Thứ Hai, 29 tháng 3, 2021

LẠI PHẢI VIẾT VỀ... NƯỚC MẮM

 Tôi đã từng viết một bài về nước mắm trên trang này rồi, cái tít cũng rất... khù khoằm, nói theo ngôn ngữ mạng bây giờ, "Chuyện nước mắm và... hôn". Sở dĩ tôi trở lại là bởi, tôi vừa được tặng một thùng nước mắm Bình Định. Là người bà con mua một cái vỏ thùng nhựa đựng nước uống, loại thùng to ấy, xếp cá và muối vào đấy ướp, rồi gửi đi tặng. Đúng ngày đúng tháng thì mở vòi, cái chỗ thò ly vào để hứng nước ấy, thì giờ là hứng... nước mắm.

          Thì là một cách làm nước mắm mới, phù hợp với... thời đại, tiện lợi mà dễ vận chuyển.

          Nước mắm giờ, nó không còn là chuyện nước chấm, là gia vị mặn nhạt nữa, nó là văn hóa, là truyền thống, là lịch sử... Và vì thế mà nó... nhiều chuyện, trong đó có cả chuyện nước mắm phi truyền thống, có người bảo là loại nước mắm không làm từ cá ấy, vừa... vùng lên định chiếm lĩnh thị trường, và bị nước mắm truyền thống phản công, tỉ số hiện nay vẫn đang... nhùng nhằng, hình như chưa phân thắng bại...

          Hồi còn ở miền Bắc, ba tôi hay kể chuyện... nước mắm quê mình. Thời ấy nước mắm đa phần là nước... chạy qua xác mắm, rồi nấu nước muối, với lá chuối khô đốt để lấy màu, trộn vào. Trên đường chở tới nơi tiêu thụ, là các cửa hàng thực phẩm bán theo tem phiếu, nó còn được nhiều lần pha thêm nước lã nữa. Tới tay "người tiêu dùng" như nhà tôi thì bao giờ mẹ tôi cũng làm ngay một việc, ấy là nấu lại. Tôi không nhớ công thức nấu như thế nào, chỉ biết chắc chắn phải có mấy viên B1. Nếu không nấu nó thối ngay lập tức. Thế nên cứ đến bữa ăn mà có ba tôi, bao giờ ông cũng kể về cái món nước mắm nhĩ vùng ven biển Quảng Trị Thừa Thiên, những là cá cơm cá duội, những là trong vắt thả cục xôi vào nổi lên, những là chan cơm ăn thì đỏ môi vân vân...

          Sau 75 về quê, thì mới thấy những điều ba tôi kể không chỉ đúng mà còn rất đúng. Cỗ xôi heo ở quê, tất nhiên thời ấy đói, thì cứ 6 người một mâm, nửa mâm là xôi trắng, nửa mâm là thịt heo luộc, quê tôi gọi là phay, đặt trực tiếp trên mâm, không cần đĩa, mấy bát nước mắm nhĩ, mấy đĩa ớt bột, cứ thế... chén.

          Nước mắm, nó là sản phẩm của biển, của những cư dân đồng bằng. Nên có lần tôi buồn cười thấy có nhà văn tả bữa ăn của người Tây Nguyên ngày xưa có... nước mắm. Thời ông Núp "bắn pháp chảy máu" muối từ đồng bằng chở lên quý hơn vàng, nên bà con đốt cỏ tranh thay muối. Cái món kiến vàng làm thức chấm nai/ bò một nắng, giờ đang là đặc sản ấy, thực chất cũng là một cách bà con Tây Nguyên dùng cái chất chua chua đậm đậm của kiến thay muối thôi, chứ rừng làm gì có muối, trừ tên một truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa mới mất, và khi tôi viết bài này thì tang lễ ông đang cử hành ở Hà Nội, từ xa tôi vái vọng tiễn biệt ông thôi. Thế nên đừng ngây ngô nói người Tây Nguyên ăn... nước mắm.

          Tôi còn nhớ, cũng hồi ngoài Bắc, nhà nuôi rất nhiều gà, hồi ấy toàn tự cung tự cấp thôi, đến mùa dịch, nó chết cả loạt. Mấy cô bác trong nhà máy bàn nhau làm... nước mắm từ gà chết rù. Ngày nào cũng thì thào như buôn bạc giả, rồi chờ rồi đợi... cuối cùng nó thối oăng cả vùng, chả thể thành nước mắm. Để thấy nước mắm tưởng rất dễ, ai cũng có thể làm, nhưng té ra lại rất khó, rất tinh tế rất cầu kỳ...

Ai có đi nước ngoài rồi mới thấy nỗi nhớ... nước mắm nó rồ dại đến như thế nào, dù đối với người nước ngoài có khi nó là thảm họa hơn thảm họa Covid. Mới nhất tôi đi Đài Loan, tất nhiên là trước dịch Covid, mấy ngày thất thểu cứ thấy thiếu thiếu thèm thèm cái gì. Ngày gần cuối, cậu hướng dẫn viên đứng rất nghênh ngang giữa xe tuyên bố: Hôm nay chúng ta... liên hoan. Đoạn lôi từ trong cái ba lô bất ly thân ra một chai nước mắm quấn năm bảy lần giấy báo và nilon, và một túm ớt chỉ thiên cũng quấn kỹ như thế. Khỏi phải nói trưa ấy ăn uống nó ngon thế nào. Và té ra, cũng biển, mà Đài Loan nhiều biển hơn Việt Nam, tứ phía là biển, nhưng dân Đài Loan lại không có... văn hóa nước mắm. Tất nhiên là bằng kinh nghiệm dẫn khách, tay hướng dẫn viên phải rất khôn khéo để lọt nước mắm và ớt chỉ thiên Made in VN qua cửa khẩu, và trưa ấy, anh chàng này cũng bố trí để đoàn Việt Nam ngồi riêng một phòng để ăn nước mắm, chứ ngồi chung có khi các đoàn khách tây lại kiện lên tận... liên hiệp quốc, bởi với dân ta, mùi nước mắm nó thân thuộc hơn mùi... người yêu, chứ tây, nó là cái thứ khủng khiếp nhất trên đời...

Nước mắm loại ngon nhất gọi là nước mắm nhĩ. Là loại nó nhỏ giọt trực tiếp từ thùng chượp, tức là cá ướp. Tùy công thức, liều lượng muối và loại cá, và vùng biển mà nước mắm nhĩ từng nơi khác nhau, từ màu sắc tới độ ngon. Có loại ngon từ đầu lưỡi, loại ngon cổ họng, loại tới dạ dày. Và tôi thề, những vùng nước mắm nổi tiếng, vùng nào cũng gân cổ cãi nước mắm vùng mình là nhất. Nhưng nói gì nói, miền Trung vẫn là nơi có nhiều địa danh nước mắm lừng danh, những là Sông Cầu, những là Gành đỏ, những là Nha Trang vân vân. Nhà thơ Giang Nam sau khi về hưu thì cùng vợ, cái cô du kích ngày xưa trong thơ ấy, mở lò nước mắm tại nhà. Ông bà làm vì tình yêu nước mắm, vì sợ nghề của bà thất truyền, chứ chắc cũng không phải bức bách vì kinh tế lắm, tuy thế ai tới Nha Trang ghé nhà ông mua nước mắm là ông vui lắm, ra tận nơi bắt tay khách, cười hể hả tận tình.

Sau khi "nhĩ" ra hết nước cốt thì người ta cho cái bã ấy vào nấu, thành nước mắm loại 1, và tùy để có loại 2, 3... cuối cùng cái bã ấy thì hoặc cho heo ăn hoặc bón ruộng.

Nhớ hồi còn bao cấp, một nhà văn nổi tiếng ở Hà Nội dẫn tôi đi ăn "phở gia truyền". Ông cẩn thận lôi từ trong cái túi vải kềnh kệnh bên người ra một chai nước mắm nhỏ như chai nước hoa, vẩy vài giọt vào bát phở, rồi hân hoan giải thích cho tôi: ăn phở phải "rắc" thêm mấy giọt nước mắm ngon, nó mới ra phở. Tôi dùng từ rắc là bởi, đúng là cái chai nước mắm ông mang theo quá nhỏ, và ông nghiêng rất khéo đủ để đâu chừng 3 giọt nước mắm, sau mấy giây tần ngần ở miệng chai, thì nó rơi xuống cái muỗng, rồi ông dứt khoát nâng miệng chai lên, đóng nút. Hồi ấy Hà Nội có mấy bác "có điều kiện" đi ăn phở còn gói theo nhúm mì chính, hoặc quả trứng gà, tới quán thì hết sức cẩn thận đưa cho bếp cho vào bát phở của mình rồi hể hả ăn. Thì tôi kể với ông nhà văn đàn anh rằng, quê tôi ấy, các bà nội trợ giỏi, bao giờ khi nấu thức ăn cũng nêm nó non non một tí. Cái "một tí" còn lại kia, để dành cho bát nước mắm nhĩ giữa mâm. Cháo gà cháo cá chẳng hạn, cho thêm một chút nước mắm tiêu xay thì nó mới lên hết độ lừng lẫy, cháo vịt thì lại nước mắm ớt bột, nhưng bún thì lại nước mắm ớt tươi, chứ tiêu nó lại hỏng bún vân vân. Ông trợn mắt nhìn tôi: thôi, vua... nước mắm đây rồi, tớ không giải thích nữa, ăn đi...

Thì từ nhỏ tôi đã biết rằng, từ nước mắm cốt, người ta làm ra hàng mấy chục thứ nước chấm khác nhau cho nhiều loại thức ăn khác nhau. Chấm gà vịt ngan ngỗng nước mắm khác nhau. Cua lươn ốc ếch khác nhau. Các loại rau luộc cũng khác nhau. Các loại đồ rán cũng khác nhau. Hồi có bà cô vợ, dân Hà Nội gốc vào nhà tôi, tôi làm món nem cua bể đãi bà. Bà bảo nhưng để bà làm nước chấm. Khi xuống bếp thấy tôi đang tỉ mẩn thái cái cuống bắp cải và đu đủ để pha nước chấm thì bà bảo: thôi, tôi lên, nhìn thế là biết anh thế nào rồi...

Ôi nước mắm. Thế đã được phong lên hàng quốc hồn quốc túy chưa ạ?

Bài trên Reatimes ạ, Nó đây ạ.



                                                                       

 

12 nhận xét:

Nguyễn Chân nói...

Viết về nước mắm mà như thơ, những người làm mắm truyền thống mà không tri ân tác giả bài viết này thì thật là vô tình! Lần khác nếu có "làm thơ" về nước mắm thì nhà thơ ngó qua nước mắm Tam Quan (Bình Định) thử xem sao nhé.

Nguyễn Nguyên nói...

Một bài thơ về nước mắm, những người làm mắm truyền thống mà không tri ân tác giả bài viết này thì thật là vô tình! Lần khác nếu có "làm thơ" về nước mắm thì nhà thơ ngó qua nước mắm Tam Quan (Bình Định) thử xem sao nhé.

Văn Công Hùng nói...

Hihi cám ơn bạn ạ. Mắm Tam Quan tôi cũng thời rồi, nhưng chưa hiểu kỹ ạ.

Hongtran nói...

Còn nước mắm Phú Quốc nữa bác Hùng ạ.

Que Son nói...

-Anh Hung va ban doc than men! May luc nay, dia sun cot song co no chen than kinh van dong tay trai kha nang. Chay du nhieu bv, thay thuoc, van khong thuyen giam. Buon. Khong chiu mo. Va song chung voi benh liet tay.
-Noi nao dong song ngan, chay doc, hai san cua song vung bien ay thom ngon. Trung bo nuoc ta hoi du dieu kien ay. Nguoi Phap goi nuoc mam Viet la saumure. Ve sau biet saumure la nuoc cham nen da giu nguyen tu 'nuoc mam' cua VN. Ai da tung Au du, lau ngay ghe quan an Viet, gap chen nuoc mam co ot tuoi, se cam nhan duoc tinh yeu To Quoc!
Huong lieu nuoc mam Viet khong the lua duoc thuong hieu nuoc mam truyen thong.
-Ngoai chu de mot chut: Gia nhu Ong Trong nhuong ghe cho d/c cua minh, ngoi trong chi bao, nhiep chinh. Hinh anh Ong Trong se tuyet voi. Tuoi tieu uot quan, tiec quyen luc lam chi, phi hoai bao nam xay dung nhan cach, hinh anh. Oi quyen luc! Oi quyen luc! Nhung 77 tuoi van chua dut con me dam!

Văn Công Hùng nói...

@ Hongtran: Có ở đây rồi ạ: https://www.vanconghung.com/2019/05/chuyen-nuoc-mam-va-hon.html#more
Bạn chịu khó cop link rồi dán vào để đọc ạ, ở đây nó không cho tài link sống.

Hongtran nói...

Cám ơn bác.

Hongtran nói...

Cám ơn bác.

Quế Sơn nói...

+Nơi nào có cửa sông đổ ra biển mà dòng sông đó ngắn, nước chảy dốc thì hải sản, tôm cá vùng biển ấy thơm và ngon. Mắm miền Trung phải ngon hơn mắm miền Nam, miền Bắc là vì thế.
+Thằng Pháp ban đầu gọi 'mắm' là saumure. Nhưng saumure có nghĩa là nước chấm nên sau đó và mãi tới bây giờ vẫn gọi 'nước mắm'. Ai từng Âu du, cả tuần lễ mà không dùng nước mắm mới thấy nước mắm và tổ quốc khăng khít nhau như thế nào.
+Mấy lúc nay ít còm vì tay trái liệt, vận động hạn chế. Anh Hùng và bạn đọc thứ cho!

Văn Công Hùng nói...

Bác Quế Sơn:
Nế bác về kiến thức nước mắm, hihi.
Chia sẻ với bác về cái tay của bác ạ. Cố lên.

Loa hộp chất lượng cao nói...

Kể chuyện về nước mắm mà như hồi tưởng về quê hương khi đang xa xứ vậy, rất duyên và gần gũi đến lạ thường

nguyễn thi hậu (0388905258) nói...

bac cho con số điện thoại.con gửi tặng bác ít mắm cá cuả quê hương Quảng Trị do chính tay bố mẹ con làm ra nhé.
số điện thoại con ạ 0388905258