Nói đến tết Việt là phải nói đến chợ tết. Muốn có tết thì phải có chợ tết. Chợ tết Việt nó không phải, không chỉ là chợ thông thường dù nó vẫn hết sức tấp nập mua bán, tấp nập hơn chợ thường ngày rất nhiều, tới mức người ta phải nói “đông như chợ tết”, mà nó còn được nâng lên thành đặc sản, thành văn hóa.
Nó gắn với những vùng đất, những địa danh, những khu vực cụ thể. Và vì thế nó trở thành một “món tết” rất thú vị ngang với những “món” ăn chơi khác. Ăn chơi, bởi lâu nay, hồi còn khó khăn ấy, người ta chỉ lo ăn tết, cả năm đầu tắt mặt tối, mong có ba ngày tết để mà cho con cái ăn uống cho thỏa. Đói mấy thì đói tết vẫn có những ngon hơn ngày thường để ăn và ăn no. Rồi sau đấy, cái ăn không còn là mối lo thường trực nữa, thì người ta lo chơi tết. Đã có nhiều gia đình trẻ, cứ tết là khóa cửa đi chơi, có điều kiện thì ra nước ngoài, không thì trong nước, đi chơi tết.
Một trong những điểm để “chơi” tết là chợ tết.
Mỗi vùng có một đặc sản chợ tết, phù hợp với sản vật và thói quen của vùng ấy, ngoài những thức rất chung như lương thực phẩm cho tết như thịt cá rau gạo vân vân...
Gia đình tôi ở Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Ra trường tôi đi một hơi lên Pleiku, nhưng cứ tết là lại về. Về để hưởng không khí tết quê, để chìm mình vào cái không khí đặc quánh tết quê ấy.
Chợ tết Huế có mấy “đặc sản” mà dẫu có đi tận đâu tôi vẫn mải miết nhớ.
Đầu tiên là cái mùi nhang trầm bảng lảng khắp nơi.
Mỗi vùng có một cách làm hương, nhưng người Bắc là hương bài, người Nam hương rất sắc như nước hoa, người Huế là mùi trầm thoang thoảng. Không chỉ trong từng nhà, mà ở cả chợ, nhất là các gian bán tạp hóa. Cái mùi hương trầm Huế rất đặc trưng, nó khác trầm những nơi khác, hỏi khác thế nào rất khó giải thích, phải tới khi đứng ở đấy, giữa ngào ngạt ngạt tinh túy ấy, mới cảm nhận được.
Thế giới hương của người Huế là từ phía Nam Giao trở lên, nơi có rất nhiều chùa và lăng tẩm. Ở đấy người ta sản xuất hương như một tín ngưỡng, kỹ càng, kỳ khu và đầy tính nghệ thuật.
Nữa là áo dài.
Ngày xưa, phàm là con gái Huế ra đường là phải áo dài và đội nón. Nó như một khuôn phép ở cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Gái Huế nhẹ nhàng, dịu dàng, lễ phép, chậm rãi, khoan thai... ngoài sự dạy dỗ, giáo dục của gia đình, nó còn bị chi phối từ những tà áo dài kia. Nhớ những lần tôi khi đương là sinh viên văn khoa của trường Đại học Tổng hợp Huế đứng ở ban công Morin nhìn các em nữ sinh Hai Bà Trưng, Quốc Học đi học rợp cầu Trường Tiền rồi tràn xuống Lê Lợi. Mưa nhưng họ vẫn không chạy, vẫn chậm rãi khoan thai bước, cặp sách ôm trước ngực, nón che đầu, tóc thề lất phất, cứ thế, Huế trôi trên đường Lê Lợi.
Và các bà các chị đi chợ cũng áo dài.
Tôi về khi áo dài đã hiếm, do khó khăn, người ta dỡ áo dài ra sửa thành áo cụt. Thế mà, vẫn thấy những mệ, những dì, những chị áo dài gánh đồ ăn đi bán. Họ xuất phát từ Cồn Hến, từ những làng ngoại ô, gánh những là bún, bánh canh, bánh bèo nậm lọc... vào phố bán. Và họ đều mặc áo dài. Tất nhiên không phải màu trắng nữ sinh. Đa phần màu sậm, nâu sậm, tím sậm...
Những gánh đồ ăn ấy trở thành một đặc sản Huế.
Xem những ảnh cũ chợ Đông Ba thấy phụ nữ Huế mặc áo dài bán hàng, đi chợ, thích lắm.
Hơn mười năm lại đây, Huế lại phát động phong trào áo dài. Festival Huế năm nào cũng có trình diễn áo dài, trở thành thương hiệu. Và mấy năm nay thì áo dài công sở, cho cả nam giới.
Và tết, tất nhiên là người Huế sẽ mặc áo dài.
Nó sẽ trở thành một đặc sản của chợ tết Huế.
Người Huế mặc áo dài như một hành động tự thân, như một nhu cầu chứ không phải vì phong trào này kia. Tôi về quê đi ăn giỗ, ăn cưới hay có việc họ việc làng mà không mặc áo dài, cứ như là người thừa, bị lạc lõng. Tất nhiên trong tủ quần áo của tôi đã có mấy bộ áo dài khăn đóng. Trước thì chỉ đàn ông trên 60 tuổi mới mặc áo dài, giờ với sự “phục hưng” áo dài mà tỉnh Thừa Thiên Huế phát động, thì chả cứ tuổi nào. Còn nữ thì tất nhiên, tất cả mọi người. Hồi khổ nhất thì trong tủ của mỗi phụ nữ Huế vẫn có ít nhất một bộ áo dài. Đám hỏi đám cưới giỗ và tết là mang ra mặc.
Chợ tết Huế, vì thế, sẽ không thể thiếu áo dài.
Và màu sắc áo dài ấy sẽ tưng bừng thêm với màu sắc của hoa, mà 2 loại hoa đặc sản Huế là Hoàng mai và hoa giấy Thanh Tiên.
Mai là đặc sản của miền Nam, nhưng mỗi nơi có một giống khác nhau. Người sành mai cho rằng màu vàng mai Huế nó vương giả hơn, nó quý phái hơn, nó sang trọng hơn và lá luôn xanh. Nếu như mai thế Bình Định, Phú Yên khi nở hoa thì rừng rực một màu vàng từ ngọn tới gốc, thì mai Huế thong thả hơn, lá xanh hoa vàng xen nhau, Và vì thế nó bộc lộ hết sức quý phái sang trọng, nó đan xen trữ tình dịu dàng chứ không dữ dội, nó vừa kiêu hãnh vừa e ấp khiêm cung tạo nên đặc trưng cung đình.
Làng Thế Chí Tây của tôi là làng mai nổi tiếng xứ Huế. Trăm năm trước có người mang giống mai từ triều đình về, lai tạo, và hợp chất đất, nó sinh ra một loại mai đặc trưng để giờ làng trở thành làng nghề truyền thống trồng mai. Dân làng chơi mai như nghệ sĩ và bán mai như công ty kinh doanh, có những cây mai trị giá gần tỉ đồng. Tất nhiên tết không thể thiếu cảnh nhộn nhịp người khắp nơi về làng ngắm mai, mua mai, biến nơi đây thành một khu chợ đặc biệt, hiếm có. Mấy năm trước, chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đã phát động một phong trào trồng mai trước cửa nhà, cổng công sở, ngoài đường. Mai Huế lại càng có điều kiện tưng bừng trong tết.
Cũng Huế, có một làng hoa nữa rất thú vị, là hoa giấy. Làng hoa giấy Thanh Tiên (Xã Phú Mậu, huyện Phú Vang), nguyên là làng làm hoa giấy để phục vụ việc thờ cúng, có tuổi nghề hơn ba trăm năm, giờ chuyển sang làm hoa trang trí, nhất là hoa sen. Sen Tịnh Tâm Huế cũng nổi tiếng cùng các vùng sen Việt Nam như sen Tây hồ, sen Kim Liên, sen Đồng Tháp. Giờ sen Tịnh Tâm cũng được nhân giống ở nhiều vùng trong tỉnh Thừa Thiên Huế, nhưng hoa sen giấy Thanh Tiên vẫn có giá trị riêng. Tết ở các chợ Huế không thể thiếu những sắc hoa Thanh Tiên này. Tôi rất ấn tượng với những cái xe đạp cắm đầy hoa giấy nhiều màu sắc, nó vừa trang trí vừa hữu dụng, vừa phục vụ vừa trưng bày. Một số khu du lịch đã mang nghề hoa giấy Thanh Tiên về vừa để lưu giữ vừa để giới thiệu và cả kinh doanh...
Thì đã nói, chợ tết đa phần là giống nhau, nhưng đi sâu nhìn kỹ, thì nó lại có những nét khu biệt. Để, người đi đâu làm đâu, tết là nhớ để về. Không phải để ăn tết nữa, dù đặc sản ẩm thực quê vẫn là mời gọi hấp dẫn, mà để lặn vào không khí tết, vào hương vào hoa, vào tâm thức vùng đất ấy, mà rưng rưng, mà hoài niệm, mà hít thở mà xuýt xoa... quê hương đấy, ruột rà đấy, ký ức đấy, thăng hoa đấy...
Và những tour du lịch chợ tết, tại sao không nhỉ?
Lúc này những tất tưởi, lo toan, những dồn nén, căng thẳng, những tằn tiện chi li, những hào phóng buông xả... vì tết không còn nữa, chỉ còn những sắc màu tết, những hân hoan tết, những mong mỏi tết... để về chơi chợ tết...
Bài trên Tạp chí Đầu tư Tài Chính tết 2022 Nhâm Dần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét