Thứ Hai, 4 tháng 10, 2021

VỀ TRƯỜNG CA "NGỰA TRẮNG BAY VỀ" CỦA VĂN CÔNG HÙNG

 

Sáng nay đi ăn sáng rồi cà phê với 2 ông Hương Đình và Phạm Đức Long, chia tay về nhà loay hoay một lúc thì thấy ông Hương Đình gửi qua zalo cho mấy cái ảnh chụp tờ tạp chí in bài viết của ông ấy về cái trường ca “Ngựa trắng bay về” của nhà cháu từ năm 2002. Ngơ ngác rồi lục thử trong Web này, mục “Bạn bè viết về VCH” nhưng không có, lục trên Google cũng không có. Nhắn lại thôi để tớ nhờ người đánh máy lại rồi đăng lên web tớ để lưu. Nó bảo: để em đánh luôn. Thế là buổi chiều có bản word này...

 

Từ 2002 mà tay này viết cũng gì phết. Nhưng cũng may, hắn bỏ toán đi mần phê bình thì giờ có khi gay chứ chả chơi.


Hồi ấy giải thưởng các loại còn chặt chẽ, hì, cái này được giải C của LHVHNTVN.

----------

Viết ngắn về một trường ca

 

     Tôi nghĩ, nếu thơ là nhánh sông lăn tăn, là mặt hồ lung linh, là con suối róc rách, thì trường ca là cả một ghềnh thác dựng, vừa hoành tráng vừa đỏng đảnh mà khi đối diện với nó ta thường có cái cảm giác bị choáng ngợp.

     Tôi đã từng đọc các trường ca mà sức lan tỏa của nó thật dài rộng: Bài ca chim Chơ Rao của Thu Bồn, Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm, Những người đi tới biển của Thanh Thảo, Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh, Mặt trời trong lòng đất của Trần Mạnh Hảo, Trường ca sư đoàn của Nguyễn Đức Mậu,... và gần đây là Trầm tích của Hoàng Trần Cương, Đổ bóng xuống mặt trời của Trần Anh Thái,... Mỗi người một vẻ.

     Và bây giờ, trên tay tôi là trường ca Ngựa trắng bay về của nhà thơ Văn Công Hùng. Tôi muốn tản mạn đôi điều về tập trường ca mong mỏng ấy mà anh vừa tặng cho tôi.

   Sự thể nghiệm của Văn Công Hùng ở thể loại này, trước hết do yêu cầu của mảng hiện thực phong phú trên mảnh đất Tây Nguyên mà anh đã gắn bó mấy chục năm trời. Mặt khác, nó còn thể hiện một vốn sống, một năng lực thơ ngày càng dồi dào trong anh. Trước một huyền thoại Ia Ly đau đáu trữ tình, trước một công trình thủy điện Ia Ly mang tầm vóc của công trình thế kỷ, Văn Công Hùng muốn lựa chọn một hình thức thích hợp để thổi vào đó một tầm cao khái quát, một chiều sâu của tư tưởng và một bề dày của vốn sống. Và thế cũng có nghĩa là anh đã dũng cảm dấn thân vào một cuộc phiêu lưu mới mẻ.

     Mỗi tác giả đều có một cách riêng cho mình để tiếp cận vào địa hạt trường ca. Nếu trong Trường ca sư đoàn, Nguyễn Đức Mậu chọn hình ảnh “nhấp nhô sông núi những sư đoàn”; Hữu Thỉnh và Thanh Thảo chọn cả con đường dằng dặc ba mươi năm để “tiến vào thành phố” hoặc “đi tới biển”; Trần Mạnh Hảo trong Mặt trời trong lòng đất chốt lại chỉ trong một vùng đất, một khoảng không gian hẹp để miêu tả lại cuộc chiến đấu khốc liệt ở Củ Chi;... thì Văn Công Hùng bắt đầu từ một huyền thoại trữ tình, huyền thoại thác Ia Ly. Đó chính là cái xương sống cho toàn bộ trường ca. Cái điểm tựa ấy đã được hình tượng con ngựa trắng cảm-xúc-thi-ca chắp thêm đôi cánh, thoắt ẩn thoắt hiện, làm nên những khúc biến tấu khá thành công.

     Những đoạn hay trong trường ca, theo tôi, chính là những đoạn có con ngựa trắng ám ảnh ấy xuất hiện. Có thể nói, Văn Công Hùng đã thật đắc địa khi chọn được “linh vật” này cho trường ca, làm chỗ dựa dài hơi và hợp lý để yên tâm mà khai thác. Những sắc màu liên tục được tung lên, ngẫu hứng, pha trộn, ảo giác, mờ mờ nhân ảnh trên từng trang viết. Trắng, thì có “ngựa trắng”, “xao xác lau”, “mây trắng lang thang”, “lông ngỗng hẹn thề xước trắng đường mưa”, “mờ mây trắng phủ”;... Xanh, thì có “mơn man cỏ biếc”, “vời vợi non xanh”, “áo xanh màu cỏ”, “núi xanh như câu hát”;... Vàng, thì có “dã quỳ rờm rợp vàng”, “giấc mơ vàng”, “lọng vàng”, “ráng vàng”;... vân vân và vân vân. Những sắc màu ấy liên tục được cộng hưởng bởi những âm thanh lúc dồn dập, lúc xa vắng, lúc thao thiết, lúc râm ran, làm nên một Chương II của Phần 1 đầy ma lực:

 

                    Ơi con ngựa tuổi thơ bập bênh triền núi

                    Ráng vàng bay hoang ảo kiếp người.

 

                    Ngựa trắng khóc bờm lông như tuyết

                    Tóc nàng Ly gửi lại cõi đời.

 

                    Ngựa trắng chập chờn hoa lau phơ phất

                    Một chiều mưa gió hú gọi dã quỳ.             

 

     Chương “Giải phóng” (?) làm xúc động người đọc với một

 

                    Tháng ba núi xanh như câu hát

                    Tiếng chiêng lay mặt trời sáng đêm.    

     Rồi

                    Những binh đoàn áo xanh màu cỏ

                    Thắp lên tháng Ba bằng lửa trái tim mình.

     Rồi

                    Em lẫn vào cây vào đất vào rừng

                    Vào hôm nay khói hương nhòa nước mắt.

 

     Nhưng hình như trong cái tổng thể ấy, nó có phần gượng ép thì phải? May thay, phần còn lại của chương chợt trong trẻo run lên những ký ức một thời:

 

                    Những cây rơm gầy mùa đông thắt ruột

                    Củ khoai vùi nóng bỏng chân đê.

 

                    Con ngựa trắng đã bay về cổ tích

                    Ngựa trắng buồn vó nhịp lơ ngơ.

                                                                                   

     Chương IV, với “Giấc mơ tượng mồ”, Văn Công Hùng lại được dịp mà “khoe” cái vốn liếng của mình. Lãnh địa của anh đây rồi: Những dã quỳ, những tượng mồ, những ché rượu cần, những vòng xoang, những hoa văn, những chiêng cồng, những pơ-thi, những ta-man, những sa-mơk, những đinh-jơng,... nhiều lắm, nhiều đến ngợp! Những môi mắt rộn ràng, những ánh lửa nhà rông bập bùng, những tượng mồ trầm mặc, những hình ảnh đã quá quen thuộc, những gam màu đặc trưng của Tây Nguyên.

     Tuy vậy, với cái bề dày, độ chín, trong một phong độ sung mãn ở Văn Công Hùng, tôi muốn đặt anh vào một yêu cầu thể hiện cao hơn kia. Ai đã từng làm thơ mà không một lần cầm bút viết về mảnh đất mình đang sống. Miền Trung, nơi gió bão suốt đời quăng quật ấy, đã từng ngả bóng vào tác phẩm của chính những con người từ đó lớn lên, nhưng dưới con mắt đầy “trầm tích” của Hoàng Trần Cương thì sự khắc nghiệt ấy đã thật đến tận cùng:

 

                    Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ

                    Không ai gieo mọc trắng mặt người.

 

     Những câu thơ cứ như rút từ gan ruột!

     Với Ngựa trắng bay về, Văn Công Hùng đã giúp cho người đọc một chiếc cầu nối quá khứ với hiện tại, ngày hôm qua với ngày hôm nay, làm cho trường ca có sức lay động bởi sự khái quát với những liên tưởng mạnh mẽ, đột biến, sự kết hợp hài hòa giữa bút pháp lãng mạn và hiện thực, làm cho tác phẩm mang vẻ đẹp của cái thực và cái mơ, cái say và cái tỉnh, sự vinh quang và nỗi đau khôn cùng.

     Chương cuối cùng, “Đánh thức huyền thoại”, khép lại một trường ca trữ tình bi tráng mà Văn Công Hùng đã dày công vun đắp. Chính cái kết thúc quá rõ ràng của một câu chuyện có bóng dáng của một huyền thoại làm cho việc thể hiện chương này không mấy dễ dàng gì. Tôi thấy Văn Công Hùng đang gò lưng ở gần đỉnh dốc. Anh đang nhích từng tí, từng tí một, người vã mồ hôi. Rồi niềm vui trên đỉnh dốc chợt sáng lòa:

 

                    Đêm nay trong mơ ngựa trắng lại về

                    Em sẽ gặp những chân trời mơ ước

                    Ngựa trắng rước em đi mọi miền đất nước

                    Đón ta cùng rong ruổi tuổi thơ ơi.

 

     Ai đó đã nói rằng: “Sự say mê sáng tạo ngôn từ phải là sự say mê đầu tiên của một nhà thơ”. Đó cũng chính là một đòi hỏi quyết liệt mà trường ca là nơi mà nhà thơ thỏa sức vẫy vùng, nhưng cũng có khi cạn hơi, đuối sức. Ở thơ Văn Công Hùng, nói chung, chữ và sự rung cảm trong từng đợt sóng chữ thường được đẩy lên đến tận cùng. Mà với trường ca thì, đường còn xa quá thể nên chữ nghĩa nhiều khi cũng hết đường tung tẩy, chúng dẫm chân lên nhau, chồng chất lên nhau hoặc lả tả rơi dọc đường sáng tạo. Những “cỏ non ơi”, “nõn nà ơi”, “tuổi thơ ơi”, “bạn bè ơi”, “gió ơi”, “cánh rừng ơi”, “tình tang ơi”, “cỏ xanh ơi”, “thẫn thờ ơi”,... mãi rồi cũng chỉ là những tiếng gọi thiêng liêng thắt lòng nhưng hút tìm, vô vọng. Một nhà thơ nào đó đã có hình ảnh “ngả chiều vào tranh”, “nghiêng chiều vào hạ”, đến Văn Công Hùng thì “nghiêng gió vào đêm”, nhưng theo tôi, vẫn chưa thể nào vượt qua được cái “đêm trong suốt áp ngực vào phương ấy” của một Hoàng Nhuận Cầm. Có thể lảy ra từ trường ca, những lúc Văn Công Hùng bị cuốn vào cơn bão từ ngữ, những từ láy gợi cảm, cao trào đến tận cùng mà “cầu vồng bay lộng lẫy giấc mơ vàng” là một ví dụ.

   Yêu cầu phải có đủ các thứ, nào là trường vốn, trường sức, khái quát hóa, hình tượng hóa,... đem đặt cả lên trên lưng con-ngựa-thồ-văn-chương kia, thế là đã quá mức lắm rồi. Tôi thầm bái phục anh đã viết nên ngần ấy chữ trong khuôn khổ của một trại viết. Và thế là, Văn Công Hùng đã trả được một món nợ cho Tây Nguyên mà những người làm thơ như tôi, không biết đến bao giờ.

 

                                                                                                         29/10/2002

                                                                                            Hương Đình



Không có nhận xét nào: