Thứ Năm, 25 tháng 8, 2022

HUYỀN BÍ TƯỢNG MỘ TÂY NGUYÊN, KỲ 5- NHỮNG CUỘC THI ĐẼO TƯỢNG NHÀ MỒ-

 

          Khi loạt bài này của nhà cháu đăng lên, một vài bạn chuyển cho một số ý kiến vo ve của vài con nhặng. Nhà cháu biết nhóm này, ngu, tham và háo danh. Thường xuyên đăng ký “nghiên cứu khoa học”, thứ mà nhà cháu cho là rất vô bổ, tiêu tiền nhà nước xong... đắp chiếu. Họ luôn áp đặt sự hiểu biết hạn hẹp của mình cho đời sống rồi bảo thế mới là đúng mới là bản sắc, mới là... Tây Nguyên. Chọn những làng gần, dễ, khu căn cứ cũ xuống nháo nhác tí rồi về, thời gian chủ yếu để... ký giấy tờ chứng từ cho hợp lệ để thanh toán vân vân... Nếu có thời gian đọc những gì họ họ viết về Tây Nguyên thì mới thấy kinh hoàng... Nhà cháu không quan tâm, nhưng nếu thích, hôm nào sẽ viết về những thứ rác rưởi này... Bây giờ rước CCCM đọc tiếp kỳ 5.

------------

          Lần đầu tiên tôi dự cuộc thi tạc tượng nhà mồ là ở công viên Đồng Xanh, do một đơn vị du lịch của tỉnh Gia Lai tổ chức.

          Nói thêm một tí, trước đấy ở đây có trưng bày một số tượng nhà mồ, phỏng theo thôi vì nó được làm bằng xi măng, nhiều cái đặc tả bộ phận sinh dục, và bị phản đối, phải bỏ. Tôi sẽ trở lại ở phần sau về việc mang tượng nhà mồ lên phố và nhà rông, ở đây kể chuyện thi tạc tượng nhà mồ.

          Theo tôi, về ý thức tổ chức của người thực hiện là rất tốt. Chứ giờ, một mặt là bê tông hóa, một mặt gỗ hết như đã nói, thì làm gì còn có thể có điều kiện mà “trau dồi nghề nghiệp” để mà rồi khi có điều kiện thì có thể làm tượng như truyền thống.

          Thế nên mới tổ chức thi.

          Từng huyện chọn nghệ nhân, rồi thành lập đội, rồi lên phố. Cũng khai mạc, diễn văn, giới thiệu đại biểu, lãnh đạo tặng hoa, vỗ tay... Nghệ nhân thì mặc quần áo đẹp, tất nhiên là đồ truyền thống. Rồi được cấp cho một cây gỗ, rồi làm.

          Nhưng quả là, nó chỉ là những cái tượng cơ học. Và, nếu chỉ cơ học như thế, quả là các ông thợ mộc người Kinh làm đẹp hơn nhiều. Các điêu khắc gia còn hơn thế nữa.

          Ở đây nó là tượng dân gian, thấm đẫm yếu tố tâm linh và cảm xúc cá nhân.

          Thiếu nó tượng mồ hết sức vô hồn, hết sức trơn tru nhợt nhạt.

          Lại thêm không gian, không khí của nó nữa.

Nó là một tín ngưỡng. Trên hết nó là tài năng tuyệt vời của nghệ nhân dân gian không tuổi không tên, nhưng bằng sự dấn thân đến tận cùng số phận, tận cùng cõi sống, anh  cho ra đời một tuyệt tác mà anh không hề biết rằng nó là tuyệt tác, bởi, pho tượng ấy, sau khi dựng quanh nhà mồ, mọi người sẽ quên ngay, tác giả của nó cũng sẽ quên ngay, coi như đã chính thức lìa xa nhau, mặc nắng mặc mưa, mặc gió mặc bão, người sống lại về với công việc hàng ngày với tất cả những bề bộn lo toan, người chết đã có bức tượng bầu bạn, cùng dìu nhau lên một cõi vô cùng khác, ở đó, lộng lẫy và trong veo, tinh khiết và công bằng, ở đó, có thể lại bắt đầu một tình yêu mới…

Đi thi đẽo tượng mồ thì có tên có tuổi có số báo danh có địa chỉ liên lạc.

Năm nào đấy, tỉnh Kon Tum cũng có một cuộc lễ hội văn hóa dân gian, trong đấy có cuộc thi đẽo tượng nhà mồ. Rất nhiều công cụ hỗ trợ, có cả cưa cầm tay chạy điện. Cả một bãi lớn, những nghệ nhân, có khi là từng nhóm, xử lý những cây gỗ thành tượng.

Thì cũng có cái lý, bởi không thì, đúng là rồi sẽ mai một hết, sẽ chẳng ai đẽo được tượng, hoặc có đẽo nó cũng không nên hồn. Nên giữa cái mất nhiều và mất ít, người ta chọn cái mất ít.

Thì cũng như chúng ta từng tổ chức thi hát ru. Trên sân khấu các diễn viên/ nghệ nhân hăng hái hát ru, phía dưới các vị trong ban giám khảo giương mục kỉnh nghe/ xem rồi hạ điểm. Và rồi, quả là, càng ngày tiếng ru càng mất, hoặc dùng điện thoại, iPad để ru.

Ở đây cũng thế, cũng có ban giám khảo đánh giá, chấm điểm cuộc thi đẽo tượng. Ban giám khảo thì nhiều thành phần, mỗi người nhìn tượng mồ ở một góc, trong khi cái góc chính xác nhất, đúng nhất, gây xúc cảm nhất, vì nó mà tượng mồ xuất hiện, là người chết nằm ở nhà mồ kia, và những người thân thích làm ra tượng mồ để gửi tượng thay mình vĩnh viễn đi với người xấu số thì không có, nên  quả là, tôi không tin và không biết là cái sự chấm kia có chính xác hay không? Mặt nữa cũng chưa có thống kê nào để thấy rằng, từ các cuộc thi như thế, “phong trào sáng tác” tượng mồ tăng cao cả chất và lượng, rằng là từ đó mà bảo tồn được bản sắc và truyền thống dân tộc?...

Nhưng nếu không tổ chức như thế, không truyền nghề, thì khi hữu sự ai làm, và rồi, khi người ta coi tượng mồ là bản sắc, là văn hóa, là truyền thống thì sẽ bảo tồn ra làm sao khi những người có thể làm lần lượt về thế giới A tâu?

Nhưng lại cũng phải công nhận một điều, là những nghệ nhân dân gian ấy, họ rất giỏi, giỏi tới lạ kỳ. Thì như cái ông chỉ huy làm nhà rông ấy, một đời được làm mấy cái nhà rông đâu, toàn người mù chữ và rất ít khi ra khỏi làng, nhưng khi đụng việc, cứ tăm tắp vào khuôn, đâu vào đấy. Nhìn cái nhà rông tưởng đơn giản thế nhưng phải nghe chính các kỹ sư xây dựng, các kiến trúc sư đánh giá mới kinh. Nó hoàn hảo tới kỳ lạ, đẹp và bền vững. Không chỉ đẹp tự thân mà nó còn rất hòa hợp với làng, những ngôi nhà sàn, và hài hòa với cả cảnh quan rừng núi xung quanh nó.

Viết đến đây, tôi cũng hoang mang, thế thì các cuộc thi ấy, có ích không? nếu không thi thì lỡ đụng sự có người làm không? Và, các cuộc thi ấy, rồi tượng mồ mang đi đâu?

Chỗ đúng của tượng mồ, chỉ duy nhất là... nhà mồ.

Tất nhiên, giờ thế giới mở, nhất là thời du lịch lên ngôi, có nhiều điều không thể đã trở thành... có thể.

(Còn tiếp)

Link gốc báo Thanh Niên Ở  ĐÂY

kỲ 4 Ở ĐÂY


1 nhận xét:

Lãng du cõi hồng trần nói...
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.