Hôm nọ, chị Thanh, vợ cố nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo khoe trên phây búc ảnh cá trích. Tôi còm vào đấy: Thèm và nhớ, ước gì?
Thế là 3 hôm sau tôi nhận được một nồi cá trích gửi từ Huế. Cá trích quê tôi ngon có tiếng. Không chỉ trích, còn nục, sòng, bạc má, thu, hố, cơm...
Nhớ quê không thể tả.
Quê tôi không phải biển, mà cách biển khoảng... 3 cây số. Đấy là một doi đất trước sông sau biển, cực đẹp. Ngày xưa, có thể là các cụ trên đường xuôi Nam bằng thuyền, sau khi vượt qua “truông nhà hồ phá Tam Giang” tới đây thấy địa thế đẹp quá bèn dừng lại lập làng. Doi đất ấy kéo từ Quảng Trị tới cửa Thuận An, vài chục cây số, riêng vùng tôi có tên gọi Ngũ Điền, là 5 cái làng, sau này là xã, có tên chữ đầu là Điền: Điền Hương, Điền Môn, Điền Lộc, Điền Hòa, Điền Hải.
Lại nói thêm thế này, từ Bắc vào Nam, tới miền Trung, nếu đi đường bộ hoặc ngồi trên tàu hỏa, ta sẽ thấy những trảng cát trải dài, trắng phau. Có cảm giác như không gì có thể sống được trên ấy, trừ nắng, gió, cát và... phi lao. Dân miền Trung gọi những trảng cát ấy là độn, những độn cát.
Lại nhớ, năm 1975 lần đầu tiên từ miền Bắc về quê, tôi được đưa ra biển chơi. Hồi ấy chơi biển là việc xa xỉ, vả tôi cũng vào từ một tỉnh có biển là Thanh Hóa với Sầm Sơn nổi tiếng. Thì đi cho biết. Tầm 3 giờ chiều, nắng dịu thì đi. Đi theo một cái mội, thấy trước mặt lừng lững một... núi cát. Cứ thế cặm cụi leo, leo cát, mà tôi thì đi dép, mấy cô cậu em tôi thì đi chân đất. Họ đi nóng quen rồi nhưng cũng phải vừa đi vừa... chạy, trên tay cầm cành lá. Chịu không nổi thì thả cành lá xuống rồi đứng lên, cho chân nghỉ nóng lại chạy tiếp. Còn tôi đi dép vì từ nhỏ không thể đi chân đất, vả nóng quá. Và đi dép trên cát quả là cực hình. Luôn được động viên, cố lên sắp tới. Tôi nhắm mắt nhắm mũi lội cát, cứ căn cái đỉnh núi cát trước mặt mà lội. Tới đỉnh, tưởng sẽ òa ra thấy biển, té ra lại một núi cát nữa hiện ra. Cứ thế, phải qua ba bốn cái độn thì biển hiện ra, như một thiên đường, xanh ngăn ngắt, mát rượi và bao la.
Biển cách làng tôi mấy độn cát như thế.
Dân biển hồi ấy đi đánh cá, rồi gánh vào làng tôi bán. Đàn ông đi biển, đàn bà đi bán. Cá đa phần được hấp hoặc nướng sơ rồi cho vào những cái chẹt gánh vào bán. Chả hiểu sao đa phần lúc nắng nhất là thấy họ gánh vào. Và mẹ tôi, một phụ nữ khu 3 Ninh Bình rất nghiện món cá biển quê, trở thanh bạn hàng thân thiết. Mỗi người phụ nữ đi bán cá như thế có một mối riêng. Mẹ tôi có mối của một chị có 3 con nhỏ. Cứ sáng chồng từ biển vào là chị chế biến cá, hấp hoặc nướng hoặc để nguyên thì tùy, nhưng hồi ấy chưa có đá như bây giờ, rồi ăn trưa sớm, rồi gánh vào làng bán.
Làng tôi có cái chợ, gọi là chợ Biện.
Chợ cũng là bến đò. Hồi ấy từ làng lên Huế đều đi đò, những con đò dọc chạy từ Huế về, qua cửa Thuận An lên tận Điền Hương, qua làng nào lại thả khách xuống. Nói thật, hồi ấy ngồi đò về quê là một cực hình. Đò nhỏ, người đông, lại toàn các ôn các mệ hút thuốc rê “thuốc Phong Lai khoai Thế Chí”- Thế Chí là làng tôi, Phong Lai là làng bên kia sông. Cái món thuốc rê ấy nó nặng và hôi kinh khủng, ai không quen không thể chịu nổi. Mà đò lại chật, người ngồi sát nhau thế, đủ biết nó như thế nào. Ấy thế nhưng, vật đổi sao dời, bây giờ được ngồi thuyền lênh đênh trên sông và phá Tam Giang như thế phải là người “có điều kiện”, là khách vip mới có thể. Tour du lịch thuyền trên phá đang khá phát triển với du lịch xứ Huế.
Thì cái chợ Biện ấy, đa phần là cá biển. Các chị sau một vòng mấy nhà quen, ngõ quen, thì gánh xuống chợ bán. Chợ này lạ, chỉ họp từ khoảng 12 giờ, tới 2 giờ chiều là tan. Ban đầu ngạc nhiên, sau mới biết để nó phù hợp với các chị ở biển vào làng bán.
Hôm qua ngồi cà phê với mấy ông em, một ông rủ: ra Huế chơi. Thế là tất cả OK. Giờ đi lại cũng dễ, 5 người chất lên cái xe 7 chỗ, hướng tới là quê tôi, chính xác là vùng biển ấy.
Thì giờ, biển quê tôi lại tấp nập. Đầu tiên là... không phải lội cát nữa, mà có những con đường chạy thẳng ra biển, là dành cho ai lười đi bộ, chứ tôi vẫn khoái có con đường cát riêng để ai thích thì đi. Nhưng nhờ những con đường như thế mà từ Huế chỉ chưa đầy tiếng đồng hồ xe chạy là có thể vùng vẫy ở biển.
Và khoái nhất là, đồ tươi roi rói.
Lại nhớ, năm nào đấy tôi về quê. Mẹ lại cắp rổ đi chợ. Về mẹ bảo: giờ cán bộ hưu toàn phải ăn cá nguyên con con ạ. Việt Kiều về ăn hết cá khúc. Cá nguyên con là cá nhỏ, cá khúc là cá lớn. Giờ, cá nguyên con mới là hàng xịn.
Lại nhớ vùng biển quê tôi ấy, có thời dân vượt biên như... đi chợ. Và sau này họ về, thành Việt Kiều, có điều kiện làm nhà, xây mồ mả ông bà, đến mức nổi tiếng, có nơi hoành tráng như thành phố, những thành phố người âm.
Nhưng cũng nhờ thế, mà vùng biển đẹp và hiện đại hẳn lên. Nó hút khách du lịch.
Giờ tôi về quê, toàn đòi em dâu nấu cho những món nguyên chất như ngày xưa. Một trong những món ấy là cá biển nấu với măng vòi muối. Tre quý và hiếm nên người ta không dám ăn măng, mà bẻ những cái vòi tre, là nếu để thì nó sẽ là những cành tre ấy, cho vào vại muối. Khi nấu canh cá, nó thay vị chua và có mùi măng rất đặc trưng. Giờ nó là đặc sản.
Một lần về quê, đi chợ, và tôi đã viết trên facebook thế này: “Tôi len lỏi trong chợ, cảm nhận sự hả hê của những anh chồng vừa đánh cá về, nỗi thỏa mãn của những chị vợ vừa từ nhà ra tiếp nhận cá từ chồng rồi phân loại tại chỗ, bán tại chỗ. Bạn hàng các nơi túa về. Mua ngay ở đây nó là chợ quê, tí nữa vào sạp vào hàng, nó là chợ phố. Cái cảm giác chợ quê nó râm ran khắp con tì con vị, bởi độ tươi ngon chân chất, bởi cái thật thà quê kiểng, bởi sự lao xao nửa trả giá nửa nài nỉ thân quen… dù nói thật hôm ấy, những gì tôi lễ mễ xách về đều bị cô em dâu chê đắt. Đúng thôi, tôi đã là gã không còn nhà quê nữa. Cái cách trả giá mua hàng chợ quê nó cũng khác. Tôi từ ô tô bước xuống, coi chợ quê như… siêu thị, nói sao móc ví thế, người quê tưởng tôi là… Việt kiều. Thôi thì một lần làm Việt kiều để mà yêu quê hơn, thương hơn cái chợ quê mà bây giờ thi thoảng mới gặp, dẫu thi thoảng nó cũng đã nhuốm tí thị thành…
Bao giờ cũng thế, đang trên đường, gặp chợ quê là tôi dừng lại, vào ngắm nghía, và sẽ mua một cái gì đấy. Huống gì lần này về quê, chợ quê ngay tại quê mình. Tôi đã lần khần cho đến lúc nắng lên chợ tan mới về nhà và… ngả những thứ mua được ra, hả hê gọi bà con đến…
Như một chấm xanh giữa trưa sa mạc, chợ quê làm mát lòng bao kẻ thị thành khi đang lang thang đâu đó bỗng nhiên bắt gặp. Không thể không dừng lại trừ trường hợp bất khả kháng.
Nó không chỉ là chợ, nó là ký ức.
Nó không chỉ là chốn bán mua, nó là ấm áp tình người, là trong veo cả con cá lá rau đến cái tiếng lao xao chào hỏi trả giá thân thuộc như trong nhà. Nó là non tơ một thời với cả những khốn khó lẫn những niềm vui ngập nghiễng, những niềm vui xen giữa loi thoi sấp ngửa lo toan bận rộn. Nó là sự bày ra cuộc sống tươi thật của người nông dân một nắng hai sương, và giờ họ ngắm nhìn thành quả”...
Tạp chí Du Lịch HCM
2 nhận xét:
Đọc mà rưng rưng theo từng chữ của nhà văn!
Hihi cám ơn bạn ạ.
Đăng nhận xét