Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2022

TỪ NHỮNG CON ĐƯỜNG MÒN XƯƠNG CÁ

 

          Tuần trước, tôi ngồi với mấy chuyên gia Chăm. Họ lên khảo sát cái bia đá ở An Phú, Pleiku. Hết sức ngạc nhiên, tôi hỏi chuyên gia Trần Kỳ Phương: Có thật đấy là di tích Chăm không? Ông bảo chắc chắn. Chính ông Trần Kỳ Phương này, trong lần gặp ở một hội thảo khoa học tại thị xã An Khê đã khai sáng cho tôi rằng, trước cả ông Nguyễn Nhạc mở đường từ Tây Sơn hạ đạo lên Tây Sơn thượng đạo, tức vùng thị xã An Khê và phụ cận bây giờ, thì người Chăm đã nối một con đường từ thành Đồ Bàn sang Campuchia với các Ăn Ko vĩ đại. Là qua cách nói chuyện của ông rồi tôi “tóm lại” như thế, chứ tôi một gã viết báo a ma tơ không thể sánh được với các chuyên gia sâu, nhất là về Chăm, nhiều người cho rằng nếu ông Trần Kỳ Phương là số hai thì rất khó tìm ra người số một.

          Tôi thi thoảng được mời nói chuyện hoặc giảng bài về văn hóa, thực ra là nói những gì mình biết, mình thu nhận được theo kiểu ngẫu hứng chứ không khoa học bài bản như các nhà nghiên cứu thứ thiệt, thì đều diễn nôm rằng, nước ta có khúc 2 nền văn minh chạy song song nhau. Văn minh lúa nước ở đồng bằng và văn minh nương rẫy ở Trường Sơn Tây Nguyên. Nếu cắt ngang thì có Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ. Cắt dọc có núi và biển.

          Trường Sơn Tây Nguyên là núi.

          Trước khi có những con đường rất đẹp và tiện dụng hiện nay nối biển với rừng như đường 19 nối Quy Nhơn- Pleiku, đường 24 nối Kon Tum Quảng Ngãi, đường 26 nối Buôn Ma Thuột Nha Trang vân vân thì người Thượng và người Kinh đã mở những đường mòn xương cá để thông thương với nhau, mục đích chính là buôn bán, đổi chác. Cái câu “Ai về nhắn với nậu nguồn/ mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên” nó có từ thời ca dao còn khuyết danh, cái thời trao đổi hàng hóa đơn sơ những sản vật của chính mình kiếm được từ nơi mình sống.

          Có thời các báo tìm được nhân vật Thế trong tiểu thuyết “Đất nước đứng lên”. Đấy là một nhân vật văn học nhưng có thật ngoài đời, quê ở Đà Nẵng. Từ những ngày mịt mù ấy, đứng ở đồng bằng ngước mắt nhìn lên, chỉ thấy thăm thẳm một màu xanh đến đen kịt, hoặc là sương mù giăng kín những đỉnh núi. Không ai nghĩ trên ấy có... người. Nhưng những người như ông Thế thì nghĩ khác. Họ đóng khố, cà răng căng tai, vượt những nơi chưa có dấu chân người. “Đi mãi thì thành đường”- Lỗ Tấn nói thế. Họ vạch ra đường, lên với Núp, với Kông Hoa, với Tây Nguyên...

          Tôi cũng từng đến cái nơi giữa rừng già K’bang, lúc ấy đang còn là rừng già thật, ngày xưa được đặt tên là “thị trấn Dân Chủ”. Những cán bộ dưới xuôi, lội rừng lên đây, đặt đây là căn cứ chỉ huy, và gọi bằng cái tên Dân chủ như mong ước của họ thời ấy. Họ tạo ra giữa rừng một thị trấn đồng bằng, một ký ức đồng bằng và một ước mơ đồng bằng. Không phải là những người đầu tiên, nhưng những bước chân của họ, cuộc đời của họ, những cán bộ cách mạng người Kinh ấy, đã góp phần khai mở vùng đất này. Giờ nơi ấy là di tích lịch sử, nhưng những người dân bản địa vẫn tiếp tục sống tiếp cuộc đời của họ ở đấy, như ngàn năm trước cha ông họ đã.

          Tôi vừa đọc xong cuốn sách rất hay của PGS TS Cao Bảo Vân viết về bố mình, tướng Cao Văn Khánh. Trong ấy tường tận thêm những cuộc chiến đấu hết sức quả cảm và cũng thô sơ thời “thanh niên tiền tuyến”, biết thêm về trận liệt sĩ Ngô Mây ôm bom ở cầu suối Vối, những trận do tướng Nguyễn Chánh và tướng Cao Văn Khánh chỉ huy từ những năm cuối thập kỷ bốn mươi thế kỷ trước. Mà cái con đường từ Huế, quê tướng Cao Văn Khánh, vào tới An Khê bây giờ nó mới gập ghềnh thăm thẳm nhường bao?

          Tôi cũng từng viết về con đường Cồng chiêng, con đường ghè/ ché rượu từ đồng bằng ngược lên Tây Nguyên để người Tây nguyên sở hữu và biến thành đặc sản của mình. Cả cồng chiêng và ghè/ ché rượu đều vượt núi vượt đèo lên, và khi đến tay người Tây nguyên bản địa, nó trở thành của họ, gắn chặt với đời sống vật chất và tinh thần của họ.

          Lại nhớ có lần tôi đã quay xe lại khi lái xe trên đường Hồ Chí Minh thấy cái biển “Làng Rô”. Dẫu chạy quá một đoạn tôi vẫn quay lại. Thế hệ chúng tôi ai mà chả thuộc cái trường ca “Nước non ngàn dặm” của Tố Hữu, và cái sự tích làng Rô được phát lộ từ câu thơ “Ơi làng Rô nhỏ của tôi/ Cao cao ngọn núi chiếc nôi đại bàng”. Thì hồi đi học đọc thế biết thế thậm chí là làm bài thi thế, nhưng cứ nghĩ nó xa tít tù mù, nó heo hút tận đâu, làm sao mình thấy mình biết. Thế mà rồi một ngày, trên đường thiên lý, ta gặp. Hà cớ gì không ghé vào thăm. Dẫu vẫn biết, giữa những trang sách và hiện thực nhiều khi nó không trùng nhau. Có nhiều lý do, mà thời gian cũng là một lý do cay đắng. Như tôi cũng từng đi tìm lại rừng xà nu, một tác phẩm ai là học trò cũng phải học, và tôi đi cùng một đoàn làm phim để làm phim về phục vụ học trò, và rồi đã... không tìm ra rừng xà nu cũng như cái làng Xô Man trong sách đã học. Thời gian mà, nó biến cái làng S’tơ ở xã Nam thăm thẳm hiểm trở, là cái làng Kông Hoa chiến đấu ngày nào, nơi bao nhiêu lần quân Pháp vào càn nhưng đều bất lực bởi những mũi tên bẫy đá, bởi những người Bahnar hiền lành nhưng dũng cảm, thành một làng S’tơ bây giờ, như một đô thị với quán xá bảng hiệu nhấp nháy xanh đỏ, với những Homestay phục vụ khách du lịch khám phá Konkaking...

          Trong thời đại hiện nay, những cuộc xâm nhập văn hóa là không thể đảo ngược. Mà chả cứ bây giờ. Người ta đã phát hiện ra những yếu tố biển trên Cao nguyên như năm nào đấy phát hiện ra cái vỏ sò khổng lồ ở một hang đá Tây Nguyên. Và nếu đọc các “trường ca”- cách người Kinh gọi các Hơ a mon, H’ri, khan của người Tây nguyên ta sẽ thấy rất nhiều biển. Đấy là những cuộc đánh nhau bất phân thắng bại trên rừng, dưới biển. Ngày xưa các làng Tây Nguyên sống biệt lập, ẩn trong ngút ngàn rừng già. Làng này biệt lập với làng kia, mỗi làng là một “vương quốc”. Các làng chỉ gặp nhau trong vài trường hợp như: đánh nhau giành đất, được mời sang dự Pơ thi hoặc lễ gì đấy. Người Việt cũng lấy lũy tre làng làm biên giới, nhưng hàng tháng họ còn có cái chợ phiên để đến giao lưu. Người Mông, người Thái cũng vậy. Người Tây Nguyên không có chợ, không có các hoạt động liên làng nên việc họ gặp nhau rất là hãn hữu.

Huống gì thấy biển.

          Thế mà trong các “trường ca” cổ ấy, có rất nhiều biển.

          Rồi khoa học chứng minh những cuộc trôi lục địa. Và mới nhất, các nhà khảo cổ tận nước Nga phát hiện ra di chỉ Rộc Tưng (An Khê), nơi gần một triệu năm trước, những con người tối cổ đã xuất hiện, khiến cho bản đổ về sự xuất hiện của con người phải thay đổi.

