Thứ Tư, 9 tháng 12, 2020

ĐI HOÀI KHÔNG HẾT MỘT CƠN MƠ

 Cô này là Đào An Duyên, nhà văn nhà giáo, thạc sĩ văn chương, đề tài thạc sĩ là... thơ Văn Công Hùng và sinh thái môi trường chi đó. Tranh thủ đọc thơ nhà cháu mần luận văn, cổ nhón tay viết về tập thơ mới nhất của nhà cháu, tập "Trong cơn mơ có thực". Cổ bảo viết dài lắm, nhưng khuôn khổ tờ báo chỉ cho từng ấy chữ, nên đành...

Mà nhà cháu có mục "Bạn bè viết về VCH", bấy nay chịu khó đăng vào đây lắm, để lưu, gần đây lười, từ giờ sẽ siêng trở lại, có chi mô nơ.

------------------------------

(Đọc “Trong cơn mơ có thực” của nhà thơ Văn Công Hùng)

                                                                ĐÀO AN DUYÊN



Văn Công Hùng - tác giả quen thuộc với người yêu văn chương cả nước qua  cả mảng thơ ca và báo chí - lại vừa cho ra đời cuốn sách thứ 13 trong sự nghiệp sáng tác của mình, tập thơ “Trong cơn mơ có thực”. Tập sách dày dặn gồm gần 70 bài thơ, được NXB Hội Nhà Văn xb, phát hành vào đầu năm 2020.


 Với gần bốn thập kỉ gắn mình với đất và người Tây Nguyên, cũng là chừng ấy thời gian Văn Công Hùng say sưa trong hành trình sáng tạo thơ ca. Nhắc đến ông, bạn đọc nhắc đến một cây bút sung sức của Gia Lai nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung. Đồng hành cùng những thế hệ nhà thơ bằng hành trình riêng, ông đã tạo cho thơ mình một giọng điệu riêng, một phong cách riêng, thể hiện một khả năng cảm quan nghệ thuật vừa mang dấu ấn cá nhân, vừa bắt kịp được đời sống đương đại.

Trong cơn mơ có thực” tập hợp những sáng tác của Văn Công Hùng ở thời điểm từ lúc ông chuẩn bị nghỉ hưu đến nay - sau khi ông đã tạm khép lại những bộn bề của đời sống công sở. Có lẽ vì thế, thơ ông cũng tung tẩy, phóng khoáng, “thoát xác” khỏi những gò bó ràng buộc khuôn thước. Đọc thơ, ta có thể nhận thấy dấu ấn của những miền đất in đậm qua mỗi bước phiêu du của nhà thơ. Từ những địa danh trong nước như Sài Gòn, Đồng Nai, Đăk Nông, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Huế, Ninh Bình, cho đến những đất nước khác như Đài Loan, Ấn Độ… Đến nơi nào, ông cũng có những chiêm nghiệm rất riêng: “nước chia hai Đồng Nai chia mấy/ cù lao Phố không còn làng/ bỏng rẫy ước mơ lá xanh” (Phía bâng khuâng).

          Như đã nói, Văn Công Hùng có gần 40 năm vui buồn, nhọc nhằn, sướng khổ với Tây Nguyên. Bởi thế, miền đất ấy như định vị sẵn trong tâm trí, tình cảm của ông, để rồi nó cứ ghim chặt ở một khoảng nào đó trong ngồn ngộn, trập trùng câu chữ. Tây Nguyên trong thơ Văn Công Hùng không chỉ là tên của địa danh cụ thể nào đó, mà nó gắn chặt với đất, với người, với những cánh rừng, con suối, thác nước, dốc đèo… Rồi mịt mùng, thăm thẳm, bày ma trận trong câu, trong chữ: “Thôi thì tháng giêng cứ cơn cớ vu vơ mà gieo vào thương nhớ/ người ở tận đâu rồi sao vẫn tiếc chỗ ngồi quen/ vỉa hè rét ly cà phê bốc khói/ mầm vênh vao ngoằng ngoẵng phía thông già” (Thôi thì tháng giêng). Rõ ràng, nhà thơ chẳng nói mình đang ngồi ở đâu, nhưng cái “ly cà phê bốc khói” bên vỉa hè dưới gốc thông già trong thơ đã ngầm thông báo cho người đọc địa chỉ cụ thể rồi.

Văn Công Hùng gửi gắm rất nhiều suy nghĩ về thơ, về sứ mạng của nhà thơ và thơ ca qua chính những sáng tác của mình. Với ông, thơ chính là những cung bậc cuộc sống của con người và thế giới xung quanh, kích thích cả người viết và người đọc mở ra thế giới mới. Ở vào độ sâu sắc của trải nghiệm đời người, hơn nữa, lại nhạy cảm và có trách nhiệm với thời cuộc, ông luôn bộc bạch những ưu tư về cuộc sống: “những ngày này lò đốt lên rừng rực/ củi khô củi tươi cháy tuốt thành than/ báo chí trang một giăng ngang đại án/ quan tòa trịnh trọng thay lời thánh nhân/…/ bạn bè tôi ơi mỗi người mỗi phận/ cuối đời gặp nhau giản dị là cười/ mặc kệ bão giông mặc T mặc X/ có mặc được không/ ơ sao lại buồn?” (Những ngày này…).

Không chỉ ưu tư nỗi niềm thế sự, đọc thơ, ta còn bắt gặp một Văn Công Hùng nhân văn trong từng nếp nghĩ. Thơ ông chan chứa tình yêu thương. Thương một “Người lính già khóc trên ti vi” vì “năm anh em giờ nhõn một mình”. Thương những phận người như lá tre dập dềnh trên biển nước: “miền Trung lại một lần tan hoang/ những phận người lá tre trong gió/ tre dẫu dẻo nhưng lá thì mảnh/ lá như phận người quăng quật hố đen / … / miền Trung lụt thành thương hiệu/ hỏi nhau nhà mày nước rút chưa?” (Miền Trung cả đời thương khó mãi sao?).

