Theo như tôi nhớ bập bõm mẹ tôi nói khi còn nhỏ, thì cơm tấm là món của con nhà nghèo. Ngoài Bắc có nghề làm hàng xáo, không biết trong Nam gọi là gì. Là những người đi mua lúa về rồi làm thành gạo mang bán, ăn cái thừa cái thãi, chắc chỉ đủ sống, như trấu, cám, và tấm. Gạo nguyên thì mang bán lấy tiền tiếp tục đong lúa về làm. Các bạn trẻ bây giờ chưa chắc đã biết đủ công đoạn làm từ lúa ra gạo thủ công nó thế nào đâu. Nhớ có lần tôi đi giảng bài cho lớp hướng dẫn viên của cái đảo văn hóa dân gian Vinpearl Nam Hội An, nhân viên đa phần là con nông dân trong vùng, nhưng khi hỏi quy trình làm ra hạt gạo thì đa phần... lắc đầu. Bởi bây giờ chủ yếu lái máy ra đồng, lúa đang ràn rạt thế, máy đi tới đâu thành từng bao luôn. Rồi phơi xong thì lại máy xát, đổ lúa vào là ra gạo, gạo sạch tinh luôn. Tôi là con cán bộ, ăn gạo phiếu, nhưng sơ tán về làng thấy bà con làm, rồi ngay ba mẹ tôi khi về hưu cũng trồng lúa ở cái mảnh ruộng con con trước sân, nên có biết. Trước hết là mua lúa. Người trường vốn thì mua từ hồi lúa còn non, khi chín thì chỉ có việc gặt rồi mang về đập, vò, phơi. Thật khô thì xay. Xay ù ù cả đêm. Hồi ấy tôi bé tí, cũng xin đứng vào lòng chị con dâu chủ nhà xay cùng, tay nắm phía trong giằng xay, tay chị ấy phía ngoài, nghe rõ mùi mồ hôi của chị ấy, cảm được hơi thở phập phồng căng nứt cái áo gụ của chị ấy, thi thoảng tóc chị ấy bay cả vào mặt thằng nhóc, và nó... không thơm như tóc bây giờ. Chả biết tại tôi hay tại chị ấy mà đầu tôi thi thoảng lại đụng vào ngực chị ấy. Thời ấy chị em chưa Triumph như bây giờ, mà tự may lấy bằng vải áo bộ đội, rồi còn chần ngang chần dọc cho nó thật dầy, và cứng hơn mo nang, nhọn hơn sừng dê mới nhú, nên áo cứ nhè chỗ ngực ấy mà rách trước...
Xay xong thì sàng, rồi sẩy,
xong rồi cho vào cối giã. Cối thủ công, đứng nhún vào cái cần, nó vọt cối lên
thì thả chân lên, chày hạ xuống lại nhún chân vào. Tôi cũng xin đứng với chị
con dâu chủ nhà, chị ấy thích bỏ xừ vì sẽ nhẹ hơn nhún 1 mình, dù tôi nhún chắc chả
được bao lực. Lại vẫn... ngửi thấy chị ấy. Một lúc nóng thì chị ấy cởi cái áo gụ
ra, bên trong là cái áo lót dệt kim đông xuân cổ tròn tay cộc. Hồi ấy mà có áo ấy
là xịn lắm. Mồ hôi làm màu gụ nhuộm cả vào áo đông xuân trắng của chị ấy, đặc
biệt là nách, nó nâu loang lổ...
Giã xong thì lại còn giần nữa,
vân vân các loại nữa thì mới thành hạt gạo ta ăn. Người làm hàng xáo lại tất tả
dậy sớm gánh gạo đi bán sau khi nấu một nồi cơm tấm cho con cái ăn cả ngày. Khi
về lại là một gánh lúa, lại tiếp tục một đêm xay giã giần sàng để sáng mai lại
gánh đi chợ, cứ như thế họ nuôi chồng nuôi con, ai may mắn còn làm được nhà cửa
dựng vợ gả chồng cho con cái đàng hoàng. Hồi ở Miền Bắc, làm hàng xáo bị coi là
phạm pháp, nên toàn phải làm chui làm nhủi. Hồi ấy sao nhiều cái bị phạm pháp
thế, mổ lợn nhà nuôi, phạm pháp, buôn bán, phạm pháp, nấu rượu, phạm pháp, hủ
hóa, càng phạm pháp, yêu nhau dẫn nhau ra vườn chè nói chuyện là dân quân có
quyền bắt trói gô lại... Thế mà người ta vẫn sống, vẫn sinh con đẻ cái. Tài thật...
Sau này vào Nam, thấy nhan
nhản quán cơm tấm, cơm tấm trở thành đặc sản. Tôi đi ăn cơm tấm về, viết mấy chữ
trên facebok, anh Nguyễn Quý Đại, bạn học với tôi hồi đại học nhưng lớn tuổi
hơn, vì anh đi bộ đội về, giờ đang là TBT của một tờ báo, còm ngay: "Cơm tấm cũng là món khoái khẩu của Quý Đại đấy VCH ơi,
nhưng quả thực giờ kiếm được dĩa cơm tấm ngon chẳng dễ chút nào. Anh đang ở SG,
nơi có nhiều quán cơm tấm nổi tiếng ....nhưng bạn bè nói cơm tấm Kiều Giang là
số 1, trưa nay dừng nhậu để enjoy cơm Tấm vậy, Hà Nội cũng có món này, tuy
nhiên khi ăn xong nên đổi thành cơm Cám"... chứng tỏ cơm tấm giờ là món ăn
thượng thặng rồi, không phải của con nhà nghèo nữa?
Cơm tấm trong ký ức tôi là do mẹ nấu. Thời ấy ở Thanh Hóa nhà
tôi "làm thêm" bằng cách ba tôi đi liên hệ mua nguyên cả ca trấu của
nhà máy xay xát. Ông nguyên là cán bộ lương thực về hưu nên mới mua được cả ca,
chứ người ta bán từng bao. Nguyên một ca tức là toàn bộ trấu của ca máy ấy, chừng
4 tiếng đồng hồ chạy máy, nhiều vô cùng. 2 anh em tôi (chủ yếu là tôi vì 3 năm
cấp 3 em trai tôi ra Ninh Bình học), chui vào đóng bao. Nhà luôn có vô cùng nhiều
các loại bao để đựng trấu. Là lại cũng ba tôi tha thẩn đến các kho lương thực
xin các bao cũ, rách, bỏ đi về. Mẹ tôi ngồi khâu 2, 3 cái lại thành 1, mỗi cái
bao dài đến mấy mét, trông rất dị dạng. Lúc tôi chui như chuột chũi trong cái hầm
trấu nóng như nung và bụi đến không thể mở mắt được để đóng bao thì ba tôi
loanh quanh đâu đấy, lúc về có khi nải chuối, có khi mấy cái bánh rán trên tay,
cho mấy công nhân chạy máy, hihi, thế là họ chỉnh máy cho "thoáng" 1
tí, tấm và cám ra nhiều hơn chút, chứ bình thường chỉ có trấu thôi. Người ngợm
như một cột bụi, trắng phạch từ đầu đến chân. Trấu ấy chở về nhà bằng xe cải tiến
người kéo người đẩy, chất hàng đống. Từ nhà máy xay ở ga Nghĩa Trang về nhà tôi
3 cây số, cứ tôi cầm càng, ba đẩy, ngày này qua ngày khác rồi cũng khuân được
núi trấu ấy về nhà. Mẹ tôi hàng ngày ngồi sàng sảy lại, có khi nhờ mấy bà hàng
xóm rỗi việc cùng làm rồi mời các bà ấy ăn cơm, không nhớ có trả tiền không? Mỗi
tháng, có khi vài tháng mới mua 1 ca, còn mẹ tôi ngày nào cũng ngồi sàng sảy trấu.
Trấu thì vừa đun (bằng lò) vừa đổ thẳng xuống miếng vườn đằng trước- nên trồng
gì cũng tốt kinh khủng, và ba tôi lại có tài tính toán để bán cái gì cũng
được giá bằng cách người ta sắp hết mùa thì ông mới trồng, chủ yếu là cà chua,
bắp cải, xu hào, hành, tỏi... nên khi của nhà tôi thu hoạch được thì người ta hết
hàng bán, thành độc quyền. Mỗi ca như thế về mót lại được chừng dăm chục cân
cám, thực ra là đầu đày nên lợn ăn cứ tít đít lại chả lớn được, gà ăn thì ỉa ta
toàn tấm, và tôi mới hiểu đãi cứt gà lấy tấm là từ đây. Và khoảng dăm cân tấm.
Mẹ tôi nấu cơm tấm từ loại tấm này. Nấu như nấu cơm nếp, tức là nước vừa sôi là
chắt hết luôn, rồi đậy kín vung cho chín. Hoặc ngâm gạo rồi cho vào chõ đồ như
xôi. Khi chín thì phi hành mỡ (rất ít, thời ấy mỡ quý hơn vàng bây giờ) rồi trộn
đều, và ăn, ngon lạ ngon lùng, không cần thức ăn...
Cái thời ấy ăn bột mì là chủ yếu. Mua bột mì theo phiếu lương
thực về ăn bằng mấy cách. Một là nắm lại luộc, ăn nghẹn vô cùng. Hai là cán dẹt
ra rồi lấy dao thái thành sợi, nấu canh với hến cho thêm rau vào, tôi nhớ mẹ
hay băm bầu thành sợi nấu chung, cũng dễ nuốt. Có tiền tí nữa thì chở cả bao
đi, khá xa, làm mì sợi, rồi về cũng nấu đủ loại. Hôm nào có mỡ, cả ba và mẹ
đồng ra nghị quyết thì được làm bữa bánh rán, nhưng mỡ ít nên nó cứ đen
sì. Hoặc nữa làm bánh bao. Cái cục nắm kia thì luộc, còn bánh bao thì mua
thuốc sổ giun trộn vào cho nó xốp rồi cũng nắm thành bánh nhưng rỗng ruột, cho
nhân vào, có thể là đường, khoai lang ninh nhuyễn, hoặc hành phi... rồi hấp bằng
cái vỉ tre... cứ thay đổi thế. Mẹ tôi có nhiệm vụ quan trọng là đêm ngủ nằm
nghĩ xem ngày mai làm món gì từ bột mì. Nhưng như thế vẫn còn sướng, vì chưa phải
ăn bo bo với sắn gạc nai. 2 món sau phải sau 75 mới được nếm...
Đói vậy nên cơm tấm nó huy hoàng trong ký ức tôi là thế. Cơm
tẻ là phải độn, trừ hôm nào có khách, còn cơm tấm đương nhiên là không độn,
sung sướng chưa. Tôi thường lấy thêm 1 thìa mỡ nước rưới vào rồi ăn với muối hạt.
Cái vị thơm, bùi, ngọt... vẫn ám ảnh đến bây giờ...
Vậy nên, giờ ăn cơm tấm nó không chỉ cơm tấm, mà là một vùng
ký ức trỗi dậy, để khi ăn tôi vét đến hạt cuối cùng...
8 nhận xét:
+ Thường thì xát gạo phải qua 3 công đoạn, dù thủ công hay máy móc hiện đại: công đoạn bóc vỏ thóc, công đoạn chà trắng gạo và công đoạn gằng sàng gạo trắng. Công đoạn bóc vỏ thóc thải loại ra trấu, mông mông đầu thóc. Công đoạn chà trắng gạo cho ra gạo trắng và cám. Công đoạn gằng sàng gạo trắng cho ra gạo trắng thành phẩm, tấm, cát sạn lẫn trong gạo.
+ Tấm nấu cơm là hạt tấm có được từ công đoạn gạo trắng sắp thành thành phẩm. Đầu thóc là tí tẹo gạo non trên đầu hạt thóc, chúng bị phun bay ngay theo trấu và lẫn trong trấu.
+ Dạ dày con người thiên về hóa. Tiêu hóa thức ăn bằng phản ứng hóa học. Dịch vị, mật, cân đối tuyệt vời với lượng thức ăn. Sau vài giờ, thức ăn đã mềm như cháo sữa. Một nhu động nhỏ từ dạ dày là xong.
+ Dạ dày gia cầm thiên về lý. Chúng phải ăn thêm cát, sạn để tăng hiệu quả việc nghiền thức ăn. Cái đầu thóc lọt thỏm vào các khe niêm mạc dạ dày (mề), vào thế nào thì theo phân ra thế ấy. Thành ngữ "Đãi cứt gà lấy tấm" vừa chê trách người quê mà không rõ hạt màu trắng trong cứt gà là gì, vừa lên án thói bần tiện, vô tích sự.
Mấy tuần nay lo "khắc phục thiên tai", sức khỏe "xuống" nhiều. Có gì sai sót, bạn đọc và Anh Hùng thứ cho.
HÌ hì cám ơn bác ạ. Vừa sâu sắc vừa lịch lãm giải thích quá trình tiêu hóa của người và... gà Mong bác và bà con ở quê nhanh vượt qua những thử thách từ trời ạ.
+ Xin thêm một ý nhỏ này: Dạ dày trâu bò lại thiên về sính. Trong các túi dạ dày của chúng có vô số ký sinh hữu ích gọi là con nhơi. Trâu bò ăn vội rồi nhẩn nha "ực" lên nhai lại. Sau nhai lại, thức ăn được lũ nhơi tranh nhau ăn và "ỉa" ra phân. Phân này chính là thức ăn nuôi dưỡng trâu bò.
Lưu ý: Trâu bò thường bị tiêu chảy. Nhiều trường hợp chủ nuôi không hiểu chuyện này, cho trâu bò bệnh uống bột cloramphénicol hoặc kananmycin, bệnh tiêu chảy dứt mà lũ nhơi hữu ích cũng không còn. Trâu bò khỏi bệnh nhưng xù lông, gầy còm vì sự tiêu hóa bị đứt gãy, khó khôi phục.
+ Vì thiên về hóa nên dạ dày con người khi tiêu hóa thức ăn sản sinh ra lượng hơi(khí)khá lớn. Vì thế nên việc thải loại hơi khí này ra ngoài được xếp hạng "trung tiện". Bất cứ ai coi thường việc trung tiện đều sẽ bị viêm loét thượng vị, hang vị, xung huyết đại tràng, trực tràng, táo bón và phát sinh búi trĩ.
Đoạn trên bác vừa "xin đứng vào lòng chị chủ nhà" xay gạo thì đoạn dưới bác đã "xin đứng cùng chị con chủ nhà" giã cối làm chị ấy "thích bỏ xừ". Thời ấy bác đã quan hệ rộng ghê. Ahihi...
Ahe he cụ @Hữu Lý nhận xét chuận ạ. Tóm lại đều là... chị ạ.
@Quế Sơn: vẫn là phục cụ ạ.
Đọc bài của anh mà cả một trời ký ức tuổi thơ nhọc nhằn tràn về! Ngậm ngùi, xa xót một thời bao cấp chưa quá xa.
Hihi cám ơn bạn
Đăng nhận xét