Nhà thơ Mai Nam Thắng viết về "chợt" trên báo Văn Nghệ
Văn Công Hùng là người nhiều “nhà”, nhưng trước hết là Nhà Thơ. Thơ ông đã được tuyển chọn vào sách giáo khoa phổ thông, đã được nhiều phòng/sở Giáo dục & Đào tạo chọn làm đề thi môn văn ở các cấp, đã được nhiều cử nhân văn khoa chọn làm luận án Thạc sĩ… Và Chợt là tập thơ thứ 12 của Văn Công Hùng do Nhà xuất bản Văn Học và công ty Liên Việt hợp tác ấn hành đầu năm 2022.
Cũng cần phải nói thêm rằng, hiếm có những văn nghệ sĩ mà cuộc đời dành cho một căn cước “địa văn hóa” ưu ái như nhà thơ Văn Công Hùng: Quê cha ở Thừa Thiên Huế, quê mẹ ở Ninh Bình, sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa. Đó là 3 vùng văn hóa kinh đô nổi tiếng từ thời Nhà Đinh thống nhất Đại Cồ Việt đến thời Nhà Nguyễn là triều đại phong kiến cuối cùng của lịch sử Việt Nam… Tốt nghiệp khoa Văn của Đại học Tổng hợp Huế đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, người con của 3 vùng văn hóa kinh đô ấy khoác ba lô lên nhận công tác ở Tây Nguyên, gắn bó với văn hóa cồng chiêng và sử thi đại ngàn đến nay ngót nghét đã bốn chục năm. Có lẽ vì thế mà Văn Công Hùng là nhà thơ khá đa dạng về giọng điệu: Lúc hào sảng phóng khoáng như nắng gió cao nguyên; lúc khúc khuỷu gập ghềnh như bè xuôi sông Mã; ẩn chứa bên trong là một hồn thơ dạt dào đa cảm như sóng nước Hương Giang; lại nhiều khi mờ tỏ mơ màng như khói sương tịch mịch vùng Tam Cốc-Bích Động…
Những đặc điểm trên đây thể hiện khá rõ trong tập "Chợt". Ấn phẩm là hợp tuyển hơn 80 bài thơ tác giả viết trong mấy năm gần đây, từ ngày ông được nghỉ hưu giữa năm 2018. Xưa nay Văn Công Hùng vốn là môn đồ của “chủ nghĩa xê dịch”. Về hưu, cởi bỏ trách nhiệm quản lý tạp chí Văn nghệ Gia Lai và nhiều sự vụ công chức, ông càng xê dịch nhiều hơn. Đã có nhà thơ-nhà phê bình nhận xét Chợt là tập thơ “phần nhiều là dịch chuyển”. Điều đó không chỉ thể hiện ở thời gian và không gian trong các dòng lạc khoản, mà rõ nhất ở nội dung của mỗi bài thơ. Đi để thấy, để nghe, rồi ngẫm ngợi mà làm ra chữ. Cái sự đi của Văn Công Hùng là một cách để nhà thơ bồi đắp biên độ chữ nghĩa của mình. Với tâm thế ấy mà đôi khi cùng một cảnh vật, sự việc thường nhật nhưng nhà thơ có những suy tưởng, những liên hệ vượt lên hiện thực đời sống, chạm đến cõi nhân sinh của chúng sinh, gặp những vấn đề của dân tộc và nhân loại. Thấy những con cá lia thia nuôi trong chậu nhựa, nhà thơ như nghe được những hồi chuông báo động về môi trường sinh thái toàn cầu. Gặp từng chuyến xe ngất ngưởng chạy lên, nhà thơ nhận ra đó là những chuyến xe chở đầy ắp những mảnh làng lên phố... Và thật thú vị khi một cây hoa sữa trổ bông “cô độc thơm” trên đường phố Pleiku, trong khi những đường phố còn bận cãi nhau / trồng hoa sữa ở đâu?... Vân vân và vân vân…
Đi và hướng ngoại bằng cảm thức công dân, nên thơ Văn Công Hùng ngổn ngang thế sự, hôi hổi thời sự. Mỗi sự nghe, sự thấy của nhà thơ là mở ra một băn khoăn/ thêm một băn khoăn vụt tới… Khi những cánh đồng bỗng ngầu ngầu bọt sóng, là khi những cơn sóng lòng người/ quặn vào khúc giữa/ miền Trung không còn bồi lở/ thẳng băng nước bạc miên man… Xem ti-vi, thấy trời Tây bời bời tuyết trắng, nhà thơ chạnh nghĩ đến người phụ nữ Việt Nam đang đơn độc đội đơn kiện các công ty hóa chất Mỹ đã cung cấp chất độc hóa học cho quân đội Mỹ gieo rắc ở Việt Nam trước đây, giờ này đang đợi những phiên tòa/ chị như bông hoa găm mình vào tuyết… những lặng thầm nhoi nhói cô đơn…
Cái sự đi, đến và gặp của Văn Công Hùng tinh tế, chọn lọc, âm thầm lắm. Có những sự gặp, sự thấy khiến trường liên tưởng của nhà thơ chạm tới những vấn đề của nhân loại, của cõi người: "Ôi đất nước ưỡn mình biển bạc/ Ôi non sông lưng tựa rừng vàng/ Giờ lẫn lộn giữa ngổn ngang gầm rú/ Òa lên một thân xác ngập bùn"…
Tiếng “gầm rú” trên đây trong bài Những, nó khác với tiếng hú trong bài Vụn hơn nước mắt. Bài thơ không ghi ngày tháng và địa điểm, nhưng ai cũng biết, cũng nhớ, cũng đau nghẹn:
"Hú, còn ai không?
Có còn ai không?
Chả ai thưa
Chỉ còn nước mắt"…
Và đến tiếng hú trong bài thơ Đêm tiết thì người đọc chỉ có thể mím môi mà đọc bằng mắt mới cảm nhận hết nỗi thương cảm, uất ức, đớn đau và… không biết phải kêu lên như thế nào:
"Đêm như tiếng hú của con sói đợi trăng
Bầm mây bầm gió bầm hơi thở
Nghẹn lại cái bóng lờ mờ dưới chân
Hàng ngàn bóng chân di động…
Đêm tự hú những âm thanh man dại
Dây thép gai và bom xăng
Lưỡi lê và lựu đạn
Dao quắm dùi cui
Thân người vồng lên từng bóng âm thầm
Im lìm bước chân, im lìm tiếng thét
Im lìm những ý nghĩ phần người
Bật lên ngọn lửa hình lưỡi hái!"
Trong hơn 2 năm đầu thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, cùng với nhân loại toàn thế giới gồng mình vượt qua đại dịch Covid-19, dân tộc Việt Nam còn phải gồng mình vượt lên những thảm họa khắc nghiệt do thiên tai và cả tác động “nhân tai”; đặc biệt là những trận đại hồng thủy và lũ quét, lở núi… ở miền Trung. Những sự kiện ấy được phản ánh khá đậm trong tập Chợt, tất nhiên bằng thơ rất… Văn Công Hùng. Ông là nhà thơ có vẻ như không quan tâm đến “trào lưu” cách tân đổi mới thi pháp, nhưng những chủ tâm tạo nên một giọng điệu thơ khi xù xì gân guốc, khi lãng đãng bâng khuâng; khi hàn lâm sâu sắc, khi dân giã mộc mạc… lại gây nên những hiệu ứng nghệ thuật hết sức đắc dụng. Đặc biệt, ông khá dụng công khi tạo lập những “chữ mới” để dựng nên những thi ảnh độc đáo, sinh động. Chẳng hạn như những: lá rụng tầng tầng từng lớp nhâng nhao; ngã tư ngoằng phố; sung sũng những trái cây; xỏn xẻn đời nhau; tiếng gọi đò hập hễnh; buổi chiều thơm sè sẹ; con sóng trườn mướt mải v.v…
Và nữa, nhà thơ trả ơn mảnh đất đã tạo nên nghệ danh “Hùng Tây Nguyên”, bằng một gia tài đáng kể những thi phẩm viết về Tây Nguyên. Vẫn là đại ngàn, nắng gió, cồng chiêng, sử thi, tượng mồ, cà phê, dã quỳ… muôn thuở, nhưng qua cách nhìn cách nghĩ của thi nhân, cà phê-dã quỳ-tượng mồ trong thơ Văn Công Hùng đã trở thành biểu tượng của Tây Nguyên từ hình thức đến nội dung. Ví như Cà phê Tây Nguyên không chỉ là cây xanh hoa trắng bạt ngàn… mà còn là ly cà phê hôi hổi/ đêm dài phố lang thang... Để rồi: Vẫn là dã quỳ mùa khô vàng bụi/ Mặt đất vênh vao rợn hoa cà phê/ Vẫn là sỏi trắng chen nhau lòng suối/ Lá rụng tầng tầng từng lớp nhâng nhao… (Ngơ ngác Tây Nguyên). Và:
Tây Nguyên núi đợi sông nghìn tuổi
Cây cứ đợi khô đá cứ đợi mòn
Đám mây trắng đợi mùa hè bớt lửa
Gió mịt mù đợi nhánh nứt lá non
(Chiếc nơ hồng treo giữa lặng im)
Hệ thống hình ảnh mang tính biểu tượng ấy tạo nên một thế giới nghệ thuật sinh động, phong phú và ám tượng về đất và người Tây Nguyên của “Hùng Tây Nguyên”. Đó cũng là một đóng góp tích cực của nhà thơ Văn Công Hùng cho văn hóa Tây Nguyên, mảnh đất ông đã lập thân và lập nghiệp từ thời trai trẻ đến nay…
MAI NAM THẮNG
Bài in báo Văn Nghệ số 50 ngày 10/12/2022.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét