Được biết, tỉnh
Kon Tum đang có dự án xây dựng kè sông Đăk Bla. Tôi hình dung nó sẽ là một cái
công viên khổng lồ sát mép sông với nhiều tiện ích cho người dân ở cái thành phố
nhỏ nhắn xinh xắn và đáng yêu này.
Nhiều công trình đã kịp mọc lên đón đầu ở đây, trên con đường được đặt tên Bạch Đằng (Tên giống một con đường cũng chạy bên bờ sông Hàn ở Đà Nẵng) mới mở rộng chạy viền bờ sông, như cái khách sạn Indochine hình như đang là sang nhất Kon Tum, cái quán cà phê tre khổng lồ và đẹp do kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa thiết kế... cả một dãy sông ở đây đang được quây lại để xây dựng.
Thế
nhưng lại cũng có một sự đón đầu khác, ấy là khi chúng tôi vào cái làng của người
Bahnar từng nổi tiếng ở Kon Tum, vì nó đẹp, đẹp từ địa thế ở sát ngay sông,
lưng quay ra sông, đến cái nhà rông khổng lồ rất Tây Nguyên, và những ngôi nhà
sàn đậm chất Bahnar ở ngôi làng ấy. Bây giờ, nó san sát nhà xây, vô tội vạ, chật
chội và chen chúc, còn chật hơn các "chuồng cọp" ở Hà Nội. Nước ta,
có cái xã biển nổi tiếng mà người ta tính mật độ dân số trên diện tích dày nhất
nước, hơn cả phố cổ Hà Nội, là xã Ngư Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa. Dày xít tới mức,
nhà vệ sinh không có chỗ làm, người chết phải sang xã bên mua đất chôn. Thế mà giờ,
ở làng Kon Rơ Bàng này, có cảm giác chả khác gì Ngư Lộc? Nếu không kịp có một động
thái gì đấy, sợ rằng cái đoạn trên của khúc sông Đăk Bla chảy quả Kon Tum này,
cái ngôi làng từng rất nổi tiếng này, có cơ không chữa kịp?
Xuôi xuống một tí, về hướng Gia
Lai, ta gặp con sông Pô Kô. Đây cũng là một con sông nổi tiếng. Và nó cũng chảy
từ Kon Tum xuống.
Hình như tên gọi đúng của nó
là Krông Pô Kô hoặc Đăk Pô Kô, dài 320 kilomet chảy xuyên từ Bắc Kon Tum sang
đông Gia Lai. Con sông này đã hiến cho đất nước cái thủy điện Ia Ly rầm rộ một
thời, giờ vẫn là một trong những nhà máy thủy điện quan trọng, dù đang có rất
nhiều ý kiến về thủy điện, nhưng đấy là các thủy điện nhỏ và vừa. Đây là thủy
điện lớn, trọng điểm quốc gia. Và vì có cái nhà máy thủy điện này mà trên sông
này cũng có cái lòng hồ thủy điện Ia Ly khổng lồ rộng tới 64,5 KM2. Cái hồ rộng
này nằm trên diện tích của cả 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum, hiện còn khá nguyên
sơ, chưa được khai thác làm du lịch, mới là những tour nhỏ lẻ và mang tính tự
phát. Nhưng, được đi trên hồ, ngắm các làng chài, ăn cá tươi ngay trên hồ vừa bắt
lên thì quả là, chắc chả có thú vui nào sánh bằng. Thực ra trên hệ thống sông
này còn tới ab bốn cái thủy điện nữa, nên cũng đang có nhiều ý kiến về việc băm
nát con sông này để làm thủy điện, về việc tính toán hiệu quả của thủy điện và
tác động môi trường, về những tác hại của việc phá rừng làm thủy điện vân
vân...
Tóm
lại, nó là một con sông dài 320 KM, lúc thì mang tên Pô Kô, lúc thì Ia Ly, khi
lại Sê San, lúc nữa Đăk Bla, tùy nơi nó quanh co chảy, đoạn cuối ở huyện Đức
Cơ, Gia Lai thì nó sang tận Campuchia rồi đổ vào Mê Kông.
Con sông này là biên giới Việt
Nam Campuchia một thời, bởi bên kia sông, đoạn ở huyện Sa Thầy (Kon Tum) và huyện
Ia Grai (Gia Lai) là đất Campuchia, bên này Việt Nam. Và nó nổi tiếng bởi bài
hát "Người lái đò trên sông Pô Kô"mà hầu như chúng ta nhiều người biết.
Bởi tuy là bài hát ra đời trong chiến tranh nhưng cả lời và nhạc lại hết sức trữ
tình, da diết. Có một thời các bài hát chiến tranh của chúng ta trữ tình tha
thiết như thế, như bài "Dấu chân trên rừng" của nhạc sĩ Vĩnh An (Ông
còn nhiều bài hát nổi tiếng nữa như "Đi tìm người hát Lý thương
nhau", "Nắng ấm quê hương"...), bài "Người lái đò trên sông
Pô Kô" của nhạc sĩ Cầm Phong và nhà thơ Đào Mai Trang vân vân...
Có một điều thú vị là, khi
viết bài hát này, cả nhạc sĩ Cầm Phong và nhà thơ Đào Mai Trang đều chưa biết...
A Sanh.
Trong một chuyến công tác,
thời ấy rất vất vả để đến được phà 10, là cái bến đò trên sông Pô Kô ấy, mùa
khô, bụi lút bánh xe, chúng tôi mặc áo mưa chạy xe máy, tới nơi cởi áo mưa người
vẫn như một cây bụi, chúng tôi đến xã Ia Krái, huyện Ia Grai. Ở đấy, chúng tôi
gặp Puih San, cựu binh mang quân hàm trung úy, đã phục viên từ rất lâu, hôm ấy
ông đang đi chăn bò, chúng tôi phải nhờ người hàng xóm đi tìm ông về.
Về, chúng tôi viết về ông,
và cho rằng, ông chính là A Sanh trong cái bài hát nổi tiếng trong chiến tranh
kia. Mà không chỉ trong chiến tranh, giờ vẫn rất nhiều người hát, bởi giai điệu
của nó vừa hào hùng vừa trữ tình, tha thiết và sâu lắng.
Rồi
nhiều cơ quan báo chí viết tiếp về ông, truyền hình làm phim. Một công ty con của
tổng công ty Sông Đà lấy bài báo của tôi đọc trước toàn cơ quan rồi phát động
quyên góp giúp đỡ ông. Từ một cơ quan tới nhiều cơ quan, tổ chức, giúp từ gạo
thịt quần áo chăn màn tới... một căn nhà.
Rồi tỉnh Gia Lai vào cuộc,
làm hồ sơ để sau đấy ông được phong anh hùng.
Ông ra Hà Nội nhận danh hiệu
anh hùng do bộ trưởng Phạm Văn Trà trao, về được vài năm thì mất.
Xung quanh cái tên A Sanh nó
như thế này. Ban đầu chả biết từ đâu, bộ đội cứ đến các bến đò là đều kêu A
Sanh ơi cho qua sông (trên sông Pô Kô có nhiều bến đò, bến của Puih San đã là
phà 10 rồi). Anh chị em giao liên chèo thuyền đều có tên riêng, nhưng rồi thành
A Sanh hết. Tới khi bài hát ra đời thì cái tên ấy càng nổi.
Cũng
nói thêm, người Tây Nguyên bản địa sống bên các dòng sông có kỹ thuật làm thuyền
độc mộc rất tài. Từ một cây gỗ to trong rừng (bây giờ thì không thể rồi vì đã hết
gỗ), họ chặt về, rồi bằng rìu và rựa, họ chặt, phát bớt "những chỗ thừa"
để cuối cùng nó thành cái thuyền. Hoàn toàn không đơn giản, bởi để nó nổi, điều
khiển được, không lật, đi đúng ý mình... đòi hỏi phải sự tính toán rất kỹ. Thế
nhưng những người làm độc mộc này tuyệt đại bộ phận là... mù chữ. Là chưa bao
giờ thấy các loại tàu thuyền khác trên đời, thế mà chỉ bằng cảm giác, họ làm những
con thuyền độc mộc kỳ tài thế (Điều này được áp dụng cho cả nhà sàn, nhà rông,
tượng mồ, chỉnh chiêng, làm các loại đàn vân vân)...
Sau này, khi Puih San đã được
phong anh hùng thì nghe nói trên Kon Tum cũng có một người lái đò trên sông Pô
Kô, cũng tên A Sanh, người Bahnar được phát hiện. Nhưng thành tích hình như
không bằng Puih San, dù theo đại tá Lâm Huế, người trực tiếp có mặt ở Ia Krái
thời ấy, thì A Sanh trong một lần đưa thương binh qua sông, bị bom, thuyền
chìm, toàn bộ thương binh hy sinh. Và ông bỏ, không chèo đò nữa, lên bờ nuôi bò
cho đơn vị.
Lạ là, tỉnh Gia Lai có tới 3
nhân vật đang còn sống đã là nhân vật của âm nhạc, và điều liên quan tới sông/
suối.
Là ông Núp trong bài hát của nhạc sĩ
Trần Quý "Ca ngợi anh hùng Núp"- Đây bất khuất Tây Nguyên cao cao/ có
anh hùng là chim đầu đàn... Ông này gắn với con sông Pa chảy qua quê ông. Làng
ông cũng có con suối Chơ Pâu, nơi ông trao còng tỏ tình với H'Liêu từ thời
"Bắn Pháp chảy máu". Là ông Bùi Ngọc Đủ gắn với suối La La ở Quảng Trị
trong bài hát của nhạc sĩ Huy Thục, cũng rất nổi tiếng "Ơi con suối La La/
Ơi dòng suối La
La!/ Nước trong xanh hiền hòa/ Chảy quanh đồi không tên/ Nay đồi đã mang tên/ tiểu đội Bùi Ngọc Đủ”- dù ông này quê
Thanh Hóa nhưng đã vào Gia Lai sống ngay sau khi phục viên... và ông A Sanh/
Puih San tôi đang nhắc đây:Hỡi Pô Kô ơi/ Dòng sông mênh mông/ Đôi bờ cây xanh
biếc nước chảy xiết sâu thẳm/ Qua tháng ngày hỏi sông ơi có biết...
(Còn tiếp)
Bài đăng tạp chí Du Lịch HCM
Nhà cháu chộp được ông nhà văn Nguyễn Bình Phương, khi ấy là trung tá, trưởng ban, giờ là đại tá, Tổng biên tập Tạp chí Văn Nghệ Quân đội đang thơ thẩn ngắm sông Pô Kô, vừa ngắm vừa... thở hihi...
Đường xuống bến đò A Sanh, ảnh nhà cháu.
Một đoạn sông Pô Kô- ảnh nhà cháu.
Ảnh sông Pô Kô này xin của cô giáo Nguyễn Thị Bé
1 nhận xét:
Anh Hùng chủ trang này quả là một người có rất nhiều tâm huyết với Tây nguyên
Đăng nhận xét