1. Lâu nay chúng ta đã quá quen với chuyện bà con nhân dân nhường cơm sẻ áo cho nhau trong những lúc hoạn nạn khó khăn. Miền Trung Tây Nguyên là nơi hay nhận được, bởi hầu như năm nào khu vực này cũng gặp thiên tai. Cứ thiên tai là những tấm lòng lại rộng mở.
Gia
Lai là tỉnh nhiều người còn khó khăn, nên lâu nay ta cứ mặc định dân Gia Lai được
nhận là chủ yếu. Những làng vùng sâu vùng xa, những hoàn cảnh khó khăn như “trại
điên” của vợ chồng Phước Hạt, mái ấm Chư Sê của cha Nhật, và kể cả các trường học...
Thế nhưng rồi vừa qua có 2 sự kiện khiến ta nghĩ lại, nhìn lại.
Một
là năm ngoái, khi mạn từ Thừa Thiên Huế tới Quảng Bình bị lụt nặng, thì rất nhiều
người Gia Lai đã tự giác gửi quà ra giúp bà con. Tôi còn nhớ có một nhóm tổ chức
nấu bánh bánh chưng bánh tét, rồi huy động xe chở ra Quảng Bình. Đích thân anh
Hoàng Ngọc Khánh, ở bệnh viện Hoàng Anh Gia Lai cầm lái một xe tải chở đầy bánh
chưng, tôi là người kết nối với mấy nhà văn Quảng Bình để họ hướng dẫn tới đúng
nơi cần đến, bởi cũng đã có trường hợp những nhà gần đường nhận nhiều bánh
chưng quá, để bớt ngoài đường bị chụp ảnh rồi quay clip đưa lên mạng rất phản cảm.
Hàng mấy chục nhóm như thế, họ âm thầm lặng lẽ làm những việc “thấy cần phải
làm” thôi thúc tự trái tim họ.
Rồi
năm nay, khi đợt dịch thứ 4 nổ ra, thành phố HCM gần như bị cô lập. Không ai bảo
ai, rất nhiều nhóm các bạn trẻ ở Gia Lai xuất hiện, làm nòng cốt, làm trung
tâm, liên kết các đầu mối, tìm cách chở hàng, chủ yếu là rau xanh, vào thành phố
Hồ Chí Minh.
Tôi
có quen vài bạn trẻ trong số ấy.
Phải
nói điều này, ấy là quả thực, trong đời sống, nếu bình thường, chúng ta nhìn
nhau có khi rất bàng quan, ai lo thân người ấy, ít quan tâm nhau, thậm chí còn
ganh ghét, kèn cựa, nhưng mỗi khi có việc, liên quan đến Tổ quốc, đồng bào, đến
tinh thần Việt, nhân cách Việt, tự hào Việt... thì người Việt đùm bọc nhau rất
đúng nghĩa đồng bào.
Chả
thế mà cha ông ta từ xưa đã dạy, những là lá lành đùm lá rách, những là tắt lửa
tối đèn có nhau, những là bán anh em xa mua láng giềng gần, những là giọt máu
đào hơn ao nước lã vân vân...
2.
Cái đợt dịch vừa rồi, nghĩa đồng bào, sự san sẻ miếng khi đói bằng gói khi no,
cao hơn, sự đùm bọc của người Việt với nhau nó thể hiện rõ rệt hơn bao giờ hết.
Những hoàn cảnh bi thương, mất mát vì covid khiến chúng ta rơi nước mắt, thì những
câu chuyện vì nhau, san sẻ cho nhau từ gói mì mớ rau quả trứng lại cũng khiến
ra khóc. Rất nhiều nước mắt rơi trong một ngày, cho cả sự đau thương và sự xúc
động.
Có
những đêm, khuya rồi, trên group của các bạn trẻ vẫn tíu tít gọi nhau, những lời
gọi nếu bình thường sẽ bị bỏ qua, thậm chí bị coi là... điên như: cần 10 người,
gấp, bốc hàng lên xe ngay bây giờ. Cần 2 tài xế lái xe tải ngay, lái xe chở
hàng đi Sài Gòn, Bình Dương. Cần 5 xe tải loại lớn, giá rẻ, càng rẻ càng tốt,
chở rau vào Nam...
Các
bạn này mỗi người mỗi nghề. Bạn là chủ doanh nghiệp, bạn là công chức, viên chức,
bạn là công nhân, bạn là lái xe vân vân, bình thường mỗi người mỗi hướng, nhưng
khi nhập vào đây, thành một khối.
Việc
rất nhiều, hàng núi hàng. Bình thường thì còn tị nạnh, thậm chí trốn việc,
nhưng khi tới đây, tất cả làm như việc của mình, việc nhà mình. Tôi cứ lặng người
đi nhìn họ cật lực làm trong đêm, nhập hàng, bốc hàng, rồi còn bao thủ tục
nhiêu khê xét nghiêm, test, xin giấy phép vân vân, toàn những việc nếu bình thường
ai cũng ngại. Có hôm nửa đêm tôi được nhờ có cách gì can thiệp để được xét nghiệm
ngay bây giờ không, vì tài xế muốn đi ngay cho sớm và anh em cũng muốn cho rau
tươi, nhưng trước đấy trót hẹn sáng mai mới xét nghiệm. Rồi sau đấy là tin nhắn
tiếp theo: Xong rồi anh ạ, xe đã lên đường. Lại có hôm thấy tin nhắn: Có 15 tấn
rau từ K’bang, giờ cần 10 triệu tiền thuê xe. Chỉ nửa tiếng, người năm trăm kẻ
1 triệu, có người 5 chục, đủ tiền thuê xe chạy ngay trong đêm.
Ví dụ như có anh nông dân huyện
Phú Thiện trồng bạt ngàn rau bồ ngót, hủy đơn đặt hàng của các đầu nậu, cắt mấy
chục tấn rau hàng ngày để gửi các xe 0 đồng chở vào tâm dịch Miền Nam.
Rồi người Gia Lai đón người về.
Không ai bảo ai, ai có gì mang ra
đường để, bà con đi qua cứ lấy dùng. Không chỉ người Gia Lai về Gia Lai, mà những
người đi qua đường 14 tiếp tục ra các tỉnh phía Bắc. Có một cháu người Huế, đi
xe máy từ Bình Dương về, tới Chư Păh bị tai nạn. Ngoài việc cơ quan chức năng
đưa cháu vào khu cách ly điều trị, sửa xe cho cháu, bà con đã tiếp tế thức ăn,
thuốc men cho cháu, và cuối cùng là thuê nguyên chiếc ô tô chở cả cháu và xe về
dù ban đầu cháu có ý định vất xe lại vì cái xe đã quá cũ. Một anh bạn nhờ tôi
nhắn và tìm người đi bộ qua Gia Lai để anh tặng cái xe Atila đã đổ đầy xăng, giấy
tờ bàn giao đầy đủ, nhưng cuối cùng thì cái xe vẫn ở với anh vì hầu như không
ai đi bộ tới đây được, đa phần nếu có thì đã có người giúp từ ở những đoạn trước.
Rồi dịch về Gia Lai, về các buôn
làng.
Sự sẻ chia lại tiếp tục được lan
rộng. Đây là tin nhắn trong một nhóm zalo “Hiện
nay làng Bi De, xã Ia Krăi, huyện Ia Grai với 106 hộ và 367 nhân khẩu đang
phong toả tạm thời để khoanh vùng, kiểm soát dịch bệnh Covid -19. Toàn thể bà
con nhân dân làng Bi De sẽ không được đi ra ngoài, để giúp bà con vượt qua khó
khăn, bảo đảo cuộc sống trong giai đoạn này. Xin kêu gọi quý mạnh thường quân hỗ
trợ nhu yếu phẩm như gạo, mỳ tôm, dầu ăn nước mắm để hỗ trợ người dân trong
làng”.
Và đây là nhật ký trên facebook của
một bạn tên Trà My, làng Op, phường Hoa Lư: “Tổ covid công đồng của làng được 8 người, vừa lo điều tiết lượng thực
thực phẩm được tiếp tế cho dân làng, vừa vận động dân làng đi điều trị, ra làm
xét nghiệm, tuyên truyền dân làng ko ra khỏi nhà, trông chừng ai đi chăn bò thì
kêu về, dặn dò không tiếp xúc với ai”...
“Những đêm nằm sương, những đêm hốt hoảng nghe làng hơn 30 ca dương
tính, lo tới nhà từng người kêu chuẩn bị xe đến đưa đi. Rồi xe chậm dân la, dân
chậm bác sĩ cằn nhằn, cũng dặn lòng tha thiết vì mình là cửa giữa, phải vì dân
làng mình”.
“Cũng là người trần mắt thịt, biết ứa nước mắt khi thấy đứa nhỏ 2 tuổi lững
thững theo mẹ đi điều trị. Cũng thắt lòng khi thấy đứa em làng mình trốn điều
trị về làng, chui rúc trong rẫy. Với người đời có thể là thiếu ý thức, nhưng với
họ, đó là đứa em đang hoảng loạn, lo sợ và nhớ làng, xe đến đưa đi, nó vừa đi vừa
khóc!”
“Còn những nỗi lo lúa chín, dân làng cách ly hết rồi ai gặt. Những vụ
rau tới, dân làng có đi bán được không...”...
3. Tết này lại tiếp tục là cái tết
không trọn vẹn khi mà covid vẫn còn khiến cả nhân loại phải quan tâm. Hơn ở đâu
và lúc nào, cái nghĩa đồng bào càng trở nên là điểm nhấn của đời sống tinh thần
của từng con người chúng ta. Rồi thì con người phải thích nghi với “bình thường
mới” với sự sống chung với Covid. Và trong cái sự thích ứng ấy, sự tử tế, nhân
nghĩa, sự nhường cơm sẻ áo, sự tương thân tương ái của người Việt vẫn sẽ tiếp tục
lan tỏa, tiếp tục khiến tư rưng rưng. Có ai chưa từng ít nhất một lần rưng rưng
trong những ngày vừa qua khi chứng kiến sự đau thương mất mát, có sự mất mát
khiến ta không dám hình dung, và cả sự tử tế của con người. Vâng, sự tử tế của
con người cũng khiến chúng ta rưng rưng, khiến rất nhiều người rơi nước mắt.
Thì mùa xuân vẫn về, hoa dã quỳ dẫu
cuối mùa thì vẫn có vẻ đẹp riêng của nó. Bên cạnh đấy là xuyến chi, trắng đến
tinh khôi và nhụy vàng tới mê hoặc. Tất nhiên ẩn phía sau cái dáng tưởng chừng
bất tử của tự nhiên ấy là những sự đổi thay, có cái ta nhìn thấy, có cái chưa.
Nó vừa là quy luật, lại vừa phi quy luật. Nhưng lòng tốt của con người, sự tử tế
và bao dung, sự hướng thiện hướng mỹ, sự chung tay chăm chút từng li từng tí của
mỗi người vào cuộc đời này sẽ khiến cho đời sống đẹp hơn, nhẹ nhõm hơn và thanh
khiết hơn.
Mùa xuân này, có dịp để chúng ta
nhìn lại mình trong mối quan hệ với tự nhiên, vâng tôi cho là ngoài mối quan hệ
giữa người với người, thì mối quan hệ giữa con người với tự nhiên đang hết sức
có vấn đề, hết sức đáng quan tâm, bởi chính nó quyết định sự tồn tại tưởng như
vĩnh hằng của con người?
Con người tử tế là không chỉ tử tế
với nhau mà còn phải tử tế với tự nhiên, đừng để tự nhiên nổi giận. Covid, biết
đâu là một cách tự nhiên nổi giận?
Báo Gia Lai tết 2022 Nhâm Dần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét