Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2022

NHẶT CHUYỆN GHÈ RƯỢU CỦA NGƯỜI TÂY NGUYÊN

 

          Rượu cần, rượu ghè là cách gọi chung của người Kinh khi dùng thứ rượu được làm trong ghè/ ché, uống bằng cần trúc, tức gọi theo chức năng sử dụng chứ mỗi dân tộc có cách gọi riêng, ví dụ người Jrai gọi là Pai ceh, đọc thành Pai cheh, uống rượu là M'nhum Pai.

          Và nó không phải là thức uống “độc quyền” của người Tây Nguyên mà một số dân tộc phía Bắc cũng có, thậm chí rất ngon.

          Nhưng điều lạ là, cũng như chiêng, người Tây Nguyên không tự làm ra ghè/ ché (từ đây xin gọi chung là ghè) mà phải đi mua, đổi về, nhưng giờ khi dùng làm và đựng rượu, nó trở thành đặc sản của người Tây Nguyên.

          Rượu là một trong những phát minh vĩ đại của loài người, hầu như dân tộc nào có mặt trên trái đất này cũng đều có riêng loại rượu của mình, nhưng tựu trung có 4 cách làm rượu chính:

          Rượu từ cây. Là loại nước từ cây lên men, Việt Nam có vài dân tộc có như rượu đoác.

          Rượu ủ, rượu cần là ví dụ.

          Rượu lên men từ trái cây, rượu vang là ví dụ.

          Rượu cất, rượu đế Việt Nam, các loại Uýt ky, Cô nhắc, Vốt Ka... là ví dụ.

          Là người ở Tây Nguyên đã bốn chục năm, không biết đã từng ôm bao nhiêu ghè rượu cần, mãi gần đây tôi mới tự hỏi: Người Tây Nguyên mua ghè ở đâu? Bây giờ thì dễ rồi, người Kinh mua về bán đầy, nhà tôi cũng có mấy ghè rượu để trồng... hoa treo ở giếng trời. Rồi lại có cái nhà hàng của ông bạn tự làm rượu cần, loại nhỏ, 0,5 lít xinh lắm. Ổng đi đặt lò gốm làm ghè theo thiết kế của ổng về làm rượu vào đấy, và bán. Tôi xin mấy cái về cắm hoa, cắm cả Lavander rất đẹp.

          Nhưng ngày xưa ấy, cái thời thông thương chủ yếu là đi bộ, và Tây Nguyên vẫn là vùng đất hết sức bí ẩn ở tít trên dãy Trường Sơn quanh năm mây phủ ấy, thời cả người Việt và người dân tộc Tây Nguyên lấy cái làng là thế giới của mình ấy, ghè ở đâu ra?

  Lần tôi xuống Ninh Thuận, đúng lúc có cái triển lãm và hội thảo gốm, gặp ông Lê Xuân Lợi, giám đốc trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm, một đồng môn dù ông học khoa sử tôi khoa văn và sau tôi mấy khóa, người chủ trì cuộc này, nghe ông nói mới ồ à ra bao việc. Rằng thì là nghệ thuật làm gốm của người Chăm có từ lâu đời, thừa hưởng và phát triển từ dòng gốm Sa Huỳnh, giao lưu ảnh hưởng kỹ thuật nguyên liệu của các nước lân cận thậm chí của các nước Trung Đông. Nổi bật nhất trong dòng gốm Chăm xưa là gốm Gò Sành (Bình Định từ thế kỷ XII kéo dài đến thế kỷ XVII) để lại ảnh hưởng lên các dòng gốm hậu Chăm, đó là gốm Quảng Đức (thế kỷ XVII – XVIII) và Châu Ổ (thế kỷ XVIII – XIX). Hiện nay, người Chăm chỉ còn hai làng nghề gốm tồn tại, đó là gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận) và gốm Bình Đức (Bình Thuận), trong đó Bàu Trúc được biết đến là một trong những làng gốm với kỹ thuật từ xa xưa.

Gốm Gò Sành có nguồn gốc tại Bình Định, mà thời kỳ phát triển rực rỡ là khoảng thế kỷ XII - XV, là loại gốm chuyên dùng cho các vua chúa, các già làng, tù trưởng vùng Trường Sơn Tây Nguyên, cũng là sản phẩm để giao lưu, xuất khẩu sang các nước trong khu vực… Các sản phẩm của những dòng gốm này rất đa dạng các loại như: bình trà, bình rượu, bình hồ lô và đặc biệt là các loại ghè được sử dụng rất nhiều ở vùng Tây Nguyên.

Ở Gia Lai người ta đã phát hiện ra một “con đường Chăm” từ thành Đồ Bàn sang Ăng Ko Vát. Nó có từ rất lâu trước khi những người Việt đầu tiên là anh em nhà Tây Sơn vượt đèo lên đất An Khê lập chiến khu khởi nghĩa biến nơi đây thành Tây Sơn thượng.

Vậy thì mối liên quan giữ gốm Chăm (ghè) với rượu cần Tây Nguyên là có thật, và hết sức biện chứng.

Cái tài nữa của người Tây Nguyên là, không chỉ biến nó thành thức làm/ đựng rượu mà còn biến nó thành tài sản, thành Giàng của mình.

Tôi từng rất hào hứng khi được giới thiệu ở nhà Amí Đanh ngay trung tâm xã Ia Mlá (Krông Pa, Gia Lai) có hai cái ghè cổ, một cái trị giá ba mươi con bò tức bằng nửa con voi tức khoảng một trăm năm mươi triệu và một chiếc trị giá hai mươi con bò khoảng một trăm triệu (thời điểm cách đây 20 năm). Cái ghè trị giá ba mươi bò tên là Prung và cái hai mươi bò tên Chanr. Ghè này không biết có thiêng không nhưng rõ ràng là nó rất giá trị. Hỏi mấy đồng chí lãnh đạo xã người Jrai rằng tại sao nó đắt tiền, bảo tại nó là ché Tuk (Dok). Hỏi tại sao ché Tuk lại quý lại đắt thế thì... không biết. Ông bạn Lê Xuân Lợi giải thích rằng: Đa phần ghè của người Tây Nguyên là do người Chăm bán/ đổi lên, chủ yếu là gốm Bàu Trúc, khi bán họ giới thiệu đây là "ché tốt" và nó được nghe thành ché Tuk, tương tự thế là ché thiêng, ché Yang thành ché Tang. Và đây là 2 loại ché quý nhất của người Tây Nguyên, được sánh ngang với trâu, thậm chí voi. Đọc Trường ca chàng Đăm Săn ta đã gặp 2 loại ghè này.

Còn ghè thiêng tôi cũng từng thấy, tìm tới tận một nhà ở huyện Auyn Pa (Gia Lai) xem ghè, còn nó thiêng thế nào thì nghe kể, rằng nó biết khóc, biết hát, biết báo mộng vân vân. Tháng 4 năm 1975, trước khi có cuộc di tản nổi tiếng đường 7 qua đây thì nó đã... chảy máu cả tháng, phải cúng. Là chủ nhà kể thế.

Ở cái bảo tàng của tòa giám mục Kon Tum có trưng mấy cái ghè cổ, cũng thấy đề hàng mấy chục trâu trở lên, nên việc bảo vệ ở đây rất nghiêm ngặt. Cũng như thế, ở cái cuộc triển lãm gốm ở Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm Ninh Thuận mà tôi nhắc trên kia, ông giám đốc Lợi bảo, khổ nhất là khâu bảo vệ, toàn báu vật quốc gia và quốc tế cả.

Tôi từng không thích việc người ta, để gọi là “giữ gìn bản sắc”, trước các cuộc tiệc tiếp khách ở các nhà hàng sang trọng, trịnh trọng đặt giữa phòng một ghè rượu cần rồi mời mỗi người một ngụm “lấy phép” sau đó chuyển sang bia hoặc rượu tây. Bởi nó lạc lõng đến kệch cỡm, từ tư thế uống tới không khí rượu. Nhưng tết, tôi lại hay mua một ghè nhỏ với nhiều cần trúc dài về để ở nhà. Nó là rượu nhưng cũng là một cách trang trí.

Tôi cũng từng uống rượu ghè trên đỉnh Lang Biang, lạnh quắt, lửa tưng bừng, chiêng tưng bừng, xoang tưng bừng... chả phân biệt ai với ai, ai cũng thành... ghè. Và trong một lần tưng bừng như thế, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha có bài thơ với 2 câu rất bất ngờ: Mnhum thêm Mnhum thêm/ ta thành ghè rượu...

Uống rượu ghè, chuẩn nhất là phải xuống làng, hoặc chí ít cũng là các khu du lịch Tây Nguyên. Nó cứ phải là có không khí, có môi trường, không gian, nó đi kèm với chiêng, với xoang, với lửa...

Nên với người Tây Nguyên, ghè không chỉ là thứ để làm/ đựng rượu. Nó chính là một phần đời sống của họ, vừa gần gũi vừa linh thiêng...

 

Bài trên báo Lâm Đồng số tết Nhâm Dần 2022


 


 


                                                             

Không có nhận xét nào: