Thứ Tư, 17 tháng 5, 2023

ĐIỆP KHÚC... CHEN NHAU

Hôm kia nhà cháu từ Sài Gòn về Cần Thơ, đúng 9h xe xuất phát và 12h30 tới bến, trên đường nghỉ ở trạm dừng 1 lần hơn 20 phút dù nhà xe thông báo 10 phút. Với xe đò thì các tuyến về miền Tây phục vụ cực tốt, mỗi người một buồng nằm rèm che kín mít, có loa phát thông báo rất cụ thể, cám ơn khi khách lên khách xuống vân vân. Ơn giời là không bị tắc đường nên khá thanh thản ngủ và nghe nhạc trên xe. Bài này viết cách đây 17 ngày, thời điểm mà xe nhích từng nửa bánh xe trên đường. Hiện thủ tướng đang rất “quyết liệt” đốc thúc và chú trọng vào vấn đề giao thông, nhất là khu vực miền Tây và Tây Nguyên. Hy vọng những cảnh này không còn nữa...

----------

 

Nước ta có mấy dịp mà người người tràn ra đường, đen đặc, nhích từng chút, chen nhau từng bánh xe, khổ ải gian nan trên đường, là tết, nghỉ lễ 30/4 và 2/9...

Năm nay, trước kỳ nghỉ lễ dài có 2 tin rất vui liên quan tới... lễ, là cùng lúc, 2 đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Mai Sơn - quốc lộ 45 được Bộ Giao thông vận tải khánh thành vào sáng 29-4. Chính phủ đã cố gắng khai đường dịp ấy để giải tỏa bài toán kẹt xe năm nào cũng diễn ra. Và quả là, với cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, xe đã ùn ùn đổ vào để ra Bắc đến nỗi các báo lại đồng loạt đưa tin “Hỏa tốc chống ùn tắc trên cao tốc Phan Thiết Dầu Giây”.

Trong khi đó, báo chí và mạng xã hội cũng đưa đưa tin, hôm bắt đầu ngày nghỉ ấy, dân từ Hà Nội về Thanh Hóa phải đi hết... 10 tiếng. Và sáng nay, báo TT đưa tin: "Cầu Rạch Miễu lại kẹt cứng trước lễ 30-4". Miền Tây hay, cái cầu to oạch qua con sông to oạch, mà lại gọi là... rạch.

Lễ năm nay tôi cũng xuất hành, ôm xe chạy ngược hành trình. Đa phần xe từ phía Sài Gòn chạy ngược lên Tây Nguyên, có thể họ chạy lên Măng Đen, “ngôi sao du lịch” mới nổi, dù cái sự nhắc nhiều đến nó chưa tương xứng với những gì nó có, hoặc họ ra Bắc bằng đường HCM, tôi thì chạy sang Đăk Lăk, theo hướng về Sài Gòn, chứng kiến những đoàn xe dằng dặc ngược chiều. Chứng kiến nhiều người nói đùa, đặc sản của Đăk Lăk là... cảnh sát giao thông.

Nhớ năm ngoái, ngày 30/4, tôi từ Sài Gòn về Cần Thơ bằng xe khách. Năm trước đấy tôi đi ô tô tự lái, Sài Gòn xuống Cần Thơ hết... 5 tiếng cho 170 kilomet. Có đoạn con gái tôi ngồi bấm giờ rồi thông báo: một tiếng đồng hồ vừa rồi ba chạy được... 12 cây số. Là cái đoạn qua Cái Bè nó tắc khủng khiếp. Nên năm sau tôi quyết định đi xe khách, một hãng xe rất nổi tiếng. 7h30 lên xe chạy xuyên trưa, ơn giời, 17h30 đã được... đặt chân xuống bến xe Cần Thơ. Bình thường chỉ hơn hai tiếng đồng hồ là đã tới. Năm nay một loạt các đường cao tốc được khởi công khiến cho các quãng đường về quê, các khoảng cách vùng miền ngày càng thu hẹp, tiện lợi cho con người và phát huy được thế mạnh của các vùng kinh tế, liên kết để phát triển. Trước mắt, các ngày lễ tết, dân về quê hoặc đi chơi đỡ khổ.

Thông tin mới nhất trên báo hôm qua là “trong 24 giờ nghỉ lễ (từ 7h ngày 29-4 đến 7h ngày 30-4), các bệnh viện trên cả nước ghi nhận 59.664 người khám bệnh, cấp cứu, 2.984 người bị tai nạn giao thông và 1.039 ca COVID-19”.

Và “ngày 30/4, CSGT toàn quốc đã xử lý 9.619 lái xe vi phạm giao thông, phạt tiền gần 21 tỷ đồng, tạm giữ 159 ô tô, 4.301 xe máy, phương tiện khác”.

Báo chí cũng rất “thắc mắc” về việc, trước lễ, vé máy bay đắt khét lèn lẹt, cao ngất ngưởng. Tôi cũng bay một cú Hà Nội Pleiku với vé hai triệu tám. Nhưng sát ngày lễ, và trong lễ, giá vé đột nhiên hạ bất thường khiến cục hàng không phải vào cuộc. Và té ra, nó chỉ “giảm sâu” ở một số tuyến chứ không phải tất cả. Có tuyến giảm tới 40%. Nhưng về cơ bản thì... không có gì bất thường, không có sự “ôm vé” như dư luận. Cục hàng không cho rằng, các hãng tăng chuyến vào các giờ không đẹp, ví dụ nửa đêm, cho các tuyến đông khách, và hãng hạ giá để phù hợp khung giờ, chứ vẫn bán vé đúng quy định. Và chuyện “đầu cơ” vé máy bay hầu như là không thể bởi mua vé phải có thông tin rõ ràng và chính sách đổi vé rất ngặt nghèo.

Cũng chuyện về quê và đi chơi, tức di chuyển trên đường, bên cạnh những tỉnh được cho là khá... ngặt nghèo trong việc thổi phạt, thì nhiều tỉnh cảnh sát giao thông cũng lập chốt, nhưng là chốt để... giúp người về quê, tặng bánh mì và nước, dẫn đường, kiểm tra kỹ thuật xe giúp dân, và tất nhiên tranh thủ tuyên truyền luật giao thông, như csgt Đà Nẵng, Nghệ An, Bạc Liêu, Bình Phước... vân vân, được dân hân hoan khen ngợi.

Trên mạng cũng có nhiều gia đình hoặc nhóm bạn khoe ảnh cả nhà hoặc nhóm di chuyển bằng tàu hỏa. Cũng là một trải nghiệm hay dù giá vé tàu so với xe thì không rẻ, thậm chí có lúc ngang vé máy bay. Nhưng bù lại nằm ngồi thoải mái, đi lại thoải mái, ăn uống tiện lợi, ngắm cảnh vô tư. So với ngày xưa thì tàu hỏa bây giờ đã một trời một vực.

Thủ tướng và chính phủ đang rất “quyết liệt” trong việc đầu tư vào cao tốc đường bộ, đường sắt để trong thời gian sớm nhất, việc di chuyển, đi lại của dân ta sẽ không còn là những cơn ác mộng mỗi khi có dịp nghỉ. Và hơn thế, nền kinh tế nước nhà cũng sẽ... khởi động theo, bắt đầu từ giao thông.

Trước mắt lại là dịp nghỉ quốc khánh 2/9. Và ngay kỳ nghỉ này cũng còn tới 2 ngày nữa mới hết. Thì lại chuẩn bị... nín thở lên đường, dẫu biết năm nay, so với năm ngoái, so với tết vừa rồi, và về trước nữa, thì đã dễ thở hơn rất nhiều.

Báo Người đưa tin

Ảnh liên quan: di chuyển bằng chuyên cơ nhỏ (hình như 16 chỗ) cũng sẽ gây tắc đường hàng không, nhà cháu biết thế nên chỉ đi 1 lần cho biết.





 

 

 

 

Không có nhận xét nào: