Cũng không nhớ bài này nhà thơ Bùi Kim Anh đã đăng ở đâu chưa. Chắc chưa, vì bản chị gửi cho mình vẫn còn lỗi chấm câu, mình vừa thêm mấy nhát vào cuối câu, kiểu viết xong đương nóng hổi gửi ngay cho thằng em, mà thằng em quên béng. Nó được lưu trong Documents từ ngày 4/6/2013, huhu. Em cám ơn chị ạ, bà chị kính mến...
----------------
Thơ VĂN
CÔNG HÙNG
CỞI NGÀY, Bùi Kim Anh bình.
anh khoác nhẹ lên tay mình chiếc lá
mùa thu
trút vào hư vô khoảng ngần mơn man trắng
cởi đến mong manh rụng rời xa vắng
hun hút khát khao
những bông loa kèn vô tư bung hương
mặt trời nín im tâm bão
ngạt nhau câm lặng
những bồi hồi xé rách môi nhau
cởi nguyên cánh rừng mùa đông nôn nao
cởi cạn dòng sông mùa hè thao thiết
mùa xuân cởi nhau cỏ xanh mải miết
chỉ còn mùa thu nắng tan vào mây
còn những con đường giẫm vào bước chân
còn những bình yên bất ngờ nổi bão
còn những niềm tin dịu dàng rát bỏng
còn em, mùa thu cởi nhau
còn em tia cuối ngày hắt vào bóng núi
những đợi chờ không là hư ảo
cởi đêm ra gặp những giấc mơ ngày
cởi vào nhau một chân trời đẫm nhớ…
Pleiku chiều 25/7.
Nhiều nhà thơ
khi viết xong bài thơ đã không chú ý đến việc đặt nhan đề cho bài thơ của mình,
thậm chí nghĩ không ra, bí quá đặt luôn là Vô đề. Tên bài thơ có rất nhiều ý nghĩa. Nó là cảm hứng chủ đạo.
Nó là chủ đề tư tưởng. Nó là hình tượng xuyên suốt…là một rất nhiều khía cạnh
trong ý tưởng của người làm thơ. Còn nữa, nhất là với cuộc sống hiện đại mà vấn
đề tiếp thị, quảng cáo rất cần thiết thì thơ cũng không nên đứng bên ngoài. Thơ
cần đến với bạn đọc không chỉ dừng ở giới văn chương, thậm chí dừng ở những người
làm thơ với nhau. Nhan đề cho bài thơ, cho tập thơ cần quan tâm cả vấn đề này.
Cởi
ngày - một nhan đề thơ hấp dẫn của nhà thơ Văn Công Hùng. Đời thường chẳng
ai nói vậy. Trong thơ, trong những bài thơ đã đọc – hình như chẳng nhà thơ nào
dùng vậy. Một ngày mới, sang ngày, bắt đầu một ngày… lại là Cởi ngày. Một nhan đề thơ ấn tượng. Mới đọc nhan đề đã
muốn cởi ngay bài thơ để được tiếp nhận cảm xúc của Văn Công Hùng trong thơ.
cởi đến mong manh rụng rời xa vắng
hun hút khát khao
Cởi – một động
từ, một động tác vậy mà ở đây lại là cởi đến mong manh. Từ cởi đã là trừu tượng,
là như không như có trong cảm giác, thậm chí như trong ảo giác. Cả bài thơ là
như vậy, hay như Văn Công Hùng viết trút
vào hư vô. Tất cả đều nhẹ nhàng, đều như mơn man, đều đưa vào ta vào khoảng
mơn man của tâm hồn.
Hãy nhìn - anh khoác nhẹ lên tay mình chiếc lá mùa thu…những
bông loa kèn vô tư bung hương…còn em tia cuối ngày hắt vào bóng núi…
Hãy nhận - khoảng ngần mơn man trắng… rụng rời xa vắng/
hun hút khát khao… . Hãy cảm nhận - nín
im tâm bão/ ngạt nhau câm lặng…những bồi hồi xé rách môi
nhau.
Thực và ảo – tả cảnh thực bằng cảm nhận tinh tế
của thơ, của hồn thi nhân. Cứ như vậy đấy, những hình ảnh thực của thiên nhiên
như cánh rừng, dòng sông, con đường…, nhất là những khoảng thời gian 4 mùa xuân, hạ, thu ,đông đến với nhà thơ chỉ
một câu, một thoáng mà như đầy ắp tình tứ, yêu thương. Một từ cởi xuyên thấu thời
gian 4 mùa, xuyên suốt không gian ngày đêm, òa vào bình yên, dịu dàng rát bỏng. Và còn
em mùa thu cởi nhau… Và còn tình yêu cởi
vào nhau một chân trời đẫm nhớ…Anh
và em giao cảm. Con người và thiên nhiên giao cảm. Một chữ cởi thô mộc nối những
cảm xúc trở nên tinh tế, trở nên tình tứ biết bao.
Một bài thơ
tình – là bài thơ cho anh cho em, là bài thơ cho thiên nhiên đất nước, là bài
thơ cho cuộc sống mỗi ngày… Hãy cởi lòng mình mỗi ngày để cảm nhận mỗi ngày bao
điều đến với chúng ta. Nhà thơ và những áng thơ tình mỗi ngày khi bạn đón đọc sẽ
đem đến cho ta bao bình yên giữa cuộc sống bộn bề này...
BÙI KIM ANH
Ảnh by VCH
5 nhận xét:
+Xin Anh cho biết cây hoa có buồng hoa màu trắng tên là hoa gì? Muốn trồng nó thì làm cách nào để có giống. Cách nào mà kẻ giao, người nhận, qui thành tiền, không làm phiền ai cả. Tôi đang tập hợp kỳ hoa dị thảo. Hoa truyền thống chỉ còn giữ lại rất ít.
+"Cởi" là tháo mở cái đã buộc trước đó. Động từ này, tiếng Pháp có đến những 7-8 từ tùy theo ngữ cảnh. Tôi nghĩ, "cởi" Anh Hùng dùng ở đây, là cởi xiêm y. Động từ chính xác là ôter. Trong ái tình, thời khắc tự rũ bỏ xiêm y là lúc hai người yêu nhau hòa vào nhau, trộn vào nhau, tan vào nhau, để, "trút vào hư vô khoảng ngần mơn man trắng", để, "những bông loa kèn vô tư bừng hương", để, "mặt trời nín im tâm bão", để, "ngạt nhau câm lặng", để, "những bổi hổi bồi hồi xé rách môi nhau"...Và, khi "cởi đêm ra, gặp giấc mơ ngày"!
+Từ "cởi" trong "cởi ngày" đúng là trước chưa có ai dùng, mà sau, hiểu nó, cảm nó, dùng nó, có thể nói, hiếm có aitâm đắc mà bỏ bụng, sở hữu nhãn tự này.
+Tìm hiểu và đối chiếu, Chị Bùi Trâm Anh viết những dòng cảm nhận khi đọc "cởi ngày" của VCH lúc tuổi Chị đã 65. Đã 65 thì cái ướt, cái mượt, cái mềm, cái mãnh liệt trong yêu sâu ở Chị khó đẫm cái đẫm ái tình, mặc dù xuân thì, Chị đã viết những câu
thơ thần"Cạn tình vét đến gãy muôi/Ta đem bán cái giời ơi may là", hoặc, "Bắc thang lên chín tầng mây/Chọn bồng bềnh sắc để may áo dài/Tìm người, người đã của ai/Áo dài đành cởi vắt vai về nhà".
+Kính Chị. Kính Anh Trần Mai Hạnh. Quý mến Cháu Trần Mai Anh với chuyện bé Thiện Nhân ăm ắp Phật tâm, Phật tánh!
Tên nó là "Cầm mộc" hoặc là "Trầm thơm" ạ. Cây thân gỗ, họ cỏ roi ngựa (Verbenaceae), tên latinh là Citharexylum spinosum L, hiện được trồng nhiều ở khu du lịch Một thoáng VN ạ. Em cũng không biết nguồn gốc. Rất thơm và sang. Hiện em đang ở Pleiku, mấy hôm nữa em vào lại Củ Chi sẽ hỏi rõ thêm, bác có thể mail cho em để em remail cho bác thông tin ạ.
Rất cám ơn bác cái sự tinh tế khi đọc và bình về... cởi, hihi.
Em sẽ cop phần cm này chuyển chị Bùi Kim Anh ạ (Qua inbox facebook)
Đọc bài nhà thơ Văn Công Hùng đã hay, đọc nhận xét của bác Quế Sơn thấy thêm hay. Cảm ơn nhà thơ Văn Công Hùng, cảm ơn bác Quế Sơn!
Đọc bài nhà thơ Văn Công Hùng đã hay, đọc nhận xét của bác Quế Sơn thấy thêm hay. Cảm ơn nhà thơ Văn Công Hùng, cảm ơn bác Quế Sơn!
Cám ơn bạn ạ
Đăng nhận xét