          Lại chợt nhớ tới nghĩa của từ “Đồng bào”.

          Hiện rất nhiều người dùng sai nghĩa của từ này, như giới thiệu anh này “người đồng bào”, nhiều gia đình giờ xuống làng mua heo về mổ bán tại nhà, đề biển “heo đồng bào”. Buồn nhất là ngay báo chí có khi cũng dùng sai, cũng anh này là “người đồng bào”. Thực ra từ “đồng bào” xuất phát từ một truyền thuyết rất hay, rất ý nghĩa của Việt Nam, ấy là mẹ Âu Cơ đẻ ra bọc trăm trứng. Và những người con trong bọc ấy tỏa ra, lên rừng xuống biển làm nên dân tộc Việt Nam. Đồng bào là những người con trong cùng một bọc của mẹ Âu Cơ đẻ ra ấy. Chúng ta hiểu sai đồng bào thành tộc người, và ngay từ dân tộc nhiều khi cũng hiểu sai là tộc người. Dân tộc nó lớn hơn, bao trùm hơn, gồm cư dân nhiều tộc người trong một đất nước.

          Và cũng không phải ngẫu nhiên mà hàng trăm năm nay, cứ ngày 10 tháng 3. Không chỉ ngày ấy, mà cả trước và sau đấy cả tuần, hàng triệu dân Việt ta lại hành hương về núi Nghĩa Lĩnh, nơi có đền thờ vua Hùng, để tưởng nhớ công ơn tổ tiên. Rồi giờ, nhiều “chi nhánh” đền Hùng, nơi thờ các vua Hùng đã có mặt ở nhiều tỉnh thành, mà mới nhất là thành phố Cần Thơ vừa khánh thành đền thờ vua Hùng rất lớn rất đẹp. Ngay ở Pleiku, nhiều năm trước, đã có một mô hình đền thờ Vua Hùng tại công viên Đồng Xanh để những con dân Việt không có điều kiện về Phú Thọ có thể tới đấy tỏ lòng thành kính. Câu ca dao "Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng Ba" hầu như không con dân Việt nào không biết. Ngày ấy, ngoài việc tới đền thờ Hùng Vương dâng lễ, rất nhiều gia đình làm cỗ thắp hương tại bàn thờ gia đình, như giỗ một đấng một bậc tiên tổ thành viên gia đình.

          Đang viết bài này thì tôi nhận được thông tin: Một nữ bác sĩ người Hre sống tại Pleiku tên là Đinh Y Quyên vừa lọt vào top 70 Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam. Hỏi thêm cô “nguyên là ca sĩ” Uyen Nie ở xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh thì biết cô bé Đinh Y Quyên này là con bác sĩ Đinh Quy, nhà ở đường Trần Hưng Đạo. Anh Đinh Quy mới mất vì tai nạn, nghe nói cả gia đình đều theo nghề y. Thì thôi coi như cô bé Quyên an ủi bố bằng tin vui ấy, khiến bác sĩ Đinh Quy ở suối vàng cũng thanh thản. Còn nói cô bé Uyen Nie “nguyên là ca sĩ” là bởi cô này từng học trường đại học Nghệ thuật quân đội, tốt nghiệp về công tác ở đoàn Nghệ thuật Đam San một thời gian rồi giờ nghỉ, về giúp dân làng Ia Mơ Nông của cô làm du lịch cộng đồng. Tôi đã xuống làng ấy và thấy cô cùng dân làng đang đi rất đúng hướng. Có học có khác, có đi ra ngoài có khác. Giờ dân làng ở đấy đang sống đủ, sống được dẫu chưa giàu, bằng chính đời sống của mình, bằng những việc làm hàng ngày của mình.

          Từ những đường mòn xương cá, những đại lộ thênh thang đang mở ra. Vấn đề là, làm sao để trên đại lộ ấy, từng cá thể, từng thân phận, từng con người vẫn chính là mình, không bị xóa nhòa, bị khuất lấp. Dẫu là từ một bọc, nhưng 50 người con trên non không thể thay thế 50 con dưới biển, và ngược lại. Họ bổ trợ nhau để thành một nước Việt hôm nay hàng triệu con dân đang thành tâm hướng về giỗ tổ Hùng Vương...


 Tương truyền đây là bếp lửa xưa các cụ Hùng Vương từng ngồi nấu nướng. Giờ con cháu ướm vào để lấy may

Báo Gia Lai hôm nay
 
Link gốc ở đây

                                                                                

Không có nhận xét nào: