Giờ chúng ta đang
có cụm từ khá thú vị, là tự diễn biến. Quả là tôi không nghĩ sâu xa xem bản
thân cụm từ ấy nó nội hàm như thế nào, định chỉ điều gì, nhưng xin kể chuyện tự
mình từ nghề của mình, bởi nhiều lúc tôi tự nghĩ, có khi mình cũng... tự diễn
biến.
Cách đây tầm ba chục
năm, hòa trong niềm vui hồ hởi phấn khởi của những đại công trường mở ra, tôi
là một trong những người hăm hở đến băm bổ hân hoan viết về sự kiện làm công
trình thủy điện Ia Ly. Từ chuyện ông bí thư tỉnh Kon Tum Sô Lây Tăng, người Jẻ
tuyên bố sẽ đóng khố đi họp quốc hội nếu trung ương không quyết cho làm Ia Ly,
đến chuyện bà Y Một, phó bí thư tỉnh ủy Gia Lai Kon Tum được giao "đối ngoại"
với đại sứ Liên Xô Saplin như thế nào khi ông lên thăm Gia Lai Kon Tum, để thuyết
phục ông báo cáo về nước viện trợ cho Việt Nam làm Ia Ly. Từ chuyện ca ngợi cái
thị trấn Ia Ly vốn là vùng heo hút thăm thẳm rừng, giờ thành đại công trường có
lúc tới 25 ngàn công nhân, ngoài phố có gì ở đấy có nấy, thậm chí là... phong
phú hơn, tới chuyện ngồi cùng xe ô tô với ông bộ trưởng Xây dựng thời ấy đi khảo
sát lòng hồ, khi anh em nhà báo xúm vào ca ngợi tiến độ công trường thì ông thở
dài, các cậu chả biết đâu, đời xây dựng nó khổ lắm, phía sau tiến độ là số phận
hàng vạn con người đấy. Giờ đã có bộ phận ngồi tính xong đây đi làm đâu rồi.
Xong rồi mà không có công trình nào mở ra nữa là đói, hàng vạn con người làm
gì? Tôi về bắt cái tít rất thích "Đằng sau tiến độ là số phận con người"
cho một bài báo cũng rất thích, đăng báo Văn hóa. Báo ra buổi sáng buổi chiều
ông gọi điện đến tòa soạn phản ứng, bảo tôi có nói thế đâu, đề nghị xử lý phóng
viên bịa tạc. Tòa soạn nhốn nháo. Tổng biên tập gọi điện yêu cầu tôi gửi băng
ghi âm. Đời tôi tới giờ, viết hàng vài ngàn bài báo các loại, chưa bao giờ ghi
âm, thậm chí cả ghi chép, huống gì ngồi trên xe nói chuyện. Rồi ông lại nhờ một
anh bạn ông ở báo LĐ viết bài phản bác, "trị cho thằng ấy một trận".
Anh nhà báo này lại cũng chơi với tôi, đọc xong bài của tôi cười: Nó ca ngợi
ông đến thế ông còn kiện cáo gì? Thế là thôi.
Tức là hồi ấy tôi
cũng đứng vào dàn hòa ca ca ngợi thủy điện, ca ngợi vàng trắng, ca ngợi năng lượng
sạch vân vân và vân vân.
Nhưng quả là, cái
thời ấy người ta làm cái thủy điện Ia Ly kỹ lưỡng thật. Tất nhiên nó đi cùng tốn
kém. Nguyên việc cái hội đồng khoa học quốc gia liên tục họp tại công trường đã
kinh rồi, đi vào đi ra đón rước rình rang lắm. Rồi thường xuyên nghiệm thu các
hạng mục, giao ban tại công trường, hàng đoàn cán bộ khoa học như con thoi đi lại...
Sau
đấy đến phong trào người người thủy điện, nhà nhà thủy điện thì tôi bắt đầu...
tự diễn biến, thấy mối rất nguy hiểm của thủy điện, khi mà có cả những chị buôn
hàng xén cũng nhảy vào làm thủy điện, có cái ô tô chở cát đâm vào cũng vỡ đập,
có người chưa phân biệt điện 220 với 110, chưa biết Roto với Stato khác nhau
như thế nào cũng hăm hở đầu tư làm thủy điện (tôi cũng không phân biệt được
nhưng không mần thủy điện), kết quả là đập vỡ lia chia, rừng phá tàn tệ, môi
trường cạn kiệt vân vân... và đã viết nhiều bài phản đối, phân tích cái hại nhiều
hơn cái lợi rất nhiều. Những khúc sông bị băm nát vì thủy điện, dòng chảy bị nắn,
những khu rừng nguyên sinh "hy sinh" cho thủy điện, môi trường bị biến
đổi. Thậm chí cả những thị xã như thị xã An Khê khô khát, sông Ba qua đây bị cạn
trơ đáy cho dù trước đấy nó từng là con sông rất hung hãn. Đơn giản vì để làm
thủy điện An Khê Ka Nak người ta đã... nắn dòng, xả nước sông Ba vào sông Côn
khiến sông Ba đoạn An Khê trơ đáy. Rồi những khu dân cư ở dưới hạ lưu cứ nơm nớp
vì quả bom nước ở trên đầu. Và thực tế đã có người chết, cây cối hoa màu bị cuốn
trôi rất nhiều vì thủy điện xả lũ để bảo vệ đập chứ chưa kể vỡ đập...
May
mắn tới giờ, phong trào thủy điện đã xẹp đi, sau khi ở ngay 2 tỉnh Gia Lai và
Kon Tum xảy ra mấy vụ vỡ đập, trong đấy có vụ rất buồn cười đã nhắc ở trên, là
do ô tô... va vào thân đập.
Thì cũng tận chục năm gần đây mới biết rằng, vỏ
quả đất dẫu dày mấy thì nó cũng có giới hạn của nó. Chưa kể, phá rừng để làm thủy
điện thì lũ lụt là cái chắc. Giờ, cũng mới nghiệm ra rằng, Tây nguyên, và rừng,
chính là cái bể ngầm khổng lồ để chứa nước cho toàn bộ đồng bằng, nó đúng đến
như thế nào. Cái bể nó hỏng thì, nước cứ thế tràn xuống vô tư, gây lũ lụt. Và
nó không chứa nữa, thì đến mùa khô, sẽ hạn đến cháy đất. Thế thôi...
Thế
tức là tôi đã... tự diễn biến, nghĩ lại về thủy điện, không phải bây giờ ạ, mà
cả từ hơn chục năm trước. Ơ thế té ra, tự diễn biến cũng có mặt tích cực của
nó, phỏng ạ? Nguy nhất là không còn khả năng tự nhận thức và thay đổi nhận thức
theo đúng lô gich đời sống?
Trước cửa hầm nhà máy thủy điện Ialy thời... không nhớ. |
2 nhận xét:
Chính xác, nơi và người chọn dùng động từ 'tự diễn biến'đã suy tận nghĩ cùng. Nhưng ở đời có những điều dù đã 'thận chung truy viễn'cũng đành bó tay, đành...ngụy biện.
Hiện thực khách quan như thế nào, não bộ con người phải khiển để chọn lựa hành xử như thế ấy, một cách tối ưu nhất, hợp với cái đang diễn ra trước mắt. Đó là qui luật, là khoa học. Cộng Việt hôm nay không còn là Việt Minh của những năm tháng tuyệt vời khởi đầu cuộc kháng Pháp. Cộng Việt hôm nay chỉ thoạt nghe mệnh lệnh 'cho không lấy-thấy không xin'trong quân đội suốt dọc dài kháng chiến đã lạ lẫm, khó hiểu rồi. Trên xuống, dưới lên, mọi cấp, mọi ngành, không tham nhũng, không vơ vét mới là chuyện lạ. 4/5 thời gian lo quốc sự dành hết cho vá, chắp, bù , lấp hậu quả của quốc nạn'nghiện tiền vàng'gây ra. Làng Thủ tướng Phúc cách làng nhà văn Nguyên Ngọc chưa tròn một giờ xe ôm. Thế nhưng, vừa mới tức thì đây, Thủ tướng Phúc ngậm ngùi tiếc thương nhà văn Nguyễn Trung Thành cùng bao văn nghệ sĩ khác đã "anh dũng hy sinh"!
Hiện thực khách quan đã như thế, như thế, như thế.
Dân Việt, phải công bằng mà nói là rất thuần hậu và tử tế. Họ 'tự diễn biến' mà chưa 'bão nổi lên rồi'đã là một hành xử từ tốn, chọn lựa, nhân văn lắm lắm rồi!
Hihi cám ơn cụ, một cm rất thâm thúy.
Đăng nhận xét