Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2022

NGÀY XƯA VIẾT BÁO...

 

Ngày 21/6 vừa qua, nhớ lại tí cái thời đầu viết báo ở Gia Lai.

Bây giờ nhòm lại, thấy đúng là chỉ cách đây chừng hơn ba chục năm thôi, đã một trời một vực.

Thời ấy các tòa soạn đều thông báo yêu cầu người viết báo: viết trên một mặt giấy, trời ơi để thấy giấy nó quý tới như thế nào, các nhà báo tiết kiệm thường lia trên cả 2 mặt. Mà giấy thời ấy nó đen và lổn nhổn... bã mía. Bút bi lại thường xuyên tắc mực, vì cả giấy xấu và bút xấu. Không chỉ trên một mặt giấy mà còn phải chừa lề rộng. Các biên tập viên sẽ biên tập trực tiếp trên bản thảo, kéo ra chằng chịt phía ngoài. Ai cẩn thận thì dùng bút khác màu mực, nhiều người dùng luôn bút giống màu bản thảo, chỉ khổ các anh chị đánh máy.

Thuở ấy, các anh chị nhân viên đánh máy (một thời gọi là “đả tự cơ”) là những người rất quan trọng. Bản thảo (toàn viết tay) sau khi được biên tập thì chuyển tới đấy. Và trời ạ, lúc ấy nó là một hỗn độn dày đặc chữ, khoanh, kéo, sửa. Vả lại, chữ của hàng trăm người chỉ vài người là đẹp, còn lại thì “rồng bay phượng múa”. Cái tài của các “đả tự cơ” này là, đọc được hết, đoán được hết, mà phải đoán bằng được chứ hồi ấy đâu có sẵn điện thoại như bây giờ mà bấm rồi hỏi. Báo Gia Lai một thời có chị Dung đánh máy cực siêu, tôi đã từng đứng mê mẩn xem chị đánh máy, miệng vẫn nói chuyện, mắt nhìn bản thảo và tay gõ máy chữ, tức không cần nhìn vào bàn phím. Có người nói gõ bằng ngón tay nhiều dễ bị bệnh tim bèn 2 tay 2 cái bút chì và cũng vẫn gõ nhanh như chim mổ hạt, gà mổ thóc.

Tôi nhớ báo Gia Lai thời đầu ấy có 4 trang, in Typo một màu. Tức là xếp chữ chì bằng tay, thành khuôn, thành bát chữ, rồi xếp ngược vào máy in và in. In ngược thì nó cho ra chữ xuôi. Và muốn in ảnh thì phải mang vào TP HCM làm kẽm. Những cái bản kẽm ấy cũng xếp chung với chữ và cũng in ngược. Nói thật, đa phần là nhìn thấy một cục đen đen chứ chả rõ ảnh chụp cái gì. Nên kinh nghiệm của mấy anh chup ảnh báo chí để in thời ấy là phải chụp thật tương phản đen trắng, có thế khi in nó rõ hơn được chút.

Bài báo đầu tiên tôi in ở báo Gia Lai là viết về chị Xuân La sau một đêm được đi “duyệt” chương trình của đoàn Đam San diễn báo cáo. Các bài báo của tôi khá lạ so với mặt bằng chung khi ấy, là nó nhiều chất văn, trong khi báo thời ấy có 4 trang, cần thông tin và bớt cảm xúc. Bài báo ấy sau một thời gian “được” một người lấy in lại trên chính báo Gia Lai và bị phát hiện bởi cái giọng khác lạ ấy.

Lại nói chuyện gửi bài. Chả biết ai quy định nhưng trên phong bì gửi báo có chữ chú thích “Bài gửi đăng báo” là đương nhiên không phải dán tem, và cuối năm cuối tháng bưu điện và báo cũng không ngồi lại với nhau để tính toán gì, tức là đương nhiên miễn phí. Cũng không có keo sẵn trên phong bì như giờ, cũng không sẵn hồ mà đa phần là lấy... cơm dán. Mà cơm cũng nhiều loại, cơm mới, gạo mới thì nó dính, chứ gạo cũ cơm nguội của bếp tập thể thì cứ dán vào hở ra, thế mà rồi cũng tới nơi dù cái phong bì mỏng ấy phải chứa tới mấy trang giấy dày. Các tòa soạn báo có người ngồi bóc phong bì, rồi phân loại bài chuyển tới phòng tòa soạn để biên tập. Nên hồi ấy ai có cái máy chữ là thiên đường. Tôi nhớ có mấy bác viết báo tự do, hồi ấy rất nổi tiếng, ở khoản một bài gửi một lúc rất nhiều báo. Cái máy chữ nó cho phép làm điều ấy. Thường thì một tab đánh máy được 4 bản, các bác ấy cố đánh thành 6, một bài đánh nhiều tab, mà giấy than lại dùng nhiều lần, và gửi. Khổ cho các bản ở dưới, nó mờ tịt chả thấy gì. Nhưng thôi kiểu như đi nơm cá ấy, thi thoảng cũng được một con, là khi tòa soạn thấy thiếu bài thì họ dùng. Có một bác ở Cà Mau và một bác ở Huế hay làm kiểu này. Giờ thì, các thư ký tòa soạn đều thuộc lòng bài đầu tiên của nghiệp vụ biên tập là search Google, bài nào đăng lại phát biết ngay. Thực ra thì ngày xưa, báo tỉnh nào biết tỉnh ấy, cũng chả chồng lấn địa bàn phát hành nên việc một bài in nhiều báo cũng không quan trọng, và không phạm luật. Trừ việc anh in báo Trung ương xong rồi mới in báo tỉnh, chứ báo tỉnh xong mới in Trung ương cũng... thể tất.

Nhuận bút ngày xưa không cao, thực ra là rất thấp, chỉ mang yếu tố tượng trưng. Nên khi cộng tác viên lên nhận nhuận bút đa phần là bỏ thêm tiền túi mời các biên tập viên đi nhậu. Anh em làm ở tòa soạn cũng chủ yếu là sống bằng lương, nhuận bút chỉ là thêm thắt cho vui. Ngày xưa đói nên nhậu tô xương với chai rượu mía cũng rất hể hả, đủ năng lượng cho lao động chữ cả tuần. Như nhà tôi, hồi ấy vợ tôi rất hãi mỗi khi tôi có nhuận bút, bởi thế nào ông chồng cũng lôi bạn về nhà đánh chén. Mà nhà thì ở khu tập thể, nhà này cách nhà kia bức vách. Mà cái giống đàn ông, nhất là nhà báo, có tí men vào là nói rất to và dai. Sợ là sợ cái ấy chứ chả sợ tốn kém.

Tôi viết bài này trên laptop và viết xong thì mail vèo phát cho tòa soạn, để kể về cái thời ngày xưa ấy, cái thời đầy nhiệt huyết hừng hực năng lượng và cũng tốn rất nhiều năng lượng cho những việc bây giờ chả tốn gì nữa, như bỏ phong bì, dán tem, như viết bằng bút bi, thi thoảng tắc mực lại lăn đầu bút vào đế dép. Và ngay cả việc nhận nhuận bút cũng thế, báo thì ra bưu điện gửi, khách thì tới bưu điện nhận, ký tá các kiểu. Nhiều ông tên chứng minh nhân một đằng, bút danh một nẻo, mỗi lần nhận cũng đến khổ...

À còn tí nữa, ngày xưa gửi bài đi rồi... hồi hộp chờ cả tháng mới biết bài mình có được in không? Giờ mail đi, biết ngay, đa phần các tòa soạn khi dàn trang là đã nhắn tin cho tác giả, thậm chí chụp trang PDF gửi cho tác giả... Thì một là báo tin, sau nữa “tiện thể” các tác giả sẽ “vô tình” review giúp bằng cách khoe trên trang cá nhân của mình...


         https://baogialai.com.vn/channel/8213/202206/ngay-xua-viet-bao-5780912/                                        


1 nhận xét:

Unknown nói...

Em cố gắng đọc hết bài này của bác mà chữ nhỏ quá, đeo kính 1 phảy, nheo mắt vẫn không nhìn rõ chữ đang bình luận. Mong rằng hai ngón tay mổ cò sẽ không sai. Chúc bác vui vẻ, khỏe mạnh, hạnh phúc, thành công nhé! Đức Cơ lúc 23h 23’ Sun 26/6/2022- 28/5/Nhâm Dần. Đào Đình Cường