Thứ Năm, 8 tháng 6, 2023

GÓP CHUYỆN ÁO DÀI

Mạng xã hội và cả báo chí đang “thảo luận” về đề xuất của một đại biểu quốc hội về việc các đại biểu nên mặc áo dài khi đi họp quốc hội. “Việc mặc áo dài ngũ thân trong các phiên họp Quốc hội, các hoạt động văn hóa, sự kiện ngoại giao sẽ giúp giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống”- đại biểu này đề xuất. Và thực tế, trên truyền hình trực tiếp, người dân đều thấy vị đại biểu Bình Định này mặc áo dài đi họp.

Thực ra việc mặc áo dài không có gì mới, bởi từ rất lâu ông cha ta đã mặc áo dài. Tất nhiên là trong những việc trọng, chứ không ai mặc để đi làm những việc tay chân nặng nhọc.

Nữ cũng thế, các bà các chị cũng mặc từ rất lâu rồi. Phụ nữ Huế đi chợ cũng mặc áo dài. Các mệ các chị gánh bún, chè đi bán dạo cũng có người mặc áo dài. Nguyên thủy, cái áo dài ấy, nó là... thường phục ở Huế. Cứ mở lại ảnh cũ thì thấy, trước và sau 75 một chút, các mệ các mụ đi chợ đều mặc áo dài. Lúc nào vướng quá, thì quấn vạt vào với nhau, lại thoăn thoắt gánh và bán. Mà nhớ, các mệ gánh hàng đi bán khá xa. Đồ gánh gồm: Bún, chè, cơm hến vân vân. Mỗi ngày có khi mấy chục cây số. Giờ tiểu thương chọ Đông Ba hầu như đều mặc áo dài cả ngày.

Và năm nào đấy, bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng đã đưa ra đề án quốc phục có nhắc tới áo dài nam.

Rồi giờ ở Huế, hầu như các sáng thứ hai đầu tuần, nam cán bộ công nhân viên, nhất là ngành văn hóa, đều mặc áo dài tới cơ quan. Ông Phan Ngọc Thọ thời làm chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, giờ là phó bí thư thường trực, cũng thường xuyên mặc áo dài trong các lễ lạt, tiếp khách hay các sự kiện của tỉnh.

Đàn ông Huế thì cứ tới sáu mươi tuổi là đương nhiên phải sắm một bộ áo dài, ít nhất là một bộ, com lê gồm: khăn đóng (mũ), áo, quần và áo trong màu trắng.

Mấy năm trước tôi về quê, chú em cũng trịnh trọng thông báo: Bác tới tuổi các bác rồi, phải mặc áo dài rồi, chiều nay em dẫn bác đi may một bộ để có việc thì mặc, không thì không được lên nhà thờ, không được dự các lễ trọng. Ăn cỗ mà không có áo dài khăn đóng thì... nó nhạt cỗ đi, dẫu cỗ mùa hè Huế rất nóng và “các bác” thì luôn được ngồi bàn trong cùng nhất, sát bàn thờ, tức là chỗ ít gió ít quạt nhất.

Tức nó đã là việc bình thường rồi.

Cũng như áo dài nữ, tôi nhớ ngay sau ngày hòa bình, về quê, có mấy bác tập kết có con học cấp 3 phản đối việc học sinh phải mặc áo dài tới lớp. Nhưng rồi một thời gian cũng đâu vào đấy. Giờ nữ sinh tới lớp, giáo viên lên lớp, ít nhất là thứ 2 phải áo dài. Công chức viên chức nữ thì ngày lễ hoặc hội nghị là áo dài. Và đã lan tới cả ngoài xã hội, chị em giờ đi đâu mang theo cả va li áo dài để chụp ảnh... nuôi phây.

Thế tại sao lại xôn xao thảo luận?

Thực ra ý kiến xôn xao đều cho rằng, quốc hội bao việc cần bàn, sao lại phải mang áo dài ra nghị trường? Rằng áo dài là ý thích, trong khi chưa có quy định về quốc phục thì ai muốn mặc gì thì mặc. Đại biểu cứ mặc áo dài có ai thắc mắc đâu? Một số thì cho rằng, áo dài vướng víu.

Thực ra thì, dân mạng cũng có lý. Tôi nghĩ họ không phản đối áo dài, nhưng quả là, nếu không ai cấm thì các đại biểu đi họp, ai thích gì mặc nấy, miễn là lịch sự. Tôi thấy đại biểu ở ta đa phần nam com lê hoặc sơ mi trắng quần tây. Nữ thì áo dài, váy hoặc sơ mi... quan trọng là chất lượng họp, chất lượng phát biểu là chất vấn. Nhớ hồi ông bác sĩ Sô Lây Tăng đang làm chủ tịch tỉnh Gia Lai Kon Tum, để đấu tranh cho tỉnh này được làm thủy điện Ia Ly, ông tuyên bố “sẽ mặc khố đi họp quốc hội nếu trung ương không quyết cho làm thủy điện”, chả biết có phải trung ương “sợ” không mà sau đấy thủy điện Ia Ly được khởi công, đồng nghĩa ông chủ tịch tỉnh này khi ấy vẫn mặc quần dài đi họp.

Bản thân tôi rất ủng hộ áo dài. Giờ tôi không chỉ một bộ mà có tới hai bộ. Nhưng tất nhiên không phải lúc nào cũng mang ra mặc. Một năm tôi chỉ mặc vài ba lần, ấy là lần cả xóm cúng tất niên, tôi luôn được giao nhiệm vụ chủ lễ nên phải áo dài. Ngày giỗ ba mẹ tôi thì tôi luôn áo dài để cúng. Bày cỗ xong thì thay áo, cúng xong thì cởi ra. Về quê ở Huế thì trong hành lý luôn có bộ áo dài, bởi thế nào cũng được dự ít nhất là một cuộc giỗ, rồi lên nhà thờ họ thắp hương thì phải mặc.

Mà giờ, sắm một bộ áo dài cũng không khó khăn gì lắm. Khoảng năm trăm ngàn là có một bộ tươm. Và như thế, chả cần quy định, từng người sẽ ý thức được có nên mặc không và mặc như thế nào?

Cũng không phải ai mặc áo dài cũng đẹp. Và ngược lại, không ai đang đẹp mà mặc áo dài vào lại xấu đi.

Thế thì, bèn... tùy.

Báo Người đưa tin



 

 

4 nhận xét:

Nặc danh nói...

Xin chào nhà văn yêu quí , từ khi tôi có trang mạng của Anh , thỉnh thoảng lướt qua thấy vui và động não . Tôi thấy Anh mặc áo sơ mi ngắn tay ngồi trước bàn làm việc vừa đẹp vừa sang ...! OK

Văn Công Hùng nói...

@Nặc danh: Dạ vâng, nhà cháu toàn thế, nhưng thi thoảng có việc trọng thì áo dài ạ. Một năm khoảng... 2 lần ạ.

Nặc danh nói...

Nhưng dù gì dân cũng chả cần ông Cảnh lo cho dân về việc phải mặc hay không mặc áo dài đâu anh Hùng.

Văn Công Hùng nói...

Ahihi vầng, nên nhà cháu bẩu là tùy đấy ạ. Nó vừa là ý thức lại vừa là quan niệm thẩm mỹ nữa, phỏng ạ?