Thứ Hai, 14 tháng 3, 2022

GIA LAI CÀ KÊ: GIẾNG QUAY TAY

 

          Những người sinh vào đầu thế kỷ 21 tới nay ở Pleiku nói riêng, Gia Lai nói chung chắc không hình dung nổi từng hiện diện những cái giếng sâu hàng bốn năm chục mét, và tất nhiên người ta không thể kéo nước bằng gàu thông thường, mà phải chế ra hệ thống ròng rọc đơn giản nhưng rất hiệu nghiệm để lấy nước từ giếng lên.

Ấy là những ngày vất vả khó khăn với thiếu nước thừa bụi mùa khô, lê thê mùa mưa với những con đường lầy lội bùn đỏ. Hồi ấy những con đường có phủ nhựa rất ít. Phố là những dãy nhà tôn lụp xụp với hàng rào kẽm gai xung quanh. Những chiếc xe đạp di chuyển trên đường với fooc ba ga là một cái bao tải, phía trên thường là cái cuốc. Chủ nhân của nó đi làm rẫy. Đỏ từ đầu đến chân.

Một thời, nỗi kinh hoàng nhất của dân Pleiku là… nước, nước sinh hoạt ấy.

Nhà có điều kiện thì khoan giếng, đào giếng. Hồi ấy nghề đào giếng rất đắt khách. Những cái giếng sâu hun hút năm sáu chục mét, phải quay bằng tời, người không quen rất dễ bị tay quay đập vào tay hoặc cái thùng múc vào thành giếng. Nhà không có điều kiện thì trữ rất nhiều thùng phuy, loại đã qua sử dụng, trát hắc ín đen xì. Nước máy chảy tuần một lần, phải trữ. Nhưng không phải lúc nào cũng đến lượt mình. Nửa đêm phải dậy hứng, ai cũng hứng nên nước chảy ri rỉ như nước đái nhện. Về cơ bản là đi gánh nước, đến những nhà có giếng xin hoặc mua rồi gánh về. Nên, có những người chuyên gánh nước thuê. Nhà tôi hay thuê hai người. Một là anh Nhân, một người đàn ông tính tình hơi bất bình thường nhưng rất khỏe, và hai là chị Hơ Blơng, nguyên là diễn viên đoàn văn công Tây Nguyên, về nghỉ mất sức nhưng lại… gánh nước thuê.

Để đào những cái giếng như thế thì phải là những người thợ chuyên nghiệp, người bình thường nhìn xuống đã chóng mặt thì đào cái gì. Có những xưởng cơ khí chuyên sản xuất cái cần quay kéo nước giếng. Nó khá đơn giản, gồm một thanh sắt tròn gác qua miệng giếng bằng 2 cái trụ 2 bên, một đầu uốn hình chữ Z, ở giữa là dây cáp, loại cáp dẻo chỉ bằng cái đũa, nối với một cái thùng gánh nước. Cái thùng ấy phải đeo thêm cục đá hoặc nhà “có điều kiện” hơn thì là quả gang nặng khoảng vài cân. Phải có cục đá hoặc gang ấy thì khi chạm nước cái thùng mới chịu nghiêng để nước vào. Khi thùng đầy nước, chìm xuống thì bắt đầu quay nước lên. Người vụng khi lên có khi chỉ còn nửa thùng.

          Một cô bạn tôi từ đồng bằng lên, ra giếng giặt đồ, quay nước bị cái cần ấy quật lại, gãy tay phải bó bột lủng lẳng cả tháng trời, nhớ đời mùa khô Pleiku (hình dung quay nước giống hệt ngày xưa tài xế phải dùng manivel quay khởi động mấy cái xe tải Trung Quốc). Bây giờ tìm được cái cần quay nước ấy có khi còn khó hơn tìm người… lười tắm. Và điều này nữa, là khi thả thùng xuống khó hơn khi quay nước lên. Cái cô bạn đồng bằng kia gãy tay là khi thả thùng xuống giếng bởi cái cần quay rất nhanh đánh vào tay…

Tôi ở khu tập thể ty Văn hóa Thông tin trên đường Trần Hưng Đạo, cả ty có 1 cái bể lộ thiên lúc nào cũng trơ đáy. Thi thoảng trưởng ty điều cái xe Zeep kéo cái rơ mooc trên để cái téc đi lấy nước về “cấp” cho cán bộ. Nhà ai có gia đình rồi thì có các thùng phuy, loại thùng đựng hắc ín, mua hoặc xin về, dùng chính hắc ín ấy, hoặc xi măng trát kín rồi đựng nước (Cũng không biết là dùng xi măng với hắc ín ấy đựng nước thì có độc không nữa, chỉ biết là nước khá trong), bọn độc thân thì đựng vào thùng gánh nước, dẫu độc thân ai cũng phải có đôi thùng gánh nước, và cái chậu, thậm chí đựng cả vào xoong, vào… tô để dự trữ.


