Thứ Bảy, 15 tháng 1, 2022

NGŨ ĐIỀN XANH


          Nhớ ngay những ngày của tháng 6 tháng 7 năm 1975, không biết bằng con đường nào đấy, nhà tôi nhận những bức thư đầu tiên từ quê gửi ra. Trong thư có kèm những bức ảnh đen trắng rất đẹp, đẹp hơn ảnh ở miền Bắc thời ấy rất nhiều. Trong ảnh, mấy đứa em con nhà cô, áo dài trắng, ngồi trên những độn cát dằng dặc, trắng lóa mắt, trắng miên man, lơ thơ những cây phi lao. Có ảnh các cô ấy ngồi vẽ những hình trái tim trên cát. Góc ảnh có chữ “Miền thùy dương”.

          Và những bức ảnh ấy là cú nốc ao cuối cùng, khiến tôi, con trai trưởng trong nhà, vừa tốt nghiệp cấp 3 (hệ 10 năm) nghiêng hẳn về phía ba tôi trong quyết định về quê ngay chứ không “chờ vài năm xem sao” như ý kiến mẹ tôi, người... thực quyền nhất trong nhà lúc ấy. Nhà có 4 người, em trai vừa còn nhỏ (lớp 8) vừa đang học ngoài Ninh Bình, “2 đánh 1 không chột cũng què”, câu các cụ áp vào trường hợp này không sai một ly.

          Nhưng tới khi cả nhà gồng gánh về quê thì mới thấy, té ra giữa ảnh và đời là cả một khoảng cách rất xa.

          Từ Huế về quê, giờ chỉ hơn tiếng chạy xe, hồi ấy là 4 tiếng đồng hồ lênh đênh trên đò dọc với nghìn nghịt người, nồng nặc mùi cá tôm, mùi xăng dầu và mùi... thuốc rê.

          Phương tiện đi lại chủ yếu là hai chân, tức đi bộ. Xe máy rất hiếm vì nghèo. Xe đạp thì rất khó đạp khi di chuyển trên đường toàn cát. Buổi trưa hầu như rất ít người ra khỏi nhà, bởi trên đầu thì nắng, dưới chân thì cát bỏng. Lác đác các o các chị ngoài biển gánh cá vào bán. Ngoài việc da chân họ rất dày bởi chai thì ai cũng có một cành dương (phi lao) để chạy một đoạn trên cát, nóng quá lại thả cành lá xuống dẫm lên để bớt nóng lại chạy tiếp.

          Mẹ tôi, người bôn ba từ năm 1945, rời nhà ở Ninh Bình, di chuyển dần vào Thanh Hóa, từ làm công nhân quân giới, tới khi về hưu là quyền giám đốc nhà máy, toàn đi bộ và xe đạp, ở trọ nhà dân tới tận năm 1970 mới làm nhà ở, tức là cái sự khổ, sự lênh đênh, sự vất vả nó ngấm vào máu rồi, nhưng ở quê chồng 2 năm đầu thì ngán, bắt đầu rên.

          Mà chả cứ mẹ tôi, tôi nhớ một lần người bạn ở thành phố Huế giới thiệu tôi với gia đình nó, bảo thằng này ở tận... Ngũ điền.

          Tôi biết địa danh Ngũ điền từ đó.

          Và nó từng khổ thật. Không chỉ vài ba năm, mà cả hơn chục năm tính từ năm 1975.

          Tự nhận là một kẻ “cũng chả ra gì”. Năm 1981, học xong khoa Văn Đại học Tổng hợp Huế, tôi cũng bỏ quê mà đi, lên Tây Nguyên nhận công tác, dù hồi ấy, Tây Nguyên còn khó khăn gấp bội quê.

          Tây Nguyên khổ nhưng mà còn có rừng, có màu xanh. Quê tôi nắng thì hừng hực, mưa thì dầm dề, và cát thì chang chang.

          Nhưng quả là, có tưởng tượng giỏi như... nhà thơ thì cũng chả thể ngờ, giờ vùng Ngũ Điền quê tôi nó khác ngày xưa một trời một vực.

          Đầu tiên là cái hồi lâu rồi, tôi nghe có mở tuyến du lịch trên phá Tam Giang kéo tới tận Ngũ Điền. Trời ạ, cũng đường sông ấy, vùng phá ấy, một thời là nỗi khiếp đảm khi về nhà, giờ lại thênh thênh thư thái du lịch.

          Một lần, nhà văn Lê Văn Thảo gọi điện cho tôi: mày đang đâu đấy, tao đang quê mày nè. Té ra ông tới Huế, thuê một cái ô tô chở về vùng quê tôi, vào một nhà dân “trình bày lý do”, đưa tiền, thuê một cái đò, ra giữa phá, neo đấy, ngủ, chơi, uống rượu. Xui cho ông là sau đấy gặp bão, ông phải chấm dứt sớm cuộc chơi và không thể đợi tôi về như đã hẹn (Ông Thảo có cái thú chơi rất hay, đi đâu có việc gì sau đấy cũng tách đoàn, rủ vài người, tự thuê xe đi, “chém vè” ở đâu đấy vài ba ngày tới cả tuần). Hôm ông mất tôi có kể cái kỷ niệm hụt suýt được lênh đênh trên thuyền với ông mấy ngày ở quê tôi như thế.

          Mẹ tôi sau đấy, tất nhiên, bà trở thành người phụ nữ “rất Huế” ở quê chồng tới bốn chục năm nữa mới mất và cũng nằm lại với Ngũ Điền.

          Và tôi, mỗi lần về thì lại gặp một Ngũ Điền khác.

          Thứ nhất, không ai nghĩ giờ nơi đây lại là vùng rau.

          Về đây tôi mới biết cái chột nưa trong thơ Tố Hữu. Rau vùng này chủ yếu là chột nưa, môn, khoai lang và măng vòi (là tận dụng các vòi cây mun (một loại tre) chứ không phải măng, bẻ muối chua nấu canh). May còn có hến, canh hến rau lang ăn với khoai luộc chống đói một thời.

          Giờ nó là vùng rau. Mà không phải rau thường, rau cao cấp như xà lách, cải, tần ô, rau thơm các loại. Không chỉ để ăn, còn để cung cấp cho các nơi nữa.

          Cái đặc sản một thời “Thuốc Phong Lai khoai Thế Chí” giờ phải kể thêm rau, mà thứ không thể không kể là ném Điền Môn, rau sạch Điền Lộc.

          Thứ 2 là hoa. Sau khi anh Thọ phát động trồng mai Huế ngoài đường, thì cái con đường được mệnh danh “Con đường hạnh phúc” ở làng Thế Chí Tây, Điền Hòa quê tôi được trồng không chỉ mai, mà còn rất nhiều hoa. Những thảm hoa nhiều màu sắc ven đường được chăm bởi những nhà ở ngay đấy.

          Trồng hoa trên đường, ba chục năm trước sẽ là hoang đường ở cái vùng khoai thay cơm và cát đến rợn người như thế.

          Và không chỉ hoa thường. Cả hoa cao cấp, ví dụ như những đầm sen mênh mông. Nhớ hôm về quê rồi chạy ra Bắc làm chuyến xuyên Việt bằng ô tô, tôi đã phanh dúi dụi lại chỉ để chụp một đầm sen đang nở hoa. Thì té ra, có một cuộc chuyển đổi thật sự. Cũng đất ấy, xưa trồng lúa, khoai, giờ trồng rau, hoa. Và quan trọng là, có thu nhập. Sen Điền Hòa giờ được bán khắp nơi, cả theo chân Việt Kiều ra nước ngoài để ăn và làm quà nữa.

          Và điều nữa, quan trọng hơn nhiều, nó đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch. Với trung tâm là thành phố Huế, mở ra ngoại ô, tới vùng nông thôn, với biển, với phá, những cánh đồng, với sen, với hoa, rau xanh. Nên nhớ, Điền Hòa quê tôi là làng mai nổi tiếng.

          Tôi vẫn nợ nhà văn Lê Văn Thảo một chuyến cùng anh về quê tôi nữa, dù anh đã mãi mãi đi xa. Nhưng rất nhiều bạn bè tôi vẫn ấp ủ những dự định, hết dịch sẽ cùng tôi về quê, ở Homstay, di chuyển giữa những ngôi làng, mà thú nhất là vùng Ngũ Điền quê tôi, bởi nó có biển có sông, có cát có bùn, có tràm chim có rừng ngập mặn, có hoa có rau, có ngồi thuyền ngồi ô tô, có đi bộ có xe đạp...

          Mà vùng cát nhé, rất lạ, cá thì ngon, người thì đẹp, rau thì xanh, hoa thì mởn... một bạn là chuyên gia nông học có giải thích cho tôi về điều ấy, rằng tại sao ở những vùng đất có điều kiện khắc nghiệt thì sản vật thường ngon, và ngược lại, nhưng nó không thuộc phạm vi của bài báo này...

Báo tết Thừa Thiên Huế 2022, Nhâm Dần.








                                                                        

         

Không có nhận xét nào: