Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2022

“PHỤC DỰNG” XU MAN

            Tôi thấy ý tưởng biến ngôi nhà cũ của họa sĩ Xu Man thành một địa chỉ văn hóa là một việc rất hợp lý và đúng đắn. Có điều phải gắn nó với ngôi làng ấy, ngôi làng đã sinh ra Xu Man và ngược lại, Xu Man cũng là người đã làm cho nhiều người khắp nơi biết ngôi làng của mình. Lại nhớ cuốn “Daghetxtan của tôi” đọc từ bé. Không có ngôi làng lớn hay nhỏ, trung tâm hay ngoại vi, mà ngôi làng ấy có gì, có ai, để có thể kể với thế giới. Theo tôi, Plei Bông, làng Bông của họa sĩ Xu Man và những người Bahnar ở đây đủ sức để kể với khách câu chuyện của mình như Gamzatop và Abutalip đã kể về quê hương Daghetxtan của mình.

----------------


          Được biết, huyện Mang Yang đang có ý định làm hồ sơ lý lịch di tích nhà ở của họa sĩ Xu Man ở làng (Plei) Bông, xã Ayun, huyện Mang Yang, chúng tôi thấy việc này là khá cần thiết, dẫu hơi muộn, nhất là khi chúng ta đang gắn kết văn hóa với du lịch. Với tôi, làng Bông, quê họa sĩ Xu Man ấy, xứng đáng là một địa chỉ văn hóa, du lịch.

          Trước hết phải sơ lược tí về họa sĩ Xu Man, bởi tôi sợ, tới giờ, không nhiều người còn biết/ nhớ ông là ai.

          Ông là họa sĩ nổi tiếng, 2 nhiệm kỳ liền là ủy viên Ban chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam. Thời ấy, họa sĩ người dân tộc thiểu số trên cả nước không nhiều. Ông tên thật là Siu Yơng, tới giờ tôi vẫn không hiểu sao người Bahnar Mang Yang lại có họ Siu, một họ giống họ người Jrai. Ông được đào tạo bài bản về Mỹ thuật, từ cao đẳng lên đại học. Tất nhiên, chiến tranh, việc học của ông bị gián đoạn nên trước ngày đất nước thống thất ông học Cao đẳng, tốt nghiệp thì ông về quê chiến đấu. Sau 1975 ông ra Hà Nội học tiếp đại học, rồi về công tác ở Ty Văn hóa Gia Lai Kon Tum. Năm 1981 tôi lên Pleiku, được làm việc cùng phòng với ông. Khi về hưu ông về làng ở, dù nhà nước có ý định cấp nhà cho ông ở Pleiku, nhưng ông khước từ. Dẫu thế, nhà nước vẫn về tận làng làm cho ông cái nhà xây. Nhưng nói thật, ông dùng nó làm... kho, và để cho khách ở, còn ông và gia đình vẫn ở cái nhà sàn cũ phía sau.

          Plei Bông là một cái làng Bahnar điển hình, có mấy cây đa cực đẹp ở ngay giọt nước của làng, từng có cái nhà rông truyền thống rất phù hợp với những ngôi nhà sàn của làng...

          Và nhờ có họa sĩ Xu Man mà cái làng này nhiều người biết.

          Tôi nhớ, hồi ấy, bất cứ khách văn nghệ sĩ nào tới Gia Lai Kon Tum thì đều tìm cách về làng ông, không chỉ về chơi, mà về ở hẳn ở đấy, người ít vài ngày, người nhiều cả tháng. Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận, nguyên phó chủ tịch hội Mỹ thuật Việt Nam, là người tới gần chục năm, cứ mùa khô là lại có mặt ở Pleiku, rồi đạp xe về làng ông Xu Man, ở với ông cả tháng trời để vẽ. Hồi ấy phương tiện về nhà ông đa phần là xe đạp vì xe đò chưa có, xe máy lại càng không. Mà cái xe đạp của ông Xu Man thì kinh hoàng lắm, rất nhiều những đoạn gỗ, khúc cây được ông chèn thêm vào cho cái xe... không bị gãy. Hai ông cứ đèo nhau trên cái xe ấy, vừa đi vừa nghỉ, một buổi chưa tới, thì cả ngày. Các nhà văn như Trung trung Đỉnh, Nguyên Ngọc... cũng về làng ông mỗi khi có dịp vào Gia Lai. Đông nhất là các họa sĩ trẻ, các sinh viên mỹ thuật đi thực tế, họ đi thành đoàn, biến nhà ông, làng ông thành địa điểm sáng tác. Nhà ông gần giống các Homestay bây giờ, tất nhiên ông không thu tiền ngủ.

          Mà đường chưa như bây giờ. Từ đường 19 rẽ vào Pleiku là đường đất, lở lói, lại còn phải qua cái suối, mưa là không qua được. Nhớ có lần tôi tổ chức một đoàn cũng toàn anh em sáng tác, đi trên 10 cái xe đạp, về làng ông. Trên xe tất nhiên lủng lẳng lương thực, thực phẩm. Trên đường đi, qua An Phú, còn vét tiền mua cặp vịt, xuống nhà ông vẫn tổ chức đánh tiết canh dù nước rất hiếm, phải đi gùi từng bầu một. Cũng có lần, với tư cách Chánh văn phòng Hội VHNT, tôi tổ chức một cuộc họp Ban chấp hành tại nhà ông ở làng Bông này.

          Sau khi họa sĩ Xu Man mất, chúng tôi có ý định làm cái nhà mồ cho ông theo phong cách nhà mồ Tây Nguyên. Tôi đã “rước” bố con họa sĩ Lê Hùng (con gái ông là kiến trúc sư) về tận khu mộ của làng nghiên cứu để vẽ một cái nhà mồ cho ông, đẹp, cách điệu và hợp với ông, với không gian xung quanh. Nhưng rồi không thực hiện được dù một số anh em văn nghệ sĩ đã góp tiền hưởng ứng ý tưởng này như nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, trong một cuộc nhậu tại nhà tôi, nghe tôi kể đã rút ngay tiền ủng hộ, số tiền này chắc đang còn trong quỹ của hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Lý do không thành: Lãnh đạo tỉnh thời ấy yêu cầu xã hội hóa hoàn toàn. Hồi ấy, đâu có dễ...

          Plei Bông bây giờ không còn như xưa. Bên cạnh những ngôi nhà xây hiện đại rất lớn hiện diện thì làng có vẻ mất vệ sinh hơn. Ngày xưa đường đất, trâu bò có phóng uế nó còn thấm xuống đất. Giờ đường bê tông, nó không thấm vào đâu được, gặp nắng, bốc mùi rất khó chịu. Hôm mới đây chúng tôi về, hỏi họa sĩ Xu Man hầu như rất ít người biết, vào cái trường học gần nhà ông hỏi các cô giáo cũng thế. Chả bù ngày xưa, thời ông còn sống, khách về nườm nượp, tới đầu làng dân làng đã biết khách của Bok Yơn, Bok Xu Man. Nhưng cái cánh đồng bên cạnh mấy giọt nước và cây đa thì vẫn đẹp, đẹp lắm, dù nó bé thôi, là cái nơi nước trũng xuống, có cả nước từ giọt nước chảy ra. Lúa và cỏ luôn luôn xanh, cây đa trầm mặc. Cảnh này tôi đã thấy ở một thắng cảnh trong lần sang Ấn Độ. Ở đây, nó hiện diện bình yên...

          Tôi thấy ý tưởng biến ngôi nhà cũ của họa sĩ Xu Man thành một địa chỉ văn hóa là một việc rất hợp lý và đúng đắn. Có điều phải gắn nó với ngôi làng ấy, ngôi làng đã sinh ra Xu Man và ngược lại, Xu Man cũng là người đã làm cho nhiều người khắp nơi biết ngôi làng của mình. Lại nhớ cuốn “Daghetxtan của tôi” đọc từ bé. Không có ngôi làng lớn hay nhỏ, trung tâm hay ngoại vi, mà ngôi làng ấy có gì, có ai, để có thể kể với thế giới. Theo tôi, Plei Bông, làng Bông của họa sĩ Xu Man và những người Bahnar ở đây đủ sức để kể với khách câu chuyện của mình như Gamzatop và Abutalip đã kể về quê hương Daghetxtan của mình.

          Ông mất cũng được 15 năm rồi. Tôi nhớ ông mất vào 28 tết 2007, từ Pleiku, tôi và hai người bạn nữa về làng Bông tiễn ông trong cập rập sát tết. Là nói ở phố thôi, chứ làng vẫn thế...

Tác giả bên mộ Xu Man lần đưa bố con họa sĩ Lê Hùng xuống thiết kế nhà mồ cho ông.
 

Cây đa ở giọt nước Plei Bông

Công văn nhà cháu ký đề nghị cứu trợ khẩn cấp cho ông Xu Man. Ảnh dưới, tại nhà ông những ngày ông sắp mất. Người phụ nữ ngồi dưới nền nhà là vợ ông.
Họa sĩ Xu Man đội khăn đỏ, thứ 8 từ trái sang ngày khánh thành "Nhà rông Văn hóa"- nhà cháu viết nhiều về món nhà rông văn hóa này rồi. Sau cuộc khánh thành này, ông Xu Man cũng không bao giờ bước chân lại lên nhà này, dù ông là người được thuê làm chính, hihi.
 
Nhà ông Xu Man hiện tại                                                   

Bài trên báo Gia Lai cuối tuần ngày 02/12/2022


 

Không có nhận xét nào: