Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2021

CHUYỆN NHỮNG DÒNG SÔNG TÂY NGUYÊN

            Cách đây cũng hai chục năm có lẻ, một hôm đang ngồi lai rai với mấy anh em văn nghệ sĩ Nha Trang ở một cái quán bên bờ biển, có một ông gầy gò hom hem áo trắng ngoài quần xuất hiện. Một lúc nữa thì ông đứng lên hát. Trời ạ, bài "Sông Đăk Rông mùa xuân về". Giọng ông khỏe, vang và ấm, khác hẳn với hình dáng bên ngoài của ông. Có cảm giác cả cái quán cũng rung lên: "Chim K'tia bay tới, nghiêng cánh chào Đăk Rông, Pơ lang khoe sắc thắm/ gió đưa hương đôi bờ... Tây Nguyên ta uống nước một nguồn nước cách mạng... Đăk Rông ơi, Tây Nguyên ơi/ Tôi hát cho dòng sông Đăk Rông mãi chảy xiết/ Tôi hát cho nhà rông đêm ngày luôn đỏ lửa, cho tiếng đàn ngân vang, vang điệu cùng dóng suối..."  cả bàn vỗ tay theo rầm rập.

          Tôi khi ấy đã ở Tây Nguyên hơn hai chục năm, giờ gặp ông mới biết, Đăk Rông là con sông ở... Quảng Trị. Mỗi dân tộc ở Tây Nguyên có ngôn ngữ khác nhau, nhưng có những chữ/ tiếng thì khá giống nhau, ví như từ Đak là nước, và rông (chính xác là Kroong/ Krông) là sông/ nước. Đăk Tô là nước nóng chẳng hạn, Krông Ana là sông mẹ, Krông Nô là sông cha vân vân...

          Và nữa, K'tia chính là con vẹt, có nơi gọi con két. Loại này mà sà xuống rẫy/ ruộng bắp (ngô), lúa thì thôi rồi, nó phá kinh khủng. Cái đàn T'rưng nước bà con Tây Nguyên để trong rẫy chủ yếu là để đuổi loại chim này. Dưới con mắt của nhạc sĩ thì chim K'tia trở thành cánh chim báo tin vui, thành biểu tượng của Tây Nguyên. Văn học Nghệ thuật hay sáng tạo ra những cái tên, có những cái tên ai cũng biết nhưng cũng lại... không biết, như Xà nu, K'nia, K'tia... nhiều cô giáo dạy "rừng xà nu" cả mấy chục năm nhưng không biết nó là cây... thông, cũng như thế, K'nia là cây cầy và K'tia là con vẹt...

          Vâng, ông chính là nhạc sĩ Tố Hải, tác giả bài hát nổi tiếng "Sông Đăk Rông mùa xuân về".

          Nếu cắt ngang thì nước ta chia thành 3 vùng Bắc Trung Nam, còn nếu bổ dọc thì ở miền Trung có 2 vùng chênh lệch nhau rất rõ là duyên hải và Trường Sơn Tây Nguyên. Đứng ở đường số 1 nhìn lên, Trường Sơn xanh mờ thăm thẳm, tưởng chỉ có rừng, núi và đất đá.

          Nhưng trên ấy, có những dòng sông. Và không vô danh, những dòng sông nổi tiếng, như Đăk Rông vừa kể.

          Chảy qua thành phố Kon Tum là sông Đăk Bla. Đây là con sông chảy... ngược. Đa phần sông Việt, và cả thế giới, thường chảy từ núi xuống. Nhưng hệ thống sông Tây Nguyên có những con sông chảy ngược từng đoạn. Sông Đăk Bla là con sông như thế. Nó chảy ngược từ hướng đông sang tây. Sông này bắt nguồn từ dãy Ngok Linh, ngoằn nghoèo một hồi rồi đổ về Biển Hồ Campuchia trước khi lại nhập về hệ thống sông Mê Kông rồi mới đổ ra biển. Tức đoạn qua Kon Tum thì nó chảy ngược, cũng như sông Ba đoạn qua thị xã An Khê chảy ngược về thị xã Ayun Pa rồi mới xuôi về Tuy Hòa nhập với sông Đà Rằng.

          Từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước, thi sĩ Trần Mạnh Hảo đã lên Kon Tum và viết những câu thơ rất diễm lệ về dòng sông này: "Sông Đăk Bla như một tiếng tù và/ Thổi qua lòng xanh thị xã/ Một thoáng đồng bằng trong phố xá/ Kon Tum vầng trăng đầu tháng mọc bên em... Anh xin làm mùa hạ giữa cao nguyên/ Làm ngọn gió ném qua đường bụi đỏ/ Tiếng ve lang thang trong mơ hồ phố nhỏ/ Những dãy nhà dìu dặt ở sau cây/ Kon Tum đây và em của anh đây, gương mặt phố gương mặt sông gương mặt núi, trong mắt em bốn mùa nhuần nhụy lại/ thông xòe kim khâu nắng tóc em dài..."

          Và tôi biết, tất cả các đô thị có sông chảy qua, đều là những đô thị đẹp. Sông trở thành điểm nhấn, thành nơi người ta thỏa sức tưởng tượng để biến nó thành "giọt lệ đô thị" hay "bài thơ đô thị" như một số thành phố miền Trung đang có Huế, Đà Nẵng, Kon Tum...

          Kon Tum, thành phố bên sông Đăk Bla, theo tôi là một trong những thành phố mang dấu ấn Cao nguyên đậm nhất cao nguyên.

          Khách của tôi đến Pleiku, mà tôi thì thú thật, rất đông khách, hỏi tôi tìm nơi nào còn đặc trưng Tây Nguyên nhất, tôi đều chỉ lên Kon Tum.

          Đấy là thành phố được người Pháp phát hiện và xây dựng. Trong quá trình truyền đạo, bên cạnh Đà Lạt thì người Pháp đã phát hiện ra Kon Tum khá sớm trên hành trình khám phá Cao nguyên Trung phần của họ.

Kon Tum có những điều hết sức lạ, mà cái chuyện tôi từng ghi trong sổ tay thế này mà không lạ à: "Mấy làng người Bahnar ở thành phố Kon Tum ấy có một số các chàng rể (chủ yếu) là người Pháp, mà Pháp quý tộc hẳn hoi nhé. Khá nhiều người Kinh chúng ta khi vào làng dân tộc vẫn có điều gì đấy ghê ghê, trước hết là vệ sinh, rồi phong cách sống khác nhau, nhiều thứ khác nhau. Cứ hình dung hôn một cô gái ngậm cái tẩu thuốc (mà là thuốc tự trồng tự thái nhé) thì sẽ như thế nào nhỉ, hoặc như ngồi ăn cơm (sango) với một nồi cơm và nồi canh to tướng, một ít thịt đổ ra từ ống nứa, và... bốc, không đũa thìa gì hết... thì sẽ như thế nào nhỉ? rồi nhiều chuyện khác (ví như đi vệ sinh thì ra bờ sông hoặc chui vào bụi và cầm theo một cây gậy để đuổi heo và có thể là... thay giấy nữa, thì như thế nào nhỉ?)… Thế mà các chàng trai ngoại quốc, thanh lịch, đẹp trai, giàu có... lại mê mẩn nhiều cô gái Bahnar ở đây và cưới làm vợ. Chiều chiều các chàng cũng gùi (địu) con cùng vợ thơ thẩn trong làng, con đường lổn nhổn cứt bò cứt heo, với những con heo tung tăng khắp làng. Hoặc các chàng cũng ra chợ Kon Tum mua đồ ăn, rồi về nổi lửa nấu cà đắng với cá, ninh cho thật nhừ thành một thứ sền sệt nhân nhẩn... và bốc chén. Tối các chàng cũng ngồi bên bếp lửa hơ tay như các cụ trong làng, chỉ khác các chàng không mặc khố, không ngậm tẩu và không nhổ nước miếng xoèn xoẹt.

Và không chỉ ở đấy, các chàng trai hào hoa kia còn đưa vợ về bên Pháp, và bên ấy, các chàng sống với vợ ở những ngôi biệt thự, ăn cơm tây với các các bộ đồ ăn sáng loáng, trẻ con chơi đùa trên những bãi cỏ xanh ngằn ngặt trong vườn điểm xuyết những con chim bồ câu nhởn nhơ không sợ bị ai bắt làm thịt, các cô gái Bahnar cùng làm bếp với các bà mẹ chồng quý tộc Pháp... là tôi nhìn thấy cảnh ấy trên ảnh và trong cả những clip. Té ra sự thích nghi văn hóa nó vĩ đại thế...

Rồi hết những ngày ở Pháp họ lại về Việt Nam, nên nếu vào các làng Bahnar ở ngoại ô Thành phố Kon Tum mà thấy vài ông Tây da trắng địu những đứa con lai thơ thẩn trong làng, thì đừng ngạc nhiên"...

2 dấu ấn Pháp đặc trưng và rõ nhất ở thành phố Kon Tum hiện tại là cái nhà thờ gỗ và tòa giám mục, đều có tuổi đời hơn 100 năm, và vẫn tiếp tục đẹp một cách sang trọng, bền vững, và vẫn đang được sử dụng như nó mới được xây dựng đây...

(Còn nữa)...

Bài trên TCdulich HCM, link gốc




                       

                          

 


 

8 nhận xét:

logo thuanhoa nói...

Thật là tuyệt khi đọc phần 1 bài này, biết thêm nhiều điều... Và chờ phần 2... ĐHy

Hongtran nói...

Hay quá. Làm luôn phần II đi bác.

Văn Công Hùng nói...

@Hong Tran: Vầng, sẽ có, tới vài phần nữa ạ.
Đình Hy: Hihi chờ đấy

Quế Sơn nói...

+Rất thích những bài viết như thế này. Góp nhặt thêm được nhiều kiến thức về Tây nguyên.
+Tôi nghĩ, một số ông Tây lấy phụ nữ Bahnar ở đây làm vợ, hầu hết là các ông cố đạo bám Tây nguyên để truyền giáo. Trường hợp này, yếu tố văn hóa nhường chỗ cho yếu tố cần kíp hơn, tính dục có góp phần của không gian hoang dã, lãng mạn và giống dòng.
+Kim chỉ, vụn vặt tí: "ngoằn" thì tốt rồi, "ngoèo" thì táy máy gõ thừa chữ "h" ạ.

Văn Công Hùng nói...

@Quế Sơn: Hì hì cụ nhà cháu lâu này làm một tí việc hơi loằng ngoằng là cố viết chữ nghoèo như thế để nó ngoằn nghoèo ạ.

Nặc danh nói...

Cái nhà thờ gỗ thì tôi đã biết và cũng rất ngạc nhiên. Cây xà nu thì giờ mới biết là cây thông. Riêng câu chuyện Các chàng trai Pháp làm rể ở Kon Tum thì đúng là lạ quá luôn và còn độc nữa. Đọc văn anh thấy hay thật.

Văn Công Hùng nói...

hihi cám ơn ạ.

Hệ thống truyền thanh thông minh IP, dùng sim 4G nói...

Những người có tâm huyết với Tây nguyên mới có được những cảm hứng để viết về nó hay như vậy