Thứ Ba, 2 tháng 11, 2021

NÓI THẲNG, THẬT VỀ VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VIỆT NAM HÔM NAY

               Bài này do một tạp chí văn học lớn đặt nhà cháu, cái mục rất hay là nói thẳng nói thật. Đâu vào đấy cả rồi, nhưng rồi “vì tình hình có biến chuyển nên bác thông cảm, sếp không OK”. Nhà cháu nhắn lại: “Không sao đâu em, anh là người viết chuyên nghiệp, cũng từng phải trong tư cách duyệt bài nên anh hiểu. Vả, anh còn trang web và fb của anh nữa, hihi...”. Tất nhiên thiệt thòi nhất là... cái thẻ ATM.

Một trong hiếm hoi bài bị đổ trong mấy chục năm cầm bút, nhưng không phải vì chất lượng. Thực ra bài này nhà cháu viết mới chỉ phản ánh được... 10% hiện thực.

-------

          Văn học Nghệ thuật Việt Nam hiện đang có rất nhiều điều đáng nói, cả phía được và chưa được.

          Phía được, riêng về văn học ta thấy sự xuất hiện một loạt tác phẩm của các tác giả Nguyễn Bình Phương, Tạ Duy Anh, Nguyễn Thành Phong, Phan Thúy Hà... như một sự chuyển động tích cực trong cả thi pháp lẫn vấn đề các tác phẩm thể hiện. Con người, sự việc, được lật, được xoay từ nhiều chiều, nhiều trạng huống cảm xúc và tâm thế, để nó được hiện ra một cách vừa đời thường vừa xuất chúng, vừa chính nó vừa đại diện...

          Phía chưa được cũng... không ít.

          Cho tới tận bây giờ, Liên hiệp VHNT Việt Nam vẫn chưa có chủ tịch dù đại hội đã "thành công" từ rất lâu rồi. Trước đó là các bác, các vị Nguyễn Đình Thi, Trần Hoàn, Vũ Giáng Hương, Hữu Thỉnh... thay nhau làm chủ tịch. Sau khi bác Thỉnh nghỉ, có vẻ như chưa kịp tìm người thay thế. Nghe nói cũng có những cuộc chạy đua vào chức này, vận động rồi thăm dò nhưng vẫn chưa ngã ngũ. Có lần tôi nói đùa, nhưng nhiều người lại gật gù sau khi cười: cái thiếu nhất của các nhân sự là thiếu... tuổi. Nhưng hiện tại nghe nói cũng có một số lùm xùm quanh cái ghế chủ tịch liên hiệp. Còn nhớ cách đây mấy tháng, nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, chủ tịch hội Văn học Nghệ thuật Thái Nguyên, thành viên đoàn chủ tịch liên hiệp VHNT VN phải có thư ngỏ về việc hiệp thương nhân sự lãnh đạo liên hiệp, rằng các nhân sự phải có chương trình hành động. Còn trong đại hội có người phát hiện có ông chủ tịch một hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã về hưu nhưng vẫn có tên trong danh sách đoàn chủ tịch, trong khi điều lệ quy định rất rõ "Ủy viên đoàn chủ tịch liên hiệp là chủ tịch các hội VHNT đương nhiệm". Nghĩ, chắc cũng có cái khó. Như nhiệm kỳ trước đấy, một bác chủ tịch một hội VHNT địa phương bị khởi tố nhưng vẫn có tên trong danh sách hiệp thương và sau đấy chính thức có tên trong danh sách đoàn chủ tịch, người viết bài này có phản ánh với với ông chủ tịch liên hiệp khóa ấy, nhận được câu trả lời: để ra tòa rồi nếu đi tù hẵng hay? Nên ngay cái điều lệ của cái liên hiệp này cũng tự trói mình nhiều thứ để giờ "có việc" mới lúng túng, mà "việc" mới và nóng nhất là nhân sự chủ tịch liên hiệp đến giờ vẫn chưa có.

(Sau khi viết bài này và gửi đi thì liên hiệp VHNT VN đã có chủ tịch là nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, nhưng cũng gần như là ngay lập tức, họa sĩ, nghệ sĩ nhân dân, nguyên thứ trưởng bộ Văn hóa Vương Duy Biên đã có đơn tố cáo sự gian lận trong việc lấy phiếu đề cử).

          Ấy là liên hiệp, hội trùm lên các hội trung ương và địa phương còn thế, nên các hội trực thuộc (nhưng lại không trực thuộc, việc này nó lằng nhằng lắm, bởi liên hiệp các hội VHNT Việt Nam danh nghĩa là cấp trên của các hội VHNT địa phương nhưng là chỉ trên danh nghĩa, nhất cử nhất động hội địa phương lại thuộc tỉnh. Như hồi bác Thỉnh thì bác vừa là bí thư Đảng đoàn liên hiệp VHNT Việt Nam lại cũng là bí thư Đảng đoàn hội Nhà Văn Việt Nam, chả biết anh nào lãnh đạo anh nào?) cũng đang rất... lằng nhằng, như hội Điện ảnh đại hội xong từ lâu nhưng chưa có chủ tịch hội.  Trong khi đó một số hội VHNT địa phương càng ngày càng biến thành các cơ quan hành chính. Rất nhiều người là lãnh đạo các hội địa phương này không phải là người hoạt động VHNT, được điều từ các cơ quan chả liên quan gì về. Mà họ được điều về cũng đúng, bởi cơ quan hội là cơ quan nhà nước, được nhà nước trả lương, cấp ngân sách hoạt động, cấp biên chế. Và như thế thì cấp trên có quyền điều người về lãnh đạo. Nên có người đặt câu hỏi, hội VHNT là nơi quy tụ anh em văn nghệ sĩ, nhưng nếu tỉnh ấy chưa có lực lượng văn nghệ sĩ để quy tụ thì có nhất thiết bằng mọi giá phải thành lập để rồi kết nạp ồ ạt vào cho đủ hội viên không? Các Tạp chí Văn Nghệ địa phương cũng thế, có nhất thiết tỉnh nào cũng phải có không khi nó là diễn đàn của anh em văn nghệ sĩ địa phương, nhưng văn nghệ sĩ một số địa phương yếu và ít thế nên in ra chả ai đọc, rồi xảy ra nạn... chép của nhau đăng tạp chí mình làm, với suy nghĩ, tạp chí in xong cất ở kho, có ai đọc đâu mà biết? Và nữa, nếu là các hội nghề nghiệp thì hãy để những người "nghề nghiệp" lãnh đạo, tất nhiên phải chọn được những người có thể quản lý, chứ không thì có khi... ra tòa, bởi các hội này vẫn đang được ngân sách nhà nước "nuôi", cũng đã có vài bác chủ tịch hội từng phải ra tòa rồi. Và cũng đồng nghĩa là, không nhất thiết tỉnh nào cũng phải có hội nếu ở đấy không có văn nghệ sĩ thứ thiệt, và từ văn nghệ sĩ thứ thiệt ấy, chọn ra những lãnh đạo thứ thiệt. Bây giờ, hội viên thì đông nhưng tác phẩm cho ra tác phẩm thì ít, đã thế lại kiện cáo đấu đá, làm mang tiếng văn nghệ sĩ chân chính...

          Hiện người bị ăn cắp văn nhiều nhất nước ta có lẽ là nhà văn Tống Ngọc Hân ở Phú Thọ. Nhà văn nữ đang rất sung sức này từng bị ăn cắp truyện ngắn biến thành... thơ, lấy cốt, lấy ý, lấy chữ, lấy hình ảnh... thành bài thơ. Rồi tác giả thơ nhờ một nhạc sĩ nổi tiếng phổ nhạc. Bài hát rất hay, nhưng khi nhạc sĩ biết chuyện, ông đã rất cao thượng và tự trọng, cương quyết "đào sâu chôn chặt" đứa con của mình. Rồi mới nhất là có người lấy ý tưởng, những đoạn văn, câu văn và nguyên tên cái truyện ngắn của Tống Ngọc Hân in trên Tạp chí mình làm việc, rồi sau đấy in luôn ở cái đề án bảo tồn VHNT của hội VHNT các dân tộc thiểu số VN. Một số truyện ngắn khác thì cũng "vẽo" từng đoạn ở nhiều truyện của Tống Ngọc Hân thành một truyện của mình. Lạ là, nghe nói TBT cơ quan bạn "vẽo" truyện này lại bảo vệ? Điều quan trọng là, cái thứ đi cop mỗi nơi một tí ấy nó không ra cái thể thống gì cả, một thứ văn thứ truyện lục cục, không đầu không cuối, một mớ chữ hổ lốn vô hồn và đá nhau văng mạng chả ăn nhập gì?...

          Còn người ăn cắp thì rải ra ở một số hội địa phương. Các vị ấy bị nhiều áp lực. Một là cán bộ của chính cơ quan hội, làm ở đấy mà không viết gì nó cũng khó coi. Mà ở đấy lại có cái tạp chí gần như... phát hành nội bộ. Cũng ở đấy có các tạp chí tỉnh bạn gửi về biếu nhau. Mà dẫu tạp chí lèo tèo thế nhưng vẫn có... nhuận bút. Thế là... chép, từ chính các tạp chí gửi về trao đổi kia. Rồi in ở Tạp chí mình. Nên những vụ bị phát hiện chưa chắc đã là tất cả vì có ai đọc những tạp chí ấy đâu, trừ... tác giả. Trường hợp nữa là hội viên. Đã làm được một suất hội viên rồi mà chả sáng tác gì cũng kỳ, thế là chép. Chép gửi đăng tạp chí, hoặc đăng trên phây búc, vân vân, cho nó sang.

          Nó lại có chuyện thế này, giới gọi là văn nghệ sĩ ấy, bình thường thì mỗi người mỗi góc, nhưng khi đụng chuyện, ví dụ ăn cắp bị phát hiện, thì những người vướng vào ăn cắp ấy, rất hay xông vào bảo vệ nhau, bênh nhau. Lý lẽ thông thường là, tiếng Việt có 24 chữ cái, trùng là bình thường. Rồi nếu thế thì Nguyễn Du cũng đạo văn à vân vân. Và những người viết chân chính bị đạo ấy, đa phần là... im lặng, để còn viết, hơi đâu cãi nhau. Và bên kia tưởng mình thắng thế. Nên có trường hợp xin lỗi rồi, cất bài đi rồi, nhưng một thời gian, được tư vấn của những người "cùng hội", lại đăng lại lên phây và tấn công lại người bị đạo.

          Cho nên nói thật, chất lượng một số hội VHNT bây giờ rất thấp. Như hội Nhiếp ảnh Hà Nội, năm nào trao giải cũng bị coi là... thảm họa. Các giải thưởng khác của các hội Trung ương và địa phương cũng thế, nó không thiêng liêng như ngày xưa nữa, mà khi công bố đa phần là cãi nhau.

          Một số địa phương giờ có giải thưởng VHNT 5 năm trao một lần, thậm chí còn có thêm giải hàng năm bên cạnh 5 năm nữa, về nguyên tắc đấy là những giải có giá trị, nhưng càng ngày nó càng có tư tưởng chia đều giải, lại kiểu ăn chia theo nhóm, nên nó chả mang ý nghĩa gì, chả có tác động gì tới đời sống xã hội cũng như đời sống văn học nghệ thuật ngoài những xì xào, cãi vã, thậm chí là... kiện. Có ông năm nào cũng ăn giải ở cả hai ba chuyên ngành mà tác phẩm chưa bao giờ vượt biên giới tỉnh mình.

          Thì năm nào việc trao danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân nghệ sĩ ưu tú cũng thế, cũng đều có điều này điều nọ. Thực ra thì, sau một thời gian tôn vinh, nhiều người thấy rằng, như thế là đủ, tiếp tục trao, cả danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, ưu tú lẫn giải thưởng HCM, giải thưởng nhà nước nó sẽ khiến giá trị giải bị hạ thấp đi, không vinh quang như ý nghĩa ban đầu nó được đặt ra.

          Mạng xã hội cũng đang tham gia đắc lực vào các hoạt động VHNT. Các tác phẩm bản mềm xuất hiện, dù xem/ đọc nó không đã bằng trên giấy, trên văn bản truyền thống, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, nhất là đại dịch covid, thì nó trở thành việc tất nhiên và khả dĩ. Thực ra thì trước dịch, các hoạt động VHNT mạng đã sôi nổi rồi, như cái "Quán Chiêu văn" có tới hơn ba sáu ngàn thành viên, nhóm "Tản văn hay" cũng quy tụ được gần hai chục ngàn cây bút tản văn ở mọi miền, nhất là nó khơi dậy được thể loại văn chương này trong đời sống...

          Nhưng nói thế, bạn bè tôi, rất nhiều người vẫn âm thầm lặng lẽ sáng tác. Họ mới chính là chủ nhân của diễn đàn văn học nghệ thuật, những điều tôi kể chỉ là râu ria, những văn nghệ sĩ chân chính, họ chả quan tâm. Điều họ quan tâm nhất là: Tác phẩm của mình có được công chúng đón nhận không?

          Và, thực ra rất nhiều hội VHNT trên cả nước này cũng vẫn đang hoạt động tốt, nó xứng đáng là nơi hội viên, các văn nghệ sĩ của tỉnh ấy, mà không chỉ tỉnh, anh chị em cả nước, nhìn về, ủng hộ và ngưỡng mộ. Nó đòi hỏi ít nhất là 2 yếu tố quan trọng: Người cầm trịch, và chất lượng hội viên. Người cầm trịch rất quan trọng, phải vừa là người có tên tuổi trong “làng”, lại phải biết việc. Nhiều ông văn nghệ sĩ chỉ tài chứ rất vụng việc. Rồi lại phải công tâm, không tham. Tôi từng chứng kiến những ông rất tham, tham từ giải thưởng tới tiền nong vặt vãnh (nên có mấy ông phải ra tòa là thế), nó bôi bác và hạ cấp văn nghệ  sĩ. Công tâm là để phát hiện, bồi dưỡng nó chính xác. Không cái gì “dễ chết” bằng văn chương nghệ thuật. Bị dựng lên sớm quá cũng chết, mà bị dìm cũng không ngoi lên được. Cầm trịch giỏi là phải biết đọc, biết xem là thế. Nước ta, tôi nhẩm được chục vị cầm trịch có tư chất ấy...

          À lại thêm vấn đề công chúng, nếu có điều kiện, bàn về họ cũng hay ạ.


Ảnh bài báo về vụ tố cáo gian lận phiếu thăm dò chức danh chủ tịch liên hiệp đã bị gỡ trên báo Thương hiệu và Pháp luật, nhưng còn ảnh chụp đây ạ:

Nhờ hoạt động hội Nhà Văn mà nhà cháu có những cuộc giao lưu hết sức thú vị thế này: Giao lưu văn học Việt Mỳ. Từ trái qua: Các Nhà thơ Hữu Thỉnh, Văn Bốn, Kevin Bowen, Nguyễn Duy, nhà cháu tại Quảng Trị, mảnh đất máu lửa một thời...


                                                                                 

5 nhận xét:

Hongtran nói...

Tiên tiến,giỏi,anh Hùng...nhiều như lá mùa thứ. Huu hu😪😪😪

Unknown nói...

Các Hội bây giờ nhạt và nhạt nhoà

trần kế hoàn nói...

Cần nhiều bài viết thực thế này để mọi người hiểu thực trạng của VHNT hiện nay. Biết mà có lẽ chỉ cười trừ. Chả làm gì được

trần kế hoàn nói...

Cần nhiều bài viết thực thế này để mọi người hiểu thực trạng của VHNT hiện nay. Biết mà có lẽ chỉ cười trừ. Chả làm gì được

Văn Công Hùng nói...

Cám ơn các cụ, hihi