 Nhà cháu thời quay nước giếng rồi gánh về đổ vào thùng phuy chứa dùng dần. Gia tài có 2 cái thùng phuy cũ, 1 cái quét hắc in đen sì, một cái quét xi măng... Nhưng vẫn lạc quan xinh đẹp phỏng ạ?

 

Hồi ấy cả Pleiku có hai nhà tắm nước nóng, mà lũ chúng tôi tự quy định cho mình, chỉ khi nào lễ, tết, hoặc mùa đông đi công tác về mới dám xuất… ví ra đấy tắm. Một nhà tắm ở đường Phan Bội Châu và một ở đường Nguyễn Du, chúng tôi hay ra Nguyễn Du vì gần và chủ là chị Sâm, nhân viên xí nghiệp in trực thuộc ty Văn hóa, cùng ngành.

Cái tiệm tắm nước nóng của chị Sâm cũng… quay tay kéo nước lên  và nấu nước nóng bằng… củi. Có hệ thống điện nhưng điện rất yếu, chỉ lờ mờ như con đom đóm nên chủ yếu cứ có khách là chị lại kêu người nhà nấu nước. Tôi cũng không hiểu là chị thiết kế cái hệ thống nấu nước bằng củi thế nào mà nước nóng vẫn lên vòi sen, và lũ chúng tôi, khi đã trả tiền để tắm thì… xài cho đã, giặt cả đồ bằng nước nóng, kết quả là quần áo nhăn nhúm, về lại phải vật nài cánh con gái ủi giúp, và chúng vừa ủi vừa rên vì rất khó ủi.

Mùa khô là mùa lạnh, mà lại bụi mù nên người lúc nào cũng dính đất. Hình dung hồi ấy đường đất đỏ nhiều hơn đường nhựa bây giờ, mỗi khi gió nổi lên, mà mùa khô thì gió cuồn cuộn, là bụi đỏ từng cây như cái lưỡi quét trên đường. Thế mà nước hiếm, con trai độc thân lại lười, hay… quên tắm. Và mỗi khi tắm có khi chỉ cần 1 chậu nước. Thế mà rồi cũng khôn lớn lên thành người như hôm nay.

Đến khi tôi có vợ con rồi, ở trong khu tập thể, thì cái chỗ quan trọng nhất là phải dành cho mấy cái thùng phuy đen thù lù. Ưu tiên số một là để nấu cơm, số hai là mấy ông lợn, mùa nóng phải tắm cho các ông ấy nhanh lớn. Rồi mới đến con, đến mình. Giặt đồ thì dứt khoát vợ phải bưng chậu xuống bể công cộng. Nước trong thùng phuy ấy là hoặc chồng đi gánh, hoặc thuê. Trong số các thùng phuy ấy thì bao giờ cũng dành một cái để chứa nước bẩn. Nước này dùng để tưới rau. Nuôi lợn bao giờ cũng phải kèm với rau lang. Tất cả những chỗ có thể nậy lên trồng khoai lang đều được nậy lên để trồng, và tưới chúng bằng nước bẩn trữ lại ấy…


 

Hồi ấy nơi xa nhất tôi hay lên là khu tập thể Đài Phát thanh (chưa có truyền hình) Gia Lai Kon Tum. Từ Ty Văn hóa Thông tin đạp xe hoặc đi bộ lên là hết cơm dù giờ chỉ nhoáy phát là tới nơi. Đường xấu, bụi mù, dốc cao. Sau rất nhiều cải tạo giờ những con dốc Pleiku ngày nào hầu như đã biến mất. Đã bụi thế nhưng lên đấy là để đá bóng vì ở đấy có cái sân bóng. Đá xong thì tắm. “Dưới phố” giếng sâu 50 mét thì trên ấy giếng phải 70 mét, quay được thùng nước lên là bở hơi tai. Thế mà hồi ấy rất đông phóng viên của đài ở khu tập thể, và họ quay nước hàng ngày như thế, thì tôi ở ngay đường Trần Hưng Đạo lại chả thiên đường rồi ư? Mà cái giếng lại ở sát phía đường Lê Lợi, thấp hơn hẳn đường Trần Hưng Đạo một bậc. Mỗi buổi chiều tôi có nhiệm vụ gánh hai gánh nước từ giếng về đổ vào thùng phuy, ngày nào cũng thế...

Bài đăng báo Gia Lai, link gốc ở đây

Cái giếng quay tay, sưu tầm trên mạng, cái này hiện đại rồi, chứ không phổ thông hồi ấy.
 

                                                                       

 

Không có nhận xét nào: