Thứ Ba, 23 tháng 8, 2022

HUYỀN BÍ TƯỢNG MỒ TÂY NGUYÊN, KỲ 4: NGHỆ NHÂN TƯỢNG MỒ.

                                                        Nghệ nhân là ai?

          Nếu người Kinh thường có các hiệp thợ chuyên nghiệp, như hiệp thợ mộc, thợ ngõa (thợ nề/ xây), các làng nghề cha truyền con nối... thì người Tây Nguyên hoàn toàn ngược lại. Họ là những cá nhân kiệt xuất trong làng, tất nhiên có được truyền nghề nhưng không có tính chất chuyên nghiệp, bởi trong đời không dễ gì để được làm việc gì lặp đi lặp lại. Ví dụ như nghệ nhân làm nhà rông, trong đời một người giỏi lắm được tham gia làm, chỉ huy vài ba cái. Ngôi nhà rông khổng lồ thế, được làm toàn bằng đồ của rừng, không có một chút gì hiện đại như xi măng sắt thép, mà bền vững mà trường tồn. Kinh hoàng nữa là hoàn toàn không có thiết kế, bản vẽ, những người làm và chỉ huy làm hoàn toàn mũ chữ, thế mà như nhiều kiến trúc sư nói với tôi: Nhà rông Tây Nguyên đạt đến tỉ lệ vàng trong kiến trúc. Nó mềm mại mà cứng cáp, uy dũng mà trữ tình, thẳng mà cong, đứng mà nằm, mỏng manh mà dầy dặn...

          Người làm tượng mồ cũng thế.

          Họ không phải là người chuyên nghiệp, mà đụng việc mới làm.

          Thế mà chỉ vài nhát vạc, vài đường dao (chỉ dao và rìu), những cái tượng mồ đẹp đến mê hồn, đầy sức sống, như vẫn phập phồng thở, ra đời.

 

Tôi đã chứng kiến sự kinh ngạc của các nhà nghiên cứu nổi tiếng như giáo sư Từ Chi, Ngô Văn Doanh... cũng như sự thán phục từ các họa sĩ điêu khắc đương đại trước một thế giới tượng vô cùng sống động trong những khu nhà mồ. Chỉ có rìu và con rựa, họ biến những cây gỗ chặt từ rừng về thành những pho tượng có hồn với rất nhiều sắc thái biểu cảm đặt xung quanh khu mộ để rồi... bỏ đi. Thế mà tượng mồ lung linh sống động, mà mang trong nó cả nhân gian dằng dặc, mà toàn bộ thần thái đời sống, toàn bộ tình cảm của người sống hiển hiện trong đó. Họ không coi đấy là những tác phẩm nghệ thuật, đơn giản là họ trải lòng mình vào những phiến gỗ ấy, họ "cử" những pho tượng ấy, thay họ đi theo người chết để hầu hạ người chết, bầu bạn với người chết. Những pho tượng làm kinh ngạc người hôm nay ấy, chỉ một lần duy nhất được chiêm ngưỡng là hôm làm lễ pơ thi (bỏ mả) rồi sau đấy là mặc gió mưa cho đến lúc mục. Không phải ai trong làng cũng có thể làm được tượng. Đồn rằng Yang nhập vào ai người đó mới làm được, và cũng không phải lúc nào cũng có thể làm, mà phải đúng lúc xuất thần nhất, lúc mình không còn là mình nữa, mới bắt tay vào làm.

 

          Một sáng đẹp trời, toàn bộ thanh niên trai tráng trong làng được huy động đi chặt cây. Phải là những cây cổ thụ trong rừng nguyên sơ. Từng cây được tập kết về một khu đất trống, thường là gần khu mồ. Rồi lại cũng một ngày đẹp trời nào đó, nghệ nhân, phải gọi họ là siêu nghệ nhân, sau khi dọn mình, bắt đầu ra tay. Nhiều nhất là hình người ngồi ôm mặt trong dáng của bào thai, hình trai gái giao hoan, hình bộ phận sinh dục nam nữ, hình chim, khỉ vân vân. Ngày này sang tháng khác, bao giờ tượng mồ đủ thì lễ pơ thi mới bắt đầu...

Nên nhớ, điều trác tuyệt là ở chỗ, tất cả những gì đẹp đẽ tinh xảo đến rợn ngợp kia, sau lễ bỏ mả là sẽ bỏ luôn, mặc nắng mưa, mặc mối mọt, người sống không bao giờ quay lại nữa, tác giả của nó, nghệ nhân siêu đẳng kia cũng không một chút luyến tiếc. Tài hoa của họ, người chết và Yang đã chứng kiến hôm bỏ mả rồi.

          Thường thì, những người đã có “hoa tay” thì họ giỏi nhiều thứ. Mỗi làng Tây Nguyên thường có vài người. Ksor H’nao, Rcom Tih ở Pleiku là ví dụ. Họ có thể chơi nhạc, làm nhạc cụ, làm nhà rông, đan gùi và cả làm tượng. Đinh View ở làng Tờ Mật, huyện K’bang, Gia Lai là ví dụ nữa, vân vân...

          Vấn đề là, hiện nay nhiều nghệ nhân đang lụt nghề.

          Cũng đúng thôi, có việc đâu mà chả lụt nghề, dù nhà nước có nhiều chính sách để “bảo tồn”, “phát triển”.

          Năm nào đó, lâu rồi, ông Sô Lây Tăng bí thư tỉnh ủy tỉnh Kon Tum ra hẳn một cái chỉ thị của tỉnh ủy: Trả nhà rông về cho nhân dân, không chi thiết kế phí cho việc làm nhà rông.

          Thì tượng mồ giờ cũng thế.

          Chỉ nguyên việc kiếm gỗ để làm đã khó rồi, huống gì giờ các nhà mồ đã rất khác (chúng tôi sẽ đề cập ở các bài sau). Thêm nữa tượng mồ giờ cũng tham gia vào... du lịch, vào kinh tế thị trường, nên sự chất phác mà tinh tế ban đầu không còn. Tượng mồ, nó đơn giản tới mức giờ đưa mẫu, một anh thợ mộc người Kinh có thể làm hàng chục cái trong một ngày. Nhưng nó lại không thành tượng mồ, bởi nó vô cảm, nó trơn tru, nó chuyên nghiệp. Cái hồn cái cốt, cái thô cái vụng, cái run rẩy cái linh thiêng, cái thăm thẳm tâm linh, một thứ tâm linh thành kính nguyên sơ... Chúng ta luôn luôn nói giữ gìn bản sắc dân tộc, nhưng quả thực, nếu bất ngờ hỏi một ông quan chức văn hóa cấp tỉnh, chứ chưa nói cấp huyện, rằng là cái món bản sắc ấy nó là cái gì thì khối người ú ớ. Các nghệ nhân họ cũng cần phải sống chứ không thể chỉ uống nước lã rồi lâu lâu mới làm nghề. Chưa kể bây giờ họ còn bị rất nhiều cạnh tranh từ  những “đối tác” làm văn hóa để kiếm tiền...

(Còn tiếp)

Link gốc trên báo Thanh Niên, Ở ĐÂY

Kỳ 3 Ở ĐÂY


 


                                                                        Văn Công Hùng

Không có nhận xét nào: