Thứ Năm, 13 tháng 1, 2022

QUẢNG BÌNH HOÀI CHUYỆN...

 

          Trước năm 1975, tôi sống ở Thanh Hóa, chỉ biết nếu đi về phía Nam sẽ tới quê tôi, là Huế, muốn thế phải qua Nghệ An, qua đèo Ngang (có học trong sách giáo khoa bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan), qua cầu Hiền Lương vân vân...

          Học cấp 3, hết ba tháng hè đi học lại thì nghe mấy đứa con trai lớn trong lớp kể chuyện Quảng Bình. Là chúng đi với bố hoặc anh làm thợ xẻ. Và chúng vào Quảng Bình.

          Chúng kể gái Quảng Bình xinh (hồi ấy cấp 3 nhưng tụi nó lớn lộc ngộc rồi, tôi con cán bộ đi học đúng tuổi nên bé tí), là chúng trọ trong nhà có mấy đứa con gái bằng tuổi, rồi kể cho bọn ấy nghe ngoài Thanh chúng làm nghề... bơm bánh tàu hỏa, và mấy đứa con gái kia tin sái cổ.

          Hồi ấy tàu lửa mới vào tới Vinh.

          Năm 1975 tôi và ba về quê chuyến đầu tiên. Tới ga Vinh nằm mấy ngày xếp hàng mua vé xe liên vận về Huế. Rồi lên được cái xe Desoto dài thượt chạy Vinh Huế, qua Quảng Bình.

          Nhớ lúc xe vượt đèo Ngang trong rợn ngợp cả cảnh và... thơ từ trí óc non nớt của cậu học trò cấp 3 “Bước tới đèo Ngang bóng xế tà”, và xe leo đèo trong buổi chiều thật. Tôi nhớ thấy con bò được cột ở một cái cần bằng cây tre, cứ xoay quanh cái cần ấy mà gặm cỏ, mà cỏ thì cháy, vàng khè. Buồn ngơ ngác.

          Mới nhớ có những phà Gianh, phà Ròon, phà quán Hàu... mỗi lần qua là phải xuống xe lạch bạch chạy theo xuống phà. Và những đoàn xe chở bộ đội rùng rùng qua phà ra Bắc, những anh quân cảnh làm việc toát mồ hôi điều tiết xe qua sông. Mà những cái xe Desoto phía Nam dài ngoẵng lại thấp gầm, mỗi lần lên xuống phà đến khổ. Lần đầu tiên thấy tài xế và lơ xe là 2 đẳng cấp khác nhau. Trước đấy các xí nghiệp xe khách miền Bắc lái chính và lái phụ gần như ngang nhau.

          Rồi tôi vào học khoa Văn đại học Tổng hợp Huế khóa 1, với những người bạn Quảng Bình.

          Và thấy, té ra, các bạn Quảng Bình cũng... như mình. Cái giai thoại bơm lốp xe  lửa nó cũng vui như chuyện Bọ sau này hay kể trong những đêm cư xá, dẫu cũng thi thoảng có những vụ đánh nhau để bảo vệ... bọ.

          Phải đến khi tôi đi thực tế ở nông trường Việt Trung mới hiểu hết Quảng Bình.

          Một cái làng trong núi, gần đường Hồ Chí Minh chạy qua, hầu như không nhà nào nguyên vẹn. Nghe kể về những đêm cả làng đi cứu xe, đi sửa đường, tháo cả cửa nhà ra lát đường, nghe thật chứng kiến thật chứ không phải nghe tuyên truyền. Những cô chú chủ nhà rất tốt dù trước đấy nghe nhiều chuyện về dân Quảng Bình đề phòng dân khu Ba và cả dân Huế như thế nào.

          Hồi đầu sau 75 ấy, nói Bình Trị Thiên là một tỉnh, nhưng quả là rất khó để từ Huế ra Quảng Bình. Xe đò bò cả ngày, tiền nong không có, mỗi lần đi là một lần cơ cực. Tôi nhớ có một lần tôi ra Quảng Bình chơi với một người bạn, cái xe như con bọ hung bò như dũi trên đường. Ăn bún gạo đỏ ở một cửa hàng ăn uống nhà nước xong về nhà bạn lúc chập choạng, ngủ một đêm, mai lại đi.

          Thế nên sau này tôi đã sướng đến như thế nào khi tự mình lái xe ra Quảng Bình, một Quảng Bình thênh thang mà trước đấy có giỏi tưởng tượng mấy cũng chả nghĩ ra khi đi trên đường chỉ thấy hố bom như bát... ngửa (lâu nay ta hay dùng từ bát úp để chỉ hố bom dày đặc. Hôm rồi một bạn thắc mắc: Hố bom thì phải ngửa chứ, và tôi thấy hoàn toàn chính xác).

          Lớp Văn đại học của tôi có mấy bạn Quảng Bình sau này ra làm báo, nhưng ở lại Quảng Bình thì chỉ có một. Bác Phan Văn Khuyến hồi còn ở báo Bình Trị Thiên đã có lần... mời vợ chồng tôi ăn cơm tại cái nhà tập thể của bác ở trụ sở hội VHNT 26 Lê Lợi Huế, khi tôi đưa vợ về Huế. Phan Văn Hòa con trai ông được phép... ngồi cùng nhưng không được uống rượu. Khổ là, Phan Văn Hòa lại là bạn học của tôi. Dưới mắt ông Khuyến, Phan Văn Hòa vẫn là trẻ con, còn tôi ra trường xung phong đi Tây Nguyên đương nhiên là đã trưởng thành.

          Lần ấy tôi ra Quảng Bình, Hòa đã cưới vợ, cả lớp tôi đồn Hòa lấy vợ trẻ và xinh, nên tôi cũng muốn... thay mặt lớp thẩm định lời đồn. Nhưng lại chỉ có 2 bố con Hòa ở Đồng Hới, vợ vẫn dạy ở huyện. Tôi ngạc nhiên quá. Bố chồng nhà báo, chồng cũng nhà báo mà con dâu vẫn dạy ở huyện. Lại được ăn cơm cùng ông, Hòa là đầu bếp dù tôi rất muốn kéo ra quán ngồi. Và vẫn thế, chỉ tôi và ông Khuyến cụng ly, Hòa ngồi cặm cụi ăn cơm. Bác Khuyến dạo này vẫn rất hăng hái viết, ngoài báo tỉnh (tất nhiên), ông thường xuyên xuất hiện trên báo Văn Nghệ, nơi tôi cũng thi thoảng, và vì thế mà ông quý tôi chăng?       

          Hai năm trước lại chạy qua Đồng Hới, tôi vừa lái xe vừa gọi Hòa hẹn ra quán ăn cơm. Bác Khuyến đã mất, Hòa có cái nhà mới làm, kéo tôi vào tặng sách của bố. Kết quả của cú điện thoại ấy là... một phiếu phạt nguội bảy trăm ngàn vì tôi lơ đãng nhấn vượt 9km tốc độ cho phép. Về tới Đà Nẵng đã thấy vợ chụp Zalo thông báo phạt của công an Quảng Bình gửi về nhà ở Pleiku. Lại phải điện nhờ nhà báo Dương Phong nộp phạt hộ. Hình như cảnh sát giao thông Quảng Bình là tỉnh đầu tiên trên toàn quốc phạt nguội kiểu này, giờ thì nhiều rồi, và rõ ràng là nó hạn chế được rất nhiều những cú chạy ẩu. Tôi thì bảo, cũng tại cái đoạn đường Sơn Hải họ làm tốt quá.

          Giờ thì tôi có rất nhiều bạn viết ở Quảng Bình, cả văn và báo. Và họ đều tài hoa. Như “ba con mèo”, chúng tôi hay gọi thế về ba cô gái ở Tạp chí Nhật Lệ, chẳng hạn. Họ làm cho văn chương báo chí đất này tưng bừng trên diễn đàn cả nước. Ngoài việc cái tạp chí Nhật Lệ đình đám khi mà nó quy tụ về đây tác phẩm của rất nhiều văn nhân nổi tiếng của đất nước, thì bản thân ba cô này cũng in không kịp viết và viết không kịp in, phủ sóng hầu như khắp nước. Theo tôi, đấy là cách tốt nhất quảng bá cho tỉnh nhà, một cách sang trọng, lịch lãm và đầy chất văn hóa, chả thua gì danh lam thắng cảnh của tỉnh. Mà ba cô này chỉ là ví dụ chợt nhớ, chứ Quảng Bình còn lắm người tài, như mấy hôm nay “nhà văn binh nhì” Nguyễn Thế Tường đang viết về dòng họ Nguyễn Thế “oai hùng” của ông trên facebook, đọc mà nể.

          Tôi không hiểu tại sao gần đây món đẻn nổi tiếng Quảng Bình lại mất hút, chứ có một thời rất nhiều du khách tìm đến Quảng Bình để xơi món này, thì cứ đồn nhau là nó bổ khỏe, thì kết hợp tới xứ hang động vừa ăn đẻn vừa ngắm biển Quảng Bình lại chả nhất cử lưỡng tiện? Nhớ lần đầu đến Phong Nha tôi đã ghi trong sổ tay thế này: “Phong Nha Kẻ Bàng có hơn 20 hang động với tổng chiều dài 64.385m. Trong đó động Phong Nha dài 7.829m, hang Vòm dài hơn 15.050m. Thực ra thì hiện nay du khách đến Phong Nha mua vé, được mời lên thuyền và mới chui vào được 800m trong hang. Các nhà khoa học đã vào sâu được thêm đến 7829m, và phía sau ấy vẫn còn vô cùng u u minh minh, vẫn còn chưa biết nó dài đến đâu, chui vào tận đâu, vẫn thăm thẳm và bí ẩn. Con sông chui vào dãy núi ấy là sông Son. Cái tên cũng là một huyền tích. Nó kể về mối tình của một đôi trai gái, yêu nhau tha thiết nhưng không lấy được nhau, bèn nhảy xuống con sông này tự vận, và từ đó con sông đổi màu, nước đỏ như son nên gọi sông Son. Trên con sông này, thời chiến tranh chống Mỹ còn nhiều huyền tích hơn thế. Ngay sát cửa hang là dấu tích một con phà của đường Trường Sơn xưa. Cách đấy một đoạn là hang tám cô, nơi tám liệt nữ đến giờ vẫn còn là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, và vẫn còn tốn khá nhiều giấy mực của báo giới. Và mới đây, một tin khá nóng sốt nữa lại đến với dân Quảng Bình – và cả nước nữa: Một “tập đoàn” hang động nữa lại vừa được phát hiện, nghe nói đến hai trăm cái. Và theo thông tin bước đầu, thì nó còn hoành tráng hơn, vĩ đại hơn động Phong Nha nhiều. Có một cái động mới được đặt tên là “thiên đường” đủ nói lên độ... thiên đường của nó. Thế là Quảng Bình trở thành tỉnh có một “món" đặc sản vô cùng quý giá là Hang Động, có khai khác cả đời cũng không hết. Bên cạnh bờ biển dài và đẹp với món đẻn được truyền tai nhau là món... bổ và khoẻ mà chả biết thực hư thế nào, Đồng Hới thành phố hoa hồng giờ là hoa sữa, một cô văn công xinh đẹp cười rất tươi dưới vành nón được ngành du lịch chọn ảnh làm biểu tượng... giờ Quảng Bình được thiên nhiên ban tặng thêm cho món hang động. Tất nhiên cái “món” này cũng khó tính lắm, không phải cứ quây lại bán vé là xong. Nhưng đã có Phong Nha Kẻ Bàng lĩnh ấn tiên phong, chắc là Quảng Bình có thừa kinh nghiệm để biến tập đoàn hang động kia vừa làm mãn nguyện du khách, vừa mãn túi ngân sách của mình.  Té ra trên mảnh đất chúng ta sống hàng ngày, thành quen, thành nhàm rồi vẫn chứa bao điều bí ẩn mang tầm nhân loại, làm sửng sốt kinh ngạc bao người. Thì ngay cái động Phong Nha ấy, hàng nghìn năm nay, bao nhiêu đứa trẻ của cái xã Sơn Trạch này đã nồng nỗng bơi lặn, ì uồm tắm, đã sinh ra trưởng thành rồi chết đi... trên con sông này, trong cái hang này, đến lúc vụt cái nó thành di sản thế giới, và đến giờ vẫn chưa biết hết bí mật bên trong...

Ở con sông Son này có loài cá Chình nặng đến 35 ki lô gam, giá bán tại chỗ là 150.000đ, nghe nói là một loài thuốc rất quý, quý và đắt hơn cả con đẻn, đặc biệt là bổ cho... đàn ông (bây giờ đang có cái mốt là cái gì bổ cho... đàn ông thì là thuốc quý, và vì thế mà thú rừng bị tuyệt diệt, bởi con người cứ đồn nhau rằng, thịt thú rừng bổ và... khoẻ). Toàn bộ dân của xã Sơn Trạch này bây giờ có thêm một nghề mới là nghề phục vụ du lịch, và họ đổi đời thật sự từ ngày Động Phong Nha được UNESCO "nâng cấp". Ngoài việc chính là làm ruộng và nuôi cá lồng, giờ dân làng làm thêm hai việc là... chụp ảnh và chèo thuyền đưa khách tham quan. Tôi sửng sốt với con số: cả xã có... 300 tay máy đã đăng ký. Con số này bằng khoảng gần một phần ba hội viên hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Những người nông dân chân lấm tay bùn, có khi chưa bao giờ được ai chụp cho một kiểu ảnh, giờ lăm lăm máy ảnh, ngắm ngắm nghía nghía, khẩu độ tốc độ, ánh sáng cự ly... chụp toanh toách. Tất nhiên thú thật là tôi có nhìn một vài kiểu ảnh họ chụp, đại loại là nó có thể dùng để chứng minh, để khoe với bạn bè rằng mình đã có đến Phong Nha, dẫu có khi phải chú thích, phải đỏ mặt tía tai cãi một hồi rằng cái kẻ đang đứng toe toét cười kia chính là... mình. Cũng như thế, xã có khoảng 300 con thuyền đã đăng ký chở khách. Cứ mỗi lần chở, mỗi chiếc thuyền được công ty du lịch trích lại cho từ 100 đến 120.000đ từ tiền vé. Nhiều thuyền thế nên khoảng 3, 4 ngày mới đến lượt. Thứ 7 chủ nhật thì dày hơn. Mùa hè thì thu nhập đều, còn mùa mưa thì đứt bóng, ta lại về ta tắm ao ta, làm lúa và nuôi cá. Và cũng nhờ thế mà đời sống người dân ở đây so với trước bây giờ khá cao, nếu không muốn nói là một trời một vực. Tôi thấy rất nhiều nhà mới xây và đang xây trên đường đi vào động. Bà lái thuyền cho chúng tôi có... 9 đứa con, cười rạng rỡ: trời thương, mấy năm nay các cháu không phải ăn độn, mua được xe máy, sửa được nhà. Trước khi đổi đời nhờ động Phong Nha, dân ở đây đẻ chín mười đứa con là chuyện thường...”...

Lại nhớ tôi cũng được quen với một ông tiến sĩ người Quảng Bình, quê ở chính con sông Son này, ngồi nghe ông kể về con sông Son mới thấy nó vĩ đại. Ông là Hoàng Kim, tiến sĩ nông học, chuyên về sắn, người ước mơ biến sắn thành cồn, thành chất đốt và vẫn đang kiên trì thực hiện. Ngồi với ông là thấy một Quảng Bình rực lửa từ cách nói chuyện tới những lập luận của ông về tất cả mọi chuyện.

Mà Quảng Bình thì, còn nhiều lắm những người và chuyện, mà báo tết thì ai cho chơi phơi dơ tông (Feuilleton).

Nhẽ tết này tôi về quê, rồi lại sẽ lang thang ra Quảng Trị, Quảng Bình chơi, nhưng dịch, thôi đành đợi, thể nào cũng có năm ăn/ chơi tết Quảng Bình.

------

Bài in báo Quảng Bình số tết.

Ảnh rất liên quan:

Có chi tiết nhà cháu  kể trong bài là trong một lần chạy qua Quảng Bình để... lấy tư liệu viết bài này, chạy vượt tốc độ 9km, bị phạt nguội, phải nhờ ông em Dương Phong Cu Làng Cát nộp hộ, hắn viết tút la làng: Ra QB kêu Phan Hòa nhậu rồi đổ vỏ cho hắn đi nộp phạt. Cái giấy nộp phạt về Pleiku trước khi nhà cháu về tới he he... Giờ trưng bằng chứng:


Bữa cơm này ngoài tiền cơm tốn thêm 700 ngàn tiền phạt he he.





                                                

 

         

3 nhận xét:

Hongtran nói...

Quân cảnh. Từ này của "ngụy" bác Hùng ơi!

Văn Công Hùng nói...

@Hong Tran: Lính cũng từ của "ngụy" he he.

Nặc danh nói...

Ko phải của ngụy đâu. Bộ đội ta cũng dùng từ này ạ