Thứ Ba, 24 tháng 1, 2023

KHÚC KHUỶU MIỀN TRUNG

 

          Cuối năm thứ nhất đại học, chúng tôi được học môn “Dẫn luận ngôn ngữ”, với thầy Nguyễn Phan Cảnh, con trai danh họa Nguyễn Phan Chánh, một người Hà Tĩnh, là một chuyên gia ngôn ngữ nổi tiếng thời ấy. Trường Đại học Tổng hợp Huế ở miền Trung, các bạn trong lớp đa phần là dân miền Trung, thế mà đứa nào đứa nấy mắt tròn mắt dẹt im phắc căng tai ra nghe thầy giảng phần “Ngôn ngữ thơ”,  đọc và bình bài thơ “Lý ngựa ô ở hai vùng đất” của nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, cũng một người Hà Tĩnh.

          Bài thơ có cái tứ rất hay, phải nói là cực hay và độc đáo, làm thơ mà dựng được tứ hay thì coi như đã nắm chắc thắng lợi, nắm chắc có thơ hay, thế mà lại còn hình ảnh, còn chi tiết độc đáo, đúng bản chất, đúng hiện thực... thì thơ chỉ có từ hay trở lên. Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh đã rất thành công với bài thơ “Lý ngựa ô ở hai vùng đất là thế. Cái tứ ấy là anh lính trẻ quê miền Bắc vào Nam chiến đấu. Mà miền Bắc thì có hội Gióng, có truyền thuyết Thánh Gióng, có ngựa sắt. Nhưng miền Nam thì lại có “Lý ngựa ô”, xâu chuỗi lại, anh lính trẻ từ Bắc vào Nam phải qua miền Trung, và cái miền Trung ấy nó như thế này: “Thế mà bên em móng ngựa gõ mê say/ qua phá rộng duềnh lên dợn sóng/ qua truông rậm/ đến bây giờ anh buộc võng/ gặp mối dây buộc ngựa gốc lim già.../suốt miền Trung sông suối dày tơ nhện/ suốt miền Trung núi choài ra biển/ nên gập ghềnh câu lý ngựa ô qua./...khen câu miền Trung qua truông dài phá rộng/ móng gõ mặt thời gian gõ trống...”.

          Miền Trung hiện lên mồn một ở những câu thơ trên.

          Thầy Nguyễn Phan Cảnh, ngoài một khả năng đọc thơ hết sức tuyệt vời, tới mức sau đấy bọn con trai lớp tôi hầu như chỉ còn một phong cách đọc thơ duy nhất, phong cách “Thầy Cảnh”, thì còn phân tích bài này cực hay dù thầy dạy... ngôn ngữ. Cả lớp mê thầy như điếu đổ, trai yêu kiểu trai, gái yêu kiểu gái.

          Sau này ra đời, thi thoảng được mời đi nói chuyện hoặc giảng bài đâu đấy, tôi cũng hay bắt chước thầy Cảnh, mang bài này ra bình, nhưng chỉ được một góc thầy.

          Nhưng tôi hiểu thêm nhiều điều, nhiều chiều, nhiều khía cạnh về mảnh đất miền Trung mà tôi đang sống.

          Cũng như thế, tôi đã mê mẩn nghe nhạc sĩ Nguyễn Việt Đức và Nguyễn Trọng Tạo hát bài “Ngẫu hứng Lý qua đèo” của Nguyễn Việt Đức. Trong hành trình dằng dặc hành phương Nam của người Việt, khi đến chân đèo Ngang, con đèo chia đôi đất nước, mịt mù xa thẳm. Phía trước là những gì chưa thể biết, thậm chí chưa hình dung nổi, chỉ thấy vời vợi mây bay trên đỉnh đèo, chỉ thấy chim kêu vượn hú, sau lưng là quê hương bản quán, là vợ con cha mẹ, người thân, mồ mả cha ông... những người hành phương Nam đi mở xứ ấy lấy đây là nơi chia tay định mệnh. Và cái “lý hoài Nam” nó buồn thấu ruột, nó thổn thức tâm can, xé nát hồn người là thế. Dựa vào đấy, Nguyễn Việt Đức viết “Ngẫu hứng lý qua đèo” để bây giờ vèo phát qua đèo nhưng hát và nghe hát vẫn rưng rưng kiếp người, thương một thời nước Việt và cũng tự hào một thời nước Việt.

Cái mảnh đất miền Trung ấy, ai đã qua, đã sống, đã trải, giờ phải xa đều nhớ đến nao lòng, đến xót dạ.

          Những con người tảo tần vùng đất ấy đã đầy sáng tạo, cần mẫn đời này sang đời khác, thế hệ trước trao truyền sang thế hệ sau, để từ những nổi nênh quê mình chế biến nên nhiều thứ đặc sản, từ văn hóa nghệ thuật tới ẩm thực, từ phong cách sống tới ngôn ngữ, từ con người tới núi non, từ sông tới biển, từ vật thể tới phi vật thể... để sống, để tồn tại và để thăng hoa.

          Tôi sinh ra ở Thanh Hóa, mảnh đất bắc miền Trung, nơi mà có bài vè vui “khu Bốn đẩy ra, khu Ba đẩy vào”, nhưng quê tôi ở Huế, và giờ sống ở Pleiku, để về quê và về nhà, tôi đã phải đi qua dằng dặc miền Trung, cái mảnh đất eo lại, thắt lại, có đoạn thắt rất nhỏ, có người ví như cái eo hoa hậu. Bên này là núi, bên kia là biển, vút cao và vực thẳm, rẻo đất mảnh như lông mày thiếu nữ, nhưng nếu lần ngược lịch sử, và cả hiện tại, thì không ai có thể coi thường những gì đã xảy ra ở cái viền mảnh mai lông mày ấy.

          Cái món dân ca Việt ấy mà, ở phía Bắc nó lạc quan, tự tin bao nhiêu, thì vào phía Nam nó buồn và nhớ bấy nhiêu. Còn miền Trung, giữa những dùng dằng đi ở, những lưu luyến chia xa, dặt dìu ví, dặm, nó còn in rất rõ thế đất của vùng. Nó khúc khuỷu, nó gập ghềnh, nó trắc trở... thì đèo núi như thế, sông suối như thế, nó ăn vào đời sống hàng ngày lời ăn tiếng nói, nên thi thoảng những hò những lý nó chủng chẳng nó huỵch hự cũng chả lấy gì làm lạ, mà rõ nhất là hò giã gạo chẳng hạn..., và càng rõ khi vào tới mấy tỉnh Nam Trung Bộ Quảng Nam Quảng Ngãi...

Nhưng lại thế này, tự nhiên ngồi lẩn mẩn nhớ những con sông đã từng qua, tôi phát hiện những con sông có nước xanh nhất đều ở miền Trung. Đấy là sông Lam, sông La và sông Hương, dù về nguyên tắc, những đoạn này chiều ngang rất hẹp, núi đổ thẳng xuống biển nên các con sông rất dốc, chảy xiết, sẽ ngầu phù sa. Ấy thế nhưng, đoạn nào xanh được nó cứ hồn nhiên lừng lững xanh, xanh đến mê mải, đến nao lòng, đến như thách thức cả màu xanh của rừng, của trời. Cố thi sĩ Hoàng Trần Cương đã hết sức tài hoa khi phát hiện: Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa/ Chuốt ruột mình thành dải lụa sông Lam. Hay sông La trong thơ chị Phương Thúy: “Nước mô xanh bằng dòng nước sông La”. Và sông Hương qua mắt nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm như thế này: “Nhưng chiều nay, con bò gặm cỏ,/ Bên dòng sông, như chưa biết chiều tan./ Tôi với nó lặng im, bè bạn/ Mắt nó nhìn dìu dịu nước Hương Giang”. Thanh bình quá đỗi.

Có 2 cặp hình ảnh người Nghệ hay dùng là “gừng cay muối mặn” và “sông Lam núi Hồng”. Gừng cay muối mặn “ý tại ngôn ngoại” là nói về tính cách. Nó là cái thức đơn giản, khốn khó hàng ngày của những gia đình nông dân Nghệ, nhưng nó đằm sâu vào tâm thức, nó thành tính cách, vừa là sự thủy chung nhưng cũng nhắc nhớ sự sẻ chia, sự thảo thơm trong nghèo đói. Sông Lam núi Hồng cũng thế, nó là địa lý mang tính hiển nhiên, nhưng lại cũng biểu hiện sự khắng khít không tách rời của con người. Tôi thấy trong ca khúc của các nhạc sĩ người Nghệ thường có các cặp hình ảnh này, nó tạo nên một thương hiệu Nghệ. Dân Nghệ còn một tính cách nữa rất đặc trưng, là tính thích nghi. Thì phải thích nghi như thế nào, mà chả cứ trong nước, mà ngay cả ra nước ngoài, đang vơ vẩn lạc lõng ở đâu đó, chợt vang lên một giọng Nghệ. Tôi đã gặp trường hợp này ở Lào, Camphuchia, Thái Lan, Ấn Độ, và mới nhất trên một chuyến tàu điện tận... Đài Loan.

Miền Trung nghèo đói, miền Trung thương khó, miền Trung kiên cường, miền Trung vất vả, miền Trung nghị lực, miền Trung vươn lên vân vân, người miền Trung đời này qua đời khác, đang chứng minh dải đất của mình cũng là một... thế lực. Những gì là bất lợi hôm qua, hôm nay trở thành... đặc sản. Từ tính cách, tâm hồn tới sản vật, tự nhiên...

          Chính tôi, trong một bài thơ đã thốt lên “miền Trung cả đời thương khó mãi sao?” để rồi kết: “miền trung em cười cũng rụt rè/ để phần mởn tươi kia cho sóng/ những con sóng hiền hòa chiều lặng bão/ hồn nhiên cơn lũ theo mùa.../...em của miền trung mặn nồng thương khó/ nhưng cứ cả đời thương khó mãi sao?”

          Thế té ra, khúc khuỷu mà lại không khúc khuỷu, gập ghềnh lại cũng chả gập ghềnh.

          À mà khúc khuỷu, tôi nhớ cũng thầy Nguyễn Phan Cảnh kể cho chúng tôi, dạy sinh viên nước ngoài, cứ nói tên mình là Huỳnh Khúc Khuỷu, rồi nghe họ đánh vần vui lắm. Mà miền Trung thì khúc khuỷu thật chứ không bon bon như miền Nam hay miền Bắc...

Báo Nghệ An số xuân Quý Mão 2023





 

                                                                     

 

 

Không có nhận xét nào: