Đang yên lành một buổi chiều đung đưa sướng với cái tin facebook của mình được nhận tích xanh, thì Trương Đức Minh Tứ, nhà báo, TBT báo Quảng Trị, gửi cho đường link. Ôi giời, nó viết về mình. Gần bảy ngàn chữ. Tài thật. Bảo nó sao không gửi báo VN phát cho oách, nó bảo em gửi Văn chương Việt quen rồi. Ừ để anh đọc kỹ rồi đưa về web anh.
Đọc kỹ thì thấy tay này hết sức chịu khó. Nó đọc tất cả những
gì mình viết và những gì bạn bè viết về mình, xâu chuỗi lại, cốp pết lại, thành
cái chân dung mình, từ những gì mình viết, như thật, hihi. Và đọc cứ thun thút, tới đâu gặp mình tới đấy,
như lạ, như lần đầu.
Cái tình bạn bè nó thế. Chịu đọc nhau, nghe nhau xem nhau để
ý tới nhau bây giờ rất hiếm, nên có đứa nó đọc mình kỹ, nghiên cứu mình kỹ, dựng
lại mình để chính mình đọc cũng cứ sửng sốt cứ ngạc nhiên cứ như là... giờ mới
biết, hihi, nó đã.
Nó nhắn kèm cái link thế này: "Ngồi buồn không biết
làm gì đành chuẩn bị bản thảo cho tập sách mới; có viết mấy dòng về VCH để đăng
trong tập ký chân dung xuất bản trong năm nay để tạ lỗi lâu nay hay “nói xấu”
VCH trên mạng.".
--------------
Những năm 90 của
thế kỷ XX, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế muốn tìm nhân sự làm Tổng Biên tập Tạp
chí Sông Hương - một tạp chí văn nghệ nổi tiếng thời ấy, sau khi tổng biên tập
cũ nghỉ hưu. Lúc bấy giờ nhà thơ Văn Công Hùng là người hội đủ tiêu chuẩn, nằm
trong “tầm ngắm” của tổ chức, vì anh người gốc Thừa Thiên Huế, hội viên Hội Nhà
văn Việt Nam, đang làm lãnh đạo Hội Văn nghệ và Tạp chí Văn nghệ ở Gia Lai -
Kon Tum. Nhưng càng gần đến thời điểm chuyển công tác thì anh em bạn bè văn nghệ
ở Tây Nguyên đến nhà tâm sự, níu kéo, lại thêm bao năm tháng gắn bó với mảnh đất
này đã làm cho anh thối chí. Cuối cùng anh phải rất vất vả từ chối tấm thịnh
tình của lãnh đạo từ quê nhà để ở lại với phố núi Pleiku, nơi đã gắn bó như là
một định mệnh của đời anh.
Những con đường gắn với văn chương
Trong số bạn hữu
thời sống và viết ở Tây Nguyên, tôi có nhiều duyên nợ với Văn Công Hùng. Anh học
khoa Ngữ Văn, khóa 1 - khóa đầu tiên của Trường Đại học Tổng Huế, còn tôi học
khóa 7. Khi anh lên Tây Nguyên công tác, tôi còn đang học phổ thông và sau đó mấy
năm mới được làm đồng môn của anh. Rồi không biết cơ duyên thế nào sau đó ít
lâu tôi cũng lên Gia Lai - Kon Tum công tác. Sau này, trong những trang viết của
mình, Văn Công Hùng luôn nhớ về mùa hè năm 1981, sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng
hợp Huế, anh tình nguyện lên Gia Lai- Kon Tum công tác, dù hồi đó tốt nghiệp đại
học người ta phân công công tác cho sinh viên theo nguyện vọng. Lý do để anh chọn
Tây Nguyên cũng hết sức đơn giản, anh chơi trong hội “Bốn thằng” và cả hội muốn
mãi mãi chơi với nhau, khi ra trường đi một nơi đủ xa để khám phá và còn có điều
kiện trở về thăm Huế.Nhưng cuối cùng thì chỉ mỗi anh đeo ba lô lên Gia Lai -
Kon Tum, còn các bạn khác thì ở lại với phố thị đồng bằng.
Trong hồi ức của
Văn Công Hùng, cái buổi chiều cuối tháng Mười nơi phố núi Pleiku là mùa khô, lạnh
và bụi bay mù mịt. Có thể nói Pleiku đẹp đến nao lòng nhưng cũng buồn thăm thẳm.
Từ hôm mới lên, chiều nào anh cũng đi bộ trên ba con đường đẹp nhất thị xã (lúc
đó Pleiku còn là thị xã) tạo thành tam giác: Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Quang
Trung. Đường Lê Lợi thấp hẳn một bậc so với đường Trần Hưng Đạo, có rất nhiều
cây thông cổ thụ. Anh có cảm giác như người khách lạ nơi phố núi: “Phố núi cao,
phố núi đầy sương / Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn /Anh khách lạ đi lên
đi xuống/ May mà có em đời còn dễ thuơng… Phố núi cao phố núi trời gần/ Phố xá
không xa nên phố tình thân/ Đi dăm phút đã về chốn cũ/ Một buổi chiều nao lòng thấy
bâng khuâng” (Còn chút gì để nhớ - thơ Vũ Hữu Định, Phạm Duy phổ nhạc). Hồi ấy
người dân Pleiku còn nghèo, chủ yếu bà con đi làm rẫy với cái xe đạp cũ kỹ chở
đầy dao, cuốc, bao bố… trông họ lam lũ, đi làm về người bám đầy đất ba dan. Mà
đâu chỉ thường dân, cán bộ, công chức thời ấy cũng luộm thuộm, dép lê, áo bỏ
ngoài quần và suốt ngày nói chuyện ăn vì… đói. Phở là thứ xa xỉ chỉ đợi đến chủ
nhật mới dám đi cải thiện một tô. Mà muốn có phở ăn thì trước đó, thứ Sáu hoặc
thứ Bảy, anh cầm sổ y bạ sang bệnh viện ở đường Trần Hưng Đạo khám. Học
người ta, anh cứ khai đại một bệnh gì đó và bao giờ cũng được cấp 20 viên Tetracilin,
20 viên Xuyên tâm liên (một loại thuốc nam dược được xem là chữa bách bệnh).
Xuyên Tâm liên thì anh vứt ngay, còn Tetracilin thì anh đưa thẳng lên chợ, nó sẽ
“biến” thành tô phở và ly cà phê Kim Liên ở đường Hùng Vương sáng Chủ nhật.
Hồi mới xa Huế,
Văn Công Hùng luôn ám ảnh về Huế dù đã vời vợi xa. Và trong một lần đi trên con
đường Trần Hưng Đạo rợp bóng cây cổ thụ, anh bắt gặp một cô gái mặc áo dài trắng
bay phơ phất trong chiều. Anh lặng lẽ đi theo suốt con đường Trần Hưng Đạo, qua
đường Quang Trung thì “áo dài” vào nhà thờ Thăng Thiên. Thì ra “áo dài” đi lễ
nhà thờ. Mái tóc kẹp buông nửa lưng, đôi mắt buồn, dáng người thanh mảnh, bước
đi khoan thai khiến anh như … chết đứng. Ngay lập tức một câu thơ bật ra “Tà áo
trắng vương trong chiều cao nguyên”.Và tối hôm ấy, dưới ánh ngọn đèn tròn chập
chờn thiếu công suất, Văn Công Hùng làm xong bài “Gặp Huế trên cao nguyên”:
“Tà áo trắng
vương trong chiều cao nguyên
tiếng "dạ"
láy trầm như cồng. Ngực thở
con dốc đổ cồn
cào nỗi nhớ
dáng Huế trong
em. Phố núi sau mưa
…
Anh gặp em chiều
phố núi bình yên
gặp lại mình
hai mươi năm về trước
cho anh làm mùa
hè rạo rực
áo trắng bay.
Phượng nở. Trời chiều...”
Bài
thơ này của Văn Công Hùng đã có đời sống mấy chục năm rồi. Hồi ấy nhiều người
thuộc và chép vào sổ tay. “Một bác sĩ có vợ là giáo viên người Huế kể
chính anh là người chép bài thơ cho vợ. Nhạc sĩ Lô Thanh, giảng viên Trường Quốc
gia âm nhạc Huế đã phổ nhạc bài này, về Huế thấy có người hát, nhưng phương tiện
phổ biến hồi ấy nó chưa được như bây giờ nên ít người biết, rồi giờ nó cũng
chìm nổi ở đâu đấy”, Văn Công Hùng kể.
Bây giờ, không
còn đi xe đạp hay xe máy như thời nào, Văn Công Hùng đã là một tay lái ô tô cừ
khôi, có thể một mình một xe rong ruổi ra Bắc, vào Nam, lên miền núi, xuống đồng
bằng. Và đi trên những con đường ấy anh phát hiện ra nhiều điều thú vị. Từ
Pleiku, theo đường 14 xuôi Nam tới thị trấn Chư Sê sẽ có một nhánh rẽ xuống Tuy
Hòa. Đấy là đường 25, nhưng một thời nó mang tên đường 7, một con đường nổi tiếng
năm 1975, là con đường mà toàn bộ binh lính Việt Nam cộng hòa ở Kon Tum,
Pleiku, cả Đắk Lắk đã tháo chạy tán loạn trong chiến cuộc 1975, và Quân đoàn 3
Quân đội Nhân dân Việt Nam đã chặn đánh. Bi kịch của cuộc triệt thoái và trận
đánh kinh hoàng ấy nay vẫn còn dư âm. Đấy là những đứa con của những gia đình
di tản bị lạc trong những ngôi làng người Jrai ven đường 7, giờ vẫn còn những
gia đình đi tìm con, mà chương trình "Như không hề có cuộc chia ly" của
nhà báo Thu Uyên còn giữ rất nhiều hồ sơ.
Con đường 7 và
trận chặn đường lịch sử này từng có hai cuốn sách nổi tiếng của hai người
lính.Cuốn thứ nhất là "Cuộc tháo chạy tán loạn" của một viên tình báo
Mỹ, tên là Frank Sneep. Và cuốn thứ hai "Trong cơn gió lốc" của một
sĩ quan Quân đoàn 3, nhà văn Khuất Quang Thụy. Bây giờ thì con đường 7 kinh
hoàng ngày xưa được gọi tên mới là đường 25, nó bắt đầu từ ngã ba Mỹ Thạch, thị
trấn Chư Sê rẽ đường 14, xuôi qua Phú Thiện, Phú Bổn (Ayun Pa), Krông Pa, xuống
Củng Sơn, Sơn Hòa rồi nhập vào đồng bằng Tuy Hòa. Đấy là con đường êm ả, rợp
bóng cây, chủ yếu là cao su, cà phê, miên man ngút mắt màu xanhcủa cây lúa và
miên man gió. Con đường phẳng lỳ rợp nắng chạy giữa mênh mông cánh đồng Ayun hạ
với hàng ngàn héc ta lúa nước, một kỳ tích của công trình thủy lợi Ayun hạ khi
nó biến cả một vùng cao nguyên khô khát thành đồng bằng trù phú.
Văn Công Hùng kể
hồi nhà văn Thế Vũ còn làm Thư ký tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Nha Trang, trong một
lần anh đưa ông từ Pleiku lên Kon Tum, qua cái nơi giáp ranh giữa hai tỉnh, đột
nhiên ông bảo: “Nơi này ngày xưa mình đã từng ở”. Anh đã hết sức ngạc nhiên, hỏi
lại thì ông kể rằng hồi ấy ông là lính "Lao công đào binh" bị điều
lên đây.Và thời gian ở đây ông đã viết "Ngày mới đến Pleiku". Trong số
các nhà văn mà Văn Công Hùng quen ở miền Trung - Tây Nguyên có hai ông nhà văn
từng là “Lao công đào binh”, đó là ông Thế Vũ và ông Nguyễn Hoàng Thu. Ông Thế
Vũ đã mất khi đang là Phó Tổng thư ký tòa soạn báo Thanh Niên; có thể những di
chứng chiến tranh với thân phận là người dưới đáy của cuộc chiến ấy đã quật đổ
ông. Ông Nguyễn Hoàng Thu cũng từng là phóng viên báo Thanh Niên, giờ đang ở
Buôn Ma Thuột. “Lao công đào binh” là những người lính đào ngũ, bị bắt lại đẩy
ra tuyến đầu, không được trang bị vũ khí nhưng phải phục vụ chiến tranh, tức là
luôn ở chốn hòn tên mũi đạn, là bia chắn đạn, làm tất cả nhưng không được cầm
súng. Thế Vũ ngoài tác phẩm "Ngày mới đến Pleiku" còn là tác giả của
các tác phẩm "Những vòng hoa ngụy tín", "Người tù ngoan
ngoãn", "Mưa trên lầu bát giác", "Công trường cát bỏng"...,
còn ông Nguyễn Hoàng Thu thì nổi tiếng với tác phẩm "Người bắt ruồi",
sau này có "Con đường đêm", "Đi qua bóng tối", "Krông
Ana không đổi dòng".
Ở cực bắc Tây
Nguyên này còn sừng sững một "Rừng xà nu", và xuôi đông là "Đất
nước đứng lên". Văn Công Hùng kể: Cách đây đã lâu, nhiều giáo viên dạy
văn, hằng ngày dạy tác phẩm "Rừng xà nu" của Nguyễn Trung Thành
(Nguyên Ngọc) lại không biết cây xà nu là cây gì? Có lần anh lên Đăklây làm
phim thì có mấy cô giáo ở ngay Gia Lai và Kon Tum nhắn anh chụp ảnh cây xà nu
cho các cô làm giáo cụ trực quan dạy học. Anh bảo: “Nhà các em đang ở dưới tán
xà nu đấy thôi”. Thời ấy Pleiku và Kon Tum còn nhiều thông, đến mức có thi nhân
có hẳn tập thơ "Khoảng trời lá thông", nhưng các cô giáo suốt ngày tựa
lưng vào thông lim dim mơ mộng lại không biết đó là... xà nu. Còn hai nhân vật
trong hai tác phẩm văn chương nổi tiếng của Nguyên Ngọc là cụ Mết và cụ Núp
cũng rất lạ, ấy là các ông nổi tiếng trong văn chương và cả ngoài đời, nổi tiếng
tới mức khi các ông đang sống, nhiều người đinh ninh các ông đã là... liệt sĩ.
Có
lần Văn Công Hùng tìm về được làng Xô Man xưa của cụ Mết. Theo anh Đinh Như
Rươn, con trai cả của cụ Mết, thì là làng Xô Man cũ có thể tên thật là Xã Đoàn
thuộc Tu Dốp ở cách làng bây giờ đến 70 cây số, và hình như nó đã lẫn đâu đó
vào rừng già mà ngay cả khi còn sống cụ Mết cũng chưa bao giờ trở lại được nơi ấy
kể từ sau năm 1975. Nguyên do là người Tây Nguyên thường xuyên du canh du cư,
thay đổi nơi ở và nơi canh tác, lại còn chiến tranh, giặc giã, còn bao yếu tố
khác xảy ra trong gần một thế kỷ đầy biến động. Làng mới Xô Man bây giờ cách thị
trấn huyện 30 cây số, nhưng đường đi rất khó. Làng Xốp Nghét, xã Xốp ở đấy còn
ba người con của người vợ thứ hai của cụ Mết, có cháu dâu và cả chắt nội ngoại.
Họ sống khá chật vật... Anh Rươn con trai cả cụ Mết nguyên là giám đốc trung
tâm y tế huyện, có vợ làm cùng cơ quan là người Thái Bình, cưới nhau từ hồi
ngoài Bắc rồi đưa nhau về quê chồng, sinh được ba con trai đều đã có gia đình
riêng. Cụ Mết tên thật là Đinh Môn. Cụ mất năm 2000. Từ thời chiến tranh, ông nổi
tiếng đến mức Pháp từng mời về giao chức và phong hàm thiếu tướng nhưng ông
không về. Ít người biết rằng ông không biết chữ. Là trung đội trưởng tuyên truyền
vũ trang cách mạng, sau này làm Chủ tịch Mặt trận huyện, ông chỉ biết mỗi một
chữ Mết khi ký vào văn bản, còn tất cả ông chỉ truyền đạt bằng... lời nói.
Còn ông Núp, có
lẽ ở Việt Nam không ai không biết ông bởi cái tiểu thuyết "Đất nước đứng
lên" của Nguyên Ngọc, một thời nó phổ cập mọi cấp học. Tác giả "Rừng
xà nu" cũng chính là tác giả "Đất nước đứng lên". Làng ông Núp,
là cái làng Kông Hoa trong tiểu thuyết ấy chính là làng S'tơ ngoài đời, nằm
cách đường 19 chưa đến chục cây số. Lịch sử chiến tranh Việt Nam còn phải nhắc
đến chiến thắng GM 100. Trận ấy ở ngay dốc Đăk Pơ. Nhà văn Nguyên Ngọc trước
khi quen ông Núp đã đến đây để điều nghiên trận địa này rồi.“Nơi đây, ngày 24
tháng 6 năm 1954, trung đoàn 96 (E96) Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với bộ đội
địa phương, dân quân du kích và dân công hỏa tuyến, với quân số ít hơn ba lần
đã đánh tan binh đoàn 100 (GM 100) tinh nhuệ bậc nhất của quân đội Pháp thời ấy
vừa được điều từ chiến trường Triều Tiên về với sự hộ tống của tiểu đoàn khinh
quân 520. Với chiến thắng Đak Pơ, Quân đội nhân dân Việt Nam đã bẻ gãy xương sống
chiến dịch Atland, tiêu hao 1.100 địch, có 500 chết tại chỗ, 600 bị thương. Bắt
sống 800 binh lính, trong đó có quan năm Barroux, chỉ huy GM100. Tịch thu 375
xe cơ giới, có 229 xe còn nguyên vẹn, 1 xe tăng, 18 đại bác 105 li...”. Đó là một
số thông tin được ghi ở tấm bia mà Văn Công Hùng có tham gia nội dung. Còn trận
này phía Trung đoàn 96 có 147 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, hiện đang được vinh
danh và thờ tại đền tưởng niệm này, 80 người bị thương. Không chỉ 147 liệt sĩ của
trung đoàn 96, nơi đây còn nhiều liệt sĩ của bộ đội địa phương, dân quân du
kích và nhiều người vô danh khác.
Văn
Công Hùng bảo giờ xe xuống xe lên trên đường 19, khi qua khu di tích này nhiều
người hay dừng lại thắp hương ở di tích Đăk Pơ. Lịch sử đi qua, nhưng ký ức còn
ở lại. Và có cả văn chương…
Một thời “hai tay hai
súng”
Nhiều
đồng nghiệp của Văn Công Hùng khởi nghiệp từ làm báo rồi tiến lên làm thơ, viết
văn. Còn anh thì ngược lại, làm thơ từ thời sinh viên rồi mãi sau này mới viết
văn, viết báo. Anh đùa, hồi đó cả nước đói ăn thì bọn làm thơ càng đói hơn. Đẻ
hai đứa con giữa cái thời khó khăn ấy, anh vẫn kiên trì làm thơ và... nuôi heo.
Và việc nuôi heo cũng vào thơ:“Có những giọt nước cơm thừa được đổ vào xô/ Có
chiếc xe tòng tọc cột xô nước ấy sau foocbaga/ Có một người chiều nào cũng đi
chiếc xe đạp ấy/...Những giọt thơ tích tụ trên đường được nhuộm màu nước gạo/
nghiêng nghiêng nụ cười- ơi vợ- nửa vầng trăng”. Cuối bài còn ghi cẩn thận “Kỷ
niệm ngày vợ cân một tạ heo”. Nhưng rồi các con anh đồng loạt vào đại học thì
lương hai vợ chồng anh gộp lại chuyển cho chúng xong thì còn lại vừa đủ... ăn
xôi sáng. Và thế là anh chuyển sang viết báo, ban đầu là viết để lấy nhuận
bút gửi vào Sài Gòn cho con ăn học, rồi dần dần viết song hành với thơ. Cho đến
khi con cái trưởng thành, đi làm, có tiền biếu cho bố mẹ rồi thì anh tuyên bố:
“Chỉ chơi, không viết nữa”. Nói là thế nhưng không dễ buông, vừa không viết
thì biết làm gì, vừa anh em bạn bè ở các báo đặt bài, thế là lại viết, như một
duyên nợ đời người.
Chị Yến, bà xã
Văn Công Hùng làm ngành y, lấy phải ông chồng nhà thơ, không tin thơ có thể
nuôi nổi anh chứ đừng nói nuôi con, nên cứ thấy chồng ngồi trước bàn làm thơ là
buồn, mà hăng hái đi lấy nước gạo cho heo là vui. Đến lúc thấy anh viết báo có
nhuận bút, tằn tiện có thể lo được tiền học cho con thì lại thích anh viết báo
hơn... làm thơ. Có lúc nghiêm túc suy ngẫm về báo và thơ, anh cho rằng: Nghĩ cho
cùng, “hai tay hai súng” cũng có cái thú của nó, bởi chúng bổ sung cho nhau.
Nhưng cũng hết sức cảnh giác, phải luôn nhớ, thơ là thơ mà báo là báo.Viết báo
mà như thơ và làm thơ như viết báo là cách nhanh nhất tự hủy diệt mình.
Có một thời Văn
Công Hùng nghiêng về viết báo, khi anh nhận lời mời của Văn phòng đại diện báo
Văn hóa tại khu vực Miền Trung - Tây Nguyên, đóng ở Nha Trang làm đại diện tại
Tây Nguyên. Khi ấy anh đã làm báo được gần 20 năm, đã cộng tác với khá nhiều tờ
báo, đang hưởng lương chính thức tại một cơ quan báo chí văn nghệ của Gia Lai.
Ban đầu anh nhận làm cho vui vì chế độ chỉ là viết bài nào ăn (nhuận bút) bài ấy,
mà nhuận bút hồi đó thì rất thấp. Sau đó anh được “nâng cấp” lên thành phóng
viên thường trú, được mở văn phòng báo Văn hóa tại Gia Lai - Kon Tum với chế độ
phụ cấpmỗi tháng được năm trăm ngàn đồng.Mỗi tháng báo giao một số tin bài,
hoàn thành thì có khoản phụ cấp. Kinh phí đi công tác thì tự thanh toán bằng
nhuận bút. Thực ra thì lấy việc viết báo làm vui, chứ cả nhuận bút và phụ cấp
chả đáng là bao.Hồi ấy toàn xài điện thoại và fax chứ chưa có email như bây giờ,
có tháng riêng tiền trả cho bưu điện đã cao hơn tiền phụ cấp. Nhưng nó
cũng có cái vướng nữa, khi ấy Văn Công Hùng còn là người phụ trách tờ tạp chí
văn nghệ địa phương và là lãnh đạo hội văn nghệ tỉnh nên không phải lúc nào
cũng có thể thích thì đi được.Mà đã làm phóng viên thường trú thì phải nghe lệnh
tòa soạn. Thi thoảng một cú điện từ Văn phòng miền Trung – Tây Nguyên hoặc từ
“báo mẹ” Hà Nội là phải khởi động ngay, nhưng không phải lúc nào cũng… khởi động
được. Như có lần gần sập tối, mưa như trút nước, Tổng Biên tập Phí Văn Tường từ
Hà Nội gọi: “Ông chạy ngay lên Sa Thầy, chỗ di chỉ Lung Leng ấy, xem tình hình
mưa lũ ảnh hưởng thế nào, nghe nói sắp lút hết rồi, sắp xong hết di chỉ rồi.
Lên ngay viết bài, mai gửi”. Lung leng là một di chỉ khảo cổ mới phát hiện, trước
đấy anh đã viết mấy bài để bên điện lực phải dừng khởi công cho khảo cổ
vào làm trước, xác định đây là di chỉ quan trọng, không được cho ngập nước. Giờ
thì nó ngập thật, nhưng không phải do thủy điện, mà do… trời. Anh trả lời tổng
biên tập là nhà anh cách di chỉ gần 100 cây số, giờ là sập tối, trời mưa không
thấy gì, không thể lên được, nhưng anh sẽ điện nhờ chiến hữu trên ấy, có gì sẽ
báo cáo. Tức là làm thường trú thì phải luôn trong tư thế cơ động. Một là mình
tự cơ động theo việc của mình, và hai là lệnh cơ động của “trên” gồm cả “báo mẹ”
ở Hà Nội và Văn phòng báo ở Nha Trang.
Nhớ hồi năm
2001 Tây Nguyên có biến, lệnh của trên là báo chí nội bất xuất ngoại bất nhập.
Ngay cái buổi sáng có biến ấy, giữa tâm sự kiện, Tổng Biên tập Phí Văn Tường từ
Hà Nội có đến mấy cuộc điện thoại cho Văn Công Hùng bảo nếu không được viết bài
thì cứ ghi nhận hết sự kiện, sẽ có ích. Sau đó tổng biên tập còn tăng cường người
của Văn phòng báo Văn hóa từ Nha Trang lên chi viện. Anh đón các anh Hà Bình,
Lê Bá Dương và Khuê Việt Trường đưa vào Đắc Sơ Mây, là điểm nóng nhất khi ấy,
khi đến nơiđược dân làng mời cả rượu, nói chuyện thân thiện như… chưa từng có
việc xảy ra mấy hôm trước. Ngay cuộc giao ban báo chí tuần sau do Ban Tuyên
giáo Tỉnh ủy chủ trì, Văn Công Hùng bị phê bình là đã không tuân thủ quy định,
nhưng phê bình xong thì ông Trưởng ban Tuyên giáo nói cá nhân ông thì cảm ơn
anh và báo Văn hóa đã xuống tận làng, sâu sát, nắm tâm tư nguyện vọng của dân,
đấy là hành động dũng cảm. Chừng nửa tháng sau, “lệnh cấm” được dỡ bỏ, các cơ
quan chức năng lại yêu cầu báo chí vào cuộc vì ngay từ khi sự việc đang xảy ra,
báo chí nước ngoài đã đồng loạt đưa tin, tất nhiên đưa tin một phía, nhiều tin
rất xa sự thực. Giờ cấp trên mới thấy cấm báo nhà là dại, nên bỏ lệnh. Lúc này
Văn Công Hùng đã có tư liệu nên ngay lập tức có tin bài nóng hổi và trung thực,
dù báo Văn hóa vào đến tay bạn đọc thì nóng mấy cũng thành… nguội vì đi đường xa
quá; báo chỉ in ở một điểm duy nhất là Hà Nội và kênh phát hành cũng rất… từ từ.
Có lẽ vui nhất
những năm “hai tay hai súng” là Văn Công Hùng có nhiều bạn bè. Có lần chị Yến bảo
với con gái: “Sao mẹ lại có thời đảm đang thế nhỉ, khách của ba đầy nhà và liên
tục, mà ngày nào cũng vui như tết...”. Nhiều khi nghĩ lại, anh cũng thấy buồn
cười. Quen biết đã đành, có đứa chả biết là ai, tự bảo tên này tên kia, là nhà
văn, nhà báo ở chỗ nọ chỗ kia, thế là hân hoan phấn khởi đón. Nó đến rồi còn
lôi bạn nó đến nữa, chứa hết, vô tư hết, mà là ở nhà tập thể. Có đứa nửa đêm gọi
cửa, chủ nhà mắt nhắm mắt mở dậy, nó lảo đảo say, nói em là học trò thầy Phạm
Phú Phong. Phạm Phú Phong vừa là nhà văn, nhà giáo đại học, bạn cùng khóa với
anh. Nó bảo cho em ngủ nhờ, anh lục tủ lấy cho nó cái vỏ chăn, nó chui vào giữa
hai lớp vỏ để chống muỗi, ngủ ngon lành. Sáng đưa đi ăn sáng nó bảo, sao anh
tin người thế, lỡ em là cướp thì sao?. Hồi ấy anh ở nhà tập thể, có hai cái giường
kê sát nhau, một cái giường to là vợ và hai con gái ngủ, một giường cá nhân là
giường của anh, căng một cái ri đô là phòng khách. Ngoài ấy thường xuyên có cái
chiếu, lúc nhậu thì nó là chiếu nhậu, sau đấy là chiếu ngủ của bạn bè của anh từ
khắp nơi trong cả nước
Ngẫm lại, anh
cho rằng một thời khổ nhưng vui. Mà cái thời ấy sống cũng đơn giản, mọi thứ đơn
giản, như một cuộc chơi. Có bạn bè, có thơ, anh luôn nhớ về người vợ hiền ngày
đêm sát cánh cùng anh. Bài thơ “Vợ”của anh được website VănVN.
Net của Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá là một trong những bài thơ hay viết
về phụ nữ đã thể hiện sâu sắc và độc đáo quan điểm này:
“Có những lúc
trốn xô bồ ta về tựa vào em/ như con tàu viễn dương thả neo bám vào đất mẹ/ cuộc
đời lặng thầm, cuộc đời gào thét/ trở về bên em ta trở lại chính mình…/ Đã từng
có lúc bị gục niềm tin/ ta vịn tình yêu em đứng dậy/ ta trốn chạy cô đơn bằng
bao dung nhân hậu/ mỗi khi cuộc đời buồn ta lại nhớ về em...”
Xin mãi làm “người hát rong”
Chuyện làm thơ,
làm báo của Văn Công Hùng có nhiều giai thoại, phần lớn tôi nghe thế hệ đàn anh
đi trước kể lại. Ngày tôi vào Trường Đại học Tổng hợp, anh em Khoa Văn hay kể,
Văn Công Hùng có một ước mơ “để đời” khi còn sinh viên là sau này ra trường được
hút hết điếu thuốc lá ngon mà không bị đứa nào xin hút ké. Hồi đó đất nước khó
khăn, đói kém hành hạ cái dạ dày đã đành, cái cơ thể của sinh viên cũng đói thuốc
lá, cần cái nhựa của ni-cô-tin để xoa dịu cái đói hiện tại. Sau này ra trường,
trở thành nhà văn (Văn Công Hùng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, từng là ủy
viên Ban chấp hành, đã xuất bản 13 đầu sách, trong đó có 11 tập thơ, trường ca
và 2 tập bút ký), rồi sau đó nữa làm nhà báo và giàu lên, Văn Công Hùng lại có
“tuyên ngôn” khác: “Mãi sẽ chỉ làm người hát rong” - ý nói chỉ làm thơ, rong
chơi đây đó, không cần lo nghĩ gì nữa… Còn những chuyện sau là do người ta truyền
khẩu hoặc viết lại, như là chuyện hài hước nhưng có thật một trăm phần trăm.
Hồi mới lên làm
việc ở Ty Văn hóa - Thông tin Gia Lai- Kon Tum (1981), Văn Công Hùng có dịp gặp
nhà văn Trung Trung Đỉnh. Nhà văn từng chiến đấu và sáng tác trên mảnh đất Tây
Nguyên vào những năm chiến tranh ác liệt, sau này thỉnh thoảng anh trở lại
Pleiku thăm chiến trường xưa và đồng đội. Lần nào Văn Công Hùng cũng được phân
công lo đón tiếp nhà văn. Được sự khích lệ của nhà văn quân đội, đêm ngày anh hăm
hở viết truyện ngắn.Anh mạnh dạn đưa bản thảo cho Trung Trung Đỉnh đọc thử, hồi
hộp chờ nhận xét. Nhà văn đọc xong cười, nói: “Tốt nhất theo anh sự đóng góp lớn
nhất của chú cho nền văn xuôi nước nhà là hãy đừng bao giờ viết truyện ngắn nữa”.
Bị phang một đòn, từ đó anh không bao giờ bén mảng đến thể loại truyện ngắn nữa.
May mà còn thơ để anh có cửa nương nhờ, bởi năng khiếu thơ sẵn có trong anh từ
thời sinh viên. Nhưng thật oái oăm, ngay bài thơ đầu tiên được in, Văn Công
Hùng lại bị dính “đòn”. Đó là bài thơ “Không đề”, in năm 1982, trên tạp chí Văn
nghệ Gia Lai - Kon Tum. Bài thơ chỉ có mấy câu: “Tờ lịch mỏng rụng xuống/ Một
ngày/ Trục thời gian thêm một vòng trái đất/ Ta loay hoay tìm câu thơ vừa mất/
Tóc trên đầu thêm một sợi chia đôi”. Trong cuộc họp cộng tác viên, tác giả bài
thơ bị lãnh đạo nêu ra với kết luận, tư tưởng có vấn đề, tại sao lại phải “loay
hoay tìm câu thơ vừa mất”, phải chăng đó là sự tiếc nuối cho chế độ cũ?... Tuy
tên anh không được lãnh đạo nêu đích danh, nhưng sau khi giải lao mọi người tiếp
tục họp thì không ai dám ngồi cạnh Văn Công Hùng nữa vì sợ… bị liên lụy.
Nhưng
đâu đã hết, mười năm sau, cũng chỉ qua bài thơ “Suối đá”, in trên một đặc san của
tỉnh, Văn Công Hùng bị lãnh đạo nói đây là “Nhân văn giải phẩm”, “phản động”,
thậm chí có “âm mưu bạo loạn lật đổ”. Ấy là còn chưa kể, sự kiện xảy ra vụ “án”
xuất bản cuốn “Truyện cổ Gia Lai-Kon Tum” do anh biên tập cũng có vị lãnh đạo
nêu chuyện “Sự tích Pleiku” kết luận, chuyện cổ tích dám nói xấu Pleiku. Họ suy
diễn từ một chi tiết trong truyện cổ tích theo chiều hướng xấu, rồi kết luận cuốn
sách có vấn đề, và đòi thu hồi. Ông phó Ty Văn hóa- Thông tin bị phê bình thế
là quay về cơ quan mắng “anh là người có học nhất cơ quan mà…ngu”. Sau này
Văn Công Hùng viết: “Tôi cho rằng, nhà văn tài hoa là người không kể, không tả,
mà phải viết về sự mình cảm nhận, mình chiêm nghiệm về vùng đất ấy. Những xê dịch,
những rạn nứt, những đổ vỡ... theo quy luật và cả phi quy luật, tức là các yếu
tố khách quan và chủ quan tác động vào sự phát triển, sự biến đổi. Phải đưa ra
được những dự báo chứ không kể tả, việc ấy của báo chí. Vì thế, Tây Nguyên, Gia
Lai hiện lên trong tác phẩm, nó không lồ lộ dễ dãi, không “kêu như chuông”, mà
nó chìm vào trong hình ảnh, hình tượng, nó ở giữa chữ, phía sau chữ, nó ở trạng
huống cảm xúc, ở kết cấu tác phẩm... Nó còn nằm ở phía những tiên tri, dự
báo... Nhà văn phải sống tận cùng với đời sống. Không phải sống kiểu cùng ăn
cùng ở, mà còn phải nghiên cứu, học hỏi, phải luôn liên tưởng so sánh, đau đáu
nhưng phải tỉnh, yêu thương nhưng đừng gào lên mà cần tỉnh táo...”.
Nhà thơ Phạm
Dũng, người bạn cùng Khoa Văn khóa I của Văn Công Hùng kể: “Hùng hiền. Ở lớp
tôi hồi đó khoảng một phần ba đứng về phe “cách mạng dân chủ”, theo nghĩa thấy
những khuôn khổ của Trường đại học Tổng hợp Huế quá ư chật hẹp, thấy cái sự bắt
hai đứa hôn nhau phải làm kiểm điểm, thấy cái việc thằng ấy ngủ với con ấy
không phải chuyện riêng chim bướm mà đuổi học của chúng, là vô lối. Hùng nằm
trong nhóm “dân chủ” nhưng lóm nhóm đi sau. Hùng thể hiện mạnh nhất tư tưởng
cách mạng là việc tham gia vào diễn một vở kịch sau đó bị nhà trường cấm và lên
án gay gắt. Trong vở đó, Hùng vào vai trai ngoan, diễn rất hay, hay đến nỗi hôm
rồi con bé học sau mấy khóa hỏi tôi về Hùng, Hùng nổi tiếng thế, lại bảo: “Cái
anh gì lớp anh đóng vai anh sinh viên ấy nhể, giờ làm gì rồi!”. “Em đoán xem hắn
làm gì?”. “Không lẽ anh ta làm diễn viên?”. Phạm Dũng còn chế diễu: “Tôi
không còn nhớ tập thơ trước của Văn Công Hùng ngoài một cảm giác đó là một tập
thơ của tuổi học trò. Tập đó Phạm Phú Phong viết lời tựa. Tôi nói với Phong:
“Thơ thằng Hùng dở mà mày vẫn viết được hay thế, mày khá!”. Phong cười: “Ờ, thơ
nó dở mới cần một thằng viết lời giới thiệu hay như tao”. Nhận được tập thơ “Gõ
chiều vào bàn phím”, đọc qua một lượt tôi rưng rưng một cảm xúc thật khó tả.
Như thể Văn Công Hùng lột xác, thăng hoa. Như thể Văn Công Hùng nhận được đặc
ân mà thượng đế đã thiên vị ban cho. Tôi muốn dùng từ thiên vị, bởi vì với tôi
ai làm thơ hay thì phải làm hay ngay từ khi còn rất trẻ. Thảng hoặc nếu ai đó bất
ngờ “cháy sáng” thì đời sống của người đó nhất định phải có một biến động lớn
như một cơn địa chấn bất thần tác động lên tinh thần, cảm thức và nỗi đau trong
sâu thẳm tâm hồn. Hùng không có điều đó. Cái chức vụ hữu danh vô thực
ở một vùng đất có thực mà hữu danh như Hùng không đem lại cho Hùng một đời sống
dư dả, nhưng cũng không thúc ép Hùng rơi vào khốn quẫn, bi đát. Cái cuộc sống
như vậy rất dễ làm cho người ta nhàm chán, đơn điệu, tự bằng lòng, và đương
nhiên những tác phẩm được làm ra từ những con người đó cũng khó mà có những đột
biến bất ngờ. Ấy thế mà “Gõ chiều vào bàn phím”, chỉ cần cái tên đó thôi
đã thấy Hùng khác Hùng nhiều quá”.Văn Công Hùng, hay ai khác cũng vậy, được nhà
thơ Phạm Dũng khen có thể nói là một điều xa xỉ.
Nhưng không như
các nhà thơ hay “chê” lẫn nhau, với bạn đọc thì Văn Công Hùng có cả một trời
người hâm mộ. Nhiều người trẻ nhớ về anh là nhớ về một người thơ “hát rong”
nhưng luôn suy tư, trăn trở, chiêm nghiệm về thế sự mang tính triết luận.
Có người trong đề tài nghiên cứu của mình còn đặt anh bên cạnh các cây
bút tài năng của nền thơ hiện đại Việt Nam. Người ta cho rằngVăn Công Hùng là một
con người nhiệt tình, hăng hái trong những nhộn nhịp của cuộc sống và sâu thẳm
trong tâm hồn anh luôn cháy hết mình với thơ ca. Nhưng công bằng mà nói, với
Văn Công Hùng không chỉ có thơ. Trong “gia tài” văn chương, báo chí của anh còn
có nhiều phóng sự, ký sự, bút ký có nhiều cái để đời. Gắn bó với miền đất Tây
Nguyên gần cả cuộc đời cầm bút, Văn Công Hùng từng tâm sự, suy ngẫm: "Tây
Nguyên đang rời xa đi cái gốc nguyên thủy của nó, đang bị giằng xé dữ dội giữa
phát triển và bảo tồn, giữa những vòng quay chóng mặt của ngộ nhận và cố chấp,
của cả tự ti và áp đặt, của vênh vang và ngu dốt, của thực dụng và hiếu thắng…
Chứ trong tôi, một Tây Nguyên hài hòa, nhân văn, trữ tình và đầy khát vọng
nhưng cũng rất khiêm nhường luôn luôn thường trực, một Tây Nguyên biết cứ khi
nào con người mỏi chân thì lại hiện lên một cái cây bóng mát, một Tây Nguyên có
hẳn một nghi lễ khóc trâu trước khi hiến tế, và một Tây Nguyên cương quyết
không lừa thần linh, nên dẫu nhà nước hứa rồi nhưng lại không cho thần linh ăn
trâu thì họ mang về làng để làm. Bởi họ không ăn trâu, mà là dâng hiến cho thần
linh. Sự dâng hiến tự nguyện và thành kính, nhân nghĩa thủy chung và cũng rất
giữ lời, trung thực một cách cực đoan như vậy đấy, Tây Nguyên của tôi...".
Văn Công Hùng
có nhiều bút ký hay về các vùng đất của đất nước nơi anh từng có bạn bè, nơi
anh từng đến, ở lại và ra đi trong tiếc nuối. Với Quảng Trị, lần nào đi ngang về
tắt anh đều ghé thăm, vì ở đây anh có nhiều bạn đồng môn gắn bó, cũng là mảnh đất
anh có nhiều ấn tượng. Có lần anh tâm sự: “Chả hiểu sao Đông Hà với tôi cứ như
là tiền định. Lần nào về tới Huế rồi cũng ngứa ngáy muốn chạy ngay ra Đông Hà.
Tôi đã có nhiều lần chạy xe máy từ Huế ra Đông Hà như thế, có khi dưới mưa như
trút nước, có khi dưới nắng nhòe trời, có lần chạy xe máy ra đến lúc về thấy đường
vợi xa lại vác cả xe máy lên xe đò quay lại. Mà nào Đông Hà có hoa thơm gái đẹp
cho cam (nói rõ thêm, gái đẹp thì rất nhiều nhưng không phải của mình), có
chăng chỉ là cái thứ nao nao nhớ của riêng mình với những ấn tượng riêng với những
người bạn ngoài ấy, hơn nữa, trên thế, là với cái mảnh đất đầy những huyền thoại
nhưng lại rất gần gũi, thân thiện này. Đông Hà - thành phố rất lạ. Vừa hiền
lành vừa dữ dội. Vừa chừng mực vừa căng cứng. Vừa như kiềm chế vừa như muốn
buông xuôi. Vừa như gìn giữ lại như sẵn sàng dâng hiến... Có một nỗi nhớ lặng lẽ
theo tôi về. Không chỉ đến Huế, nơi đại gia đình tôi đang ở, mà theo lên tận
Pleiku, nơi tôi đang sống và làm việc. Tôi ôm laptop ra gõ vu vơ, và thật lạ,
Đông Hà cứ hiện ra như là nó phải thế, mà nào có hẹn ước ấp ủ gì, nào có thề bồi
sông bể gì, chỉ là vu vơ, mà nó cứ đau đáu như là từ xưa lắm, tôi đã mắc nợ
Đông Hà”...
***
Bây giờ nghe
nói Văn Công Hùng đã về sống ở Thành phố Hồ Chí Minh và nhận làm giám đốc truyền
thông hay văn hóa gì đó cho một tổng công ty lớn. Tôi nghĩ chắc là anh nhẹ dạ cả
tin, hay nể lòng bạn bè cứ nhận cho có như một thời “hai tay hai súng”, hay sống
tạm ở thành phố này để gần gũi con cháu một thời gian thôi chứ ruột gan, cảm hứng
thi cao, báo chí, tất cả bạn tâm giao… đều ở thành phố Pleiku hết rồi. Hồi tôi
quyết định chuyển công tác về quê nhà, Văn Công Hùng viết rằng những người xa
phố núi Pleku, trong đó có tôi là “cứ thắt ruột mà về”. Chúng tôi “cứ thắt ruột
mà về”, còn anh thì không thể. Anh ở lại với miền đất Tây Nguyên đầy kỷ niệm.
Anh chẳng thể về đâu, anh ở lại, thậm chí có thể sau này là nằm lại với mảnh đất
Tây Nguyên xa ngái, ân tình này, như là định mệnh của đời người.
Đông Hà, tháng 3/2021
Minh Tứ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét