Ngày thơ Việt Nam năm nay lại tiếp tục không tổ chức được do covid. Cái con virus bé tí chả ai nhìn thấy ấy té ra lại có sức mạnh công phá kinh khủng, khiến cả thế giới điên đảo, nên cái sự ngày thơ không tổ chức được có khi lại... may. Bởi nói thật, thời kỳ đầu thì còn hăm hở phấn khởi lắm, nhưng càng về sau nó càng nhạt. Bởi không có gì mới, bởi đồng loạt làm lấy được để nó lòi ra một việc là, té ra cứ tưởng Việt Nam là "cường quốc" thơ, nhưng khi cần thì lại rất ít nhà thơ và cả các bài thơ hay. Từng ấy khuôn mặt quanh đi quẩn lại, nên nó nhạt. Vả, làm gì cũng phải đầu tư, đây cứ tới ngày cấp trên sức công văn xuống, rồi... có gì làm nấy, nên cái sự ấm áp không mà trang trọng cũng không luôn...
Nhưng
lại là, không tổ chức theo kiểu truyền thông song những người làm thơ yêu thơ vẫn
có cách để thể hiện tình yêu thơ của mình, mà cái cuộc thi thơ online của một
Group văn chương có tên là Quán Chiêu Văn phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật
Thái Nguyên là một ví dụ.
Quán
Chiêu Văn nôm na là một câu lạc bộ văn chương hoạt động online trên mạng, thành
lập ngày 30/4/2018, hiện có tới hơn ba mươi ngàn thành viên, có gần ba ngàn
thành viên ở rất nhiều nước trên thế giới, gồm những người làm thơ và yêu thơ,
hoạt động rất sôi nổi, không vụ lợi, thấm đẫm không khí văn chương, tôn trọng
nhau và tôn trọng văn chương. Cái câu lạc bộ này mới chỉ 3 năm, nhưng đã tổ chức
nhiều cuộc thi, có nhiều sản phẩm văn chương như sách, phim tài liệu, rất nhiều
tác phẩm lẻ được chọn in báo, tạp chí, có những cuốn sách in ra gây tiếng vang
trong giới, nhiều cuộc offline vui vẻ và bổ ích, tầm hoạt động và ảnh hưởng khá
lớn, trong cả nước và cả ở nước ngoài. Thế nhưng lại hoàn toàn tự chủ về kinh
phí, hết sức công khai rành mạch, có một ban quản trị kiêm nhiệm coi việc quán
như việc nhà... khác các hội VHNT của nhà nước, được cấp ngân sách hoạt động
nhưng một số hoạt động không hiệu quả, thậm chí còn kiện cáo nhau, hoạt động rất
nghiệp dư...
Thì
nó mở ra một cách hoạt động mới của giới văn chương. Trước đấy đã có khái niệm
văn học mạng, là để chỉ những người sáng tác rồi đăng trên mạng (blog, web,
facebook), in thành sách rồi cũng bán trên mạng. Còn đây là một tổ chức, rất lỏng
nhưng lại cũng rất chặt. Theo dõi trên quán Chiêu Văn thấy hầu như chưa có các
cuộc cãi vã phi văn chương phi văn hóa nào, trong khi ở các hội Văn học Nghệ
thuật, nó không phải là hiếm.
Trở
lại cuộc thi thơ online mà tôi đề cập, chỉ trong vòng 40 ngày, hơn 500 tác giả
đã gửi thơ dự thi, rất nhiều người là các nhà thơ chuyên nghiệp, hội viên Hội
Nhà Văn Việt Nam và hội viên các hội VHNT địa phương. Nhiều nhà thơ nguyên là
lãnh đạo các hội VHNT, chủ tịch, phó chủ tịch hội, nhiều nhà thơ từng đạt giải
cao ở các cuộc thi thơ uy tín trên cả nước... cũng dự thi.
Nó
chứng tỏ, đây là cuộc thi uy tín.
Thì lâu nay chúng ta chả hay
có cái quan niệm: Thơ câu lạc bộ, thơ phây búc với hàm ý rẻ rúng là gì? Và khổ
là, quan niệm ấy từng không sai.
Nhưng đến giờ thì nó khác,
ít nhất với cách hoạt động như của Quán Chiêu Văn này.
Nói online nhưng vẫn có những
cuộc gặp mặt (offline) rất thú vị. Ban quản trị của quán, những người vác tù và
thiên hạ ấy, vẫn tổ chức những cuộc gặp nhau trong vùng hoặc liên vùng. Ví như
các cuộc ở Tây Nguyên, ở Sài Gòn..., cuộc ở Nghệ An Hà Tĩnh, có hẳn chủ đề
"Về miền Ví dặm" hết sức vui và bổ ích. Nó cũng chả khác bao nhiêu
các cuộc trại sáng tác, hội thảo, tham quan... mà các hội VHNT chính quy hay
làm. Chỉ khác, những cuộc của quán Chiêu Văn tổ chức là tự nguyện, tự giác và tự
túc kinh phí.
Online nhưng sách cũng vẫn
ra tơi tới. Như đã nói, 8 đầu sách có giá trị đã xuất bản trong 2 năm qua (quán
mới thành lập được 3 năm), và có người đọc. Nói có người đọc bởi thật sự giờ
người đọc sách khá ít, có người được tặng cũng không đọc. Đây, xuất bản phải
đăng ký mua, chất lượng lại cũng khá, thêm nữa, nó chính là sách của mình do
mình và vì mình thì đọc là đương nhiên. Trong thời buổi hiện nay mà có cuốn của
quán tira lên tới hơn chục ngàn thì quả là đáng nể.
Có tới 15 cuộc thi văn chương lớn nhỏ, gồm văn xuôi, thơ, bút ký, tản văn, viết
về chiến tranh, về miền núi, cho thiếu nhi.... Dẫu mạng, dẫu rất đông thành
viên, dẫu hầu như chỉ biết nhau chứ không gặp nhau, nhưng các thành viên đọc
nhau rất kỹ và rất tôn trọng nhau, và hay là, cách tổ chức thi, chấm giải rồi
trao giải rất trang trọng. Các ban giám khảo được ban chủ nhiệm quán mời toàn
là các nhà văn nhà thơ nhà báo có uy tín, chấm độc lập với ban tổ chức, hàng mười
mấy cuộc thi như thế, hầu như khi công bố kết quả đều được thành viên quán tâm
phục khẩu phục.
Hiện nay cái quán Chiêu văn này còn mở thêm kênh
Youtube và Website để văn chương của quán lan tỏa hơn.
Lại nói ngày thơ vừa rồi, ngoài việc cuộc thi thơ
online chủ đề "Tổ quốc và mẹ" do quán Chiêu Văn và Hội VHNT Thái
Nguyên trao giải đúng rằm, phát online trực tiếp trên Youtube và Facebook rất rầm
rộ, thì một số các nhà thơ ở Hà Nội cũng vào trụ sở báo Nhân Dân, ngồi ngay ở
cái gốc đa cổ thụ của báo, đọc thơ và Livestream. Rất đông người đã hào hứng
theo dõi các "cuộc thơ" mới mẻ, hiện đại và lý thú này.
Và rõ ràng là, ở thời đại 4.0 lại có Covid luôn
"kèm cặp" chưa biết bao giờ hết này, hoạt động online là một "lối
mở" cho giới sáng tác và cả công chúng, để văn chương vẫn tiếp tục nhịp chảy
của mình, đóng góp vai trò của mình vào tiến trình phát triển của xã hội, vào
tiến trình thỏa mãn nhu cầu của con người, bởi, trong từng con người, luôn có
những góc, những nhu cầu văn chương, nhu cầu văn hóa. Có điều, nó được khơi gợi,
được đánh thức như thế nào, ra làm sao?
Thì cũng như hồi đầu, chúng ta chuyển từ sáng tác
bằng bút sang máy tính. Nhưng gì thì gì, giá trị của văn chương cũng không đổi,
và lượng cảm xúc, chất lượng nghệ thuật cũng vẫn phải như thế, có chăng, chỉ là
để thuận lợi hơn, phù hợp hơn, và tận dụng công nghệ hiện đại hơn...
Như thế, cũng là thuận ý... trời chăng?...
1 nhận xét:
Đã làm thơ thì phải giàu cảm xúc và có sự cảm nhận sâu sắc về cảnh tượng trong thơ
Đăng nhận xét