Chủ Nhật, 21 tháng 5, 2023

TRÊN ĐƯỜNG NHẶT CHUYỆN...

 


          Mấy ngày nghỉ lễ năm nay, tôi ôm vô lăng, ngược chiều dòng người từ Sài Gòn đổ lên Kon Tum, tôi từ Pleiku sang Đăk Lăk.

          Nước ta, trừ những ngày “chạy dịch” Covid mấy năm trước, giờ đã thành dĩ vãng kinh hoàng, người cuồn cuộn đêm ngày không nghỉ trên tất cả mọi phương tiện, có cả đi bộ và xe đạp... để xuyên Việt, chủ yếu là từ Nam ra Bắc, còn lại thì một năm định kỳ mấy lần dân chen vai thích cánh trên đường để về nhà hoặc đi chơi là tết, lễ thống nhất đất nước 30 tháng 4 và quốc khánh 2/9.

          Tôi ít tham gia vào các cuộc “xuống đường” trong các dịp lễ tết, nếu có thì cũng trừ những ngay cao điểm ra, bởi rất hãi cảnh kẹt tàu xe, ăn chực nằm chờ trên đường. Đa phần dịp ấy là con cháu về thăm mình, chúng cũng đã chọn phương tiện và mua trước vé để không đến nỗi trở thành... hạt bụi trong biển người cuồn cuộn những ngày cao điểm. Trước đó, khi mẹ còn, tết gia đình tôi lại về Huế ăn tết với mẹ. Hồi ấy tôi chưa có ô tô nên chỉ duy nhất một phương tiện là xe đò. Những chuyến xe chạy “thả”, tức là một chiều thì kín khách, chạy xuyên đêm. Sáng đổ khách xuống thì chạy thả, chạy gió, tức không khách, quay lại đón khách mới. Sau tết thì lại chạy thả ngược lại. Nên cứ tết là nhà xe tăng vé cũng có cái lý của họ.

          Năm nay, “xuống đường” chả phải đi du lịch như mọi người, mà là có một cái đám cưới bên Buôn Ma Thuột. Đi mới nghiệm ra mấy điều.

          Là cái nhu cầu tràn ra đường để đi trong mấy ngày nghỉ là rất lớn. Về nhà có, nhưng đa phần là đi chơi. Xe các tỉnh phía Nam ùn ùn lên đường Hồ Chí Minh vào các tỉnh Tây Nguyên. Tôi ở Pleiku, sang Buôn Ma Thuột, tức là tỉnh bắc Tây Nguyên xuôi nam, mà xe vẫn ngược chiều rất nhiều chứng họ hướng lên Măng Đen của tỉnh Kon Tum, một “ngôi sao du lịch” mới nổi, dù so với những gì được đồn đại, lên tới nơi nhiều người vỡ mộng, hoặc ra Bắc. Nhưng nó đều chứng tỏ nhu cầu đi chơi của dân ta là rất cao.

          Sang Buôn Ma Thuột, bắt đầu tới địa phận tỉnh, ta hay gặp những cái xe bò rất chậm trên đường, những đoạn có vạch liền. Cánh tài xế rỉ tai nhau, cứ nhẫn nại mà bò phía sau, chớ dại nóng ruột mà vượt lên. Vượt là dính vạch liền, và phía trước, vâng, phía trước luôn luôn có người chờ với cái điện thoại trên tay, tuýt vào, ảnh xe vượt dính vạch liền hoặc vượt tốc độ. Hết cãi nhé. Trên nhiều group hay facebook cá nhân nhiều người viết, đặc sản của Đăk Lăk là... cảnh sát giao thông?

          Năm nay, tình trạng tắc đường được thống kê là ít hơn mọi năm. Tôi nhớ năm ngoái tôi từ Sài Gòn về Cần Thơ, lên xe lúc 7h30 và tận 17h20 chiều mới tới. Bình thường với 170 km xe chạy tròm trèm 3 tiếng đồng hồ.

          Có 2 vấn đề nóng liên quan tới việc di chuyển trên đường, không chỉ liên quan tới cánh tài xế mà còn tới nhiều người khác.

          Một là việc siết chặt kiểm tra nồng độ cồn. Đây là việc làm rất đúng, rất hợp cả lý và tình, nhân dân rất ủng hộ. Tuy thế việc yêu cầu trong máu luôn phải trong veo không có tí nồng độ nào có vẻ như hơi khắt khe. Nhiều người cẩn thận uống từ chiều hôm trước, sáng sau thử thì... vẫn có. Trong thực tế thì, trừ một vài trường hợp cá biệt, còn lại thì nhậu xong, ngủ một giấc khoảng 4 tiếng đồng hồ là đã tỉnh lại, sau khoảng 6 tiếng là coi như... chưa uống. Thời kỳ đầu, nhiều người còn không dám ăn trái cây, sợ nó lên men trong dạ dày rồi hiện nồng độ cồn khi kiểm tra.

          Mới đây nhất, ý kiến phát biểu của chủ tịch tỉnh Bạc Liêu tại một hội nghị đã làm dậy sóng dư luận khi ông cho rằng, cần nới lỏng một số quy định để thu hút khách du lịch tới Bạc Liêu, chứ nếu căng quá họ xuống Cà Mau hết. Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề nghị lực lượng công an, văn hóa... phải xem lại, hạn chế việc giới hạn giờ buôn bán, vui chơi của người dân và du khách trước 11 giờ đêm.

Ông Thiều nói: "Như vậy, khách nói Bạc Liêu chơi sao đã được, chơi thì phải chơi tới 2-3 giờ sáng mới nghỉ, mới hiệu quả được. Đi du lịch về mệt, vào karaoke, đi nhậu chút xíu, 11 giờ đóng cửa rồi thì sao được. Cái này tôi đề nghị lực lượng công an, văn hóa phải hạn chế".

Ông nhắn nhủ lực lượng CSGT dừng việc canh bắt khách đi nhậu tại các quán. Ông cho rằng, cần phải tuyên truyền, giáo dục ý thức chứ việc canh người vi phạm để phạt không giải quyết được cái gốc của vấn đề...

Vui nhất là sau đấy, rất nhiều chủ các nhà hàng, giám đốc các cơ sở kinh doanh du lịch ở thành phố Bạc Liêu đã viết thư tập thể cám ơn ông. Nhìn cái thư cám ơn với các chữ ký phía dưới giới thiệu kiểu như “Thiên Lý quán Lê Kim Ngân”, “Khô Dũng Bạc Liêu”, “Cá lóc nướng sả 52”, “Quảng trường quán”... mà xúc động. Cái gì gần dân, có lợi cho dân, mà không ảnh hưởng tới xã hội lắm thì đều được dân ủng hộ và cám ơn.

Thì lá thư có những đoạn như thế này “Mặc dù có những ý kiến trái chiều về lời phát biểu của chủ tịch tỉnh, tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng, những ý kiến đó là chưa thấu hiểu được hoàn cảnh của ngành dịch vụ ăn uống, karaoke, khách sạn… Chúng tôi phải nuôi cả nghìn lao động, chúng tôi phải có nghĩa vụ nộp thuế, nghĩa vụ lo đời sống nhân viên.

Chúng tôi không muốn chỉ trích bất cứ ngành nào, lĩnh vực nào, nội dung chính ở đây chỉ muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu và muốn nói lên những khó khăn mà chúng tôi đang vướng phải...” thì thấy bà con cũng rất thấu hiểu và chia sẻ với ông chủ tịch Thiều.

Một chuyện nữa liên quan tới “trên đường” là kiểm định xe.

Năm nay ít kẹt xe có khi có một yếu tố liên quan nữa là do kiểm định. Nhiều xe tới hạn kiểm định nhưng chưa kiểm định được, bèn nằm nhà thay vì chạy liều để chịu phạt.

Nên nông nỗi này là do “cơn bão” các trung tâm kiểm định bị điều tra, nhân viên bị bắt rất nhiều. Mà chả cứ trung tâm đăng kiểm, ngay tới cục đăng kiểm cũng bị, nguyên cục trưởng cục đăng kiểm và các thuộc cấp bị bắt, và không chỉ đăng kiểm đường bộ mà cả tới đường thủy cũng dính chàm, cũng bị bắt. Té ra lâu nay đây là chỗ làm ăn gian dối, chuyên nhận hối lộ để xe, tàu không đủ tiêu chuẩn lưu thông, một trong những nguyên nhân để tai nạn giao thông ở nước ta rất cao, nhiều vụ rất thảm khốc.

Nó, kiểm định nước ta ấy, rất chặt chẽ, tới mức mà, xe vừa xuất xưởng, mua mới tinh ở hãng cũng phải kiểm định mới được lăn bánh. Xe cá nhân đánh đồng với xe kinh doanh. Mà nước ta hiện nay, do ăn nên làm ra, do nhiều nguyên nhân, xe cá nhân rất nhiều. Nhiều xe phủ bạt quanh năm, lâu lâu mới chạy một chuyến vì nhiều gia đình quan niệm mua xe như một cách giữ tài sản, vậy mà thời gian đăng kiểm cũng ngang với xe kinh doanh, như tắc xi chẳng hạn, chạy hàng vạn kilomet mỗi tháng.

Giờ, “cơn bão” ập đến, những điều vô lý ấy mới lòi ra.

Và kiến nghị sửa.

Nhưng để từ kiến nghị tới thực tế nó rất xa nhau.

Lâu nay cứ nghĩ các ông đăng kiểm đẻ ra quy định dày xít thế để nuôi các trung tâm đăng kiểm, nhưng bây giờ chính cục đăng kiểm lại cũng phải đề xuất lên bộ để giãn cách đăng kiểm.

Và xe vẫn cứ xếp hàng đợi đăng kiểm. Đồng nghĩa với việc xe phải nằm nhà. Thôi xe cá nhân còn thể tất, dẫu có việc phải thuê xe tức cũng thiệt hại kinh tế. Nhưng xe kinh doanh mà phải nằm thì nó thiệt hại vô cùng cho nền kinh tế.

          Trong cuộc họp mới nhất với các cơ quan liên quan bàn về dự thảo sửa đổi bổ sung về quy định đăng kiểm, phó thủ tướng Trần Hồng Hà nói: “Đặt mình vào vị trí người dân có ô tô, tôi cảm thấy chưa yên tâm. Chính vì vậy, hôm nay, tôi muốn nghe những ý kiến góp ý sát, đúng, thẳng thắn, khoa học. Khi nghị định mới được ban hành thì những vướng mắc, bức xúc của người dân, của xã hội có được giải quyết triệt để không? Sau cuộc họp, chúng ta phải đưa ra được chính sách đổi mới, đột phá để giải quyết cơ bản các tồn tại, gây bức xúc trong hoạt động đăng kiểm với tầm nhìn dài hạn". Trong khi đó, theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện sớm nhất có thể việc tự động giãn chu kỳ đăng kiểm đối với ô tô dưới 9 chỗ không kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) còn phải vận hành Thông tư bổ sung sửa đổi Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT theo quy trình thủ tục rút gọn.

          Tôi, có con xe bình dân, trước tết phải dậy từ 3 giờ sáng xếp hàng đăng kiểm dù sau tết cả tháng mới tới hạn, và mất nguyên ngày mới xong, hết sức mong chờ một sự đổi mới toàn diện từ ngành đăng kiểm để ra đường an toàn mà người có xe không bị hành như hiện nay.

          Có ai đó đã nói, ra đường ở Việt Nam bây giờ như ra... trận. Việc xiết chặt đăng kiểm hay nồng độ cồn là việc rất tốt để người dân lưu thông an toàn, nhưng như thế không có nghĩa là bắt người dân vào một trận địa khác...

                               Nhà thơ Văn Công Hùng, Mục "Tiếng nói nhà văn" báo Văn Nghệ số 20 ngày 20/5/2023



 



 

 

Không có nhận xét nào: