Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2022

NHỜ CHA PHÙ HỘ VIẾT ĐƯỢC “THEO CÁCH NHÀ BINH”- Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải PV PGS.TS Cao Bảo Vân tác giả sách "Tướng Cao Văn Khánh"

 

Nhà cháu vừa đọc xong cuốn sách rất dày: “Tướng Cao Văn Khánh” do chính con gái của ông, PGS TS Cao Bảo Vân viết. Quan trọng là, chị Vân không phải nhà văn nhà báo gì hết, là nhà khoa học thứ thiệt (chị học ở Nga và Pháp), nhưng vì tình yêu vô bờ bến với bố, người lính cả đời trận mạc, chị được gặp rất ít, mà chị viết cuốn sách dày tới 812 trang này.

Nhiều đoạn văn hay như... nhà văn, và cách lấy tư liệu thì như nhà báo lão luyện (thảo nào ông tác giả “Bên thắng cuộc” có bài rất dài về cuốn này), cái nhìn của nhà khoa học với nhãn quan lịch sử công bằng và khá trung thực của một người vừa trong cuộc lại vừa cố lùi lại tham vấn tư liệu.

Và đấy cũng là vị tướng rất... tướng. Là đại tá từ những năm cuối của thập kỷ 40 thế kỷ 20, tới 1974 mới là thiếu tướng, nhưng ông là vị tướng rất quan trọng của quân đội, chỉ huy những binh đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội ND Việt Nam, tham gia hầu hết các chiến dịch lớn của chiến tranh với tư cách chỉ huy quan trọng nhưng đều là... phó. Khi mất là phó tổng tham mưu trưởng thứ nhất quân đội nhân dân VN. Xuất thân là trí thức Huế, chủ nghĩa lý lịch đã níu chân ông rất nhiều nhưng ông không lấy thế làm vì. Anh ruột ông từng là đệ nhất phó chủ tịch quốc hội Việt Nam công hòa. Cũng như cô Nguyễn Thị Ngọc Toản vợ ông, đại tá giáo sư bác sĩ, là con gái cụ thượng thư Tôn Thất Đàn, một trong 4 tứ trụ thượng thư triều Nguyễn, nhưng đã tham gia kháng chiến từ năm 16 tuổi. Cũng như chồng, bà cũng trải qua nhiều thăng trầm vì cái món... lý lịch. Câu chuyện 2 ông bà cưới nhau ngay trong hầm tướng Đờ Cát chắc nhiều người đã biết. Tôi may mắn gặp bà và các anh chị con bà trong ngày họ tổ chức sinh nhật lần thứ 90 của bà.

 Định viết một bài về cuốn sách, vì nó rất hay, rất thú vị. Nhiều góc khuất, góc tế nhị được “hé lộ”, nhiều sự thật được mở, tất nhiên không phải là hết, những câu chuyện râm ran được khẳng định, chiến tranh được phơi bày từ phía tư liệu của các vị tướng chỉ huy, và cuộc đời bình dị tới không tin nổi của vị tướng huyền thoại... thì may thấy nhà báo nhà văn đàn chị Nguyễn Thị Ngọc Hải, tác giả cuốn sách nổi tiếng về tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn, có bài phỏng vấn chị Cao Bảo Vân về cuốn sách. Thôi thì mang về, vì những gì định viết chị Hải đã viết hộ, nói hộ.

-------

Trò chuyện với PGS-TS Cao bảo Vân- con gái và tác giả cuốn hồi ức lịch sử về cha- “Tướng Cao văn Khánh.”.

NHỜ CHA PHÙ HỘ  VIẾT ĐƯỢC  “THEO CÁCH NHÀ BINH”.

* Tiến hành trong 10 năm (2007-2017)-Cuốn sách dày 800 trang với 452 tài liệu tham khảo đồ sộ.(NXB Tri thức)

*Chân thực tái hiện   cuộc đời Trung tướng Cao văn Khánh - một trong những danh tướng tham gia cách mạng từ tháng 8-1945-Từng chiến đấu và chỉ huy-tầm tham mưu chiến lược các trận đánh lớn suốt chiều dài lịch sử kháng chiến :

Chiến dịch Biên giới, Tây bắc Thượng Lào, Điện biên Phủ, B3 tây nguyên, Đắc tô, Khe Sanh, Đường 9 nam Lào,Trị thiên 1972,Chiến dịch Hồ Chí Minh,chiến tranh biên giới Tây nam,chiến tranh Biên giới phía Bắc.

*PGS-TS  Dược học Cao bảo Vân- được đào tạo tai Nga và Pháp. Từng là Phó Viện trưởng viện Pasteur Tp Hồ Chí Minh.

 

1.”CON GÁI NHỜ PHÚC CHA” NGAY KHI ĐI TÌM TƯ LIỆU .

 

*PV:_Chắc chắn viết cuốn sách công phu, liên quan thời kỳ dài, chị phải vượt nhiều khó khăn. Ý tưởng đã đến như thế nào ?Các tướng lĩnh, đồng đội của cha chị giúp nhiều không  ?

*PGS-TS Cao bảo Vân :

Ba tôi mất đột ngột năm 1980 khi đang là Phó Tổng Tham mưu trưởng thứ nhất QĐNDVN. Đến hơn 10 năm sau –khoảng 1991-92 mới là thời kỳ nở rộ việc các tướng lĩnh  xuất bản  Hồi ký. Nhiều đồng đội và cả Đại tướng Võ nguyên Giáp khuyến khích mẹ tôi viết về ba tôi.Có người nhiệt tình gửi ngay cả ghi chép, bài họ viết về các kỷ niệm với ba tôi.

Nhờ vậy mà ngay từ dạo đó gia đình đã có những tài liệu viết tay khá sống động của một số nhân chứng lịch sử,những người trong cuộc. Đáng tiếc là mẹ tôi không thể bình tâm lại sau những mất mát để thực hiện .

Mãi tới 20 năm sau- vào năm 2007-Hội Lịch sử tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm ngày mất của ba tôi.Cả tram sỹ quan Quân đội tham dự và chia sẻ và lần đầu tiên tôi được nghe đồng đội đánh giá về cha mình, trong đó  một cựu binh Điện biên Phủ-Đại tá Nguyễn Chấn gọi tướng Cao văn Khánh là “ một trong số ít vị tướng tài của dân tộc ta. Anh là  Chiến tướng,Trí tướng,Nhân tướng, Danh tướng của QĐNDVN” .

Rồi tình cờ  tôi được vào xem và phát hiện bộ ảnh Chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh của Tổng hành dinh dưới hầm ngầm D67 khi khu vực này mở cửa cho tham quan rộng rãi.Rất nhiều hình ảnh có ba tôi (khi đó là Tổ trưởng tổ Trung tâm từ tháng 4-1975) đang họp cùng Đại tướng Võ nguyên Giáp và Bộ Tổng Tham mưu.

Bất giác tôi tự hỏi về vai trò của ba trong quân đội. Ông đã làm gì suốt những năm tháng của chiến tranh?Rồi còn điều lạ lùng nữa là :Một người suy tư nhiều như ba,  Nam chinh Bắc chiến suốt 30 năm, lý lịch lại “có vấn đề “- có các anh ruột là Bộ trường, nghị sỹ Quốc hội phía bên kia chiến tuyến nhất định trải qua nhiều tâm sự và biến cố mà gia đình không thể biết được.Ba đã nghĩ gì, làm gì trong những hoàn cảnh đó?

Và từ năm 2007 đó, những nỗ lực tìm kiếm tài liệu của tôi mới thực sự bắt đầu.Vì viết sách sau khi ba mất tới 30 năm, nên những tướng lĩnh, bạn bè cùng thời ông không còn nhiều.Cùng với ba tôi, họ đã vĩnh viễn mang theo một phần ký ức lịch sử về những giai đoạn hiểm nghèo gian khổ hy sinh nhất của đất nước.

Tuy nhiên, với những ai còn có thể, họ giúp đỡ rất tận tình. Hơn lúc nào hết,  khi đi tìm tư liệu để viết, ,tôi cảm nhận được thế nào là “con được nhờ đức cha “

*PV:_Thường sách viết  thể loại Hồi ức của các nhân vật ,tướng lĩnh xưa nay tập trung làm nổi bật tính chất anh hùng,hy sinh, phẩm chất cao quý nhưng ít làm được các “công trình có tính kỹ thuật “ về các trận đánh cụ thể của chiến tranh. Sách chị đã làm được rất hài hòa với tính cách nhân vật . Chị đã làm thế nào khi không phải là nhà khoa học quân sự ?

 

*:_May mắn là phong cách khoa học của ba tôi – ông để lại rất nhiều thư từ, hình ảnh giúp tôi lần theo đó đến những nơi cần đến.

Tôi gặp gỡ nhiều người quen biết ông, tìm lục các thư viện, các lưu trữ, đọc được cả báo cáo những trận đánh từ Kháng chiến chống Pháp năm 1946-48.Tôi cố gắng giải mã những ký hiệu quân sự nhỏ li ti trong các sổ tay tác chiến và tìm thấy rất nhiều các lệnh điều quân ký tên ba tôi từ những năm 1950.

Cứ ngày đi làm, tối về tôi sắp xếp đối chiếu tư liệu với từng bối cảnh lịch sử, nhờ đó lấp đầy dần những lỗ hổng  lịch sử trong biên niên sử hoạt động của ba từ năm 1945 đến lúc mất.

Đến giờ mà  có những giai đoạn,tôi vẫn nắm được hoạt động của ông tới từng phút, nhờ những nhật ký tham mưu tác chiến, những dòng tâm trạng,, những nhận xét của ông viết vội lên trong lịch xé từ sổ tay.

Cuộc đời ba tôi là những chiến dịch,là mặt trận, chiến trường với những trận đấu cân não, là trách nhiệm với tính mạng chiến sỹ qua từng quyết định chiến  lược chiến thuật.Do vậy tìm hiểu diễn biến các chiến dịch, các quyết định quân sự là cách duy nhất tôi có thể hiểu cha mình, biết những thách thức ông phải đương đầu và cách ông vượt qua hiểm nguy- cũng như hiểu được bản lĩnh phẩm chất chỉ huy, tình cảm của ông với gia đình và binh sỹ.

Do ba tôi luôn trực tiếp tham gia những chiến trường ác liệt nhất ngay từ năm 1945 đến Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 nên viết sách về cha cũng cho tôi như nhìn lại lịch sử quân đội với chuyện người thật việc thật.

Tôi viết cuốn sách này sau khi ba đã mất,  không thể  biết ông có sẵn lòng đồng ý cho viết về mình không- nên tôi cố gắng chỉ dám kể trung thực và những sự kiện có thể kiểm chứng được.

Ba tôi vốn là trí thức thời Pháp, đã học Luật và là thày dạy Toán.Ông luôn tiếp cận và giải quyết các vấn đề quân sự một cách khoa học chặt chẽ.Và tôi chỉ  cảm nhận và truyền tải khía cạnh này trong sách. Tất cả đều bắt nguồn từ khao khát của tôi muốn biết mọi chi tiết về cha.

Cũng có người nói , nhờ cha phù hộ nên  tôi viết được các trận đánh “theo cách nhà binh".

2.SỰ TỈNH TÁO  TRÍ THỨC- TÍNH CÁCH CỦA MỘT DANH TƯỚNG.

PV:- Có thời kỳ   nhiều người theo cách mạng nước ta  bị ảnh hưởng “chủ nghĩa lý lịch “ – Tướng cao văn Khánh cũng trong số đó. Có phải những   áp lực chịu đựng ấy, hay là những gì “nhạy cảm lịch sử “ khiến NXB viết lời nói đầu “ …không nhất thiết đồng tình quan điểm và cách tiếp cận “ .Vậy sự ngại ngần đó là gì?

*:_Cũng đã phải bỏ mất một số chi tiết, câu chữ. Có thể từ kinh nghiệm của một số  cách tiếp cận quá trực tiếp của hồi ký thường được gọi là “nhạy cảm” chăng ?

Thực ra nhiều chỗ bị cắt là những sự kiện, bối cảnh bị cho là nhạy cảm chứ ít liên quan trực tiếp chuyện ba tôi.. Nhưng cắt bỏ chi tiết nhiều khi ảnh hưởng đến  sự hiểu rõ bối cảnh.Một số câu chuyện (thí dụ chuyện của cậu tôi- GS Đặng văn Ngữ  cho thấy được đặc điểm trí thức  bỏ cả sự nghiệp ở nước ngoài về tham gia kháng chiến vì yêu nước, chứ ít chịu sự áp đặt của khuôn khổ ). Ngay cả lời trích của các nhà lãnh đạo lớn in trong sách đã xuất bản trước rồi mà vẫn  bị coi là không còn phù hợp nữa.

 Tình hình đó khiến tôi rất băn khoăn trước khi Xuất bản, nhưng do mẹ tôi tha thiết muốn có cuốn sách nhân dịp 2017 là 100 năm kỷ niệm ngày sinh của ba tôi nên sách được in theo mong muốn của bà.

PV :Khi đọc sách ,bên cạnh nhiều chuyện hay cuộc đời ông và bối cảnh cuộc kháng chiến có ích cho thế hệ sau hiểu đất nước mình, tôi đặc biệt ấn tượng “tính cách  tỉnh táo  trí thức “ của vị tướng tài. Phẩm chất đó được chị  chú ý  thế nào trong sách?

*:_Tôi cho rằng ông là người tỉnh táo nhất vì ông hiểu rõ cả địch lẫn ta, rất công bằng và khách quan của người  trí thức, thấy hết, biết người biết mình trong mọi hoàn cảnh. Về quân sự, nếu không đánh giá đúng đối phương , không biết thừa nhận cả thế mạnh của địch và thấy điểm yếu của ta thì không thể chiến thắng. Muốn vậy phải có thực lực chuyên môn và thực tế chiến trường. Chiến tranh là một ngành khoa học phức tạp nhất.Đặc biệt khi quân đội ta khởi điểm là đội quân có vũ khí thô sơ đối đầu với xe tăng máy bay đại bác. Không thể chiến thắng bằng mệnh lệnh hay lòng căm thù xung phong (như ba tôi viết vậy trong báo cáo ).

Ba tôi để lại nhiều ghi chép, đánh giá, nhận định rất công bằng.Ông qua nhiều vai trò:Khu trưởng trong Kháng chiến chống Pháp- sau này là Cục trưởng cục Quân huấn.Cục trưởng Cục huấn luyện chiến đấu.Cục trưởng cục Nhà trường, hiệu trưởng trường Sỹ quan lục quân.Ông đã xây dựng những nền tảng đào tạo chính quy cho Khu 5 từ những năm 1946-48 và sau cho toàn quân.Xây dựng hệ thống nhà trường quân sự, chương trình  huấn luyện ngày càng khắt khe và tập trận không ngừng.

Đặc biệt trong sổ tay ông chuẩn bị  chiến dịch kỹ từng trận đánh, tỷ mỉ tới từng chi tiết.Rất nhiều phương án chiến thuật, chỉ rõ điểm yếu về kỹ năng chỉ huy và chiến đấu mà từng đơn vị cần hoàn thiện, rồi sau đó luôn tự đánh giá và tổng kết.

PV:_

Còn về tư chất, sự tỉnh táo giúp ông đối diện với nghịch cảnh thế nào?

*:_Về  tính cách con người, ông cũng luôn tỉnh táo. Là một trí thức, ông đánh giá cao và hiểu rõ văn minh phương Tây nhưng quan niệm dân tộc chỉ giữ được phẩm giá khi có Độc lập-Tự do. Chính vì lẽ đó ông tham gia Cách mạng và kiên nhẫn chịu đựng vượt qua mọi thăng trầm.

Xuất thân trí thức, với lý lịch gia đình ở phía bên kia (chưa kể tin đồn vô tình hay hữu ý do họ tên- người ta đồn ông là anh trai  Đại tướng Cao văn Viên- Tổng tham mưu trưởng Quân lực VNCH)-việc ông tồn tại trong quân ngũ sau những năm 50 đã có thể coi là kỳ tích.

Dù đóng vai trò quan trọng trong công tác xây dựng huấn luyện chỉ huy tác chiến đem lại sức mạnh cho Quân đội trong chiến tranh cũng như thời bình,  nhưng hầu như làm cấp phó- ông  vẫn khiêm tốn nhìn nhận cả vai trò của người khác cả cấp trên cấp dưới và nhẫn nại cả khi chưa được hiểu đúng. Ông thường nói :”Nếu những người có khả năng không chịu ở lại giúp Quân đội, chiến sỹ sẽ hy sinh nhiều hơn “.

Những việc ông vượt qua trở ngại chỉ làm tôi càng thấu hiểu ba tôi và nhiều trí thức trong và ngoài Quân đội đã có những thời kỳ chịu đựng và tự trọng vượt qua những áp lực ghê gớm thế nào.

Ông lại khiêm nhường hầu như không trả lời phỏng vấn.Thậm chí chụp hình cũng chọn đứng phía sau.Các nhà sử học cũng kêu rất khó viết về ông.

Khi mất, mộ ba tôi cũng nằm tại chiến trường xưa cùng các Liệt sỹ Đại đoàn 308 của ông đã hy sinh trong trận Vĩnh Yên thời Kháng chiến chống Pháp.

 

PV:Sách ra, chị nhận được dư  luận và tiếng vang thế nào ?

 

*:_Sách in số lượng ít, chủ yếu tặng bạn bè thân quen, có thể vì thế nhiều lời khen hơn chê. Chắc vì do con gái viết về cha chứ không phải nhà Nghiên cứu, sử học… nên dễ được thông cảm. Tôi tự thấy còn muốn sửa chữa nhiều chỗ.

Nhưng sự bất ngờ lớn nhất chính là  nhận xét của bạn đọc cả trong và ngoài nước, làm tôi cảm động.Họ nói cuốn sách đã khơi lại một thời hào hùng xả thân, những con người tự trọng sống vì lý tưởng lựa chọn dấn thân khi đất nước lâm nguy và những khát vọng về sự hùng cường, tự do, dân chủ.

Nhiều người tìm mọi cách liên lạc, đến cả cơ quan tìm chỉ để cảm động chia sẻ niềm vui. Bác Nguyễn Trung viết thư dài, trong đó nói cuốn sách   đã viết được lịch sử chứ không chỉ là hồi ức của cha mình -đã đánh thức ông một thời hào hùng của đất nước mà chính ông là một phần máu mủ nhỏ bé của thời ấy- Ông nói Bảo Vân đã làm được một việc cực kỳ khó :”Trả lại tất cả những gì của Caesar cho Caesar và cuộc sống hôm nay rất cần những lẽ phải này.”

Viết cuốn sách này, tôi muốn tái hiện cuộc sống và công việc thầm lặng của ba, giúp cho con cháu hiểu về tiền nhân, làm tấm gương để soi mỗi khi gặp khó khăn và nghịch cảnh.

 

PV: Mẹ chị (GS-BS Nguyễn thị Ngọc Toản-  chuyên gia đầu ngành sản phụ khoa, người từng viết nhiều sách khoa học-  là UV Thường vụ  thường lên tiếng với thế giới  về các vấn đề trong Hội nạn nhân chất độc da cam)- đọc sách nhớ lại cuộc đời  dài xa cách và đám cưới nổi tiếng của ông bà trong hầm De Castries  giữa Điện biên Phủ  vừa chiến thắng– bà nói gì ?

*:_Mẹ tôi đón nhận và đọc một cách bình thản. Theo bà, sách viết quá nhiều về các trận đánh, mà còn quá ít về cuộc sống nội tâm của ba tôi. Số phận của ba mẹ tôi cũng như rất nhiều trí thức, quan lại, có gia đình ruột thịt phía bên kia chiến tuyến. cả cuộc đời cống hiến, nhưng có những nghi kỵ đề phòng là một bi kịch của một giai đoạn mà con cái khó có thể hiểu được.

Hiển nhiên, bà có thể nói nhiều điều về cuộc sống nội tâm của ông- điều mà tôi không biết và rất tiếc không kịp biết khi ba r a đi- lúc tôi còn quá trẻ- nhưng bà lại không viết.

Tuy nhiên từ đó đến nay bà càng thường xuyên đọc lại cuốn sách. Chắc nó giúp bà nhớ lại được nhiều kỷ niệm hơn.

PV:Xin cảm ơn chị đã bỏ công sức rất nhiều làm một việc tuyệt vời.

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI (Thực hiện ). Bài đăng trên báo Người Đô thị số Xuân Nhâm Dần, tác giả gửi bản Word cho nhà cháu. Link gốc Ở ĐÂY

Một số ảnh GS BS đại tá Nguyễn Thị Ngọc Toản, phu nhân tướng Cao Văn Khánh tại sinh nhật lần thứ 90 của bà. Tất nhiên nhà cháu chụp, hihi


 



Cùng em trai, giáo sư Tương Lai

 



 

 

 

 

3 nhận xét:

Vũ Nho Ninh Bình nói...

Cám ơn anh Văn Công Hùng!

Văn Công Hùng nói...

@Vũ NHo Ninh Bình: Vâng ạ.

Tý Xù nói...

"Về tính cách con người, ông cũng luôn tỉnh táo. Là một trí thức, ông đánh giá cao và hiểu rõ văn minh phương Tây nhưng quan niệm dân tộc chỉ giữ được phẩm giá khi có Độc lập-Tự do. Chính vì lẽ đó ông tham gia Cách mạng và kiên nhẫn chịu đựng vượt qua mọi thăng trầm". Nhà QS tài ba. Nhà KH chân chính. CON NGƯỜI đúng nghĩa. Có như vậy chúng ta mơi may mắn được những chỉ dẫn có tính nhân văn. Cám ơn cả nhà Tướng Cao Văn Khánh.