          Một điều người đọc có thể nhận thấy trong tập thơ này, Văn Công Hùng nhiều lần nhắc đến tuổi tác. Chúng ta cũng có thể đọc được sự tiếc nuối trong ông, đó là nỗi nuối tiếc tuổi xuân trai trẻ đã trôi qua. Từ xa xôi ẩn dụ bày tỏ: “anh rất lấy làm tiếc/ khi chiều qua mất rồi/ tiếc những tia nắng muộn/ rụng đầy trên mặt sông”, đến minh triết hiển ngôn hốt hoảng tiếc: “anh rất lấy làm tiếc/ tuổi vừa trôi qua đầu/ mắt môi còn ngọt thế/ làm sao mà bể dâu/ anh rất lấy làm tiếc/ mùa thu trôi vèo vèo/ bàn tay đương lơ đãng/ túm vào một vết xanh” (Tiếc).

Vậy nhưng, tình yêu trong thơ Văn Công Hùng lại không hề có tuổi. Nhân vật trữ tình “em” như một mạch ngầm chảy tràn trong thơ ông, bí ẩn, trẻ trung, trong trẻo mà bừng thức: “em lướt qua khu vườn ngợp tưởng tượng của anh/ quầng sáng mong manh cháy bùng mùa thu cũ/ trong xa vắng cái nhìn ngoái lại/ chợt rùng mình buốt một nỗi không tên” (Nghĩ về một nơi rất xa). Và: “em từ miền không tưởng/ đậu xuống ngày hồng hoang/ chiều run như động đất/ núm lên khe đồi nghiêng” (Trong cơn mơ có thực).

             Với Văn Công Hùng, từ hành trình cuộc sống, ông đã đến với thi ca như một mối duyên nợ tự nhiên và mang nặng những đam mê cháy bỏng. Bên cạnh một Văn Công Hùng luôn nỗ lực vượt lên hoàn cảnh và khám phá những miền đất mới, còn song song chất chứa một tâm hồn nặng nợ với thi ca. Những tác phẩm của ông lần lượt được xuất bản và luôn luôn được bạn đọc đón nhận. Đó chính là niềm hạnh phúc mà bất cứ tác giả nào, trong cuộc đời cầm bút của mình đều mong đợi. Có thể nói, đó là hành trình sáng tạo cần mẫn, không mệt mỏi của ông để kết tinh thành những giá trị văn chương lấp lánh. Dẫu thơ Văn Công Hùng thực sự không hoàn toàn có sự cách tân bứt phá về mặt hình thức, đôi khi ông còn lặp lại mình ở nội dung. Thế nhưng, yêu thơ và dấn thân với đam mê đã là một điều đặc biệt đáng trân trọng ở Văn Công Hùng. Đúng như ông đã bộc bạch trong thơ: “có những chân trời rất xa/ đời người đi hoài không hết/ thương người miên du mải miết/ sông trôi như lễ hiến mình” (Sương em). Và tôi dựa vào ý thơ đó mà “lẩy” ra rằng, ông đi hoài không hết một cơn mơ.

Văn Công Hùng quan niệm: "Viết không bao giờ là trò chơi, mà là cuộc vật lộn khổ sở, là nghiệp đeo đẳng suốt đời. Chữ không làm cho người no, nhưng cho ta cảm giác bình an, và như thế là hạnh phúc. Nhiều hay ít là do tài năng từng người, nhưng được một câu thơ một bài báo có ích là mong mỏi của tôi, người viết”. Với cả một quá trình tích lũy dày dặn, chưng cất và khẳng định mình, có thể thấy rằng, những tác phẩm của Văn Công Hùng có những giá trị thẩm mỹ nhất định, khẳng định một phong cách thơ với ngôn ngữ và giọng điệu riêng. Con đường thơ của ông là một cuộc hành trình bền bỉ, vượt lên trên hoàn cảnh để tự viết nên tên tuổi của chính mình. Hành trình đó còn là sự tìm tòi, khám phá vẻ đẹp của con người, thiên nhiên và cuộc sống; những trăn trở, suy tư, hoài niệm, những triết lý, chiêm nghiệm trước cuộc đời… Tất cả hòa quyện để tạo nên một hồn thơ, một thế giới thơ phong phú và đa dạng...




                                                                                               

 

 

2 nhận xét:

Quế Sơn nói...

+ Cô giáo Đào An Duyên thân mến! Đọc đi đọc lại nhiều lần đoạn văn Cô dùng từ "chập trùng", rất cẩn trọng của một người từng là đồng nghiệp, đồng khoa với Cô, xin góp lời thế này: Từ Cô chọn dùng là sai và không có trong vốn từ vựng tiếng Việt. Chuẩn nhất, đó là TRẬP TRÙNG (Cái này gối lên cái kia liên tiếp nhưng không đều nhau). Trong từ láy có vần "ÂP" đứng trước, thì, từ ấy luôn trái nghĩa với từ liền sau. "Trùng"=> đều nhau. "Trập"=> không đều nhau. Ví như, "bập bùng"=>bùng: cháy lên; bập: lửa hạ ngọn xuống thấp=> Lửa trại bập bùng.
+ Cũng vì cùng nhau gìn giữ sự sáng trong của tiếng Mẹ. Cô vui nhé!

Văn Công Hùng nói...

Hihi có lỗi của em nữa, em đã... không đọc lại ạ.