Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2023

NGỒI PLEIKU NHỚ TẾT BẮC...

 

          Như nhiều gia đình Việt ở nửa cuối thế kỷ trước, tôi có một lý lịch khá đa dạng: Sinh ở Thanh Hóa và học hết cấp 3 ở đấy, nhưng quê mẹ lại ở Ninh Bình, ba quê ở Huế, học đại học ở Huế và giờ đương sống ở Pleiku. Tức là tôi có gần hai mươi năm sống trên đất bắc, đón xuân ở miền Bắc, ăn tết miền Bắc. Mà những cái năm đầu đời ấy, nó để lại ấn tượng rất sâu đậm trong đời người, nó khiến cho, lúc nào và ở đâu, cũng muốn ngoái đầu nhìn lại.

          Thế nên, cứ tết là nhớ rét.

          Nước ta có địa hình trải dài và chia ra ba vùng Bắc Trung Nam rõ rệt, từng vùng, tùy điều kiện khí hậu thổ nhưỡng, rồi lịch sử văn hóa... mà mỗi vùng có một kiểu ăn tết khác nhau. Mà chả cứ ăn tết khác nhau. Cứ để ý thì thấy, nhiều thứ khác nhau, như ca dao dân ca chẳng hạn, hát ru chẳng hạn, 3 miền khác nhau rất rõ, nó được hình thành bởi hoàn cảnh địa lý, lịch sử và sự di dân, sự hành phương Nam của cư dân Việt xưa.

          Mà thực ra, không chỉ là nhớ tết, mà là nhớ cái không khí ấy, cái mùa ấy...

          Tết là mùa xuân, nhưng lạ, tôi lại chỉ nhớ và thèm rét Bắc.

          Ngay sau ngày thống nhất, cả gia đình tôi về quê ở Huế, để lại sau lưng cái mùa đông xứ Bắc, để sau đó, khoảng mươi năm về trước, tôi cứ cắc củm dành dụm để sát tết lại ra Bắc một chuyến, ra để hưởng rét.

          Tôi quan niệm, rét khác lạnh. Lạnh là cơ học, rét là cảm xúc. Có thể lạnh mà không rét, và ngược lại. Rét nó ngọt và trữ tình, chứ lạnh nó xùm xòe và nhếch nhác. Pleiku, Đà Lạt, Huế, Măng Đen là lạnh, nó tràn đều, nó hạ nhiệt một cách cơ học, nó không cảm xúc, nó trơ ra chỉ là nhiệt độ thấp. Còn rét, nó hun hút, nhoi nhói, nó thắc thỏm trong những cơn lạnh. Nó như nỗi nhớ, cứ thường trực đâu đó, đầy ấn tượng muốn vỡ òa mà không nói ra được. Rét ngọt là thế. Không có lạnh ngọt, chỉ có rét ngọt mà thôi. Và rét, nó mang cảm xúc nhân sinh.

Những cơn rét Tây Nguyên nơi tôi đương sống nó không giống như rét Bắc. Rét Tây Nguyên nồng hơn, nhưng lại mỏng mảnh hơn bởi một ngày nó có tới 4 mùa. Rét Bắc thăm thẳm miên man hơn, sâu hơn và có vẻ có đất để "tâm trạng" hơn, lãng mạn hơn dù nó cũng khắc nghiệt hơn nhiều.

Tết ngày xưa ấy có cái thú là đi xem... tát ao. Chúng tôi là dân sơ tán nên chỉ đứng trên bờ nhìn, còn trẻ con nông thôn thì ùm ũm lội dưới ao hôi cá. Các ao này là của hợp tác xã, được bảo vệ rất nghiêm ngặt, mỗi năm được tát một lần vào dịp giáp tết, thường là 27 hoặc 28 âm lịch để chia cá cho dân ăn tết. Tát ao là một ngày hội, bởi có cá, có ao, có người, có không khí, có cái rét căm căm xứ bắc lẫn cái nồng nã náo nhiệt của hàng trăm con người dồn xuống cái ao chỉ còn lấp xấp nước và bùn và cá... có khi còn vui hơn tết, bây giờ chả đâu còn không khí này nữa...

Ngày ấy sơ tán. Vừa học vừa lo trốn máy bay. Học dưới hầm hoặc cái lán có thành đất như con đê bao quanh, nên quần áo tết nó cũng đúng phong cách chiến tranh. Phải đúng sáng mùng một thì chúng tôi mới được mặc quần áo mới. Thường thì là cái quần xanh sĩ lâm bằng vải chéo (chả hiểu sao lại gọi cái màu xanh ấy là xanh sĩ lâm), một cái áo phin màu trứng sáo- những cái màu hợp với việc xà phòng khan hiếm, và chiến tranh. Giờ đi máy bay mới biết là, ở trên cao nhìn xuống thấy mọi thứ đều bé tí, là cái lúc đã giảm độ cao để máy bay lao xuống ấy, thế mà ngày xưa, cứ chuyền tai nhau, và thành nguyên tắc, không được mặc áo trắng, không đội nón trắng. Đến cái vành xe trắng lóa cũng phải bọc lại, đeo đồng hồ cũng phải lấy khăn mùi xoa quấn lại, để... máy bay Mỹ không thấy. Và nguyên tắc của mẹ tôi, bao giờ bộ quần áo tết cũng dài rộng hơn khổ người lúc ấy, để... mặc được lâu, đến khi rách vẫn vừa, thậm chí chật mà chưa rách thì em trai mặc. Xúng xính, ai nghĩ ra cái từ ấy hay thật. Rộng thì mới xúng xính. Đi từ đầu đến cuối dãy tập thể, rồi là sang dãy khác, toàn nhà tranh tre nứa lá, mỗi gia đình được một gian, nhưng không được vào nhà ai. Điều này đã được người lớn huấn thị từ hôm bắt đầu chộn rộn tết. Cái sự khoe bộ quần áo mới nó còn tiếp diễn đến hết tết kia. Áo phải xăn tay, quần phải xăn ống, bỏ áo trong quần túm lại như con ếch bị cột lạt, thế mà vênh vang, thế mà hãnh diện, cứ lang thang hết sân dãy này sang dãy khác. Tất nhiên con nhà khác cũng lang thang như thế, khoe mà. Thế nên hiểu được cảm giác đứa nào tết mà không có quần áo mới nó tủi thân đến như thế nào? Tết trẻ con thời chúng tôi nó giản dị vậy. Thế mà năm nào cũng mong tết, có cảm giác trẻ con thời ấy mong tết hơn trẻ con bây giờ. Cũng có thể là tại đói quá, tết thì được ăn no và ngon. Mặc đẹp thì đương nhiên. Lạnh thế nhưng đã mặc bộ quần áo tết vào rồi thì cương quyết không mặc áo bông bên ngoài nữa. Thế mà nhiều nhà tết không có nổi bộ quần áo tết cho con đâu. Hồi ấy phần đông là đẻ nhiều, có nhà năm sáu đứa con, mà phiếu vải cung cấp người lớn được 4 mét một năm, lấy đâu ra cho đủ. Nên tôi vẫn còn là loại sướng vì nhà chỉ có 2 anh em trai, tết nào cũng có một bộ quần áo mới.

Tất nhiên thời ấy, ăn tết mới là chính, là quan trọng. Giờ người ta chơi tết, chứ thời ấy tết to tức là được ăn no cơm trắng không độn và có thịt cá...

Thường là cỗ tính theo bát đĩa, 6 đĩa 6 bát là sang, trong đấy không thể thiếu các món là giò, nem, bung, mọc, con gà luộc và nồi cá kho. Nó là cái hồn cái cốt của mâm cỗ tết, và tết chỉ đúng 3 ngày.Chiều 30 tết, rét căm căm, nhiều bà con nông dân vẫn còn cắm cúi ngoài ruộng, cấy cho nốt đám ruộng còn lại.

Phía trên tôi kể tát ao, còn một sự kiện nữa để tết trọn vẹn là đụng lợn. Hầu như nhà ai ngoài Bắc thời ấy cũng nuôi lợn. Lợn mình nuôi nhưng lại phải làm nghĩa vụ cho nhà nước, một năm được ấn định bao nhiêu cân đấy, ngoài phần ấy thì là của mình. Thường thì ba bốn nhà chung nhau 1 con lợn tháu. Ngày ấy chính là hội của gia đình. Tát ao là hội của cả làng vì ao của làng, còn đụng lợn là ngày hội của những nhà đụng lợn. Các món bắt buộc phải có là cháo lòng tiết canh, tất nhiên, chia rất đều, các nhà xì xụp ngay sáng ấy, rồi giò thủ, thịt đông, 2 món này rất hợp với khí hậu miền Bắc khi ấy, thậm chí chưa kịp bó giò đã đông cứng.  Nhà có điều kiện hơn thì lấy quả thăn giã giò nạc. Thể nào cũng phải rán chảo mỡ để ăn trong... nửa năm. Một ít ba chỉ để dành chiều 30 gói bánh chưng. Gói xong nấu tới sáng mùng một vớt bánh cúng. Nhà khá hơn, không bận thì gói từ trưa để kịp vớt cúng giao thừa.

Năm nào đấy, sát tết, tôi ra Bắc.

Năm ấy lạnh lắm, lạnh hơn chục năm trước đấy. Mọi người sùm sụp áo ấm các loại, anh bạn phải cho tôi mượn cái áo trùm đầu. Nhưng vẫn... thèm rét, tôi năn nỉ mấy người bạn cho tôi đi... hưởng rét.

Mấy cái xe máy đèo nhau sang bên kia sông, tới một khu đồng trống huơ trống hoác. Gió ù ù, nước buốt như cước, mặt đồng tỏa sương như nước đang sôi, nhưng té ra nó là sương muối. Chúng tôi co ro vào một cái lều, chị chủ cái ao nằm trùm một đống chăn bị chúng tôi đánh thức. Câu, chúng tôi đi câu, giữa đồng mùa rét ấy.

Gọi là câu nhưng biết sẽ không có cá, vì lạnh thế này cá nó cũng như chị chủ kia, chui vào đâu đấy cho ấm. Một lò than được chị chủ ao vần ra, con cá lóc 1 cân bắt trong... xô, muối ớt. Xong rồi, chúng tôi... câu ngay trên bờ ao giữa gió luồn hun hút. Một chai rượu được lôi ra từ cái túi đeo trên ghi đông xe máy.

Bạn tôi bảo, chiều ông chứ vợ tôi nó bảo tôi là... đồ điên.

Mà đúng, ở phương Nam làm gì có rét. Tết năm ngoái tôi ở Cần Thơ, nắng chan hòa, nắng mênh mang, nắng vàng rực, và mồ hôi luôn ròng ròng. Nên phương Nam làm gì thì làm, luôn luôn phải có ly trà đá. Nó giúp giải nhiệt tức thì.

Huế quê tôi tết cũng lạnh, nhưng như đã nói, nó là cái lạnh cơ học, kèm mưa, nó không cảm xúc, nó không khiến con người phải nhớ, phải hoài niệm.

Tất nhiên nói thế, nhưng cũng có rất nhiều người ở phía Bắc giờ tới tết là đi... trốn rét. Chả cần đi đâu xa, vượt đèo Hải Vân chạm Đà Nẵng là gặp nóng và nắng rồi. Có lẽ vì tâm lý ấy chăng mà giờ ngày càng có nhiều người cứ tết là đóng cửa đi chơi.

Thì đã bảo, cái thời ăn tết qua rồi, giờ là chơi tết. Cứ tết, bên cạnh những dòng người ùn ùn về quê ăn tết, đến mức nó trở thành nỗi ám ảnh tàu xe. Mua được cái vé tàu, vé xe, vé máy bay là coi như đã xong một nửa tết. Thì cũng nhiều người chọn cách đi chơi tết. Và đã đi chơi thì họ tìm tới những nơi họ thiếu. Vậy nên cái sự người Bắc vào Nam hưởng nắng giữa mùa đông, và ngược lại cũng chả lấy gì làm lạ.

Tôi thì, tết phải ở nhà làm phận sự với ông bà tổ tiên, nhưng trước tết, cố gắng ngược Bắc một chuyến như đã nói. Từ Hà Nội, tôi tỏa ra các tỉnh Bắc bộ, cố gắng mỗi năm vài tỉnh. Có năm, đúng mùng một tết dương, tôi cũng nhóm nhà văn trẻ về làng Diềm Bắc Ninh thưởng thức một canh Quan họ. Lại có năm, nếu không nhuận thì hôm ấy đúng mùng 1 tết âm, tôi và nhà văn Hà Phạm Phú từ Hà Nội ngược lên Vĩnh Phúc, đón nhà thơ Hải Đường, nghệ sĩ Nhiếp ảnh Vĩnh Hà ngược Lô, là sông Lô ấy ạ, tới bến Then, qua phà Đức Bác, lâu lắm mới lại được đi phà giữa mù mịt sương dù lúc ấy đã 11 giờ trưa, để sang Việt Trì, Phú Thọ, bàn thờ tổ của đất Việt. Và trưa ấy, “ăn tết” với nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế. Thì đã bảo, hôm ấy nếu không nhuận thì đúng mùng một tết.

Tôi viết bài này vào giữa tháng 11 dương, tức còn khoảng 2 tháng là tết, và đang cồn lên ý nghĩ sẽ lại phải ra Bắc một chuyến. Nhớ rét đến cồn cào, lại vụt trong đầu câu thơ của Tố Hữu: Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế...

Tạp chí Văn Nghệ Thái Nguyên số tết 2023



 

                                                            

Không có nhận xét nào: