Thứ Ba, 6 tháng 6, 2023

VỈA HÈ PLEIKU MỘT THUỞ

 

Hôm rồi tôi ra Vinh, và phải hết sức ngạc nhiên mà thốt lên, té ra khi quy hoạch Vinh, một trong những thứ mà người thiết kế quan tâm nhất là... vỉa hè. Những cái vỉa hè cực rộng, có đoạn tôi cảm giác xe ô tô có thể quay đầu được. Và không phải một vài chỗ, mà hầu như chỗ nào cũng thế, cả khu phố cũ lẫn mới.

Nhớ, Pleiku từng có những cái vỉa hè rất buồn cười.

Thời bao cấp, nhà nhà khinh khỉnh quay lưng ra đường, đi trên phố cứ như đi bên Hỏa lò hay lao Thừa Phủ. Rồi như có phép thần, một ngày, nhất loạt quay mặt ra, lấn từng cm, như hôm nay. Nhà tôi thời ấy là một cái phòng trong dãy tập thể vốn là khu gia binh của quân đội chế độ cũ. Nhà xây táp lô lợp tôn, dãy có gần 10 căn, tức là gần 10 hộ gia đình ở, đồng loạt mặt quay vào trong, lưng quay ra đường Trần Hưng Đạo. Phía mặt có khoảnh đất trống, thế là mỗi nhà một đám, cuốc lên trồng khoai lang, lấy lá cho người và... heo ăn. Lưng quay ra đường thì quây lại, nuôi heo ở đấy. Mỗi cái chuồng heo lại có một cái hố phân to uỳnh lõng bõng sát đường Trần Hưng Đạo, tối điện mò mò thi thoảng lại có người... sa chân xuống đấy.

Thế nên hầu như không có vỉa hè. Đoạn nào có thể gọi là vỉa hè thì được nậy lên rồi cuốc rồi xới, trồng khoai lang, môn nuôi heo, có nhà còn làm thêm cái giàn su su mát rượi. Dân Pleiku khi ấy chưa ăn ngọn su su, heo cũng không ăn, mà chỉ lấy quả. Sau này thấy dân Sa Pa với Tam Đảo ăn ngon quá, bèn cũng ăn, mới đây thôi, khi phong trào nhà nhà su su người người khoai lang Pleiku đã giảm “nghiêm trọng”.

Tôi có mấy ông bạn ở đường Tô Vĩnh Diện. Giờ là con đường rất khang trang dẫu vỉa hè vẫn không tương xứng, nhưng cũng vẫn được coi là vỉa hè. Xưa nó là con đường bé tí, đường sống trâu bởi ở giữa đường nó nhọn lên như sống trâu gầy, thoải ra hai bên, và lổn nhổn ổ gà với trơ khấc đá. Mùa mưa thì lầy mà mùa khô thì bụi. Nhưng khoai lang và su su thì rất xanh tốt. Vụt một phát, nó như bây giờ. 

Công năng chính của vỉa hè là để đi bộ. Cũng như thế, đường là để các phương tiện xe cộ di chuyển. Chả biết tự khi nào, chúng ta đã tự phát thay đổi công năng. Vỉa hè thành nơi buôn bán, còn đường thì dành một phần cho người đi bộ.

 

Một thời, tôi có cái thú cà phê vỉa hè. Từng ca ngợi cà phê cóc, rằng cà phê nó không chỉ cà phê mà nó chính là không khí cà phê. Và, cà phê chỉ lên hết chất cà phê, nhất là cà phê Pleiku, thì nó phải là cà phê vỉa hè, cà phê cóc. Cái quán cà phê vỉa hè mà tôi và nhiều đồng nghiệp từng ngồi một thời là Trăng Ngàn, cũng trên đường Trần Hưng Đạo, đối diện ngân hàng Vietinbank bây giờ. Vỉa hè, ai tới trước ngồi trước ai tới sau ngồi sau, ai tới sau cùng thì trả tiền. Nó như cái câu lạc bộ báo chí văn nghệ mỗi sáng.

 

Cũng kha khá nhiều áng văn đẹp ca ngợi, miêu tả cái thú nhâm nhi ly cà phê sáng hoặc chiều ở một vỉa hè nơi thành phố lạ nào đó. Những là là đà sương sớm, là nắng chiều mong manh, là bước chân lữ thứ, là nao nao nỗi lòng... nó khiến cái cảm giác vỉa hè vừa đẹp vừa thổn thức mời gọi. Rồi ăn nhậu cũng thế. Chả biết tự lúc nào, người ta thích ngồi xà lển ở vỉa hè, cho khoái. Mà quả là, ngồi vỉa hè ngắm phố, ngắm người, chuyện vãn... nó cũng từng là cái thú của chính cả người đang viết bài này.

 

Xuất thân là nông dân, khi lên phố sinh sống, bản chất tằn tiện, tiết kiệm, tận dụng... của những người coi đất là ngọc là vàng là kim cương... được phát huy, nên tất cả chỗ nào có thể tận dụng được là được tận dụng. Và thế là, vỉa hè trở thành nơi buôn bán, nơi sinh sống, thậm chí là nguồn sống chính, của rất nhiều người, nhiều gia đình.

 

Đến mức, có thời, có lúc, thấy những cái vỉa hè thẳng băng, vắng vẻ, sạch bóng... có người lại thấy nó thiếu thiếu cái gì. Cái hơi thở phập phồng, cái nhộn nhịp tồn sinh, cái hối hả đời sống, cái tươi non gấp gáp của thời gian, cả cái không gian chật hẹp ấy nữa, nó cũng như một phần của phố...

 

Giờ, vỉa hè vẫn đấy. Như cái đoạn Lê Lợi nhà tôi đang ở, có tới gần chục quán cà phê, rất xịn, thì vẫn có những bộ bàn ghế đặt lấn ra vỉa hè một tí. Vẫn có những người thích ngồi đấy ngắm phố. Còn tôi đã hết thú cà phê cóc vỉa hè, mà giờ là cà phê pha máy Espresso, và có cái quán quen ngồi lút trong phòng.

 

Nhưng vẫn mồn một những vỉa hè lam lũ một thuở. Tôi từng có những câu thơ vỉa hè thế này: “Đó là gốc bàng già/ tháng năm đi qua bám vào rễ cây từng chùm kỷ niệm/... dằng dặc ký ức/ thổi lửa vào lòng bàn tay”. Và đây nữa: “thôi thì tháng giêng cứ cơn cớ vu vơ mà gieo vào thương nhớ/ người ở tận đâu rồi sao vẫn tiếc chỗ ngồi quen/ vỉa hè rét ly cà phê bốc khói/ mầm vênh vao ngoằng ngoẵng phía thông già”. Mà nào đã hết, Pleiku trong tôi nó như thế này nữa: “Dạ hương lẩn khuất đâu đây/ phố khuya như ngọn đèn gầy nhấp nhô/ em như câu hát tình cờ/ mà đau lòng cỏ mà hờ hững đêm...”. Cái cây dạ hương ấy nó từng hiện diện ở vỉa hè đường Trần Hưng Đạo...


Báo Gia Lai link gốc


 

 

Không có nhận xét nào: