Tự nhiên lại nhớ những cái nhà vệ sinh một thời.
Trước đấy thì
kinh hoàng lắm, không dám kể nữa, vì nó tởm không chịu được. Chỉ nhớ mỗi khi
tôi đi dạy hoặc nói chuyện, giải thích câu "Nhất quận công, nhì ỉa đồng",
chỉ cần nói rằng ỉa đồng được xếp thứ 2 sau quận công là đủ biết rồi, dù cỏ quệt
mông ư, sương bám đít ư, vừa hành sự vừa di chuyển ư, có khi lại giẫm phải
chính sản phẩm ư... giờ chỉ bằng 1/ triệu lần ngồi toilet xịn, nhưng ngày xưa đấy
là tự do, là sung sướng, là hạnh phúc, là mênh mang rộng mở... bởi nếu không sẽ
phải chui vào cái gọi là... nhà cầu, mỗi nơi một cách gọi, nhà tiêu, nhà xí,
sau này văn minh thì gọi là nhà vệ sinh dù nó... mất vệ sinh nhất. Cũng như thế,
cái hành động đi ấy cũng rất nhiều cách gọi mà thống kê cho hết có khi làm được
cả một chuyên luận.
Thông thường nó là cái hố, bắc tấm ván, là sang, không thì đoạn tre, vừa ngồi vừa... nín thở, vì khúc tre nó xoay, hoặc chân mình... xoay, thì tòm xuống hố ngay.
Mà dưới ấy,
giàng ơi, có nên kể hoặc tả không nhỉ? Thôi nhé. Chỉ biết là cái và nước hỗn độn,
và lúc nhúc là... dòi. Mà nắng, cái mùi cái mùi cái mùi nó bốc lên mới khủng
khiếp làm sao?
Nam Bộ dù sao
cũng văn minh hơn, vì tòm xuống là cá tra xơi ngay, mất dấu vết. Còn ở đây, nó
lưu cữu ở đấy, nó tờ hơ ở đấy, nó chen chúc nhau ở đấy. Hà Nội may mắn là những
ngày tháng oai hùng ấy có hẳn một xã chuyên đi lấy phân tươi về... bán. Hoành
tráng như đi hội. "Thanh niên Cổ Nhuế xin thề/ chưa đầy hai sọt chưa về
quê hương". Nhớ anh Nguyễn Huy Thiệp có cái truyện ông thẩm cứt. Mỗi sáng
hàng trăm gánh cứt tề tựu ngăn nắp ở một địa điểm đẹp đầu làng. Ông này chỉ việc
đến từng gánh cứt, quệt phát, ngửi phát là phán ngay cứt loại nào, ai cũng răm
rắp nghe, không cãi được vì ông có... thâm niên cứt, mũi cực thính. Có đứa cãi
thì ông phải vén cao ống tay áo, thọc tay xuống đáy sọt rồi rút lên ngửi, bảo
mày độn cứt xấu ở dưới, cứt bo bo. Cứt mì sợi nó... đẹp hơn, chất hơn, he he...
Là nhớ đầu những
năm 80 thế kỷ trước, chính xác là 1981 tôi từ Huế lên Pleiku nhận công tác. Ở
cái nhà tập thể là khu gia binh của chế độ cũ. Các "đồng chí" chế độ
cũ văn minh, làm nhà cầu tự hoại trong nhà, nhưng đa phần là hỏng. Thì cái gì
cũng tống xuống dưới ấy. Ngay cái nhà 5 tầng khu Đống Đa của cán bộ đại học Huế
một thời hoành tráng thế, có lần tôi về thấy... thối um cả khu. Té ra là nhà
ông thầy trưởng khoa có mấy cháu ở quê vào ở nhờ để thi đại học, chuyện thường
ngày mỗi mùa thi, các cháu nhét băng vệ sinh xuống nhà cầu, mà hồi ấy toàn cầu
xổm, miệng và ống bé tí. Thế là nó tắc. Phải đi tìm từng tầng, tìm được rồi thì
đục ra, thối um cả vùng. Thế nên để an toàn, cơ quan tôi hồi ấy cho làm dãy nhà
vệ sinh giữa hai dãy nhà. Khỏi tả nhé, đại loại có 2 cục gạch kê chữ V để chân,
có cái lỗ để oạch xuống, có... câu thơ, đại loại là ỉa trúng lỗ mới tài, à nhớ
rồi, nó đây: "Ỉa cho đúng lỗ mới tài/ nếu ỉa ra ngoài kỹ thuật còn
non". Nhưng đa phần là những người... không tài, kỹ thuật non, thế mới khổ.
Mà kể cả có tài, xuống dưới kia, nó cũng... không dám nhìn xuống. Mỗi lần phải
đi "xử lý công việc" là lấy lọ dầu xoa mũi, vào rồi thì mắt nghiêm
nghị nhìn thẳng. Thế nên mới đọc những dòng thơ trên cánh cửa của những đứa...
táo bón, he he...
Kinh lắm á.
Không kể nữa.
Thế mà mới
đây, một ông nhà thơ, tiến sĩ ngôn ngữ, ra hẳn một tập thơ về... cứt, tập
"Tục thi" của Đỗ Anh Vũ, mà đọc rất nồng nàn, rất này nọ, bán được,
và có bài viết về tập thơ này rất thú vị in báo lớn hẳn hoi.
Ơ kìa, nó là
một trong tứ khoái của con người mà. Là nói cái hành động ấy, còn sản phẩm của
hành động, thì nó là "Nhất nước nhì phân tam cần tứ giống...". Lại vẫn
cứ phải là nhì trong tứ cái quan trọng của đời cây lúa.
Còn ở Tây
Nguyên, nơi tôi sống mấy chục năm, thì bây giờ, về làng, buổi sáng đi giải quyết
nhu cầu, đều phải cầm theo cây... gậy. Chó và heo rất tinh, cứ thấy người nháo
nhác hướng vào rừng là lon ton chạy theo. Cây gậy là vũ khí bảo vệ để yên tâm
mà ngồi. Thế mà nào có yên tâm. Hình dung đi, cùng lúc cả mấy con chó, lợn nó
xông vào thì làm sao mà yên tâm... hành sự. Có lần đi công tác, mấy đứa cả nam
và nữ rủ nhau đi rồi ngồi thành... vòng tròn, mặt quay ra ngoài, tất nhiên tay
vẫn cầm gậy. Đấy là cách bảo vệ nhau để... an tâm hành sự.
Trong khi ấy,
ở Hà Nội vừa khánh thành cái khách sạn dát vàng, nguyên cái toilet nghe nói
cũng đã ngốn mấy cân vàng. Ôi giời, đời cũng chả biết đâu mà lần, giữa cái thú
quận công hay toilet bằng vàng...
Là hôm nọ thấy một ông làm ở một hội VHNT được về hưu, lão hổn hển kể: Như vừa thoát khỏi cái nhà cầu ông ạ. Huhu. Bèn viết bài này... minh họa.
Nhà cháu thì, may mắn, về hưu mấy năm rồi. Và về phát là không quay lại, nhân viên cũ thích thì hẹn nhau ra quán, huhu.
Ảnh nhà cháu chụp trên đường he he. Đây là quận công... nhẹ. Quận công thứ thiệt là... ngồi kia.
Toilet nhà cháu đang dùng trong phòng ở MTVN Củ Chi, he he
1 nhận xét:
!!!
Đăng nhận xét