Thứ Ba, 8 tháng 11, 2022

CÀ XỨ NGHỆ ONLINE

 

          Hôm rồi lướt mạng, thấy quảng cáo “cà teo xứ Nghệ”, lần lữa một lúc rồi tôi bấm đặt 2 hũ (để tặng cho lão bạn dân Nghệ xịn 1 hũ). Nói lần lữa vì 2 nhẽ, một là vợ tôi, (người mà cùng với các bà vợ khác được thế gian gọi là nóc nhà ấy) không thích mua thực phẩm trên mạng, bởi các bà luôn rỉ tai nhau rằng mua thực phẩm trên mạng là dại, là mua đồ ôi thiu, là không kiểm tra được an toàn thực phẩm vân vân. Và nữa, cái nóc nhà nhà tôi ấy cũng quan niệm, mấy thứ muối mặn ấy ăn có hại, nhiều độc tố vân vân. Nhưng tôi, dẫu... nền nhà, thi thoảng cũng cứ quyết vượt nóc phát, và thế là chỉ mấy hôm sau, 2 hũ cà teo xứ Nghệ được ship tới nhà.

          Và dẫu phản đối, trưa ấy vợ tôi cũng làm một nồi canh cua đúng kiểu Bắc, giã cua cối đá chày gỗ, lọc cua bằng rá, chưng gạch cua thơm lừng vân vân, và trời ạ, chưa bao giờ tôi ăn một bữa canh cua cà muối ngon tới thế, dù hồi nhỏ đấy là món thường xuyên tôi ăn, vì nó rẻ và dễ kiếm.

Giờ thì tôi công nhận, cà Nghệ do người Nghệ muối là nhất. Nhưng thời nhỏ thì tôi lại thấy 2 nơi muối cà, là Thanh Hóa và Ninh Bình, vì một nơi tôi sinh ra lớn lên, một thời khốn khó, gian khổ, có lúc nhà không có gì ăn ngoài một vại cà nén chặt mặn tê lưỡi, và một nơi là quê ngoại tôi.

Đến mùa cà, các gia đình nông dân Thanh Hóa đi mua cả gánh cà, có nhà 2 mẹ con đi mua để gánh đổi vai, là mẹ chồng và con dâu. Về ngồi nhặt, rửa rồi muối.

Cái vại to tổ bố, trẻ con chui vào được, cứ lớp cà lớp muối, rồi cối đá nén chặt. Giờ thì mới phát hiện cái cối đá rất độc khi muối, chứ hồi ấy toàn thấy dùng cối đá nén. Cái vại cà to thế không nén bằng cối đá thì chẳng có gì để nén cho chặt được. Vại nhỏ thì có thể kiếm viên đá cuội, hay giờ nhà ở phố muối cà vào... bát, lấy cái hũ nhựa đựng đầy nước nén cũng được, chứ ngày xưa, phi cối đá bất thành... cà muối.

Có nhà thì mua cà bát về muối. Quả cà to như cái bát nên gọi cà bát, muối rất mặn. Khi ăn lấy dao bài thái từng lát. Giờ cà này ăn sống với rau thơm với thịt luộc, chấm mắm nêm hoặc mắm ruốc là... đặc sản.

Mùa hè, vừa là mùa gặt, nhà nông rất bận. Buổi trưa nấu vội nồi cơm rồi ra vại lấy một bát ô tô đầy cà, tới cái chum hoặc vại hoặc bể nước mưa, múc một chậu. Chan nước mưa ăn với cà muối mặn, 3 bát đẫy bụng rồi lại quẩy đòn xóc đi làm. Nhà có điều kiện hơn thì có bát canh cua. Cua từ cái giỏ đeo bên người khi đi gặt, bắt được cua thì cho vào đấy, về đổ ra chậu, rửa qua rồi giã, người giã người ra vườn hái rau tập tàng. Trời ơi trưa nắng, bữa cơm có bát canh cua với cà muối, giờ lại chả đặc sản. Có khi trong giỏ có cả ốc, cá nhỏ, tôm tép niềng niễng... thì cũng đổ vào nồi, đang nhảy tưng bừng thế, cho nắm muối, ít nước, sôi bùng vài dạo là thành món kho...

Tháng ba ngày 8, có thế mà ăn là thành... địa chủ rồi.

Lại còn truyền nhau, đàn bà con gái, nhất là con dâu, tới “ngày của mình” thì không được muối cà, rất dễ bị úng, thâm. Gia tài nửa năm có vại cà mà bị khú, úng thì nguy thật ấy chứ? Mà quả là, thi thoảng có nhà muối cà bị hỏng, cả làng biết, chê bai người muối có, tiếc của có, rồi tận dụng để kho cá. Và té ra, cái món cà muối hỏng ấy, có mùi khu khú ấy, kho cá lại rất ngon. Là cái loại cá đồng láu tháu đủ loại hỗn tạp ấy, mỗi bữa đi làm về đổ từ cái giỏ đeo bên hông ấy, kho với cà muối hỏng, giờ nó lại cũng là... đặc sản, ít nhất với nhà tôi. Giờ không có cà muối hỏng, tôi thấy cá lòng tong bán mớ là mua về rồi mua cà muối về kho, tốn cơm phết.

Nhà tôi hồi ấy ăn gạo phiếu, toàn mang gạo mậu dịch, loại vừa mốc vừa nát vừa hôi vừa bở và đầy mọt ấy, đổi gạo mới cho bà con, 2 bên cùng có lợi. Gạo phiếu nó ẩm, mốc nhưng nở, ít nhất gấp rưỡi hoặc gấp đôi. Bà con đổi để ăn no. Nhà tôi đổi để ăn ngon.

Giờ thi thoảng có canh cua hoặc rau muống luộc, hoặc canh rau chạy ra chợ mua cà muối, chả có cà muối đúng nghĩa muối mà toàn cà ngâm, ăn chán chết. Mà chả hiểu sao cà trồng ở Tây Nguyên, hạt nhiều vỏ mỏng, ăn chát chứ không ngon như cà Nghệ.

Nên hôm qua, vừa hết hũ cà online, định đặt mua nữa, nhưng qua cái chợ xép, thấy mớ cà có vẻ ngon, bèn mua về muối. Thành phố kiếm được đồ thế này cũng quý rồi. 1/4 được bổ đôi để ăn xổi, sau đấy số nguyên quả chua là vừa. Muối mặn chứ không phải ngâm, cắn nó bốp bốp, chả mong được như con dâu ngày xưa cắn phọt hạt vào mặt bố chồng, mà chủ yếu là để nó có âm hưởng cà muối?

          Lại nhớ một đêm nào đấy, ngồi ở một nhà hàng ở Hà Nội với một anh bạn ở VTV, gọi món... cà Nghệ muối. Không có. Anh bạn rút điện thoại gọi một cú vào Vinh, trưa sau tôi đã có 2 cân cà Nghệ cho vào va ly lên máy bay về Pleiku. Cà Nghệ, nó dày cơm ít hạt, muối nén đúng kiểu, ăn nổ như... pháo. Phải chăng vì thế mà nó được gọi cà pháo?

          Cũng nhớ một lần, tôi lái xe xuyên Việt, qua Vinh, chú em họ cho một lọ cà muối, tôi ngoắc trên xe, xong về Hội An lại có việc ở lại dài ngày. Để lâu nó chua, nên hàng ngày xuống nhà hàng của khách sạn ăn Buffet, tôi vẫn “trích xuất” mấy quả cà mang xuống, thế mà khối người xin.

Nhưng giờ thì yên tâm rồi, đã có món cà Nghệ online ship khắp nước.

Báo Nghệ An cuối tuần