Thứ Ba, 1 tháng 3, 2022

LAN MAN TÔI VỚI NHÀ THƠ VĂN CÔNG HÙNG.

 

          Nói thật là nhà cháu cũng không hiểu cái ông Trịnh Đình Nghi, phây thủ hay gọi cụ Nghi này, là người như nào?

          Từng là cán bộ to. Đốc chứng đi viết văn. Mấy cuốn hót hòn họt. Đốc phát nữa, lập cmn cái Quán chiêu văn (trước đó hình như mấy group nữa), nghìn nghịt người vào ra, mà trên dưới phân miêng.

          Làm bao việc xã hội, từ thiện khắp nơi, ra sách cho quán, tổ chức thi cử, phối hợp với các cơ quan chính thống văn chương báo chí hết hoạt động nọ tới hoạt động kia. Ngồi bốt bài duyệt còm, đong đưa các cái.

          Thế mà còn đọc kỹ, đọc tinh.

          Bộ ba sách nhà cháu, ông này đọc và có nhời đầu tiên. Kỹ càng, mặn nhạt, tung tẩy, và viết trên phây nhưng mọi nhẽ như viết báo, thậm chí kỹ hơn, lại cũng nghìn nghịt người vào đọc, lai rồi còm.

          Thì nhà cháu còn biết làm gì hơn nữa ngoài việc vác về blog để lưu như một kỷ niệm của đời cầm bút có những nhân duyên, sự gặp gỡ thú vị. Trên cả thú vị, nó là sự trân trọng chữ, trân trọng nhau...

Xin đa tạ cụ.

--------------

Nhà thơ Văn Công Hùng vừa trình làng bộ sách “Gom một phần đời” sống, đi và viết của ông.

Tôi không PR sách của ông. Ông không nhờ tôi việc ấy và tôi nghĩ sách của ông cũng chẳng cần phải hô hào. Đơn giản là ông đã có quá nhiều yêu mến cả văn và người.

Văn Công Hùng dù bén duyên với Quán Chiêu Văn hơi muộn, nhưng lại rất có duyên. Bằng chứng là khi tôi và ông chưa gặp nhau ngoài đời, khi ông chưa là người Quán nhưng đã vui vẻ nhận lời làm giám khảo một cuộc thi viết về đề tài chiến tranh của QCV. Khi bước vào ngôi Quán nhỏ này, ông lại tiếp tục nhận lời làm trưởng ban giám khảo cuộc thi thơ “Tổ Quốc & Mẹ” do Hội VHNT Thái Nguyên và QCV tổ chức. Thế là duyên lắm.

Có lẽ Văn Công Hùng biết đến tôi là khi ông đọc bài tôi viết giới thiệu cho tập thơ “Ngày đã qua” của nhà thơ Đào An Duyên. Tôi nhớ ông đã cmt “Bài viết hết sức chuyên nghiệp”. Vậy thôi, rồi lắng đi, cho đến khi tôi đường đột nhắn tin mời ông làm giám khảo cuộc thi. Và rồi ông đã ngỡ ngàng khi bước vào QCV.

Lần gặp gỡ giữa tôi và ông ngoài đời thực chính là khi tôi vào Tp Hồ Chí Minh gặp gỡ các cây viết trẻ của QCV khu vực phía nam. Khi ấy ông đang làm chuyên gia tư vấn về văn hoá cho một khu du lịch lớn ở Củ Chi. Nghe tin tôi vào, ông nhắn: ngồi với nhau tý cụ nhá, cụ cứ ở Sài Gòn đi, tôi chạy xuống. Tôi nói: Thôi, cụ cứ ở đấy, tôi có xe đây, tôi sẽ phi lên cụ, biển xanh còi ụ, phi phát đến ngay.

Khi đến Củ Chi, tôi rất vui khi ông đón tôi với một sự xởi lởi, vồn vã. Ông trong vai HDV đưa tôi đi ngó nghiêng một vòng khu du lịch. (Một vòng thôi mà rồi sau tôi viết hẳn một bài ký gần 4000 chữ về khu du lịch này).

Cưỡi bộ xem hoa xong rồi, hai gã liệt rủ nhau đi uống rượu. Có lẽ nghĩ tôi là dân quan chức chắc là uống khỏe, nên Văn thi nhân thăm dò: ngồi với nhau cho vui chứ tôi uống kém lắm cụ ạ. Tôi thì còn hãi hơn nên phải thật thà: vâng cụ, anh em ta ngồi vui vẻ chứ tôi không uống được bia, rượu. Tất nhiên là ông không tin. Đến khi gọi nồi lẩu cua bò rồi ông mới tin là tôi không uống được thật. Nếu là người chảnh vẻ chắc sẽ tụt hứng đấy. Nhưng ông thì không, vẫn vui với một thái độ rất chân thành: cụ không uống thì tôi uống, có chi mô nơ.

Khi biết hôm sau tôi có cuộc gặp các cây viết trẻ của QCV, ông tỏ ra thích thú: Vậy hả, tuyệt quá, cho tôi tham gia với. Nói là đi, hôm sau ông chạy gần trăm cây số về Sài Gòn, cùng xơi đĩa cơm rang thập cẩm và giao lưu với tụi trẻ hết sức hồn nhiên, trao đổi với đám trẻ về văn chương về viết lách rất chân tình, rất say mê và thân thiện. Người văn như thế nhưng không chảnh choẹ, không tự đề cao mình, người văn chân chính và tâm huyết thế quý lắm. Và tôi thực sự quý ông.

Với tôi, tôi luôn coi tất cả các nhà văn nhà thơ, đều là thầy. Được quen họ, được học họ là một niềm vui và quý rồi.

....

Trở lại với bộ “tam đa” của ông vừa trình làng, gồm có: Chợt (thơ); Nhặt chuyện văn nhân (chân dung văn học); Từ Tây Nguyên (tản văn và ghi chép)

Thơ Văn Công Hùng thì thôi khỏi bàn nhỉ. Thơ ông đã có trùng trùng người đọc và yêu thích.

“Nhặt chuyện văn nhân”. Tôi nghĩ: một đời văn để sống, đi và gặp, và để rồi được tri âm với những người văn, những tác phẩm như thế cũng coi như đã gom được cho mình một “gia sản” đủ để lưu truyền. Có thể những người văn mà ông đưa vào “Nhặt chuyện văn nhân” thì rất nhiều người đã gặp, đã biết. Nhưng, qua những gì ông kể, ông tri âm thì chắc chắn có nhiều những câu chuyện, những “góc kín” của nhiều văn nhân mới “phát lộ”. Và như thế mới làm cho những ai yêu, ai thần tượng một văn nhân nào đó trong cuốn sách của ông, sẽ cực kỳ thú vị. Tôi mới lướt qua cuốn này mà đã có những chuyện của người văn lâu nay mình đọc, mình thích mà giờ mới: à, thì ra thế.

Nhưng thôi, tôi chọn đọc “Từ Tây Nguyên” trước.

Như đã nói, tôi không PR sách của ông. Tôi chọn đọc trước vì thực ra tôi đã đi đến tất cả các tỉnh của vùng đất Tây Nguyên. Chỉ tiếc là những lần đi ấy chỉ là đi làm việc. Chỉ là đi làm việc thôi nhưng vùng đất ấy đã hút hồn tôi. Đã có rất nhiều lần tôi muốn chọn một nơi nào đó ở Tây Nguyên, dựng một căn nhà gỗ ở bìa rừng để sống với thiên nhiên cây cỏ. Và, hình như bây giờ tôi vẫn chưa thoát ra khỏi ý muốn ấy.

Văn Công Hùng đã có 40 năm sống với Tây Nguyên. Từ Tây Nguyên mà đi, đi đến nhiều nơi, nhiều vùng khác. Mỗi một bước đường trải nghiệm đều để lại trong ông những tình cảm, ấn tượng và sự khám phá thú vị. Cái sự thú vị không cao siêu, không to tát bởi ý tưởng và tham vọng “kinh bang tế thế”. Tất cả chỉ là những món ăn miền Tây nam bộ, những sản vật miền Trung, những con ốc, củ khoai hay những ngọt ngon vị lạ của bánh trái quê vườn....

Sự tinh tế trong cái nhìn, trong cảm nhận khi hoà mình vào đời sống dân dã, đời thường của nơi mình đến là một sự thú vị và gây nên sự tò mò, ham muốn khám phá của bất kỳ ai khi đắm vào những câu chuyện, những trang viết của Văn.

Đậm đặc nhất của “Từ Tây Nguyên” chính là văn hoá, là cuộc sống, con người Tây Nguyên, cả hiện sinh và trầm tích. Những vẻ đẹp hoang sơ mà hùng vĩ, quyến rũ của một vùng đất “có cái nắng, có cái gió, có tất cả”. Những món ăn còn giữ được cách làm và vị ngon nguyên thủy.

Văn Công Hùng là người văn đã từng là ủy viên BCH Hội nhà văn Việt Nam, là Tbt tờ Văn Nghệ của Gia Lai vài chục năm. Ông có phong cách dân dã và nhanh như một con sóc, khỏe như dê rừng. Vậy nên ông đi nhiều, chịu khó lăn lộn. Ông có thể ra vào dinh thự công quyền hiên ngang đĩnh đạc, nhưng cũng có thể khoác ba lô lộn trèo núi lội khe, có khi ngủ khách sạn 5-6 sao nhưng cũng sẵn sàng gối đầu lên gốc cây trong rừng mà ngủ....

Chính vì vậy, những gì ông khám phá, ông viết ra nó thật thà, giản dị như thấy được cảnh bồng lai ngay trước mắt, như sắc vàng rực rỡ của hoa dã quỳ, sắc lửa đỏ trời của mộc miên mùa hoa nở; âm thanh trầm vọng của tiếng cồng, chiêng giữa đại ngàn; như ngửi được vị ngon của miếng thịt nướng than, của đĩa lá sắn nộm; như bát canh gà lá é, dân dã mà lạ vị đưa cơm...

Nếu không đi Tây Nguyên thì chỉ cần đọc “Từ Tây Nguyên” là đủ để ngồi đâu chém gió cũng nhặt like mù mịt.

Nếu đã đi Tây Nguyên thì đọc “Từ Tây Nguyên” để giật mình tiếc nuối, sao món này mình chưa ăn, sao nơi này mình chưa đến

Nếu muốn đi Tây Nguyên thì nên đọc “Từ Tây Nguyên” để biết nơi đâu, món nào... mà lên lịch hành trình.

Tản văn và ghi chép là những gì rất thật, tưởng đâu là dễ viết. Nhưng viết để cho người đọc cứ bị hút mãi, cuốn mãi đến trang cuối cùng thì không phải ai cũng có thể.

Và, Văn Công Hùng đã viết như thế và kéo tôi đọc hết “Từ Tây Nguyên” mà vẫn thòm thèm.

Tạm thế đã.

Đến bữa rồi. Hị hị...

Trịnh Đình Nghi

Bữa bia say nhòe với cụ Nghi tại khu du lịch Củ Chi, lần đầu gặp nhau.
 
Cuộc gặp các thành viên Quán Chiêu văn tại Sài Gòn, cũng lần đầu tiên, với cụ Nghi là lần thứ 2. Ảnh đều lấy từ nhà cụ Nghi. Ông này còn cái tài là lưu và tìm tài liệu (cụ thể là ảnh) rất giỏi hihi.

 

2 nhận xét:

vannevarlamonte nói...

The 13 Best Casinos in Washington DC (2020) - MapYR
The 13 Best Casinos 광주 출장샵 in Washington DC (2020) 경상남도 출장마사지 - MapYR With 강릉 출장안마 more than 출장안마 2,100 slot machines in our 용인 출장마사지 database, you can decide which are the best casino

Nặc danh nói...

Văn của người này không hay, không sang và không kiêu giống như văn của anh Văn Công Hùng nhưng cái tình, cái tâm làm sáng lên cả một tấm lòng chân chất, trung thực, đúng nghĩa của văn chương chân chính mà không dễ gì ai cũng có ! Cám ơn ông nhà văn VCH đã đưa bài này lên trang cho tất cả chúng ta ai ai cũng có thể đọc và chiêm nghiệm!