lan lại rất truyền thống. Sự dịu dàng, mịn màng, sự chuẩn mực câu chữ, sự tuân thủ luật lệ, sự sử dụng hình ảnh, liên tưởng đậm đặc chất Việt truyền thống, đặc biệt là chị viết rất nhiều lục bát và rất nhuyễn: “Bây giờ còn trẻ với ai/ Xác xơ xơ xác những nhài cùng ngâu/ Trăng tàn một nửa ngõ sau/ Dâu non ở cuối vườn dâu đã già./... Ba chiều ngồi dõi trăng lên/ Bốn bên thì cả bốn bên gió lùa”.
Bài “Ly khúc Pleiku” là một bài được nhiều người thích ngay từ khi nó vừa được tác giả viết xong, năm 1995, chị cũng thể hiện bằng lục bát, một lục bát biến thể để nói được nhiều hơn, thể hiện tâm trạng rõ hơn: “Trăng ơi/ Trăng hãy về đi!/ Khuya rồi/ Nấn ná làm gì nơi đây!/ Đêm xa/ Mái phố vơi đầy/ Ừ thì vẫn biết chia tay là buồn./ Trăng xa/ Sắc phố trầm hơn/ Thác không ghềnh nữa/ Sóng buồn không reo/ Gió thổi hun hút lưng đèo/ Ly cà phê uống cả chiều chưa vơi./ Tạ từ nhau nhé/ Trăng ơi!/ Sông còn bên lở bên bồi phù sa/ Nắng còn tím nhạt tím nhòa/ Đêm còn chống chếnh nữa là cô đơn”... Hôm nay tôi đọc lại với một tâm thế khác, nhận ra rằng, bản thân Pleiku ở đây vừa là khách thể vừa là chủ thể, vừa trực tiếp vừa gián tiếp, tác giả giãi bày, tác giả xa xót, tác giả chia sẻ, day dứt để nói về một cuộc chia tay. Chia tay trong day dứt, trong tiếc nuối, trong cả hy vọng. Nó có thể là cuộc chia tay cá nhân và cũng có thể chia tay vùng đất. Đọc xong cứ khắc khoải như mình vừa mất cái gì?...
Tập thơ được xuất bản khá công phu, từ cái cách chia năm mươi sáu bài thơ thành bốn “khúc” cũng là bốn mùa: Thu, Đông, Xuân, Hạ, tới các tranh minh họa đen trắng rất ấn tượng. Và độc lạ nữa là, có QR code để người đọc scan nghe chính tác giả đọc 15 bài thơ của mình. Sực nhớ, cô bé này tài hoa mọi nhẽ, có thể sáng tác nhạc, ôm đàn hát (chị đã tốt nghiệp trung cấp âm nhạc trường Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai trước khi đi học đại học viết văn), đọc thơ rất truyền cảm.
Đọc hết tập thơ, ta nhận ra một Đào Phong Lan đa cảm và tinh tế. Thì tinh tế nên phát hiện ra T’rưng nó như thế này: “Anh bước đi không đành/ Vấp vào tiếng đàn/ Ngẩn ngơ đứng lại/ Nắng óng vàng hoa dại/ Cánh ong bỗng ngập ngừng”... Đa cảm nên: “Ta đi cuối đất cùng trời/ Chỉ mong gặp gỡ được người tri âm/ Lòng xanh biếc một giọt mầm/ Tim rền như tiếng phím cầm chiều rung.../ Trời chung chiêng/ Đất chung chiêng/ Ta đi trên đất đổ nghiêng mà về”. Tôi rất thích cái hình ảnh đi trên đất đổ nghiêng mà về ấy. Không nhiều người phát hiện ra điều ấy. Chữ “mà” rất đắt.
Thơ Lan nhiều vu vơ. Nhưng té ra lại hoàn toàn không vu vơ, nhưng nó cứ nhẹ tênh như vu vơ, kiểu như “Chỉ còn là viên đất/ Buồn tênh trên luống cày”. Đất thì có vẻ buồn tênh thế, nhưng người thì trĩu nặng. Nhân tình thế thái gói vào những câu nhẹ tênh “Định mua vé vào nỗi nhớ/ Mà thu thì xa rồi”, “Hồn ta mềm như cỏ/ chưa gió về đã lay”.
Đào Phong Lan, Nguyễn Thị Hường Lý, vài bạn nữa, là lứa hội viên đầu tiên của hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai – Kon Tum hồi chưa chia tỉnh. Hồi ấy vẫn là thiếu niên, chưa thành niên, các bạn này đã được kết nạp vào hội, cũng đi họp, cũng phát biểu, cũng bỏ phiếu... bình đẳng như... người lớn. Và hồi ấy, công tác phát hiện và bồi dưỡng các cây bút trẻ khá chỉn chu, bài bản. Sáng nay tôi ngồi cà phê với nhà thơ Hương Đình, anh nhắc việc tôi từng đặt anh viết bài về tập thơ “Một thời trăng” cho Tạp chí Văn Nghệ và giờ anh vẫn còn khen tập ấy. Ấy là tập thơ thiếu nhi đầu tiên, và cho tới giờ, hình như cũng là duy nhất của tỉnh ta. Hồi ấy, những trại sáng tác văn học riêng cho thiếu nhi thường xuyên được tổ chức, tạo điều kiện cho các bạn trẻ làm quen với văn chương, thỏa mãn với văn chương. Lứa đầu tiên ấy, giờ Đào Phong Lan và Nguyễn Thị Hường Lý vẫn tiếp tục với văn chương, Hường Lý là biên tập viên phòng sách văn học NXB Kim Đồng, Phong Lan là giám đốc doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, và cú ra sách này là cách chị chứng minh, văn chương vẫn ám ảnh chị, vẫn khiến chị “không thể nói lời từ biệt”.
“Người xa lạ đi trên phố/ Chớp ngang một ánh mắt nhàu/ Ta cỏ hoang trên đám cỏ/ Rối bời khi gió qua nhau”, tôi rất thích những câu thơ như thế của Lan, nó nhẹ tênh đấy, nhưng trĩu nặng, nhưng níu kéo, nhưng ám ảnh, nó khiến ta cũng phải “khác trước” cả cái nỗi buồn.
Với Pleiku, chị ám ảnh thế này khi “Từ biệt”: “Chiều phố núi những hàng cây lặng lẽ/ Gió ngừng bay mà mây cũng ngừng trôi”...
Lại nhớ câu thơ nổi tiếng của Chế Lan Viên: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Với Đào Phong Lan, “Em không thể nói lời từ biệt”* như là lời nhắn cho một vùng đất, ở đó, chị đã có những ngày đắm say và chập chững, và tất nhiên nữa, rất đẹp, là tôi đọc tập thơ của chị, và thấy thế...
----------
Một chuyến làm drive chở ĐPL lên Kon Tum thăm các nghệ nhân dân gian, ảnh NQT
Báo Gia Lai hôm qua:
1 nhận xét:
Chúc nữ thi sĩ Đào Phong Lan playku mê say
Đăng nhận xét