Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2022

MỘT THỜI RỰC RỠ PANO- Gia Lai muôn mặt

 

          Hôm qua đi dự đám cưới con một anh nguyên là cán bộ công ty Điện Ảnh Gia Lai, ngồi cùng bàn với anh Tùng, họa sĩ một thời chuyên vẽ pa nô, áp phích quảng cáo ở các rạp phim. Ùa về một thuở với cảnh nhộn nhịp ở các rạp phim nhờ... biển quảng cáo.

          Không biết rồi nó tự hết từ khi nào, nhưng trước đấy, thời bao cấp ấy, thời mà mỗi bộ phim mới ra là dân tình chen nhau bẹp ruột để mua vé ấy, thì việc quảng cáo vô cùng quan trọng.

          Mà hồi ầy, chỉ mỗi một phương thức quảng cáo, ấy là vẽ pano thật lớn, thật sặc sỡ, rực rỡ, rõ mồn một chân dung các minh tinh vai chính, các hành động hấp dẫn trong phim, rồi treo trước cửa rạp, chủ yếu là phía trên cổng, một số dựng ngay trước sân.

          Cứ nhìn cái ngày rạp hân hoan treo biển quảng cáo là biết sắp tới chiếu phim gì, và hẹn nhau đi xem.

          Mà vẽ thời ấy nó không như bây giờ.

          Là vẽ hết sức thủ công, bằng sơn trên toan hoặc tôn.

          Và yêu cầu là phải giống, cực giống, nhưng lại phải lung linh lên.

          Những là Thẩm Thúy Hằng, Ngọc Lan, Trà Giang, Lan Hương, Phương Thanh, Như Quỳnh, Diễm Hương... tới Chánh Tín, Thương Tín, Thế Anh, Lý Hùng, Lê Công Tuấn Anh... ông bà nào cũng rờ rỡ, và rất đúng tính cách. Thẩm Thúy Hằng sang trọng, Trà Giang lịch lãm, Phương Thanh giang hồ, Diễm Hương rực rỡ, Chánh Tín lạnh lùng, Thương Tín hầm hố, Lê Công Tuấn Anh nho nhã... trên nền tấm pano cực lớn rực rỡ. Nguyên tắc của Pano và Áp phích là phải rực rỡ, để ngay lập tức nó đập vào mắt, hết sức trực giác, lấy trực giác làm mục đích, khiến người bị pa nô áp phích đập vào mắt rồi chỉ còn cách là... đi xem. Đấy là thời hoàng kim của điện ảnh, ngày chiếu mấy xuất, chủ nhật thì chiếu cả suất sáng, ngày thường thì chiều và tối. Công dẫn khán giả tới rạp có sự đóng góp rất lớn của áp phích và tất nhiên, người vẽ ra nó.

          Hồi ấy cả tỉnh Gia Lai mới chỉ có mấy rạp chiếu bóng. Theo tôi biết, Pleiku có 2 rạp là Nhân Dân và Thống Nhất, An Khê có 1 rạp và Ayun Pa có một rạp, nên rạp chiếu bóng trở thành địa chỉ văn hóa. Sau này Pleiku có thêm rạp Hoa Lư và ngay cái trụ sở của công ty điện ảnh ở 33 Quang Trung (giờ là hội sở Vietcom Bank) cũng được cải tạo một khu thành rạp chiếu bóng mini, ghế ngồi theo cặp, mỗi suất chỉ có mấy chục khán giả nên giá vé đắt hơn nhiều rạp lớn.

          Anh Tùng hay ngồi vẽ ngay tại cái sân 33 Quang Trung ấy, vẽ xong thì huy động người treo. Cũng có khi thấy anh vắt vẻo trên khung pano, không biết vẽ hay sửa chi tiết, chả khác gì thợ sơn bây giờ.

          Nó chỉ là nghề phóng Pano nhưng không phải ai cũng làm được.

          Bởi Ty Văn hóa cũng có phòng Thông tin cổ động, anh chị em phòng ấy cũng làm việc phóng pano, bức nào bức ấy to oạch, nhưng pano cổ động, nó không bắt phải giống như pano phim, bởi nó hay vẽ theo khối, theo mảng, tính ước lệ cao, còn pano phim nó phải tỉ mỉ như truyền thần, nhìn ai ra người nấy, chính xác tới từng cái lông mi, sợi tóc. Nhưng họ lại không được coi là họa sĩ sáng tác, bởi họ chỉ... vẽ lại, phóng to lên. Sáng tác nhiều anh vẽ người thành cây, cây thành đá, đá thành mây... nhưng là họ sáng tạo, là ý tưởng của họ nên họ được coi là họa sĩ sáng tác. Còn đây, họa sĩ vẽ pano phải dùng kính lúp phong to bản gốc rồi can lại cho thật giống, tất nhiên là phóng to lên nhiều lần. Họa sĩ mới thì phải kẻ ô vuông để phóng, như anh Tùng, sau mấy cái nheo nheo mắt ngắm ảnh gốc là anh cầm cọ, nhúng sơn rồi roạt roạt, thế mà ai ra người nấy.

          Tất nhiên nó có một điều dễ là hồi ấy diễn viên nổi tiếng ít, nên vẽ họ hoài cũng... quen tay. Giống như vẽ chân dung Hồ Chí Minh, nhiều người nhắm mắt vẽ cũng ra, bởi họ đã quá quen, từ khi học trong trường tới khi ra nghề. 2 người tôi chứng kiến vẽ Hồ Chí Minh rất giống là họa sĩ mù Lê Duy Ứng. Ông có thể vẽ rất nhanh mấy nét là thành chân dung hết sức giống. Và người thứ 2 tôi chứng kiến là họa sĩ Xu Man. Ông này vẽ chân dung rất yếu. Ông rất giỏi vẽ đại thể, không khí lễ hội, náo nhiệt, đông người, nhưng mỗi người chỉ là một chấm đen. Nhìn ra ngay là người Bahnar quê ông nhưng nó chả cụ thể gì cả. Bảo ông ký họa chân dung ai đấy là ông... đầu hàng, nhất là toàn thân, tỉ lệ người của ông rất sai. Nhưng riêng vẽ Hồ Chí Minh thì ông rất chuẩn, và cũng rất nhanh. Ấy là một ông học kỹ hồi trong trường, và 2, ông có sự yêu quý thật sự, hình ảnh ấy luôn hằn trong tâm khảm ông, nên nhắm mắt ông vẽ cũng ra.

          Thì mỗi người có một sở trường sở đoản. Quay lại chuyện pano quảng cáo phim, giờ chả thấy còn nữa. Cái rạp phim Touch Cinema Gialai ở đường Nguyễn Tất Thành khá hiện đại (so với Pleiku) nhưng đi qua mấy lần nhiều khi chả phát hiện ra. Tôi 1 lần đi xem ở đấy, phim “Em và Trịnh”, mua vé qua mạng, tối đi, vòng qua vòng lại tới mấy lần mới phát hiện ra. À, còn một kiểu quảng cáo nữa, mà giờ nếu còn thế nào cũng bị... phạt, ấy là bên cạnh pano thì mở loa rất to, cách khá xa đã biết sắp tới rạp phim...

          Tất nhiên là hoài niệm thế, chứ giờ chả ai còn quảng cáo kiểu như ngày xưa nữa cả, anh Tùng cũng đã nghỉ hưu, nhưng con trai anh lại nối nghiệp bố, là giáo viên mỹ thuật và là họa sĩ sáng tác, có nhiều tranh triển lãm...

Ảnh lượm trên mạng. Báo GL cuối tuần 19/11/2022



 


                                                                                

2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Dù anh không là dân trong nghề vẽ pano nhưng anh viết về những người làm công việc ấy với sự am tường đến ngạc nhiên.

Văn Công Hùng nói...

@Nặc danh: Cám ơn bạn ạ.