Thứ Ba, 21 tháng 6, 2022

NGƠ NGÁC TÂY NGUYÊN

 

          Khi tôi lên Tây Nguyên nhận công tác, hồi ấy còn là quyết định “phân công công tác” chứ không phải đi xin việc như bây giờ, năm 1981 ấy, Tây Nguyên vẫn còn... rừng.

          Tôi nhớ sau hôm ra mắt cơ quan, ông phó phòng Văn Nghệ Ty Văn hóa Thông tin Gia Lai Kon Tum kêu tôi lên “huấn thị” nhiều điều, trong đó dặn rất kỹ: Buổi chiều không được đi quá 5 cây số ra hướng Biển Hồ. Phía ấy còn rừng và Fulro ẩn trong ấy hoạt động.

          Rồi tôi đã có những chuyến đi công tác dài ngày, xuống làng, trong rợn ngợp và âm u rừng. Những ngôi làng Tây Nguyên nhỏ bé ẩn trong rừng, được rừng vây bọc, che chở. Những người dân Tây Nguyên từ bao đời đã chung sống hòa thuận với rừng. Sống chan hòa nương tựa nhau trong một chỉnh thể làng rừng. Thường một ngôi làng ngày ấy là: một bãi đất trống, có thể là lưng chừng núi hay ven một con suối, vài chục nóc nhà sàn. Nếu làng người Tây nguyên phía Bắc thì có ngôi nhà rông ở giữa làng, nhà sàn bao quanh, như con gà mẹ giữa bầy gà con quây quần, làng Tây Nguyên phía Nam thì là nhà dài, tất nhiên tính chất nhà dài và nhà rông rất khác nhau . Có con đường mòn xuống suối lấy nước. Có con đường âm u ra khu nhà mồ. Phía ngoài khu nhà mồ là rừng già. Trong cái đám rừng già bất tận ấy thi thoảng có những cái rẫy. Họ tìm những khu đất tốt làm rẫy, chặt những cây nhỏ rồi đốt. Rồi chọc tỉa hạt, rồi thu hoạch. Năm ba mùa đất phai thì họ chuyển, nhưng không chuyển hẳn, mà dăm ba mùa sau lại quay lại. Cái diện tích họ phá để làm rẫy rất nhỏ. Và họ có bộ luật tục rất nghiêm khắc để dân làng tự giác thực hiện. Trong bộ luật tục ấy, nhiều đoạn nói về rừng. Về sự con người phải bảo vệ rừng, sống khoan hòa nhân ái với rừng, xin hoặc vay của rừng cái gì thì đều phải trả...

          Làng cũng vậy. Nói người Tây Nguyên du canh du cư nhưng không có nghĩa là thích là họ chuyển, chuyển vô nguyên cớ. Đa phần là do hỏa hoạn, dịch bệnh, hoặc cùng lắm là những... giấc mơ. Tóm lại là bất đắc dĩ họ mới dời làng. Và diện tích cái làng của người Tây Nguyên cũng rất nhỏ. Họ kiếm những nơi đất trống để dựng làng mới chứ ít khi đốn hạ cả khoảnh rừng già.

          Kinh nghiệm đi xuống làng Tây Nguyên của những anh cán bộ trẻ ở thành phố, vừa rời ghế trường đại học như tôi, khi di chuyển từ làng này sang làng khác, có khi cả nửa ngày trong rừng không bóng người, cứ thấy có... phân bò là sắp tới làng. Rồi sẽ gặp một cái cổng bằng mấy thanh tre hoặc cành cây rất đơn sơ giữa đường mòn. Làng rồi đấy. Cái cổng để ngăn trâu bò không vào làng. Vào đấy, ta yên tâm hẳn, có làng chở che.

          Giờ xuống làng, tôi lái ô tô vào tận gầm sàn nhà rông.

          Tất nhiên đấy là sự thay đổi, là sự phát triển, là sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị để nâng cao đời sống của nhân dân, để thực hiện các loại nghị quyết, chủ trương nhằm làm cho dân giàu nước mạnh...

          Nhưng có vẻ như, chúng ta phát triển hơi nóng, hơi quá, hơi bằng mọi giá...

          Thì như năm nào, vụ 50 ngàn héc ta rừng nghèo được “chuyển đổi” để trồng cao su. Và hệ quả của nó thì giờ chúng ta đã biết, một loạt cán bộ bị kỷ luật, rừng mất, mất đau đớn dù người ta đã cố tình hiểu sai, hiểu chệch cái từ rừng nghèo tức là rừng chả có tác dụng gì, trong khi cao su trồng vào đấy, nó cũng là... rừng, mà lại làm ra tiền.

          Tôi đồ chừng là họ cố tình hiểu sai cái quan niệm rừng nghèo để có cớ mà phá. Chứ rừng có bao giờ nghèo đâu. Đến những cây sú cây vẹt cây bần cây đước mọc vu vơ ở đầm lầy thế mà cũng đầy công dụng, huống gì những khu rừng khộp miên man tôi đã từng đi lạc, nó không thiếu thứ gì để bị coi là không phải rừng, kể cả những cây gỗ dầu, cây le, cỏ lau trong ấy.

Rừng không chỉ có gỗ, mà nó gồm cả một hệ thống các loại động thực vật dằng dịt, nương tựa nhau, hỗ trợ nhau, đối nghịch nhau, tranh giành nhau... mà sống và cùng sống.

Và con người, cũng hàng vạn năm có hơn, cũng hài hòa với rừng như thế. Hàng vạn năm rừng biếc xanh, rừng thăm thẳm, rừng bạt ngàn, rừng tầng tầng lớp lớp... thế mà chỉ mấy chục năm qua, chúng ta đã biến rừng thành những quả đồi trọc lốc, thành những thảm cao su, tiêu, cà phê... mà ta cũng gọi là... rừng, trong đấy, vụ triệt hạ 50 ngàn héc ta rừng để trồng cao su là đau đớn và tàn nhẫn nhất. Và người ta đã làm gần xong. Chủ trương là dùng rừng nghèo để trồng cao su, nhưng khi phá nào ai phân biệt được giàu nghèo, và trồng cao su thì người ta cũng đã trồng trên... giấy. Trong khi các nhà khoa học, những người Tây Nguyên yêu rừng thì cho rằng: Rừng dẫu nghèo thì vẫn là rừng, cao su có bạt ngàn ra đấy, có thẳng tắp ra đấy, có vàng trắng như đang gọi đấy, thì vẫn không thể là rừng...

Rừng bị phá nó không chỉ là rừng bị phá, mà nó làm đảo lộn toàn bộ đời sống văn hóa truyền thống của người Tây Nguyên. Những người coi rừng là một phần cuộc đời mình, gắn bó với mình như con người với ngôi nhà, hôm nay coi rừng như một đối tượng để kiếm tiền, nó khiến cho xã hội chuyển dịch rất lớn, phá tan giềng mối, phá tan kết cấu buôn làng, từ đấy làm hỏng các mối quan hệ tốt đẹp từ ngàn đời...

Không gian làng rừng giờ đã mất đi vế thứ 2. Lại thêm cách hiểu và áp dụng máy móc về “nông thôn mới” khiến các làng Tây Nguyên giờ cứ ngơ ngác trước nắng, gió và bụi.

Nhớ lần tôi vào xã Hà Tây, huyện Chư Păh, Gia Lai. Đây là xã từng rất khó khăn, ngày xưa phải mất cả ngày mới tới nơi, thậm chí 2 ngày. Giờ có con đường mở vào, chạy hơn 1 tiếng đồng hồ. Vào gặp 2 sự kiện đối lập, một là cái xã này dựng lại mấy cái nhà rông truyền thống rất đẹp, hồi ấy báo chí cả nước nhắc. Dựng nhà rông truyền thống bây giờ là việc cực khó, một là không còn gỗ, tranh, hai là không còn nghệ nhân. Người Tây Nguyên không có các hiệp thợ chuyên nghiệp như người Kinh, mà chủ yếu là do truyền nghề. Mà trong đời mỗi nghệ nhân được làm chừng 2 cái nhà rông là may mắn rồi. Không được làm thì thất truyền, mà nhà rông, nhìn thế, ngay cả thợ chuyên nghiệp người Kinh thực hiện cũng rối mù, bởi nó có những bí quyết mang tính bí truyền để cái nhà rông vừa vững chãi vươn lên trời như khối nhà mấy tầng mà lại vẫn nhẹ thõm thanh thoát và bền vững chỉ với toàn bộ vật liệu thô sơ từ rừng. Và 2 là gặp một gia đình anh chồng người Kinh ở thành phố Pleiku lấy một chị Bahnar ở cái làng thuộc xã Hà Tây ấy, đẻ 5 đứa con, khổ tới mức phải “lên” tivi, bạn tôi ở Hà Nội xem xong chuyển 5 triệu nhờ tôi mang vào giúp. Vấn đề là, cả gia đình này ở trong một ngôi nhà 134 xây gạch lợp tôn bé tí, khi ngủ phải nằm xếp lớp như cá mòi. Trời ạ, nơi đây một thời là rừng già, người Bahnar bản địa ở nhà sàn. Giờ rừng hết, những ngôi nhà 134 luôn hầm hập như lò thúc mầm là chỗ ở của họ.

Một anh bạn là kỹ sư lâm nghiệp giải thích cho tôi: đất Tây Nguyên ở vùng gọi là rừng nghèo ấy, hàng trăm ngàn héc ta, phía dưới chủ yếu là đá, chả rừng nào sống được, trừ rừng... khộp. Rằng phải có nó để giữ đất, giữ nước cho Tây Nguyên và cả đồng bằng ven biển. Nó như cái thùng tố nô khổng lồ chứa nước mùa khô và giữ nước mùa mưa. Chưa hết, nhìn thế chứ nó hết sức đa dạng sinh học. Rằng các loại thú quý như mang, hoẵng, hổ, bò tót, rùa, thỏ... chỉ sống ở rừng bị coi là nghèo này, lấy rừng khộp làm nơi kiếm ăn và sinh sản.

Thì rồi cũng sẽ phải quen thôi. Người Tây Nguyên bản địa sẽ phải quen với phố với làng không còn rừng. Nhưng cái vốn văn hóa hàng ngàn, không, hàng vạn năm của họ, đúc kết từ cuộc sống với rừng, tạo nên một văn hóa rừng, lấy rừng làm trung tâm, sẽ như thế nào nhỉ?

Năm ngoái tôi làm bài thơ có tên là “Ngơ ngác Tây Nguyên” in trên một tờ tạp chí, giờ xin lấy làm tên bài báo này, có mấy câu: những vệt dao chém những cánh rừng khô/ những đôi mắt buồn những ngày u lặng/ con sói tru đêm con nai lẻ bạn/ vệt khói mờ trên đỉnh Konkakinh... » 

Báo Thanh Niên số đặc biệt 21/6/2022


 


                                                            

 

 

Không có nhận xét nào: