Thứ Ba, 5 tháng 4, 2022

THI SĨ LÊ VIẾT TƯỜNG ĐỨT NỐI NHỚ QUÊN

          Nhà thơ nhà báo Trần Tuấn đang có một nghĩa cử rất đẹp, đấy là đứng ra hô hào bạn bè tìm kiếm tư liệu về thi sĩ tài hoa Lê Viết Tường để anh in thành một cuốn sách tưởng nhớ thi sĩ vừa độc đáo vừa kỳ lạ này.

          Tôi ra trường trước, lên Pleiku nên không biết chuyện anh ở trường. Hồi ấy liên lạc thông tin các cái cũng khó khăn, nên cái bài thơ nổi tiếng của anh khi tôi được đọc thì nó xuất hiện cũng lâu rồi. Nhưng đọc vẫn sửng sốt. Tới khi sang Đăk Lăk và gặp anh trong bài kể dưới đây theo yêu cầu của Trần Tuấn thì tôi gặp thêm một “kỳ nhân” nữa cũng xuất thân lò ĐHTH Huế: cô Vũ Hải, hồi ấy có cái truyện ngắn in trên Sông Hương đang nổi như cồn. Ôi cái thời đọc nhau và phục nhau, và những tờ Tạp chí nó mới sang trọng hấp dẫn làm sao?...

--------------------

          Năm 1981 tôi là một trong mười sinh viên khóa 1 Đại học Tổng hợp Huế đại diện các khoa (mỗi khoa một tới hai người) được lên đứng trên hội trường số 3 Lê Lợi nhận quyết định trong lễ tốt nghiệp. Số “được” lên đứng đấy đa phần là đi các tỉnh xa. Tôi đi Gia Lai Kon Tum, xung phong đi chứ không phải “được” phân công đi.

          Rất nhanh chóng, nhà tôi, một căn phòng tập thể trong khu gia binh của sĩ quan quân đoàn 2 Việt Nam cộng hòa ở Pleiku trở thành nơi tụ bạ, đa phần là của anh chị em sinh viên trường Đại học Tổng hợp Huế ghé qua. Mà chuyện ghé qua là thường xuyên vì hồi ấy xe chưa chạy suốt như bây giờ. Tôi muốn lên Pleiku phải đi xe Huế Đà Nẵng, rồi Đà Nẵng Quy Nhơn, mới tới Quy Nhơn Pleiku. Mà tới đâu là phải dừng một hai ngày để mua vé. Mà hồi ấy làm gì có tiền mà ở khách sạn, anh nào ngại phiền thì ở nhà trọ bến xe, nhếch nhác và bẩn thỉu, còn không thì truyền tai nhau: ở Pleiku có ông Hùng K1.

          Năm 1984 tôi cưới vợ, bạn bè càng có cớ để ghé, và tôi cũng có “điều kiện” để tiếp bạn bè, đàn em, dù nhà tôi cách bến xe tới gần 2 cây số. Tất cả những ai đi từ Huế, Đà Nẵng... lên Kon Tum hay Buôn Ma Thuột đều phải qua Pleiku.

          Giờ cũng chả nhớ hết những ai đã từng ở căn phòng tập thể nhà tôi thuở ấy. Cái nhà chiều ngang 3,5 mét, dài hơn chục mét, một cái giường đôi, cái rido vải, tới cái bàn vừa uống nước vừa là bàn viết, cái giường một. Nền xi măng. Một người thì ngủ cái giường một ấy, đông hơn thì... trải chiếu xuống đất.

          Một trong những ông khách vĩ đại từng ngủ ở nền nhà xi măng hồi ấy là thầy Nguyễn Đình Thảng.

          Những ông cùng lứa hoặc thua ít năm có ông Phạm Phú Phong, Bùi Công Ngọc, Trương Thi, Song Cuộc... Ông Phạm Phú Phong dẫn sinh viên đi thực tế Gia Lai Kon Tum lấy nhà tôi làm “đại bản doanh” cả tháng trời, mà không chỉ một lần. Thư của người yêu là cô NPHG gửi cho ông Phong đều lấy địa chỉ tôi ở phòng Văn nghệ Ty VHTT Gia Lai Kon Tum. Có ông nữa ở Quy Nhơn, hình như Văn K5 hay 6 gì đấy, đi Pleiku công tác với bạn, bạn bị ruột thừa, phải mổ ở bệnh viện (gần nhà tôi) cũng lấy nhà tôi làm địa điểm chăm nuôi bạn tới lành mới về. Thời ấy người ta thương yêu nhau thật sự.

          Có hôm, tầm 1 giờ sáng có người kêu cửa, tôi mắt nhắm mắt mở mở cửa, một bóng người lờ nhờ xiêu vẹo lào khào: em là học trò thầy Phong, anh cho em ngủ nhờ 1 đêm. Ok vào đây. Cố gắng không làm mất giấc vợ và con đang ngủ say, tôi mò cái vỏ chăn trong tủ đưa cho nó, bảo chui vào trong ấy mà ngủ không muỗi nó khiêng đi đấy. Sáng hôm sau tôi đưa nó ra cái quán quen, ký sổ bữa ăn sáng và cà phê tiễn hắn đi, giờ không nhớ hắn tên gì ở đâu, nhưng nhớ mãi câu hắn nói: Anh thật thà nhỉ, lỡ em là cướp thì sao?

          Đại loại thế, cái thời ấy nó thế. Chả cứ bạn bè, đàn em cùng trường, còn rất nhiều nhà văn nhà báo thời ấy cứ đeo cái túi mìn Claymo trong túi không tiền nhưng rất thích lang thang khắp nước cũng hay lấy nhà tôi làm nơi tá túc khi dạo bước giang hồ. Mà rất nhiều người tôi có biết là ai, chỉ nghe tự giới thiệu như thế như thế là tôi... trải chiếu, nhậu ở đấy, nhậu xong thì ngủ, cũng ở đấy. Trời cho, may thay, tôi cũng là người biết chế biến những món vừa rẻ vừa hợp miệng với rượu để bảo đảm nguyên tắc ngon, no và dẫn rượu tốt.

          Hôm rồi tôi lục tài liệu để viết bài về nhà thơ nhà báo Phạm Đương, cũng là một “Tổng hợp nhân” nổi tiếng để viết về hắn cho báo Gia Lai, cái giai đoạn ra trường xong hắn đi lính, lên tận biên giới Campuchia Gia Lai, thi thoảng được về phố hắn lại xông vào tìm tôi dù ban đầu tôi cũng chả biết hắn là ai. Đang chát hắn nhắn: Hôm đầu tiên em vào nhà anh, anh chỉ cái giường một: Vợ chồng thằng Lê Viết Tường vừa nằm đây hôm qua.

          Thì Đương nhắc mới nhớ, chứ quả là tôi quên tiệt. Tôi nhớ là vợ chồng thì có vợ chồng Trương Thi (văn K1 lớp tôi) từ Quảng Trị vào, ghé nhà tôi ngủ. Tất nhiên là cái nền xi măng vĩ đại ấy, chứ không nhớ vợ chồng Lê Viết Tường vào ngủ nghê như thế nào?

Lê Viết Tường là đàn em nhưng là niềm tự hào của ĐHTH Huế thời ấy, có tôi. Tôi nhớ ra trường đi làm mấy năm thì sang Buôn Ma Thuột công tác, thực ra là được Ty Văn hóa Thông tin Đăk Lăk mời sang dự cái trại sáng tác.  Từ Pleiku sang Buôn Ma Thuột hồi ấy mất gần một ngày xe đò chật ních người. Tôi được bố trí ở nhà khách tỉnh ủy, không phải biệt điện, mà cái dãy nhà cấp 4 làm thêm phía ngoài biệt điện. Cất đồ xong là đi tìm Lê Viết Tường, may cũng ở đâu gần gần đấy. Tôi đi bộ, vừa đi vừa hỏi. Vợ chồng trẻ ở một căn phòng nguyên là cái... xà lim của nhà tù Buôn Ma Thuột cũ, sau này trở thành di tích lịch sử. Có uống rượu một lần với Tường trong căn nhà ấy, mỗi đứa 1 quả trứng vịt lộn, đúng 1 quả, và một ca nhựa rượu đế, thứ mà đại gia Phạm Đương sau này hay gọi là... thuốc rầy. Hôm sau có một cuộc đi chơi do Ty Văn hóa Thông tin Đăk Lăk tổ chức, tới cái thác gì đấy, tôi rủ vợ chồng Tường cùng đi. Và đấy là hình ảnh một cặp chim cu thứ thiệt. Có đoạn Tường cõng vợ khi qua những hòn đá hoặc vũng nước. Cho tới lúc ấy tôi chưa thấy ai chiều vợ như Tường dù tôi cũng mới cưới vợ được mấy năm, vừa có con gái đầu lòng, và cũng chưa thấy ai khổ như Tường dù tôi cũng rất khổ, và cả nước cũng khổ. Tôi cũng ở Tây Nguyên, nhưng ở Pleiku, có căn nhà tập thể là nơi làm việc luôn, còn nuôi... heo trồng rau. Có lần Trần Tuấn, Trương Duy Nhất hồi ấy còn làm báo công an ĐN lên và đã thấy, và vợ tôi thì có việc làm. Hình như vợ Tường không có việc, hưởng 1 suất lương của Tường, lương sinh viên mới ra trường, tí teo thôi. Vài năm sau thì nghe tin cái chết bi thảm nhưng cũng ngạo nghễ của Tường. Hồi ấy liên lạc không như giờ, nên nghe tin tức là cũng phải nửa năm rồi thì phải. Cũng như thế, hồi ấy ở Huế có cái sự kiện “Học phí trả bằng máu” cũng phải cả năm sau, về quê tôi mới có sách đọc và mới tường sự kiện ấy. Nên cái việc Tường mất tôi biết chậm cũng phải.

Cũng không nhớ khi nào thì tôi đọc được bài thơ của Tường, cái bài “Đưa em về nhận mặt quê hương” ấy, là khi gặp Tường ở Buôn Ma Thuột hay sau khi nghe tin Tường mất. Nhưng cái cảm giác đọc bài thơ thì tới giờ tôi vẫn nhớ. Nó bàng hoàng và khắc khoải, nó rợn ngợp và bâng khuâng. Trời ơi, hồi ấy mà viết bài thơ như thế thì ghê gớm quá. Hồi ấy tôi làm ở phòng Văn Nghệ Ty văn hóa Gia Lai Kon Tum, có tham gia “gỡ tội” cho một số tác giả bị này kia, có cả ông bị bắt, vì văn chương. Bản thân tôi cũng lên bờ xuống ruộng nhiều lần, dù toàn rất hiền, bị xuyên tạc, suy diễn. Thế mà Tường, nội dung ấy, hơi thơ ấy, hình ảnh ấy vân vân.

Bây giờ, đọc lại bài thơ vẫn hay... đứt lưỡi.

Ảnh cá nhân: Tôi và bạn tôi tết 1981, cái tết đầu tiên xa nhà ăn tết tại Pleiku. Một đứa Văn, một Toán và 1 Lý.



 

                                                

Không có nhận xét nào: