Thứ Hai, 10 tháng 8, 2020

LẠI THÊM MỘT LẦN GIẬT MÌNH VỚI TIẾNG VIỆT



          Hôm qua tôi post một bài báo lên Web của mình viết về những người đàn bà xứ cát vùng Bình Trị Thiên. Họ đã sống một cách hết sức hợp lý, uyển chuyển, ngoan cường và hòa hợp với cát. Mà vùng ấy không chỉ cát, còn bom đạn bời bời thời chiến tranh. Tôi đã dùng hình ảnh "Hố bom dày như bát úp". Rất nhiều bạn trẻ đã vào comment hỏi là, bát úp là như thế nào, tưởng hố bom thì giống bát... ngửa chứ, bát úp giống cái khác?

          Ừ nhỉ, tôi giật mình.

          Nó là cụm từ một thời hay dùng, để chỉ những gì chi chít, dày đặc. Và thời chiến tranh thì hay chỉ những hố bom sau những đợt rải thảm. Tôi đã đọc một số người  dùng, và tôi cũng đã dùng.

          Nhưng té ra nó... vô lý.

          Những ngọn đồi trung du nằm như bát úp thì đúng, nhưng hố bom thì... chưa đúng. Các bạn trẻ đã phát hiện rất chính xác khi đọc bài của tôi.

          Xong rồi tôi mới lẩn mẩn nhớ, té ra tiếng Việt có rất nhiều cụm từ vô lý như thế, nhưng nói lên ai cũng hiểu, tức là nó lại... hợp lý. Ví như "Con ông cháu cha", "Cao chạy xa bay" vân vân.

          Cái thói quen dùng từ mà không để ý tới tính hợp lý, lô gich, thậm chí là nghĩa, nhiều khi khiến mình phải... giật mình.

          Như có lần tôi giật mình với chính câu thơ của mình: "Tóc em bay ngược cơn gió thổi". Tóc thì chỉ bay xuôi theo chiều gió chứ làm sao mà bay ngược được. Nhưng đã trót làm, trót công bố, nhiều người biết rồi, chả sửa được nữa.

          Cũng như thế, tôi từng có câu thơ "Những cây khộp già đăm chiêu trong chiều vắng". Sau này mới biết, trời ạ, làm gì có cây khộp, mà chỉ có rừng khộp thôi. Là một loại rừng, chứ không phải tên cây. Phải viết đến mấy bài báo cải chính, nhưng câu thơ thì đã chết vào đấy rồi.

          Và một chuyện hết sức thú vị mới được một người Pháp biết tiếng Việt phát hiện ra nữa, mà chúng ta, tiếng Việt làu làu hàng ngày, đọc xong cũng... giật mình. Anh ấy, Menras André, viết như sau:

          "Tiếng Việt thật kỳ diệu. Trong chữ NHẸ vẫn có dấu NẶNG. Trong chữ VỮNG vẫn còn dấu NGÃ. Trong chữ HIỂU vẫn có dấu HỎI. Chữ NGẮN dài hơn chữ DÀI". Ôi giời ơi, tôi đã hét lên: Thú vị quá.

          Chưa hết, anh ấy tổng kết tiếp:

          "Sung sướng có 9 chữ thì gian truân cũng thế.
          Hạnh phúc có 8 chữ thì bi thương cũng thế.
          Tình yêu có 7 chữ thì phản bội cũng thế.
          Sự thật có 6 chữ thì gian dối cũng thế.
          Bạn bè có 5 chữ thì kẻ thù cũng thế.
          Cười có 4 chữ thì khóc cũng thế.
          Yêu có 3 chữ thì hận cũng thế.
          Ta có 2 chữ thì cũng thế".

          Chúng ta, những người nói rất rành, rất sõi tiếng Việt, viết cũng thế, nhưng đã mấy ai chịu khó nghĩ tới những điều thú vị ấy của tiếng Việt chúng ta. Và qua đấy cũng thấy, cái cách chúng ta học ngoại ngữ nó cũng lớt chớt, để nhiều người học xong đại học ngoại ngữ hẳn hoi nhưng gặp Tây bản địa là nói chuyện bằng cách... mỏi hết cả người. Còn chứng chỉ ngoại ngữ A, B nhan nhản một thời thì giờ người ta cũng không thèm lục ra nữa. Trong khi người nước ngoài chịu khó tìm hiểu tiếng Việt kỹ đến như thế.

          Mới nhất nữa, khá nhiều người Đà Nẵng phản ứng với cách gọi "ổ dịch Đà Nẵng". Họ cho rằng, Đà Nẵng cũng là nơi bị dịch tấn công, là nạn nhân, nếu gọi "ổ dịch Đà Nẵng" thì tức là do Đà Nẵng gây ra dịch, là người Đà Nẵng tạo ra hay phát tán virus.

          Rõ ràng là, không thể đùa, không thể xuê xoa, đại khái với tiếng Việt, tiếng Việt mà nhà thơ tài hoa Lưu Quang Vũ đã thốt lên "Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình"...
                  
         Như thường lệ, bài đăng trên Reatimes, sáng thứ 2 hàng tuần, ở đây ạ 

Ảnh kèm bài: Thơ nhà cháu được lấy ra đề thi môn Thi pháp học của đại học Huế, he he, một bạn ngồi làm bài xong sớm bèn chụp lại tố khổ.

                                               

7 nhận xét:

Quế Sơn nói...

Tham gia chuyện chữ nghĩa cùng Anh VCH và bạn đọc cho vui:
+Trong bài 'Những người đàn bà xứ cát', Anh Hùng viết"và lấp ló giữa những tàng lá dương là biển".'Ló'là động từ trỏ chỉ việc hiển lộ ra của sự vật không lớn."Hắn ló mặt", "mặt trời ló ra khỏi đám mây đen"... Biển thì không dùng "ló" được vì biển nó ...mông mênh. Thêm nữa, trong tiếng Việt, từ láy có bộ phận vần "ẤP" trước nó, sẽ có nghĩa trái với nghĩa của từ liền sau. Lập lòe=> lóa sáng rồi khép lại( chu kỳ). Mập mờ=> không rõ ràng rồi tối lại(chu kỳ). Lấp ló=> hiển lộ rồi mất dạng (chu kỳ)...Anh dùng 'lấp ló' khi diễn đạt thì dễ hiểu nhưng giãi đãi. Thay 'lấp ló' bằng 'thấp thoáng', theo tôi, có thể chỉnh chu hơn.
+Đất nước từng là chiến địa, nhưng qua các nhà thơ, Ngô Văn Phú, Lâm Thị Mỹ Dạ, Phạm Tiến Duật, Yến Thanh -Nguyễn Thanh Bính..., không thấy mô tả "hố bom như những cái bát ngửa". Mô tả như thế hình như có cái gì đó thiếu nghiêm ngắn, phản cảm trước sự hy sinh, trước sự ác liệt khủng khiếp của chiến tranh. Phê phán việc mô tả" bát úp" là không chính xác, không đồng nghĩa với ý tưởng khuyến khích dùng "bát ngửa" sẽ đúng hơn.
+Những tìm tòi, phát hiện về dấu thanh, số mẫu tự trong chữ Việt, tiếng Việt của Anh Hồ Cương Quyết chỉ là góp vui. Có thể khẳng định, đến nay, tiếng Việt là ngôn ngữ tuyệt vời, thừa sức đáp ứng yêu cầu trong quảng diễn thông tin mọi lĩnh vực: văn học, khoa học...
+Một ví dụ về sự tùy tiện của ngôn ngữ Pháp, tiếng mẹ Anh Hồ Cương Quyết:
Construire là xây dựng nhưng détruire lại là phá bỏ; ami là bạn thân nhưng ennemi lại là kẻ thù; constitutionnellement là một cách hợp hiến nhưng anticonstitutionnellement lại là một cách phản lại hiến pháp...

Văn Công Hùng nói...

Lại lạy cụ, thông thái vừa thôi cho làng nước theo với ạ.

Quế Sơn nói...

+'Bình minh nhất trản trà', ghé hiên Anh Hùng, anh em mình cùng nhâm nhi chén trà nóng, chuyện trò tí tí cho vui. Đừng phiền nghen.
+Hồi trẻ, say máu, xuống đường gào hòa bình, dân sinh, dân chủ, tôi khoái câu nói của mục sư Luther King:"Bi kịch lớn nhất không phải áp bức và tàn ác của kẻ xấu mà chính là sự im lặng của người tốt". Bây giờ, gần mép lổ rồi, tôi vẫn thấy ứng khẩu của Ông ấy đúng, rất đúng. Còn những Anh, những tôi, những Nguyễn Duy (Ngọn cỏ nhọn thành gai mà tránh không khỏi úa), nghĩ cho cùng, chúng ta hèn; tự nhận vậy dễ nghe hơn là tự an ủi, ta thuộc nhóm người tử tế. Đã sống hèn thì tử tế cái con mẹ gì. Phải không Anh?
+Anh Chung "con" không hèn khi ngoáy vội mấy dòng chữ chân thực cam kết không truy cứu hình sự với nhân dân bất thuần Đồng Tâm để giải cứu số CSCĐ đang bị giữ chân. Anh Chung "con" không hèn khi có ý kiến Không đồng tình phương án trấn áp bạo lực súng đạn với bà con Đồng Tâm. Anh Chung "con" không hèn khi miệng nói tay làm trong trấn áp tội phạm, trong phòng chống cô-vít 19. Nhưng, lại xuất hiện từ 'nhưng' khốn nạn này, Anh Chung "con" lại hèn khi đồng thuận tự làm vô giá trị chữ ký cam kết của mình, Anh Chung "con" lại hèn khi 'mũ ni che tai' trước vụ súng nổ đạn rền ở Mỹ Dức, một huyện thuộc TP Hà Nôi, thành phố Hòa Bình của anh. Anh Chung "con" phải hèn khi âm thầm dính vào tham nhũng, ô dù gian thương buôn bán. Và, nhỡ chọn "không hèn" thì dù "có hèn" cũng chết!
+Khá khen những chú "quỉ ngủ cây" Võ Kim Cự, Tất Thành Cang, Lê Viết Chữ...
+Ngẫm, biết chọn cách sống thế nào bây giờ khi quanh ta, một xã hội dữ dằn, dữ dội, người ma, ma người. Gõ mấy dòng. Uống ngụm trà...đã nguội, để bớt đi cảm giác xấu hổ, sống mòn, sống hèn...

Văn Công Hùng nói...

Hihi lại lạy cụ ạ.

Nặc danh nói...

Góp thêm tí cho vui về tiếng Việt. Ai cũng biết chữ '' thắng ''và chữ '' bại '' là 2 chữ phản nghĩa nhau. Vậy mà bây giờ người ta dùng chữ nào trong 1 câu thấy cũng được. Thí dụ : Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Dằng, thì cũng có thể viết '' đánh bại '' thay từ '' đánh thắng '' cũng được !
- Phản hồi của cụ Quế Sơn hay quá ! Thưa Cụ, kẻ sĩ ngày nay biết hết chyện thời cuộc, nhưng ( nói thật mất lòng )phần đông trong số họ không lên tiếng vì sợ đủ thứ. Và họ cũng chẳng bao giờ dám thú nhận '' hèn '' như Cụ đâu ! Vài lời làm quen. Chúc Cụ an vui.

Quang Lập nói...

Menras André có phải Hồ Cương Quyết ko?

Nặc danh nói...

Tả hố bom dày như bát úp mà cũng viết được!
Con ông cháu cha là thành ngữ phản ánh đúng sự thật. Anh VCH k hiểu thật sao? Cao chạy xa bay cũng vậy, nó k cóa gì vô lý hoặc khó hiểu